Vũ Minh Ngọc và giải thưởng « Luận án tiến sĩ xuất sắc nhất Châu Âu »

Tháng 9 đến, một năm học mới bắt đầu với những hi vọng về một tương lai tươi sáng cùng niềm tự hào về truyền thống hiếu học, sự nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ để làm chủ kiến thức, làm chủ cuộc sống của người Việt Nam. Trong không khí của năm học mới, để một lần nữa tôn vinh truyền thống quý báu này, Báo Đoàn kết có bài phỏng vấn về một tấm gương người Việt trẻ trên đất Pháp. Đó là anh Vũ Minh Ngọc, người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng “Luận án tiến sĩ xuất sắc nhất Châu Âu” trong lĩnh vực địa cơ học (ALERT Prize) do Hiệp hội các Viện Nghiên cứu và Công nghệ Châu Âu Âu (ALERT-Alliance of Laboratories in Europe for Research and Technology) trao tặng.

Ấn tượng của tôi về Vũ Minh Ngọc (VMN) là một người điềm đạm, chín chắn, khiêm tốn khi nói về thành tích của bản thân nhưng đầy sự nhiệt huyết, đam mê khi nói về khoa học.

PV: Anh có thể chia sẻ một vài thông tin, giúp bạn đọc hình dung về bản thân mình?

VMN: Tôi sinh năm 1983 tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2001 tại trường chuyên Lê Hồng Phong Nam Định và Đại học Xây Dựng trong chương chình đào tạo kỹ sư Chất lượng cao (PFIEV), tôi bắt đầu giảng dạy và nghiên cứu tại Bộ môn Cầu Đường Sân Bay, Viện Kỹ thuật Công trình Đặc biệt thuộc Học viện Kỹ thuật Quân Sự.  Năm 2008, tôi sang Pháp theo học khóa Cao học Địa Cơ học tại trường Đại học Cầu Đường Paris. Sau đó tôi làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án tiến sỹ vào tháng 9 năm 2012. Trước khi làm việc nghiên cứu tại Viện năng lương nguyên tử của Pháp từ tháng 11 năm 2013, tôi làm Post-doc hơn 1 năm tại Viện hàn lâm khoa học (CNRS) và Trung Tâm nghiên cứu và phát triển – Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF R&D).

Công việc của tôi hiện nay là tham gia vào các dự án nghiên cứu của Pháp, Châu Âu và quốc tế về địa cơ học để đưa ra các giải pháp lưu trữ và quản lý chất thải hạt nhân một cách an toàn và bền vững trong các lớp địa chất ở dưới sâu lòng đất.

PV: Anh có thể nói qua Giải thưởng “Luận án tiến sĩ xuất sắc nhất Châu Âu” được trao tặng năm 2013 của mình và công sức khi thực hiện đề tài này?

VMN: Giải thưởng ALERT Prize được trao tặng hàng năm cho luận án tiến sỹ xuất sắc nhất bảo vệ thành công trong năm trước nhằm mục đích tuyên dương và khuyến khích niềm đam mê  nghiên cứu khoa học của các nghiên cứu sinh trong lĩnh vực Địa vật liệu – Địa cơ học. Hội đồng xét duyệt gồm các giáo sư đến từ các trường ĐH nổi tiếng trên thế giới (Mỹ, Úc, Châu Âu…).

Khi bắt đầu đề tài từ tháng 9/2009, tôi hoàn toàn không có ý nghĩ là sẽ phấn đấu vì giải thưởng này. Những nỗ lực hoàn toàn xuất phát từ niềm đam mê tìm tòi, học hỏi, mở rộng và phát triển. Ngoài thời gian làm việc trên cơ quan, tôi cũng dành cả thời gian ở nhà để làm việc. Nhiều lúc trong đêm khi suy nghĩ có ý tưởng hay là tôi lại dậy lấy giấy bút ra để triển khai. Vì thế trong vòng 3 năm làm Nghiên cứu sinh không chỉ hoàn thành mục tiêu của đề tài mà tôi còn thực hiện được rất nhiều ý tưởng khác cũng như mở ra nhưng hướng nghiên cứu tiếp theo. Khối lượng công việc thực hiện được và số lượng xuất bản quốc tế về một chủ đề mang tính thời sự giúp tôi được công nhận và vinh dự nhận giải thưởng ALERT Prize.

(photo: Khánh Vân – ĐK)

PV: Phóng viên được biết ngoài giải thưởng này, hiện nay anh còn là phản biện (reviewer) của nhiều tạp chí khoa học chuyên ngành cũng như xuất bản nhiều bài báo trên tạp chí quốc tế, anh có bí quyết gì để đạt được kết quả ngày hôm nay?

VMN: So với các anh chị đi trước, các bạn bè làm việc nghiên cứu khoa học tại Pháp, tôi cảm thấy mình cũng không có gì nổi bật. Những kết quả đạt được như ngày hôm nay là kết quả của sự nỗ lực, niềm đam mê và cả may mắn nữa. Tuy nhiên tôi nghĩ có được sự thành công thì niềm đam mê là chưa đủ mà cần phải có hướng đi rõ ràng. Làm khoa học, bạn cần phải có sự trao đổi với các đồng nghiệp, đặc biệt là các đồng nghiệp có kinh nghiệp trong lĩnh vực của mình để tìm thấy những vấn đề, những hạn chế trong hướng đi hiện tại của mình để định hướng lại, tìm được những giải pháp để đẩy nhanh ý tưởng của mình cũng như có thể có những hướng đi mới hợp lý hơn.

PV: Anh có những thuận lợi và khó khăn gì trong lĩnh vực nghiên cứu của mình?

VMN:

Về khó khăn: Là người nước ngoài làm việc tại Đại lục già vì vậy để đạt được vị trí khoa học như một người Châu Âu bản thân chúng ta phải cố gắng gấp 2, gấp 3 lần họ. Thêm nữa, môi trường làm việc hiên tại của tôi là sự kết hợp của việc nghiên cứu khoa học và công nghiệp, không phải là môi trường hàn lâm như ở các trường Đại học và Viện nghiên cứu nên tôi không thể dành 100% thời gian cho công việc nghiên cứu khoa học và cũng không thể lúc nào cũng được làm công việc mình yêu thích. Nhưng với mỗi công việc mới, tôi luôn tự nhủ với mình đây là cơ hội để mở rộng kiến thức để luôn giữ động lực làm việc.

Thuận lợi: Hiện nay tôi đang tham gia nghiên cứu trong dự án lưu trữ chất thải hạt nhân trong các lớp địa chất dưới sâu. Đây là một dự án rất lớn tại Pháp bắt đầu đưa vào nghiên cứu từ hơn 20 năm nay, có sự tham gia của rất nhiều các trường Đại học tại Pháp, châu Âu và trên thế giới. Vì thế công việc hiện tại giúp tôi có sự gặp gỡ, học hỏi và trao đổi với các nhà khoa học trên thế giới trong lĩnh vực chuyên môn của tôi. Bên cạnh đó, tôi luôn có những người bạn tốt, những đồng nghiệp Việt Nam tại Pháp làm nghiên cứu trong lĩnh vực này. Mọi người luôn trao đổi, cùng nhau làm việc và cùng nhau phát triển.

PV: Các nhà trí thức sau khi được đào tạo bài bản tại các nước phát triển trên thế giới thì nên về Việt Nam trực tiếp cống hiến cho đất nước hay ở lại để đóng góp cho nước bạn?

VMN: Theo tôi nghĩ vấn đề không phải là ở đâu thì sẽ quyết định việc cống hiến cho đất nước. Điều quan trọng là luôn có ý thức hướng về quê hương thì mỗi việc làm của mình, dù ở đâu đi chăng nữa cũng đều có mục đích cuối cùng là được cống hiến cho đất nước mà thôi.

PV: Hiện tại, anh có nuôi ý tưởng gì về một công trình khoa học để đời không?

VMN: Ý tưởng về một công trình khoa học để đời thì chưa, nhưng tôi nghĩ công trình để đời thì có. Đó chính là làm sao đóng góp được nhiều nhất cho đất nước trong khả năng có thể bằng công tác khoa học. Vì thế tôi sẽ luôn cố gắng làm tốt các đề tài khoa học dù lớn hay nhỏ.

PV: Anh có thể chia sẻ những mục tiêu sắp tới của mình?

VMN: Tôi luôn có mong muốn tạo cầu nối trao đổi với các trường Đại học ở Việt Nam với các trường Đại học Pháp trong lĩnh vực của mình đó là nghiên cứu về năng lượng hạt nhân, địa cơ học và môi trường. Đây là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam . Tôi cũng đang cố gắng tích luỹ kinh nghiệm khoa học trong thời gian ở Pháp để tìm ra hướng nghiên cứu độc lập. Sau đó tôi sẽ quay về quê hương để có thể tiếp xúc trực tiếp với các em sinh viên qua công tác giảng dạy và thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực của mình, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

PV: Anh đánh giá thế nào về việc nghiên cứu khoa học hiện nay ở Việt Nam?

VMN: Theo quan điểm của tôi, tôi rất vui vì công tác nghiên cứu khoa học ở Việt Nam càng ngày càng được chú trọng phát triển. Trước đây các ấn phẩm khoa học chủ yếu xuất hiện trong các ngành khoa học cơ bản Toán, Vật Lý và Hóa học. Hiện nay các ngành khoa học ứng dụng cũng xuất hiện tuy rằng vẫn còn khiêm tốn, nhưng tôi nghĩ với truyền thống hiếu học của người Việt Nam, cộng với sự nỗ lực đẩy mạnh khoa học của nhà nước, xu thế phát triển của thế giới, chúng ta sẽ dần dần khẳng định vị trí khoa học của Việt Nam. Ngoài ra, trong thời gian tới, khoa học của Việt Nam sẽ đi vào đường ray như những gì đang diễn ra tại các nước phát triển. Việc quay về nước làm việc của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài cũng như sự liên kết với các nhà khoa học quốc tế sẽ thúc đẩy nhanh quá trình này.

PV: Theo anh phẩm chất của người làm khoa học là gì ? Với những bạn trẻ yêu nghiên cứu khoa học, anh có chia sẻ gì giúp họ cách giữ lửa nhiệt tình và quyết tâm theo đuổi đến cùng?

VMN: Yêu khoa học là yêu sự thật, nên trung thực là phẩm chất cơ bản của người làm khoa học.

Thực tế thì tôi cũng là một nhà nghiên cứu rất trẻ, chỉ mới bắt đầu công việc nghiên cứu sau luận án Tiến sĩ được 2-3 năm nên chưa thể nói là có nhiều kinh nghiệm. Nhưng tôi nghĩ rằng bản thân mỗi người có một con đường đi riêng của mình, luôn giữ động lực, sự kiên trì, và đích chung là sự thành công.  Mặc dù hiện nay khối lượng công việc tại cơ quan công tác là khá lớn nhưng tôi vẫn nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học của mình bằng việc tích cực viết báo trên các tạp chí, làm phản biện cho tạp chí chuyên ngành. Và tất nhiên là phải làm vào ngày nghỉ rồi.  Tôi nhớ một câu nói của Steve Jobs, cố giám đốc điều hành  của Apple đã nói « Hãy sống như hôm nay là ngày cuối đời ». Vì vậy hãy tận dụng mọi thời gian có thể để sống theo suy nghĩ của bạn và làm những việc có ích bạn có thể làm được. Ngoài ra, thực tế trải nghiệm cho thấy, làm khoa học không thể đơn độc, hãy tích cực mở rộng mạng lưới của mình để có thể mở mang thông tin cũng như định hướng một con đường nghiên cứu đúng đắn cho mình.

PV : Theo anh, làm thế nào để trí thức trẻ có thể cống hiến cho xã hội? Anh có mong muốn gì đóng góp Cộng đồng Việt Nam tại Pháp?

VMN: Theo tôi, mỗi cá nhân thực hiện tốt công việc của mình đã là một sự cống hiến không nhỏ cho xã hội. Mặt khác, như ông cha ta đã nói : « Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao », các trí thức phải tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng, với tất cả các thế hệ và các nhà khoa học ở Việt Nam và quốc tế để thúc đấy sự phát triển khoa học của đất nước có hiệu quả nhất.

Đối với cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, mong muốn của tôi là góp sức vào sự đoàn kết, vững mạnh của khối cộng đồng này và tạo ra một sự liên hệ bền vững giữa người Việt tại Pháp với quê hương đất nước. Chính vì vậy, hiện nay tôi vẫn tham gia đều đặn các hoạt động khoa học trong lĩnh vực của mình tổ chức bởi các hội đoàn, cá nhân tại Pháp, giúp đỡ các bạn sinh viên mới học master và làm Nghiên cứu sinh bằng cách chia sẻ kinh nghiệm học tập, nghiên cứu. Tôi mong những việc làm nhỏ của mình có thể đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội.

Cảm ơn anh về buổi phỏng vấn, chúc anh luôn thành công hơn nữa trong sự nghiệp và có nhiều đóng góp hơn nữa cho xã hội !

Paris mùa hè 2015

Hoàng Thị Hồng Hà

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :