Văn hóa phê bình

Tôi nói đó là văn hóa vì tôi cho rằng vấn đề phê bình nó phải là một vấn đề mang tầm văn hóa của một dân tộc, một đất nước. Nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam quê hương tôi, tôi nghe nhiều về vấn đề chúng ta chưa có phê bình kiến trúc, chưa có phê bình âm nhạc, phê bình hội họa, v.v. Thực ra nếu hiểu vấn đề phê bình xuất phát từ một lĩnh vực như vậy sẽ làm cho chúng ta có thể lầm lẫn trong vấn đề đi tìm nguyên nhân. Bởi trong một xã hội không có văn hóa phê bình thì làm sao có được những phê bình chuyên sâu và đúng đắn. Một xã hội luôn mang trong mình những đánh giá, những nhận xét thường là chủ quan, thiếu khoa học, không có dẫn chứng. Thực ra không thể nói là không có phê bình mà là không biết cách thức phê bình, hay là không có văn hóa phê bình.

Cái mà người ta thấy nhiều vẫn thường là một đánh giá chủ quan, mang tính phiếm diện, muốn chứng tỏ, hay tệ hơn là mạo biện. Và những đánh giá, nhận xét đó chưa được xem là có văn hóa phê bình. Họ bộc phát, họ chịu ảnh hưởng của những thứ mà họ không biết và những thứ đó có thể là đã bị truyền thông hóa, bị quần chúng hóa, họ không chịu tìm hiểu, không chịu suy nghĩ, không chịu làm việc để thoát khỏi cái thế giới quá nhiều thứ nặc danh đó.

Vậy văn hóa phê bình là gì?

Trước hết phải hiểu về mục đích phê bình : đó là luôn đi tìm cái tốt, cái đẹp, cái tiến bộ, phê bình để thấy những điểm cần khắc phục, cần thay đổi và chỉnh sửa.

Tiếp theo phải hiểu đâu là đối tượng cần phê bình : chính là đối tượng thực sự mà mình sẽ đánh giá và đó có thể là sự vật, sự việc, một hành động, một việc làm… và phải luôn chú ý một điều rằng, có một đối tượng mà phê bình sẽ không bao giờ đụng tới, đó là con người.  Đúng, Con Người là một đối tượng chịu sự ảnh hưởng và chi phối của một tổng thể những môi trường xung quanh nó mà chúng ta không biết được, vì thế chúng ta không thể phê bình con người. Mặt khác phê bình con người không làm sáng tỏ được vấn đề trong mục đích của phê bình.

Ví dụ, chúng ta có thể phê bình hành động đó, việc làm đó của anh ta là sai lầm là thiếu văn hóa. Nhưng Anh ta là người mà chúng ta không thể phê bình, mà ngược lại anh ta phải luôn là đối tượng luôn được tôn trọng. Đó là điều đầu tiên của văn hóa phê bình.

Khi chúng ta nói thẳng mặt anh ta rằng, anh là một kẻ nói  dối, đạo đức giả. Vậy điều chúng ta muốn ở đây là gì ? Là muốn anh ta hiểu rằng anh chẳng có tư cách gì làm cho người khác phải tin và tôn trọng anh à ? hay muốn rằng anh chỉ có thể sống trong tủi hồ suốt cả đời thôi ? Thứ nhất, phê bình là đã sai mục đích, thứ nữa đối tượng phê bình sẽ chẳng thể hiểu vấn đề là thế nào. Và chúng ta sẽ rơi vào tình trạng đánh giá, nhận xét lệch lạc. Văn hóa phê bình là để cả người phê bình và người gây ra hành động đứng cùng nhau và phê bình hành động đó. Như vậy người phê bình và người hành động luôn ngang bằng và khách quan nhất nói về vấn đề cần nói là điều thứ hai của văn hóa phê bình.

Người dân Pháp đã nói rất nhiều về bài đấu khẩu giữa hai thủ tướng Nicolas Sarkozy và François Hollande trong lần tranh cử tổng thống khi Sarkozy nói thẳng mặt Hollande : « Ông là một người nói dối ». Điều đó chỉ nói lên rằng Sarkozy đã đuối lý khi tranh cãi, và không thể kiểm soát được lời nhận xét của mình.  Và ông đã thất bại trong cuộc chiến đó.

Ở Pháp cách đây gần 250 năm với «Contrat Social » (Khế ước xã hội) của Jean-Jacques Rousseau đó là một cuộc cách mạng về vấn đề xã hội làm sao để có sự tôn trọng của bố mẹ với con cái, của thầy với trò, của nhà nước với công dân. Để tất cả mọi người có thể nói chuyện được một cách thoải mái, và đúng đắn trong giao tiếp, trong công việc, chứ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xung quanh, như tuổi tác, cấp bậc, quyền hành….

Vấn đề có lẽ là ở đây, để có được một văn hóa phê bình, thì đầu tiên phải bắt đầu từ giáo dục cơ bản, bằng những quy ước xã hội, nó phải được đưa vào giáo dục từ cấp trung học, và đưa vào các hoạt động văn hóa, hoạt động xã hội. Chúng ta không hy vọng thay đổi trong một chốc lát được, đây là vấn đề liên quan đến trồng người, mà phải vài thế hệ mới mong rằng những đánh giá, nhận xét mới có thể trở thành văn hóa phê bình được.

Ngô Kiến Nam

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :