Bước vào năm 2017, mối quan hệ hai nước Việt-Pháp đã đi thêm một chặng đường trong sự hợp tác và phát triển. Đây chỉ là một bài viết ngắn sơ lược, tổng hợp thông tin về mối quan hệ Việt-Pháp trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục trong thời gian gần đây, với hy vọng đưa ra vài thông tin hữu ích cho những ai quan tâm, cũng như mỗi người tự có nhận xét, phân tích của riêng mình.
Sự kiện hợp tác quan trọng gần nhất giữa hai nước Pháp và Việt Nam phải kể đến là việc ký kết bản hợp tác chiến lược song phương vào ngày 25 tháng chín năm 2013, với mục đích tăng cường mối quan hệ giữa hai nước trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, quốc phòng, kinh tế, giáo dục, văn hoá. Ngay sau đó là hai năm chéo Việt-Pháp với hàng trăm sự kiện, hoạt động văn hóa, xã hội, nghệ thuật được tổ chức ở cả hai nước Việt Nam và Pháp, góp phần giới thiệu thêm rất nhiều về hình ảnh và văn hóa của Pháp ở Việt Nam, cũng như Việt Nam tại Pháp.
Trước đó và cho đến nay, quan hệ chiến lược về chính trị giữa hai nước Việt-Pháp cũng đã đạt đến một tần suất tương đối thường xuyên bằng những cuộc gặp mặt cấp cao, ở tầm quốc gia có bốn chuyến thăm của các đời tổng thổng Pháp dành cho Việt Nam (1993, 1997, 2004, đặc biệt năm 2016 có sự tham gia của Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp trong đoàn của Tổng thống Pháp tại Việt Nam), của Thủ Tướng Pháp François Fillon vào tháng 11/2009, trong mối tương quan đó, về phía Việt Nam cũng có chuyến thăm đến Pháp của Chủ tịch nước Cộng Hoà Xã Hội chủ Nghĩa Việt Nam vào năm 2002, của Tổng Bí Thư vào năm 2005, và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007, 2013 và 2015 ( khai mạc COP 21). Bên cạnh đó, mỗi năm, còn rất nhiều các chuyến viếng thăm cấp bộ trưởng được diễn ra ở cả hai chiều.
Tương tự, ngay tại nước sở tại Pháp, quan hệ Pháp-Việt còn được nuôi dưỡng bằng các mối liên hệ giữa chính quyền địa phương, hội đoàn với nhau, thường xuyên nhất là khuôn khổ chương trình hợp tác phân cấp quản lý giữa hai nước Pháp-Việt.
Hiện tại, Việt Nam là thành viên của Tổ Chức quốc tế Pháp ngữ OIF, với trụ sở cấp vùng Châu Á-Thái Bình Dương của OIF đặt tại Hà Nội, nơi đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các nước Pháp ngữ năm 1997.
***
Về quan hệ kinh tế với Việt Nam, nước Pháp cam kết giữ vững sự giúp đỡ trong khuôn khổ các vấn đề về phát triển. Trong lịch sử, nước Pháp từng là nhà đầu tư song phương lớn thứ hai của Việt Nam sau Nhật bản, với 1,5 tỷ euros cam kết cộng gộp từ năm 1993. Sự hợp tác tài chính là rất dày đặc, và Việt Nam là nước nhận tài trợ nhiều đứng thứ 3 trong danh sách những nước được Pháp hỗ trợ tài chính, với hơn 350 triệu euros được dành cho các dự án RPE (Quỹ dành cho các nước mới nổi) từ 2006.
Ngày nay Pháp đứng trong 3 nhà đầu tư Châu Âu hàng đầu tại Việt Nam, và thứ 16 trong các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực đầu tư cổ phiếu (với 3 tỷ usd cổ phiếu). Gần 2/3 các khoản đầu tư từ nước Pháp được thực hiện trong ngành dịch vụ, 1/5 dành cho công nghiệp (nước, gaz, và điện), 7% cho nông nghiệp và 5% cho mảng phân phối.
Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế giữa 2 nước có khuynh hướng trên đà mất cân bằng và bị tụt lại so với tiềm năng ban đầu được đặt ra. Ngay cả khi lượng xuất khẩu từ Pháp sang Việt Nam gần như gấp đôi trong năm 2014-2015( +85%) và vượt quá con số một tỷ euros (1,4 tỷ đô trong năm 2015 so với 764 triệu euros trong năm 2014), thì lượng tiền thiếu hụt trong thương mại vẫn tiếp tục đi xuống (2,7 tỷ euros trong năm 2015 so với 2,3 tỷ trong năm 2014) dù đã tính thêm vào đó sự tăng trưởng quan trọng của nhập khẩu hàng hoá (4 tỷ euros năm 2015) có xuất xứ Việt Nam vào Pháp ( đặc biệt là sản phẩm dệt may và giày dép, đồ thể thao,…). Sản phẩm xuất khẩu từ Pháp vào Việt Nam chủ yếu từ mua bán hàng không và hàng hoá dược phẩm, nông nghiệp.
Gần 300 doanh nghiệp Pháp hiện đang hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức tập đoàn, văn phòng đại diện, hoặc đồng doanh nghiệp (tạo ra khoảng 26000 việc làm).
Trong lĩnh vực du lịch, theo số liệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho đến hết tháng 12/2016, đã có 10.012.735 lượt khách du lịch đến Việt Nam, tăng 26,0% so với năm 2015. Đó cũng một phần nhờ vào việc miễn thị thực nhập cảnh cho 5 nước châu Âu, trong đó có Pháp, có hiệu lực cho đến hết tháng 6/2017.
***
Về hợp tác trong lĩnh vực văn hoá, khoa học và kỹ thuật, sinh viên Việt Nam được xem là cộng đồng sinh viên châu Á lớn thứ 2 ở Pháp (hơn 7000 sinh viên), đối với Việt Nam, nước Pháp là quốc gia đón tiếp lượng sinh viên Việt Nam nhiều thứ 3 trên thế giới.
Pháp và Việt nam đã cùng nhau phát triển rất nhiều sự liên kết ở bậc đại học, sau đại học, cũng như về các nghiên cứu khoa học, đặc biệt quan trọng là Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao giữa các trường Đại học Bách khoa Việt Nam với các trường danh giá, nổi tiếng về đào tạo kỹ sư của Pháp, được thực hiện với sự đóng góp quan trọng và to lớn của Giáo sư Nguyễn Quý Đạo, đã đào tạo ra nhiều thế hệ kỹ sư và nhà nghiên cứu khoa học ở Pháp,
Từ những nền tảng hợp tác về giáo dục Pháp-Việt đã có, nhiều dự án và mong muốn đã được tiếp tục tạo ra và phát triển hơn nữa, một trong những ví dụ tiêu biểu là hiện nay, Trung tâm quản lý Pháp Việt (CFVG), có tham vọng trở thành một trường lớn trong lĩnh vực thương mại của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
***
Cộng đồng Việt Nam tại Pháp là cộng đồng được người Pháp đánh giá cao vì sự hòa nhập, thân thiện, hữu nghị cũng như các đóng góp văn hóa, nghệ thuật, xã hội vào sự phát triển chung của Pháp. Các cấp chính quyền và hội đoàn Pháp vẫn luôn dành nhiều cảm tình, ủng hộ, hỗ trợ cho người Việt Nam nhờ nhiều yếu tố, hợp tác như đã trình bày, trong đó không thể bỏ qua yếu tố văn hóa và vẻ đẹp rất đặc trưng của Việt Nam. Mong rằng những thế hệ trẻ sẽ dùng trí thức, tri thức và lòng yêu nước của mình để phát triển hơn nữa hình ảnh văn hóa Việt Nam tại Pháp, tham gia, đóng góp vào mối quan hệ tốt đẹp Việt-Pháp trong năm 2017 và sau này.
.
Tổng hợp thông tin và viết: Trâm Ngọc – Quang Nguyên
Các nguồn số liệu lấy từ Bộ Ngoại giao Pháp và Bộ kinh tế, tài chính Pháp.
Để biết thêm các thông tin và số liệu khác liên quan Việt Nam :
http://www.tresor.economie.gouv.fr/pays/vietnam