Những câu chuyện trong dải ngân hà…

Cuốn Đại Việt Sử ký Toàn Thư liệt kê hàng trăm hiện tượng bất thường xảy ra trên bầu trời trong 12 thế kỷ, bắt đầu từ thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên. Sao băng, sao chổi, sao siêu mới cùng nhật thực và nguyệt thực đã được ghi chép trong sách. Sử kể rằng năm thứ nhất triều Quang Thuận đời vua Lê Thánh Tông (năm 1460) có một ngôi sao mới đột ngột xuất hiện trong chòm sao Cự Tước.

Ngành thiên văn học – một ngành khoa học còn khá non trẻ ở Việt Nam trong khi thế giới đã có những khám phá và sự phát triển vượt bậc từ nửa sau của thế ký 20. Rất nhiều người say mê bầu trời đêm, cũng như rất nhiều người yêu thích và tự tìm hiểu về những ngôi sao lấp lánh đã từ bao nhiêu nghìn năm qua ; thế nhưng, rất ít người chọn con đường thiên văn học cho con đường kiến thức bài bản lẫn sự nghiệp lâu dài của mình. Vậy mà trong rất ít người trên thế giới chọn thiên văn như nghề-nghiệp của mình, lại có tên tuổi của một người Việt Nam – đó là nhà vật lý thiên văn học Nguyễn Quang Riệu, hiện đang sinh sống tại Pháp.

Nguyễn Quang Riệu tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Sorbonne (Paris), sau đó làm việc ở vị trí giám đốc nghiên cứu tại Đài thiên văn Paris, Giám đốc Nghiên cứu Danh dự (Emeritus) của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS). Ông đã có trên 150 công trình khoa học về vật lý thiên văn đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Ông đặc biệt say mê tìm hiểu văn hóa, giáo dục, từ đó đã viết nhiều bài viết lẫn sách bằng tiếng nước ngoài và tiếng Việt để đưa kiến thức thiên văn học đến với mọi người, qua nhiều góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau.

Năm 1973, ông đã được nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp sau khi phát hiện và xác định chính xác vị trí xảy ra vụ nổ trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus X3).

***

Ông là người con đầu trong một gia đình có ba anh em trai. Cả ba anh em đều trở thành những nhà nghiên cứu khoa học tên tuổi, uy tín, với nhiều giải thưởng danh giá. Họ đều đã đóng góp rất nhiều để đưa những lĩnh vực và kiến thức khoa học của thế giới về đến Việt Nam. Cụ thể, khi biết có sự kiện nhật thực toàn phần vào ngày 25 tháng 10 năm 1995 tại Việt Nam, ông đã vận động Bộ Ngoại giao Pháp cấp kinh phí để ông tổ chức chuyến đi cùng các nhà khoa học đến Phan Thiết quan sát và mua thiết bị thiên văn, sau đó ông đã tặng lại toàn bộ thiết bị này cho Đại học Quốc gia Hà Nội và Đài Thiên văn Phủ Liễn để sử dụng cho học tập, công việc. Trong nhiều năm, ông thường xuyên về nước để tổ chức lớp học về Vật lí Vũ trụ và Vật lí Môi trường tại Đại học Quốc gia Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác giữa Đài Thiên văn Paris, Đại học Pierre và Marie Curie (Paris 6) và Đại học Quốc gia Hà Nội. Chương trình hợp tác này cũng nhờ ông khởi xướng và kết nối các bên, nhằm tạo ra môi trường trao đổi kiến thức tốt nhất cho ngành thiên văn học tại Việt Nam. Bên cạnh đó, ông cũng mời các nhà khoa học đầu ngành nước ngoài cùng về giảng cho những cán bộ nghiên cứu và giảng dạy của các trường đại học và các viện khoa học trong nước.

***

Đầu xuân gặp ông tại nhà riêng, ông đầy nhiệt tình và kể những câu chuyện thật hay về vũ trụ. Cuộc gặp gỡ đầu năm đem lại những ước vọng và giấc mơ về dải ngân hà cho những ai được nghe GS. Nguyễn Quang Riệu kể chuyện, mà ước mong cao nhất của ông và của chúng tôi vẫn là : Sẽ luôn có những người trẻ Việt Nam dấn bước vào con đường lấp lánh hàng vạn ngôi sao này, với lòng bền bỉ và say mê không ngừng.

Chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả nội dung của buổi trò chuyện rất bổ ích và thú vị này – trong đó, độc giả sẽ được gặp không chỉ nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu, mà còn là một tâm hồn yêu văn học nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung, một tư duy sư phạm tài năng trong việc phổ biến, giải thích những kiến thức thiên văn chuyên sâu theo cách rất dễ hiểu và ấn tượng. 


Trích bài phỏng vấn đã đăng trên Đoàn Kết Xuân 2/2018. 

(…)

ĐK : Trong sự nghiệp nghiên cứu thiên văn của mình, ông vui và tự hào nhất về những kỷ niệm, thành tựu gì?

Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu: Làm khoa học cần có óc sáng tạo và kiên trì. Ngoài một số trường hợp đặc biệt, những thành tựu thiên văn đều là do công sức của toàn thể thành viên trong nhóm. Những khám phá có tầm cỡ cần phải có sự tham gia của cả những thành viên kỹ thuật. Sự phát hiện những hiện tượng xảy ra trong Vũ trụ đôi khi cũng được dựa trên lý thuyết của những bậc tiền bối. Khám phá Vũ trụ là một niềm vui của những nhà thiên văn,  

Tôi rất may mắn được công tác tại đài thiên văn Paris, một cơ quan có đủ tiện nghi kỹ thuật cho công việc khảo cứu. Phòng thí nghiệm thiên văn vô tuyến Paris còn là nơi gặp gỡ và cộng tác với các nhả thiên văn nước ngoài. Cộng đồng các nhà thiên văn không có biên giới. Những kính viễn vọng lớn xây đây đó trên toàn cầu là những công cụ quan sát dành cho cộng đồng các nhà thiên văn trên thế giới. Tôi rất phấn khởi và vui thích đã được trao đổi và cộng tác với đồng nghiệp nước ngoài. Là một nhà thiên văn vô tuyến, tôi lắng nghe những tiếng thì thầm chứa đầy thông tín qúy giá phát ra từ vũ trụ. Những chuyến đi xa để quan sát bầu trời là dịp để được sử dụng những kính thiên văn tối tân trên thế giới. Đây cũng là dịp để được đi chu du thiên hạ và thưởng thức vẻ đẹp của hành tinh trái đất của chúng ta.  

.

ĐK : GS đã viết nhiều quyển sách rất hay, vô cùng thú vị và dễ hiểu, với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức về thiên văn của mình đến độc giả. Trong số đó, có quyển « Sông Ngân khi tỏ khi mờ », được biết ông đặt tựa sách lấy cảm hứng từ bài thơ « Chinh phụ ngâm » của Đặng Trần Côn. GS có thể chia sẻ thêm câu chuyện thiên văn thú vị về đoạn thơ này không?

bài phỏng vấn NQR - ĐK-page-003 (2)Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu: Phổ biến khoa học là trình bầy những khái niệm đôi khi phức tạp để đa số độc giả không chuyên ngành có thể hiểu được, Sách phổ biến thiên văn viết bằng tiếng nước ngoài đã được xuất bản rất nhiều. Trên hơn nửa thế kỷ công tác ở hải ngoại, tôi đã quyết tâm viết sách bằng tiếng Việt dành riêng cho độc giả trong nước Tôi đã nhắc nhở đến những điển tích để minh hoạ những sự kiện thiên văn mà các nhà thơ đã đề cập tới từ thời xa xưa. Những thi sĩ nổi tiếng đời Đường như Lý Bạch cũng đã tìm cảm hứng từ những hiện tượng trên bầu trời. Trong Chinh Phụ Ngâm của thi sĩ Đặng Trần Côn có những câu thơ mượn cảnh bầu trời để mô tả tâm tình của người chinh phụ cô đơn. 

« Ngửa trông xem vẻ thiên chương thẫn thờ.

Bóng Ngân hà khi mờ khi tỏ… »

Người chinh phụ còn ví thân phận hẩm hiu của mình với cặp sao Sâm-Thương luôn bị chia rẽ.

«Xưa sao hình ảnh chẳng rời,

Bây giờ nỡ để cách vời Sâm Thương

Hai thiên thể này thường được gọi là Sao Hôm và Sao Mai, nhưng thực ra cả hai chỉ cùng là một hành tinh trong hệ mặt trời, hành tinh Kim. Khi xuất hiện vào buổi hoàng hôn thì được gọi là “Sao Hôm”, khi mọc vào buổi bình minh thì được goi là “Sao Mai”. Xưa kia, Sao Hôm và Sao Mai được coi là hai ngôi sao riêng biệt không gặp được nhau.

ĐK : Trong quyển « Sông Ngân khi tỏ khi mờ », ông đã kể về một kỷ niệm thời niên thiếu rất đẹp liên quan thiên văn trong dân gian, đặc biệt khi chính kỷ niệm ấy là niềm cảm hứng để ông chọn ngành thiên văn theo đuổi cả đời. Ông có thể chia sẻ kỷ niệm này không?

Hiện tượng thiên văn học cổ xưa nhất của Việt Nam đã được ghi nhận như thế nào, trong tài liệu nào?

Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu: Tôi sinh trưởng tại Hải Phòng, thành phố Cảng đỏ rực hoa phượng vĩ mùa hè. Tôi đã chứng kiến những giờ đầu của cuộc chiến tranh Pháp-Việt vào mùa đông năm 1946. Buổi sáng tinh sương cùng với gia đình, chúng tôi phải rời Hải Phòng đến vùng ngoại ô. Chúng tôi tạm trú ở chân đồi Đài Thiên văn Phủ Liễn ở Kiến An trước khi lên đường để tạm cư ở vùng Quảng Ninh không xa Vịnh Hạ Long. Xưa kia chúng tôi cũng đã được gia đình dẫn lên chơi đồi Phủ Liễn. Trong thời gian ở vùng nông thôn, chúng tôi tham gia làm công tác nông nghiệp và được các nhà nông kể những câu chuyện về quang cảnh bầu trời thay đổi từng mùa. Đến mùa lúa chín, hình vua Thần Nông trên bầu trời tượng trưng bởi một số sao dường như cũng cúi xuống để gặt lúa.

Việt Nam cũng đã có những hoạt động quan sát bầu trời, chủ yếu để phục vụ ngành chiêm tinh. Các nhà chiêm tinh vốn cho rằng số mệnh của con người trên Trái Đất phụ thuộc vào những sự kiện xảy ra trên bầu trời. Đôi khi sự quan sát tỉ mỉ bầu trời cũng lại hữu ích cho thiên văn học. Những ngôi sao lớn tiêu thụ nhanh nhiên liệu hydro và cuối cùng nổ tung trong không gian, trở nên sáng chói trên bầu trời trong hàng tháng trời.

Các ngôi sao phù du sáng chói này được các nhà thiên văn gọi là « sao siêu mới ». Các nhà thiên văn Việt Nam cũng đã từng quan sát được hiện tượng này.

Cuốn Đại Việt Sử ký Toàn Thư liệt kê hàng trăm hiện tượng bất thường xảy ra trên bầu trời trong 12 thế kỷ, bắt đầu từ thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên. Sao băng, sao chổi, sao siêu mới cùng nhật thực và nguyệt thực đã được ghi chép trong sách. Sử kể rằng năm thứ nhất triều Quang Thuận đời vua Lê Thánh Tông (năm 1460) có một ngôi sao mới đột ngột xuất hiện trong chòm sao Cự Tước.

Ở các nước láng giềng, một vụ nổ siêu sao mới cũng đã được các nhà thiên văn Trung Quốc và Nhật Bản phát hiện năm 1054 trong chòm sao Kim Ngưu. Vụ nổ này sáng đến nỗi có thể nhìn thấy ban ngày trong suốt ba tuần lễ. Vụ nổ đã để lại một tàn dư mà các nhà thiên văn vẫn còn quan sát thấy ngày nay trong kính viễn vọng.

 .

ĐK : Là nhà khoa học khảo cứu thiên văn học vô tuyến, GS còn nghiên cứu nhiều về văn hóa phương Đông, đặc biệt là chiêm tinh học và phong thủy, điều đó có thể thấy trong quyển « Sông Ngân khi tỏ khi mờ ». Xin GS cho biết ý kiến của mình về việc này ở vị trí của một nhà thiên văn học.

Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu: Chiêm tinh học thịnh hành từ lâu ở cả phương Đông lẫn phương Tây. Chiêm tinh dựa trên vị trí của những hành tinh để dự đoán những sự kiện có khả năng xảy ra trên trái đất, Vận mệnh con người ̣được gắn liền với những thiên thể.

Tuy nhiên, chiêm tinh học cũng như thuyết phong thủy không dựa trên cơ sở khoa học mà chỉ chú ý đến vị trí của những thiên thể gần gũi như Mặt trời và các hành tinh trong hệ mặt trời cũng những sự kiện như nhật thực, nguyệt thực và sao chổi. Chiêm tinh không sử dụng những khái niệm vật lý cơ bản phổ biến trong Vũ trụ, như tác động của từ trường hay lực hấp dẫn của Newton và Einstein.

Về mặt khoa học, ngành chiêm tinh và thuyết phong thủy chưa được coi là có ảnh hưởng đến đời sống con người trên Trái đất.

.

ĐK : Hẳn GS đã biết Giải Nobel Vật lý 2017 đã dành cho công trình phát hiện ra sóng hấp dẫn từ vũ trụ. Albert Einstein từng đưa ra giả thuyết về sóng hấp dẫn, nhưng ông cho rằng nhân loại sẽ không thể phát hiện ra bởi sự co giãn các vật thể do tác động cuả sóng hấp dẫn là cực kỳ nhỏ. Với phát hiện này về sóng hấp dẫn, GS có ý kiến gì không?

Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu: Trong số những lực chi phối trong Vũ trụ, lực hấp dẫn là phổ biến nhất.

Theo thuyết Einstein, những thiên thể đặc và có trường hấp dẫn mạnh, phát ra sóng hấp dẫn khi di chuyển trong « không-thời gian », tương tự như những gợn sóng lướt trên mặt hồ. (Trong thuyết tương đối của Einstein không gian và thời gian gắn liền với nhau thành không-thời gian). Vũ trụ sơ sinh sau Big Bang cũng phát ra sóng hấp dẫn. 

Những lý thuyết trong khoa học thường được công nhận sau khi được kiểm tra bằng những kết quả quan sát thực nghiệm. Các nhà thiên văn sử dụng những công cụ quan sát hiện đại đã phát hiện được những hiện tượng, kể cả sóng hấp dẫn, tiên đoán từ thuyết tương đối của Einstein. Sóng hấp dẫn làm co giãn các vật thể, nhưng biên độ của sự co giãn là cực kỳ nhỏ. Do đó, các nhà thiên văn phải kiên trì chờ đợi để làm ra thiết bị tinh vi mới quan sát được sóng hấp dẫn. Sự phát hiện sóng hấp dẫn là một thành tựu vô cùng quan trọng trong lĩnh vực vật lý thiên văn.

(…)

ĐK : Theo đánh giá của nhiều người, Việt Nam có ngành thiên văn học chỉ đứng trên Lào và Campuchia, ngoài ra thì xếp sau tất cả các nước. Không biết đánh giá này chuẩn xác như thế nào, nhưng xin GS chia sẻ về những mong muốn của mình đối với ngành thiên văn học ở Việt Nam.

Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu:  Ở các nước vùng Châu Á,  hiện nay chỉ có Nhật Bản là quốc gia có ngành thiên văn phát triển ngang với các nước Châu Âu và Châu Mỹ. Ngoài những kính viễn vọng khổng lồ đặt trên mặt đất, còn có những kính phóng lên không gian để tránh sự hấp thụ của khí quyển. Trung Quốc bắt đầu xây kính thiên văn vô tuyến cỡ lớn. Đài Loan cũng có một đội ngũ các nhà thiên văn năng động. Việt Nam và những nước láng giềng chưa đủ điều kiện xây những thiết bị thiên văn lớn và hãy còn thiếu chuyên gia. Tôi hy vọng ngành thiên văn hãy còn non trẻ tại Việt Nam sẽ nhanh chóng phát triển để các nhà khoa học trong nước có dịp sánh vai với các đồng nghiệp nước ngoài.

.

ĐK : Từ nhiều năm qua, nhiều đầu sách của GS đã cho thấy tư duy về phương pháp sư phạm theo quan điểm ứng dụng, hiệu quả. Theo đó, GS đã viết rất nhiều sách về thiên văn học với phong cách kết hợp thể loại tùy bút văn hóa Đông-Tây, cung cấp thông tin thiên văn chính xác để độc giả có thể học hỏi hoặc cập nhật dễ dàng, và vừa theo lối hài hước, thú vị như đang kể chuyện. GS có thể chia sẻ thêm về điều này không ?

Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu: Quan sát bầu trời là một truyền thống lâu đời tại Việt Nam. Tuy những kết quả quan sát xưa kia chủ yếu chỉ để phục vụ ngành chiêm tinh nhưng cũng bổ ích cho ngành thiên văn ngày nay. Tàn dư của những vụ sao nổ phát hiện từ thời xa xưa là những mục tiêu quan sát của các nhà thiên văn thời nay.  Tôi coi phổ biến khoa học bằng tiếng mẹ đẻ là một nhiệm vụ thích thú. Phổ biến những khái niệm thuần tuý khoa học nhưng phải để độc giả hấp thụ được là công việc của một nhà khoa học.

Tôi xin trân trọng cảm ơn các độc giả đã dành thời gian đọc những cuốn sách thiên văn. Đó cũng là sự khích lệ để phổ biến rộng rãi những kiến thức khoa học trong công trình khám phá Vũ trụ.

Những đầu sách đã xuất bản của Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu :

  • Vũ trụ phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại (NXB Giáo dục, 1996)
  • Lang thang trên dải Ngân Hà (NXB Văn hóa Thông tin, 1996)
  • Sông Ngân khi tỏ khi mờ (NXB Văn hoá Thôbg tin, 1998)
  • Bầu trời tuổi thơ (NXB Giáo dục, 2002)
  • Vũ trụ huyền diệu (NXB Thanh Niên, 2008)

bài phỏng vấn NQR - ĐK-page-005 (2)

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

1 Trackback / Pingback

  1. Giáo sư Trần Quang Riệu từ trần – ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :