Phong trào Chấn hưng Phật Giáo tại Việt Nam và tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản – Kỳ 3

Lại Như Bằng

(Phiên bản 19/04/2016)

***

Phần I – Bối cảnh sinh ra của phong trào chấn hưng Phật Giáo tại Việt Nam

Phần II – Phong trào chấn hưng Phật Giáo tại Trung Quốc và Nhật Bản.

Phần III- Diễn biến Phong Trào chấn hưng Phật Giáo tại Việt Nam và một số nhân vật tiêu biểu.

.


Phần III- Phong Trào chấn hưng Phật Giáo tại Việt Nam

Thời Pháp thuộc, xứ ta chia làm 3 kỳ.

Nam Kỳ là đất của Pháp. Đất rộng, trù phú, người thưa, dân chúng được xem là thuộc dân của Pháp, người Hoa kiều đông đảo. Nam Kỳ có hai đặc điểm là được tây hóa từ rất sớm và ảnh hương của Hoa kiều khá rõ nét thí dụ như tục thờ các vị thần, vị Phật của người Hoa (Thần tài, Quan Công, Thiên Hậu, vị Phật Di lặc mập mạp …). Sài Gòn là trung tâm thương mại lớn nhất của Đông Dương thời đó. Buôn bán trao đổi nhiều với Pháp, và Trung Quốc.

Trung kỳ và Bắc Kỳ là đất bảo hộ.

Trung Kỳ do triều đình Việt Nam cai trị, nhưng trên thực tế , về ngoại giao, về nhân sự , lệ thuộc hoàn toàn vào người Pháp. Huế là kinh đô của Việt Nam , là nơi bảo tồn văn hóa truyền thống, quần chúng thuần thành đạo Phật.

Bắc Kỳ do người Pháp cai trị trực tiếp. Hà Nội là kinh đô cổ xưa, có thời đã tàn lụi, bừng sáng trở lại khi người Pháp dùng làm trung tâm hành chính của Liên Bang Đông Dương. Các trường Đại học lớn được người Pháp xây dựng tại đây. Hà Nội , vào thời Pháp thuộc, là trung tâm văn hóa của cả nước. Hải Phòng cũng là một cảng buôn bán quan trọng. Tại đây cũng có rất đông hoa kiều.

Những đặc tính tóm lược trên đây sẽ giải thích được phần nào hướng phát triển của các cuộc chấn hưng Phật Giáo tại mỗi miền.

Nói chung, tại cả ba nơi, ưu tiên của các hội Phật giáo là mở lớp học đào tạo tăng tài và ra báo để tuyên dương đường lối.

Sau đó tới những sinh hoạt cứu tế, xã hội, rồi tổ chức thanh thiếu niên.

Tuy nói là đường lối của hội chứ trên thực tế, ngoài các lớp học cho tăng ni, và báo chí được chuẩn bị từ đầu, các sinh hoạt khác thường có tính tự phát cá nhân.

Những vị trong phong trào tùy duyên đứng ra tổ chức, với sự ủng hộ của hội, những sinh hoạt cứu tế, cô nhi viện, thanh thiếu niên… đem những kinh nghiệm thu tập được trong đời sống , nghề nghiệp hàng ngày áp dụng vào việc tổ chức. Một thí dụ điển hình là phong trào gia đình Phật Hóa Phổ mang hình thức tổ chức và sinh hoạt của phong trào Hướng Đạo phi tôn giáo, do hai Hướng Đạo Sinh, con cháu cư sĩ Lê Đình Thám, đề xướng ra.

Chính nhờ vậy mà các hội luôn luôn mang đậm tính thời đại, gắn bó với môi trường sống của mình.

.

A – Phong trào chấn hưng tại Nam Kỳ:

Phong trào chấn hưng tại Nam Kỳ có thể xem là khởi đầu vào năm 1923. Hai người tích cực nhất trong phong trào chấn hưng tại đây là Thiền sư Khánh HòaThiền Sư Thiện Chiếu.

Họ là những người hết lòng vì đạo pháp, nhưng với tâm tính khác nhau, rốt cục, họ đã tách ra theo hai ngả đường khác nhau.

TS Khánh Hòa kiên trì tạo duyên xây dựng tổ chức, đào tạo tăng tài , tránh tranh cãi, thua keo này bày keo khác, phấn đấu cho đến lúc từ giã cõi đời.

TS Thiện Chiếu, hăng say, năng nổ, luôn luôn tìm sự hữu hiệu của hành động trong những ý mới, tổ chức mới, tư tưởng mới, bám xát thời cuộc, nhưng không đạt được kết quả mong muốn, rồi thất vọng , giã từ đạo pháp, đi sang một con đường khác.

Một đặc tính đáng lưu ý của phong trào tại Nam kỳ là sự yếu kém hậu thuẫn về vật chất của quần chúng Phật tử. Nhiều dự án bị bỏ dở hay không tồn tại lâu dài vì lý do tài chính. Muốn tổ chức cô nhi viện mà mới sau một hai năm đã ngừng thì trẻ mồ côi để cho ai nuôi ?

Khởi đầu, năm 1923 , TS Khánh Hòa, với sự công tác của TS Thiện Chiếu, một già, một trẻ, cùng các Tôn túc miền Tiền Giang và Hậu Giang thành lập hội Lục Hòa Liên Hiệp , bước đầu để vận động tiến tới thành lập hội Phật Giáo Việt Nam Toàn Quốc.

Năm 1927, nhân thấy, qua báo chí, ngoài Bắc có người đặt vần đề phải có một tổ chức Phật giáo cho cả nước, TS Khánh Hòa cử TS Thiện Chiếu ra Bắc vận động thành lập hội Phật Giáo Toàn Quốc, nhưng việc không thành.

Năm 1928, TS Khánh Hòa cùng TS Thiện Chiếu và một số TS khác bắt đầu vận động tổ chức Thích Học Đường và Phật Học Thư Xã để đào tạo tăng tài. Đến ngày 12.8.1929, TS Khánh Hòa lại ra tờ báo Pháp Âm là tờ báo Phật giáo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ.

Không đồng ý với đường lối của báo, TS Thiện Chiếu vận động xuất bản một văn tập lấy tên là Phật Hóa Tân Thanh Niên nhắm giới trí thức.

Tên của tờ văn tập tự nó cũng cho ta biết TS Thiện Chiếu đã bắt đầu chuyển hướng đi (Thời đó, các tổ chức thanh niên chịu ảnh hường Mác xít thường lấy tên « Tân thanh niên »). Có lẽ lúc này, TS Thiện Chiếu còn do dự, chân trong chân ngoài. Cái cũ đã quen, nhưng vướng nặng nhiều khó khăn, thất vọng. Cái mới chưa tới, nhưng chính vì vậy mới có được nhiều hứa hẹn tương lai huy hoàng.

  1. Hội Nam Kỳ Phật Học:

Năm 1931, TS Khánh Hòa đứng ra thành lập hội Nam Kỳ Phật Học , ra tờ báo Từ Bi Âm (1.3.1932). Trong thời gian này, tuy đường lối đã khác nhưng TS Thiện Chiếu vẫn còn tiếp tục cộng tác với TS Khánh Hòa.

Do mâu thuẫn nội bộ, Thích học đường được xây cất nhưng mãi không được khai giảng.

  1. TS Khánh Hòa và Hội Lưỡng Xuyên Phật học:

Nóng lòng về việc đào tạo tăng tài, năm 1933, TS Khánh Hòa từ chức chủ bút báo Từ Bi , rút về chùa Long Hòa, tổ chức Phật học đường lưu động lấy tên là Liên Đoàn Phật Học Xã. thu nhận khoảng 50 vị học tăng,

Nhưng sau 3 khoá, trường phải đóng cửa vì không đủ tài chính.

Năm sau, TS Khánh Hòa thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật học (1934). Ngay cuối năm đó, Phật học đường Lưỡng Xuyên được khai giảng. Trường thu nhận cả tăng sinh lẫn ni sinh, ni sinh được tổ chức thành lớp riêng.

Hội xuất bản sách Phật Học Giáo Khoa bằng hai thứ tiếng Việt và Hán và ra báo Duy tâm.

Hội Lưỡng Xuyên Phật học có nhiều liên hệ với An Nam Phật Học ngoài Huế và Sơn môn Thừa Thiên. Hội lựa người xuất sắc gửi ra Huế học tại các trường cũa các tổ chức trên.

Cuối năm 1941, Phật học đường Lưỡng Xuyên phải đóng cửa vì lý do tài chính.

Năm 1947, TS Khánh Hòa viên tịch.

 

  1. TS Thiện Chiếu, Hội Phật Học Kiêm Tế và Tạp chí Tiến Hóa:

TS Thiện Chiếu, sinh năm 1898 tại Gò Công, Tiền Giang. Sư xuất gia từ nhỏ, hoạt bát, năng động, được học chữ Hán và chữ Quốc ngữ tại chùa, tự học chữ Pháp.

Có lẽ ông chịu ảnh hưởng rất nhiều của « tân thư », « tân văn » Trung Quốc. Chính những loại sách báo này đã giúp ông tìm học « Duy vật biện chứng pháp », cũng như thu tập những lý lẽ để tranh luận trên báo chí thời bấy giờ. Ông đã dịch « vô thần luận » của Thái Hư Đại sư sang tiếng Việt.

Không đồng ý với lập trường của Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật học , cũng như Lưỡng Xuyên Phật học, vào khoảng năm 1929, Thiện Chiếu đã thất vọng nhiều về đạo Phật và bắt đầu tìm con đường khác.

Ông cởi áo tu, không rõ từ năm nào, nhưng vẫn còn sinh hoạt trong môi trường Phật Giáo.

Năm 1937, Thiện Chiếu cùng TS Trí Thiền thành lập hội Phật Học Kiêm Tế tại Rạch Giá, lấy chùa Tam Bảo làm trụ sở, và ra tờ báo Tiến Hóa.

Hội Phật học kiêm tế chủ trương mở Cô nhi viện, lớp học bình dân, phòng thuốc miễn phí, cứu trợ nạn nhân thiên tai… Cả một chương trình to lớn. Thiện chí có thừa , nhưng chuyện tài trợ chương trình về lâu dài không hẳn là dễ ! Nhất là song song, những người chủ trương lại đang chuẩn bị một cuộc cách mạng bạo động.

Tờ báo Tiến Hóa tuyên bố rằng tất cả các học thuyết có tính cách từ bi bác ái đều được xem là Phật Pháp cả, những khái niệm cơ bản của đạo Phật được tờ báo lồng một nội dung duy vật biện chứng Mác xít [1]

Năm 1941, Mật thám Pháp phát hiện xưởng chế tạo vũ khí trong chùa, sư Trí Thiền bị bắt , đày đi Côn Đảo, Thiện Chiếu trốn thoát, chùa Tam Bảo bị đóng cửa.

Thiện Chiếu tiếp tục hoạt động cách mạng.

Năm 1943 bị bắt, đày ra Côn Đảo.

Năm 1945 thời cách mạng tháng tám, Thiện Chiếu được đón về đất liền.

Năm 1954 tập kết ra Bắc với một người con trai. Hai người con khác còn ở lại miền Nam thì một thành y sĩ trong quân đội miền Nam, một là giáo sư dạy anh văn.

Năm 1974 Thiện Chiếu qua đời.

.

B – Hội An Nam Phật Học ở Trung Kỳ:

Đạo Phật tại Trung Kỳ có một nền tảng vững chắc, quy tụ được nhiều cao tăng, là những vị thuộc tổ đình tại xứ, hay những danh tăng được mời vể thuyết giảng , được sự hỗ trợ của vua quan, các nhà quyền quý , và nói chung quần chúng lại thuần thành.

Người đứng ra khởi xướng phong trào Chấn hưng PG là TS Giác Tiên cùng các đệ tử như TS Mật Khế, cư sĩ Lê Đình Thám . Cư sĩ Lê Đình Thám được giao cho trách nhiệm soạn dự thảo điều lệ của An Nam Phật Học, rồi trình lên chư tôn đức.

Năm 1932, Hội An Nam Phật Học ra đời. TS Giác Tiên làm chứng minh đạo sư, Cư sĩ Lê Đình Thám làm hội trưởng. Hội được sự hậu thuẫn của các bậc tôn túc các tổ đình và sự cộng tác của các tăng ni xuất sắc thời đó như Mật Khế, Mật Nguyện, Đôn Hậu, Trí Độ, Trí Thủ, Mật Thể, Diệu Hương và Diệu Viên.

Theo Sư bà Diệu Không, việc xin giấy phép lập hội của Hội An Nam Phật Học cũng gặp một vài trắc trở: Quan đầu triều Nguyễn Hữu Bài, vốn theo đạo Thiên Chúa , chần chờ không chịu ký giấy phép. Hội phải nhờ Hoàng Thái Hậu can thiệp với vua Bảo Đại .(xem  » Hồi ký của Sư Bà Thích Nữ Diệu Không »http://chimvie3.free.fr/61/hdds_HoiKySuBaDieuKhong_061.htm )

Chương trình ưu tiên của hội là chỉnh lý tăng chế và đào tạo tăng tài.

Cư sĩ được khuyến khích tham gia vào công cuộc chỉnh lý tình trạng tăng sĩ.

Về mặt đào tạo tăng tài, hội thành lập các lớp Phật học cho tăng sĩ trẻ tuổi. Nhiều vị lãnh đạo xuất sắc sau này của Phật Giáo Việt Nam được đào tạo tại đây. Năm 1943, Trường An Nam Phật Học thi tốt nghiệp. Trong số 50 học tăng, chỉ có 6 vị đủ điểm trong đó có : Võ Tường ( sau này: Thích Thiện Siêu ) , Phạm Quang (Thích Trí Quang), Nguyễn Văn Bình (Thích Trí Tịnh), Đỗ Xuân Hàng (Thích Thiện Minh), Trần Trọng Thuyên (Thích Trí Thuyên), Nguyễn Chí Quang.[2]

Tạp chí của hội lấy tên là « Viên Âm« , số đầu ra ngày 1.12.1933.[3]

Trong quyền  » Nghi thức Tụng Niệm của Annam Phật-Học-Hội », mỗi bài kinh đều được ghi chép dưới cả 3 hình thức: a) được dịch hoàn toàn ra chữ Việt, b) vẫn còn giữ lời Hán nhưng phiên âm bằng Quốc ngữ, c) viết bằng mẫu chữ Hán.

Nhân vật tiêu biểu của phong trào Chấn Hưng ở miền Trung là Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.

Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897-1969).

Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám sanh năm 1897 tại Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương năm 1916, và năm 1930, đậu Y khoa Bác sĩ, ngạch Pháp quốc, tại Hà Nội. 

Ông quy y với TS Giác Tiên ở Huế, pháp danh là Tâm Minh.

Năm 1932, Hội An Nam Phật Học ra đời. Ông làm Hội trưởng và các Hòa thượng trong Ban Chứng minh là cố vấn cho Hội. Ngoài việc điều hành tổ chức, Ông tham gia giảng dạy tại các trường học đào tạo tăng tài.

Năm 1940, Ông quy tụ một số thanh niên trí thức tân học tại Huế và thành lập đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục. Nhóm thanh niên này được nghe giảng dạy đạo Phật theo đường lối tân học. Đoàn ca của họ bằng tiếng Pháp.

Vào khoảng thời gian đó, Lê Đình Luân (con trai ông) và Lê Lừng (thư ký của ông), tổ chức những thanh thiếu niên thường tụ họp nghe kinh, lễ Phật tại nhà ông thành Gia Đình Phật Hóa Phổ, sinh hoạt theo hình thức Hướng đạo. Gia Đình Phật hóa Phổ phát triển, về sau đổi tên là Gia Đình Phật Tủ.

Từ năm 1947 đến 1949 ông làm chủ Tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến miền Nam Trung bộ.

Mùa hè năm 1949, ông tập kết ra Bắc.

Năm 1961, toàn bộ kinh Lăng Nghiêm mà ông đã dày công phiên dịch và chú giải trong nhiều năm, được hoàn tất và xuất bản tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Sau đó, sách được gia đình ông tái bản lưu hành rộng rãi ở miền Nam. 

Trong những năm ở Bắc, ngoài ngày giờ làm việc , ông thường đến chùa Quán Sứ để dịch kinh và giảng kinh, hướng dẫn việc tu học giúp nhà chùa.

Ông qua đời ngày 23-4-1969 tại Hà Nội

.

C – Hội Phật Giáo Bắc Kỳ:

Bắc Kỳ Phật Giáo Hội được thành lập năm 1934, suy tôn TS Thanh Hanh làm Thiền Gia Pháp Chủ.

Năm 1935 Ban Khảo Cứu Phật Học được thành lập (16.1.1935) do Trần Trọng Kim là trưởng ban quy tụ rất nhiều nhà văn, học giả có tên tuổi như Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Văn Giáp, Lê Dư, Bùi Kỷ, Nguyễn Trọng Thuật v.v…

Cuối năm đó (10.12.1935) tuần báo Đuốc tuệ ra số đầu tiên.Trần Trọng Kim làm trưởng ban biên tập, cư sĩ Nguyễn Trọng Thuật làm thư ký tòa soạn.

Ban biên tập gồm một số cư sĩ có tên tuổi như Dương Bá Trạc, Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Nguyễn Can Mộng…, và các tăng sĩ: thượng tọa Thái Hòa, Tố Liên, Trí Hải…

Hà Nội thời ấy là thủ đô văn hóa của đất nước. Đứng về phương diện văn học dân tộc, hội Bắc Kỳ Phật Giáo và báo Đuốc Tuệ đã đóng góp một phần rất đáng kể.

Đuốc Tuệ đình bản vào tháng 8.1945.

Về đào tạo tăng tài

Hội Bắc Kỳ Phật Giáo mở trường Tiểu học,Trung học và Đại Học để đào tạo tăng ni.

Về công tác xã hội, và chủ trương Nhân Gian Phật Giáo

Trong Đuốc Tuệ, cư sĩ Nguyễn Trọng Thuật viết một loạt bài với tiêu đề « Nhân Gian Phật Giáo  » bàn về việc thể hiện đạo Phật trong đời sống nông thôn. Ông cũng chủ trương, người Phật tử nên làm lễ kết hôn trước cửa Phật.

Cư sĩ Nguyễn Văn Cảnh đề nghị tất cả các vị tăng sĩ trú trì các tu viện sử dụng một hành lang ở chùa mình để làm ký nhi viện (crèche).

Thiền sư Thích Thanh Đặc tuyên bố rằng tăng sĩ không nên sống trên sự cung dưỡng của tín đồ mà phải chọn một « sinh nghiệp của xã hội » để tự nuôi sống mình và hành đạo.

Nhân vật tiêu biểu cho Phật Giáo Bắc Kỳ là Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha

 

Thiều Chửu (1902-1954):

Tuổi thơ

Ông tên thật là Nguyễn Hữu Kha, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo ở ngoại ô Hà Nội. Cha của ông, vì tham gia phong trào Ðông Kinh Nghĩa Thục nên bị đầy đi Côn Ðảo.

Ông kể về tuổi thơ của mình: « Nhà nghèo quá, chị em tôi 7-8 tuổi đã phải chăn bò cắt cỏ, gánh nước, thổi cơm nấu cám, 10 tuổi tát nước, 12 tuổi cày bừa. Năm tôi 13 tuổi, bố bị giặc Pháp bắt, được hai tháng thì mẹ sinh con thứ 8. Ðẻ được ba ngày mẹ đã phải đi làm đồng » .

16 tuổi, Hữu Kha một mình xuống Ðồ Sơn bán thuốc Nam và bánh kẹo kiếm sống. Vì tin người nên mất hết vốn, ông phải làm phu kéo thuyền, đẩy xe, thậm chí đi ăn xin.

Trở thành cư sĩ

Cuối nãm 1920, cha của ông ra tù, ông về giúp cha mở hiệu thuốc . Ông học chữ Hán với bà Nội và bác ruột. Ông tự học tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Nhật

Ði sâu nghiên cứu Phật giáo, nãm 1932-1933 ông cho ra đời bản dịch Khóa hư lục.

Năm 1934 , Thiều Chửu nhận lời làm quản lýbiên tập cho báo Ðuốc tu.

Ông cũng tham gia thành lập Hội truyền bá quốc ngữ (1938 ).

Cùng bà Cả Mọc (Hoàng Thị Uyển) ,ông sáng lập Hội Tế Sinh (1936). Gặp khi hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang bị lụt nặng (1937), hội đã đi cứu tế ba tháng liên tục cho đến lúc lúa chín.

Khi trường Phật học Phổ Quang được mở (1941), ông đảm nhận việc dạy chữ Hán, giảng kinh và chủ trì các khóa lễ mà nhiều học viên sau này trở thành các bậc tu hành có uy tín .

Nãm 1945, ngay sau Cách mạng tháng Tám, Ông được mời tham gia chính phủ lâm thời nhưng ông không nhận

Nãm 1946 ông cùng một lớp học tăng ni và một số trẻ mồ côi hội Tế Sinh đi theo kháng chiến chống Pháp, tham gia lao động sản xuất, giáo dục, viết và dịch sách.

Tự vẫn

Năm 1954, Trong Cải cách ruộng đất, Thiều Chửu bị quy là địa chủ và bị đối xử tàn nhẫn. Bị vu cáo, cộng với sự thương cảm cho nhiều nông dân bị hàm oan trong Cải cách ruộng đất mà cảm thấy mình bất lực, ông đã tự vẫn ngày 15 tháng 7 nãm 1954.

Trước tác đồ sộ

Thiều Chửu để lại 93 tác phẩm viết và dịch. Ngoài bộ Hán Việt tự điển có giá trị vượt thời gian, ông còn dịch 14 bộ kinh cãn bản của đạo Phật

.

D – Phong trào Thanh Thiếu niên Phật tử:

  1. Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục:

Năm 1940, Tâm Minh Lê Đình Thám quy tụ một số thanh niên trí thức tân học tại Huế và thành lập đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục do chính ông hướng dẫn. Những thanh niên này không học Phật pháp bằng văn bản Hán văn nữa. Họ được nghe giảng dạy đạo Phật theo đường lối tân học. Tuy nhiên họ cũng được học Nho học và Lão học. Sau này, chính những đoàn viên sẽ là những người hướng dẫn của gia đình Phật Hóa Phổ.

Bài ca chính thức của đoàn được soạn bằng tiếng Pháp.

Năm 1942, đoàn đã soạn một cuốn sách căn bản về Phật học đề giáo dục thanh thiếu niên có tựa là « Phật Giáo Sơ Học ».

Bắt đầu từ số 48 (xuất bản tháng 5-1942) trở đi, hầu hết mọi bài của Viên Âm đều do đoàn Phật Học Đức Dục viết.

Đoàn lại tổ chức Phật Học Tùng Thư và xuất bản nhiều sách Phật.

 

  1. Gia Đình Phật Hóa Phổ / Gia Đình Phật Tử [4]

a. Ở miền Trung , Từ 1932, những tổ chức thanh thiếu niên thiếu nữ đã có mặt rồi. Đó là Ban Ðồng Ấu do An Nam Phật Học Hội tùy cơ thành lập , chỉ ra mắt được 3 dịp : Lần thứ nhất là nhân Đại lễ Phật Đản ở Huế năm 1935, lần thứ nhì vào dịp tiếp rước ông Goddard là dân biểu đảng Xã Hội thời Mặt Trận Bình Dân, và lần thứ ba nhân dịp dám tang thầy Mật Khế. Ban Đồng Ấu chỉ có tính cách địa phương, không có tính cách chính thức.

Gia đình bác sĩ Tâm Minh lúc bấy giờ, có lệ là đến sáu giờ chiều, anh em trong nhà tập trung cùng các bạn nhỏ trong xóm, tụng kinh lễ Phật.

Vào khoảng năm 1940, Lê Đình Luân con của bác sĩ Lê Đình Thám và Lê Lừng, thư ký riêng của bác sĩ, cùng là hướng đạo sinh, thấy anh em tụ họp tại nhà khá đông nên có ý kiến từ đó lập một đoàn hướng đạo Phật tử. Bác sĩ Lê Ðình Thám chấp thuận, nhưng không để danh xưng là hướng đạo Phật tử, mà là gia đình phật hóa phổ, lấy pháp danh của gia trưởng làm tên đơn vị, do đó đơn vị đầu tiên nầy có tên là gia đình Phật Hóa phổ Tâm Minh.

Cho đến năm 1943, lần lượt các Gia Ðình Phật Hóa Phổ khác được thành lập tại Huế như Gia Ðình Phật Hóa Phổ Tâm Lạc, do Phạm Quang Thiện làm Phổ Trưởng; Gia Ðình Phật Hóa Phổ Thanh Tịnh, do Tôn Thất Tùng làm Phổ trưởng….

Gia Ðình Phật Hóa Phổ có Ðiều lệ và Ban Ðiều Hành đầu tiên đã được thành lập vào ngày 14-3-1943 [5]

Cho đến năm 1945, có nhiều đơn vị đã được thành lập tại cố đô Huế và lân cận, nhưng đều phải ngưng hoạt động

Ðến năm 1947, dân chúng đã hồi cư tạm ổn. Hội Phật Giáo Việt Nam Trung Phần hoạt động lại,các Gia Ðình Phật Hóa Phổ theo đó được thành lập.

Gia Ðình Phật Hóa Phổ đã tổ chức một đại hội ở Huế từ ngày 26 đến 28-5-1947, ngày chót đã bầu Ban Hướng Dẫn Lâm Thời Gia Ðình Phật Hóa Phổ thuộc Hội Phật Giáo Việt Nam Trung Phần, với những Cố Vấn Giáo lý : Thích Minh Châu, Thiên Ân, Ðức Tâm, Chân Trí và Trưởng Ban Hướng Dẫn là Võ Ðình Cường

b. Ngoài Bắc, tại chùa Quán Sứ Hà Nội, vào năm 1947-48 Thượng Tọa Tố Liên đã lập tại chùa Quán sứ một Cô Nhi Viện để nuôi dạy 200 trẻ mồ côi, vừa dạy chữ, vừa dạy nghề cho các em, để tiện điều hành, các em được chia thành Toán và Ðoàn, hàng ngày các em có giờ tụng kinh vào buổi sáng và tối.

Cũng tại chùa Quán sứ, có trường tiểu học Khuôn Việt do giáo sư Nguyễn Ngọc Quỳnh làm hiệu trưởng. Thượng tọa Tố Liên cũng tổ chức học sinh trường Khuôn Việt thành Ðoàn, mỗi sáng chủ nhật học sinh đến chùa lễ Phật và được hướng dẫn các bài hát, hoạt động thanh niên, dần dần tiến đến việc hình thành Gia Ðình Phật Hóa Phổ Minh Tâm.

Tháng 11 năm 1950 cư sĩ Ðặng Văn Khuê thành lập Gia Ðình Phật Hóa Phổ Thiện Tuệ. Sau đó các Gia Ðình Liên Hoa (Hải Phòng), Phả Quang, Minh Ðạo và Từ Quang được thành lập.

c. Trong Nam, sớm nhất là vào năm 1950, Gia Ðình Phật Hóa Phổ Chân Tri Sàigòn được thành lập tại chùa Sùng Ðức ở Chợ Lớn, sau dời về chùa Phật Quang đổi danh hiệu là Gia Ðình Phật Tử Chánh Giác .

d. Ðại hội Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử toàn quốc lần thứ nhất :

Do Gia Ðình Phật Hóa Phổ đã lan rộng ra các tỉnh miền Trung, để được thống nhất về tổ chức, tu học, sinh hoạt nên Gia Ðình Phật Hóa Phổ thuộc Hội Phật Giáo Trung Việt được triệu tập tại chùa Từ Ðàm vào các ngày 24, 25, 26-4-1951 với sự tham dự của các Huynh Trưởng 9 tỉnh miền Trung là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Ðà Nẳng, Bình Thuận, Di Linh, Lâm Viên, Ðồng Nai Thượng và một Phái đoàn dự thính của các Huynh Trưởng miền Bắc.

Ðại Hội nầy đã thay đổi danh xưng Gia Ðình Phật Hóa Phổ ra Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, về sau Ðại hội nầy được gọi là Ðại Hội Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử toàn quốc lần thứ nhất.

Vào dịp Hè năm 1951 – sau đại hội Phật Giáo thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam vào các ngày 6, 7, 8-5-1951 – một trại huấn luyện Huynh Trưởng Kim Cang do Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Hóa Phổ tổ chức tại Huế, đây là trại huấn luyện Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam đầu tiên, trại sinh tham dự gồm có Huynh Trưởng các tỉnh miền Trung, miền Bắc và miền Nam. Những người tham dự chính là hạt nhân để phát triển Gia Ðình Phật Tử toàn quốc sau nầy.

.

E. Cách mạng tháng Tám:

Năm 1946, trong kháng chiến, tại miền Trung, một số Phật tử ra một tờ báo Phật học, lấy tên là Giải Thoát.

Tại Hà Nội, một số Phật Tử xuất bản tạp chí Tinh Tiến.

Cả hai báo đều chết yểu, không ra được quá 10 số.

.

F. Tổng hội Phật giáo Việt Nam:

Năm 1951, 6 tổ chức ba miền họp tại Chùa Từ Đàm-Huế thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức thống nhất, do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết chùa Tường Vân làm Hội trưởng.

Năm 1952, các tổ chức tăng già của ba miền đất nước họp tại chùa Quán Sứ-Hà Nội để thành lập Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc. Đại hội bầu một tổng trị sự và suy tôn Hòa thượng Thích Tuệ Tạng ở miền Bắc làm Thượng Thủ.

Tuy nhiên Tổng hội chỉ là một tổ chức hình thức, không có quyền điều hành kiểm soát. Mỗi hội vẫn hoạt động riêng biệt.

Bên ngoài Tổng hội Phật giáo Việt Nam vẫn còn những tổ chức Phật giáo khác hoạt động.

 

.

IV. Kết:

1920-1952, một chặng đường dài 30 năm, các sơn môn rời rạc của ba miền đất nước đã kết hợp thành một giáo hội có tổ chức, có chi nhánh bắt rễ tại mọi địa phương, mọi thị thành, có những đội ngũ thanh thiếu niên, áo Lam, huy hiệu hoa sen trắng, làm nòng cốt cho mọi tổ chức lễ lạc hay những sinh hoạt chùa chiền, cứu tế…

Ngày xưa , người ta đi chùa lễ Phật rầm rập vào những ngày lễ, ngày hội, vậy mà nhà văn Hải Triều xem như không có ai. Với ông, có lẽ chỉ khi thành tổ chức mới được gọi là có. Không có cái cá nhân, chỉ có cái tập thể.

Năm 1952, tổ chức đã thành hình , tập thể đã có, nhưng để làm gì ?

Bình thường là để làm phương tiện tu hành cho tứ chúng, và có lẽ chỉ nên như vậy. Nhưng có những khi không đừng, như tại miền Nam năm 1963, phải đứng ra cáng đáng chuyện khác. Câu hỏi cũng luôn luôn được đặt ra: đâu là giới hạn cuộc việc làm?

Năm 1954, đất nước chia đôi.

Tại miền Bắc, các Thiền Sư Tuệ Tạng, Tố Liên, Trí Hải kiên trì bảo vệ các cơ sở Phật Giáo, nhưng nói chung, các sinh hoạt hành đạo gặp nhiều trở ngại.

Tại miền Nam, phong trào Phật giáo tiếp tục phát triển, củng cố tổ chức với các trường Bồ Đề, với đại học Vạn Hạnh, các cơ sở văn hóa, báo chí, cứu tế v.v… Nhưng cũng gặp nhiều nghịch duyên.

Năm 1963, Thiền sư Quảng Đức tự thiêu thời Pháp nạn.

Vào những năm 60-70, Thiền sư Nhất Hạnh viết sách « Nói với tuổi hai mươi », « Đạo Phật Hiện Đại Hóa », « Hoa sen trong biển lửa » , gây dựng phong trào « Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội » ….

***

Ngày nay, tại xứ ta, chùa nhiều, chùa lớn nhưng … lớn quá.

Sư sãi đông nhưng hỗn tạp.

Bên cạnh những trung tâm tu hành nghiêm chỉnh, khắp nơi nhan nhản những nơi buôn thần bán thánh. Qua các mạng lưới điện tử, người ta còn thấy ông sư hát tình ca, Phật tử nhố nhăng uốn éo nhảy múa trong chính điện.

Phải chăng đã đến lúc nên có một cuộc Chấn Hưng thứ hai ? 

***

(Bài viết  đã được đọc tại Bàn tròn « Đạo Phật dấn thân » tại Trúc Lâm Thiền Viện, Villebon Sur Yvette, ngày chủ nhật 10/1/2016)

.


[1] Xem Nguyễn Lang, sđd, tr. 70

[2] Xem Nguyễn Lang, sđd, tr. 108

[3] Tại Huế, « Có những chùa và những phật tử tại gia cũng như xuất gia không chịu gia nhập cuộc cách mạng tôn giáo của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam nên họ đã gọi những người chấp nhận cuộc cách mạng tôn giáo đó là Thầy Cô chùa Hội, Phật tử chùa Hội… » (Hoàng Nguyên Nhuận, Phật Đản 63, Chuyển Luân, Số Phật Đản 2621, Cộng Đồng Phật Tử Việt Nam Úc Châu, 1997, trang 27)

[4] Xem Lê Lừng :  » Những ngày đầu của Gia Đình Phật Hóa Phổ  » , hồi ký của Lê Lừng, Hồ Phùng sưu tầm, Website Người Cư Sĩ, http://cusi.free.fr/lsp/gdpt/gdpt051.htm

[5] Lê Lừng đã kể lại như sau:

 » Hồi đó, học sinh, kể cả người lớn, những câu chuyện trao đổi thường ngày với nhau hay chen vào tiếng Pháp như toi, moi, vous v.v… Chúng tôi (Gia đình Phật Hóa Phổ) định rằng đã dùng tiếng Pháp thì phải nói cho hết câu, còn câu tiếng mẹ đẻ không được chen vào tiếng Pháp, trừ những tiếng đã Việt hóa từ lâu. Mỗi anh em chúng tôi đều giữ một cuốn sổ, ghi việc thiện và ghi lỗi nói hai thứ tiếng. Việc nầy thực hành trong tinh thần tự giác. Trong buổi họp hàng tuần, đem ra kiểm lại, xem như điểm « thi đua ». (…)

« … Vào những Năm 1930, 1940, đa số người muốn hát cho vui, đều hát theo bài hát tiếng Pháp. Người lớn thì Madelon, J’ai deux amours… Bạn trẻ như hướng đạo sinh thì Chanson D’alouette, Frère Jacques v.v… đến như bài hát chánh thức của hướng đạo cũng bằng tiếng Pháp ( Si nous voulons être forts v.v…), cho đến ngày họp hướng đạo toàn quốc tại Huế (hình như là Tứ Tây, tôi quên) trưởng Tạ Quang Bửu mới cất tiếng hát « Muốn nên người cường tráng ngày nay… » trước mặt vua Bảo Đại, khăn đóng vàng, áo dài vàng đến dự lễ, bắt đầu cho những bài hát bằng tiếng mẹ đẻ cho hướng đạo sinh.

(« Những ngày đầu của Gia Đình Phật Hóa Phổ« , hồi ký của Lê Lừng, Hồ Phùng sưu tầm)

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

1 Trackback / Pingback

  1. Phong trào Chấn hưng Phật Giáo tại Việt Nam và tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản – Kỳ 1 – ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :