Tùy bút xã hội: Diễn biến phức tạp chưa từng có trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sắp tới

Chỉ còn hơn 7 tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 1 (ngày 23/4/2017) và vòng 2 là ngày 7/5/2017, nhưng tình hình chính trị hiện nay ở Pháp phức tạp vô cùng và như đang bị bế tắc. Có lẽ chưa bao giờ, từ nhiều năm nay, trước một cuộc bầu cử tổng thống, cử tri lại cảm thấy hoang mang đến vậy ! « Ai sẽ lên lãnh đạo nước Pháp ? » Ai sẽ là người kế nhiệm Tổng thống François Hollande (người đã tuyên bố không ứng cử tiếp nhiệm kỳ thứ hai), đại diện cho nước Pháp – đất nước không chỉ đa dạng về địa lý, mà còn được xem là một trong những trung tâm văn hóa – nghệ thuật của cả châu Âu với những lâu đài, thành phố cổ và kiến trúc, kho tàng văn hóa đồ sộ được để lại từ thời La Mã cổ đại hay thời kỳ Phục Hưng thịnh vượng ? Câu hỏi đó trong giai đoạn hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong số 5 ứng cử viên sáng giá, thật khó có thể đoán định ai sẽ là người chiến thắng.

Một Marine Le Pen, ứng viên, chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia (Front National), là người hữu khuynh. Với tình trạng thất nghiệp tràn lan, kinh tế bế tắc, quan điểm của bà về vấn đề người nhập cư, bản sắc dân tộc và vị trí của người Hồi giáo trong xã hội Pháp, có lẽ sẽ làm cho cử tri phải suy nghĩ để bỏ lá phiếu cho bà. Nhưng tư tưởng cực hữu, cộng thếm vấn đề pháp lý rắc rối mà bà đang gặp phải, khiến cử tri băn khoăn.

Một François Fillon, ứng viên đảng Những người Cộng hòa (Les Républicains), người từng được coi là trong sạch và có khả năng vực dậy nước Pháp, lại đang bị vướng mắc với pháp lý và có khả năng bị khởi tố trong vụ vợ và con ông bị tố cáo nhận lương thật nhưng làm việc giả (với luật pháp nghiêm khắc và rõ ràng tại Pháp, chắc chắn mọi việc đều bị lôi ra ánh sáng).

Một Emmanuel Macron, ứng viên của đảng Xung phong (En Marche), từng là nhân viên một ngân hàng đầu tư, là cố vấn kinh tế cho Tổng thống François Hollande, trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng kinh tế vào năm 2014. Một số người cho rằng ông là kẻ phản bội Tổng thống đương nhiệm, nay nhân danh là người không phải cánh tả hay cánh hữu, tập hợp nhân sĩ cả hai phía. Tuy nhiên, mới 39 tuổi, còn trẻ và rất năng động, lại được sự hậu thuẫn của François Bayrou, chủ tịch đảng Phong trào Dân chủ (MoDem) là người có rất nhiều kinh nghiệm và là người nhận được nhiều sự yêu mến, tin tưởng từ người dân Pháp, Emmanuel Macron đang chiếm được cảm tình của thế hệ trẻ và cộng đồng doanh nghiệp Pháp.

Một Benoit Hamon, ứng viên của đảng Xã hội, lại là người từng chống lại một số chính sách của Chính phủ hiện tại, vì vậy việc tập hợp tất cả những tiếng nói của phái tả cũng là điều cực kỳ khó khăn. Một Jean-Luc Mélanchon, ứng viên của đảng Cánh tả. Do đảng Trung tả đang bị giảm sự ủng hộ từ công chúng, ông đã nhận ra cuộc đua có nhiều cơ hội mở. Gần đây, ông nhận được sự ủng hộ của đáng Cộng sản Pháp và vì thế có thêm hậu thuẩn. Tuy nhiên, với tư tưởng cực tả, hiện ông chỉ đứng thứ 5 trong số danh sách này (theo kết quả thăm dò gần đây).

16938925_1869627493313940_5564693035532593437_n

Với tình hình bầu của tổng thống Mỹ gần đây, khi Trump đã được chính một số người của đảng Dân chủ, những người lao động, những tài xế xe tải, những người thợ sửa chữa xe ô tô, những người đàn ông, những phụ nữ làm việc cực nhọc với bàn tay đầy chai sạn, tự nguyện bỏ lá phiếu cho ông, thì với tình hình chính trị thật sự phức tạp hiện nay ở Pháp, ta thật khó biết ai sẽ là Tổng thống ?

Trần Thị Hảo

Paris ngày 2/3/2017


Bài viết mang góc nhìn, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

.

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

1 Comment on Tùy bút xã hội: Diễn biến phức tạp chưa từng có trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sắp tới

  1. A reblogué ceci sur Trần Thị Hảo.

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :