« Đấu tranh » để nuôi dưỡng tủ sách Việt tại Paris

Khiêm nhường, tâm huyết, luôn cố gắng « đấu tranh » để tìm cách khôi phục và phát triển tủ sách Việt, đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hồng Ân – người Việt duy nhất quản lý tủ sách Việt của thư viện Truyền thông Jean-Pierre Melville, Paris. Sau gần hai năm tiếp quản, chị đã xây dựng tủ sách Việt với hơn 3000 đầu sách các loại, đáp ứng phần nào nhu cầu đọc của đồng bào ở xa Tổ quốc.

1. Từ sự « khát » sách của đồng bào

Chị Nguyễn Thị Hồng Ân sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông tại Việt Nam, chị được nhận học bổng của Pháp, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Sau đó, chị tiếp tục con đường học tập, nghiên cứu và trở thành Tiến sĩ khoa học, lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Năm 2012, chị bắt đầu làm việc tại thư viện Truyền thông Jean-Pierre Melville, (quận 13, Paris) và đảm nhiệm vai trò quản lý tủ sách Việt.

Tủ sách Việt được hình thành tự phát từ năm 1989, cùng thời điểm thư viện Truyền thông Jean-Pierre Melville được đưa vào hoạt động. Do nằm ở khu vực đông người châu Á sinh sống và buôn bán nên bà con người Việt thường xuyên mang những cuốn sách – kỷ vật của gia đình đến tặng thư viện. Tuy nhiên, lượng sách tặng không nhiều và thường là những cuốn sách cũ sờn, hôi mốc, thậm chí là rách nát, không đáp ứng đủ nhu cầu đọc tiếng Việt của bà con. Hơn nữa, dù gọi là tủ sách nhưng chỉ có duy nhất một kệ sách thấp, hẹp dành cho sách Việt. Điều đó đã ám ảnh chị và khiến chị trăn trở.

Ngay khi tiếp quản, chị Hồng Ân đã lên kế hoạch, trình dự án khôi phục và phát triển tủ sách Việt để xin ngân sách của thư viện, mua những cuốn sách mới đa dạng thể loại hơn.

Ảnh: Không gian sách Việt tại thư viện Truyền thông Jean-Pierre Melville 

2. Gian truân xây dựng lại tủ sách

Sau nhiều tháng kiên trì đề xuất dự án, chị đã thuyết phục được thư viện và có ngân sách. Một phần do các nhà phân phối sách cho thư viện tại Paris không có sách tiếng Việt, một phần vì ở xa nên chị chủ yếu tìm hiểu thông tin về các cuốn sách trên mạng, sự bình chọn sách trên các diễn đàn của bạn đọc Việt và các trang web riêng của các nhà xuất bản. Tuy nhiên, chị đã bị thất vọng khi hầu hết những email gửi cho các nhà xuất bản, bày tỏ mong muốn mua sách với số lượng lớn để xây dựng tủ sách Việt tại Pháp không nhận được bất cứ hồi âm nào. Chị phải đặt mua sách Việt qua các trang web bán sách ở các nước khác như Mỹ, Canada để thỏa mãn thị hiếu đọc của các đối tượng độc giả. Để tiết kiệm ngân sách, chị chọn phương thức vận tải biển để chuyển sách đến Paris. Vì vậy, để một cuốn sách đến được tay người đọc phải mất ít nhất bốn tháng.

                                  

Bởi không gian của thư viện có hạn, phải tuân theo quy luật loại thải, những cuốn sách ít được mượn hơn sẽ phải tiêu hủy để mua những cuốn sách mới thế vào. Năm 2012, thư viện có kế hoạch hủy sách thiếu nhi Việt Nam. Đó là điều khiến chị rất buồn và tiếc nuối. Nên ngay lập tức, chị lại lập dự án xin thêm kệ sách cho tủ sách Việt.

Thời gian đầu, không có trẻ em hoặc phụ huynh Việt đến mượn sách thiếu nhi, chị phải mời bạn bè cho con em mình đến thư viện, quảng bá sách trên website, trang tin thư viện. Chị đến Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp để đọc truyện cho thiếu nhi của các lớp do Hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức… Sau một năm, tủ sách châu Á (gồm tủ sách Việt Nam và Trung Quốc) có tổng số đầu sách được mượn nhiều đứng thứ hai, sau DVD và tổng số lượng ấn phẩm được mượn ở thư viện nên đề nghị của chị mới được chấp nhận. Đến nay, tủ sách Việt đã có hai kệ trưng bày sách, với hơn 3000 đầu sách mới, đủ các thể loại như: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện cổ tích, truyện tranh thiếu nhi, tài liệu chuyên ngành,… Nhưng những cuốn sách cũ vẫn được chị bảo quản và để ở kho thư viện. Với chị, mỗi cuốn sách đều chứa những giá trị tri thức quý giá nên chị không muốn bỏ đi bất cứ cuốn sách nào cả, nếu có ai đó cần, chị sẵn sàng tìm lại sách trong kho.

3. Duy trì và phát triển tủ sách Việt

Ngoài việc chọn lọc và cho mượn các cuốn sách, chị đã cùng thư viện tổ chức thường xuyên các hoạt động hội đàm, triển lãm sách, giờ cổ tích cho thiếu nhi… Chị tranh thủ mọi thời điểm thuận lợi (như dịp tết Trung thu, Tết Nguyên đán,…) để cùng tham gia kể chuyện song ngữ Pháp-Việt. Không chỉ các em thiếu nhi mà các vị phụ huynh Pháp, phụ huynh Việt xa quê đã lâu cũng hết sức ngạc nhiên, thích thú với các câu chuyện dân gian Việt Nam lý giải các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Từ đó, họ tự tìm kiếm các cuốn truyện, các cuốn sách song ngữ Pháp – Việt hoặc Anh – Việt. Đó là niềm vui và động lực giúp chị duy trì và phát triển tủ sách.

Ảnh: Không gian sách thiếu nhi của thư viện Truyền thông Jean-Pierre Melville

Nhằm quảng bá rộng rãi tủ sách Việt đến người Việt trẻ đang học tập, sinh sống tại Pháp, và mong muốn giữ gìn, phát triển tiếng Việt cho các em nhỏ, chị đã liên kết với Hội người Việt Nam tại Pháp – UGVF để tổ chức Ngày hội sách Việt Nam vào tháng 11 tới. Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại Pháp; sự kiện kéo dài 3 ngày, trong đó chị cũng là người tích cực tạo đội ngũ đọc truyện cho thiếu nhi.

Nhưng hơn hết, chị vẫn luôn trăn trở về việc kết nối với các nhà xuất bản trong nước để có thể mua trực tiếp sách Việt tại Việt Nam, làm giàu tủ sách Việt tại Paris trong thời điểm hiện tại và lâu dài về sau.

Bài và hình: Hải Yến.

Nhóm KNTT

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :