Buổi chiêu đãi nhân dịp khai mạc triển lãm «Hồ Chí Minh, con người của Hòa bình và Văn hóa »

Ngày 13/11, tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc – UNESCO, với sự có mặt của đại sứ Trần Thị Hoàng Mai, đã diễn ra Lễ kỷ niệm trọng thể 30 năm ngày UNESCO ra nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là « Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam » và kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.

hcm1.png

Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Linh Hương-P/v TTXVN tại Pháp

Tham dự sự kiện này gồm có Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, Đại sứ Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Pháp – Việt Hữu nghị (AAFV ông Gérard Daviot và Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp UGVF Ngô Kim Hùng …

Những tấm ảnh của triển lãm đã được chuẩn bị và cung cấp bởi UGVF – Hội Người Việt Nam tại Pháp.

Sau bài phát biểu của Đại sứ và Tổng giám đốc UNESCO, nhà sử học Alain Ruscio nói về tiểu sử của Hồ Chí Minh trên hai khía cạnh: « Phản ánh sự trường cửu của tư tưởng và hành động của Hồ Chí Minh, con người vì hoà bình và con người của chủ nghĩa dấn thân ».

Đây là toàn văn.

Alain Ruscio – Nhà sử học – Chủ tịch CID Vietnam

Thông thường khi tiếp một nhà sử học, nổi tiếng chuyên gia về Việt Nam vào dịp này, người ta thường chờ đợi chuyên gia này đưa ra một khung về các mốc sự kiện, những giằng co của thời kỳ đó, vai trò của các tác nhân lịch sử…

Nhưng tối nay tôi mong muốn làm khác đi. Tôi cho rằng tiểu sử Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh được nhiều người biết, ít nhất là những nét chính và tôi cũng không dám mạo hiểm nhiều, vì các nghiên cứu có chất lượng đã có rất nhiều và những người có mặt tại đây đều thông thạo.

Vì vậy, thay vì thuật lại câu chuyện về cuộc đời Bác Hồ, tôi xin phép đưa ra vài suy nghĩ về những nét nổi bật của tư tưởng và hoạt động của Người.

Với tôi, có hai đặc điểm chính:

  1. Hồ Chí Minh, con người vì hòa bình
  2. Hồ Chí Minh, con người dấn thân vì chủ nghĩa quốc tế và thế giới thứ ba

Hồ Chí Minh, con người vì hòa bình

Khẳng định đặc điểm này có thể khiến người ta thấy đây là nghịch biện.
Vì nếu tìm hiểu về cuộc đời của Người, ta thấy Người hầu như luôn đấu tranh và thường phải chiến đấu với những kẻ muốn khuất phục dân tộc của Người:

  • Từ 1911 đến 1923: 12 năm bôn ba nước ngoài để tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc.

  • Từ 1923 đến 1945: 22 năm đấu tranh bí mật, trong thời gian đó Người truyền bá tư tưởng cách mạng thế giới

  • Từ 1945 đến khi qua đời năm 1969: 24 năm lãnh đạo một dân tộc hầu như luôn phải trong tình trạng cầm vũ khí

Thế nhưng con người ấy, ở hoàn cảnh đấu tranh bí mật, trong chiến khu hay đảm nhiệm vai trò chủ tịch nước, luôn đối đầu với Phương Tây, chưa bao giờ là người hiếu chiến.

Ba ví dụ, 3 cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Người: 1918-1920, 1945-1946 và 1954-1956

Năm 1918, khi đang ở Phương Tây (Luân Đôn sau đó là Paris) chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc không có gì tỏ ra là sau này sẽ trở thành một đối thủ kiên định của Phương Tây. Ví dụ, khái niệm độc lập cho Việt Nam với Người lúc đó mới chỉ là viễn cảnh tương đối xa. Nếu nghiên cứu « Yêu sách của nhân dân dân An Nam » mà chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc giới thiệu với các đại biểu dự hội nghị Versailles năm 1919, ta thấy văn bản này có những yêu cầu mang tính chất tối thiểu:

  • Ân xá cho các tù chính trị,
  • Cải cách hệ thống tư pháp
  • Tự do báo chí và ngôn luận
  • Tự do lập hội và hội họp
  • Quyền lợi chính trị nhiều hơn cho người bản địa

Chính quyền Pháp lúc đó đã trả lời như thế nào? Bằng sự khinh thường, theo đuổi sự đàn áp, tìm cách bắt giữ thanh niên Nguyễn Ái Quốc.

Một năm sau, thanh niên này đã thấy bản chất của hệ thống thuộc địa là không thể thay đổi, thanh niên đó đã trở thành người cộng sản tại hội nghị Tours nổi tiếng. Dù sao đi nữa Người có lẽ cũng trở thành cộng sản khi mà Quốc tế cộng sản và đảng cộng sản Pháp đối với những người dân nước thuộc địa tỏ ra là những đồng minh chắc chắn nhất. Sự thật là: chính hệ thống thuộc địa đã làm cho người thanh niên An Nam với ánh mắt đầy nghị lực trở nên quyết tâm hơn.

Một phần tư thế kỷ sau đó, bước ra khỏi cuộc chiến tranh thế giới, ngay sau khi tuyên bố độc lập, Hồ Chí Minh đã yêu cầu nước Pháp điều gì? Rút quân ngay? Từ bỏ mọi quyền lợi ở Đông Dương? Không phải thế.

Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông chìa tay với chính phủ Pháp hình thành từ kháng chiến chống Đức Quốc Xã, chấp thuận khái niệm Liên hiệp Pháp. Vì vậy chuyến đi của Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đến Pháp năm 1946. Họ thực hiện chuyến đi với tính toán: bị cô lập, họ không thể trông chờ vào Trung Hoa Đỏ (du kích của Mao hoạt động ở cách đó hàng ngàn cây số về phía bắc và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung hoa đến mùa thu 1949 mới ra đời, tức 4 năm sau mới chiến thắng, họ cũng không thể trông chờ vào Liên Xô (Matxcơva công nhận Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1950). Hồ Chí Minh là một trong những người muốn tin vào khả năng nước Pháp mới thay đổi tiến bộ và không rơi trở lại vào cố tật của nó trong quá khứ.

Người ta đã biết điều gì đã xảy ra: sự kiệu căng của chủ nghĩa thuộc địa, sự khinh thường mang tính chủng tộc, chủ nghĩa chống cộng đã làm cho Cộng hòa thứ IV đang hình thành đến khiêu khích bằng vụ bắn phá gây nhiều chết chóc ở Hải Phòng đã gây ra xung đột, một xung dột dần dần biến thành chiến tranh bẩn thỉu đối với người Pháp và với người Việt Nam thành chiến tranh giải phóng dân tộc.

Vượt qua 10 năm nữa. Sau Điện Biên Phủ, Việt Nam tại Genève ký một thỏa thuận không phản ánh thực tế của tương quan lực lượng trên chiến trường, nhưng là một giải pháp dung hòa do cộng đồng quốc tế áp đặt. Tuy vậy, Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người mà giờ đây đã trở lại Hà Nội, sẽ làm tất cả để tìm cách thực thi hiệp định một cách tối đa – bước đầu là thực hiện điều khoản thống nhất bằng biện pháp hòa bình thông qua tổ chức tổng tuyển cử.

Tất cả những ai đã gặp Hồ Chí Minh vào lúc đó đều có thể thấy quyết tâm tìm hòa bình ở Hồ Chí Minh. Người cũng hiểu rõ sự trung thành tương đối – một cách nói uyển ngữ – của Bắc Kinh và Matxcơva, cố gắng theo đuổi con đường hòa bình đến cùng. Nhưng thời gian trôi qua, mỗi ngày giải pháp hòa bình dù dược cam kết ở Genève càng bị đẩy ra xa vì chế độ ngày càng phát xít Ngô Đình Diệm, vì sự hèn nhát của ngoại giao Pháp, vì sự can thiệp ngày một sâu của Mỹ. Nay chúng ta biết là phải đến năm 1959, Bộ chính trị ở Hà Nội dù không muốn vẫn phải quyết định trở lại đấu tranh vũ trang ở miền Nam.

1919… 1945… 1954… ba lần người Việt Nam chìa tay ra… Đối lại là 3 nắm đấm của Phương Tây, nắm đấm để đánh đập , để đàn áp ở nước thuộc địa, để tiến hành chiến tranh thuộc địa và sau đó là chiến tranh đế quốc.

Tôi xin đưa ra đây như là một kết luận của điểm thứ nhất: Hồ Chí Minh, người đứng đầu một đất nước đã trải qua cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ, theo tôi xứng đáng có vị trí ở đài danh nhân dành cho những con người vĩ đại vì hòa bình. Tôi đảm nhận việc đưa ra nghịch biện này.

Hồ Chí Minh, người dấn thân cho chủ nghĩa quốc tế và thế giới thứ ba

Thoạt nhìn, Hồ Chí Minh trước hết là một người yêu nước. Thật vậy ít có nhà chính trị nào mà tên tuổi gắn liền với cuộc đấu tranh của tổ quốc mình như vậy. Chẳng phải là Người đã lấy bí danh hoạt động cách mạng là Nguyễn Ái Quốc mà người ta dịch ra “Nguyễn-Người-Yêu-Nước” hay sao ? Sau này Hồ Chí Minh khi trả lời Nixon năm 1966, có phải Người đã viết câu dứt khoát « Không có gì quý hơn độc lập và tự do » hay sao? Chẳng có ai có thể nghi ngờ phẩm chất yêu dân tộc và yêu đất nước ở Người.

Nhưng cũng rất lý thú là với Người, cuộc chiến đấu này luôn gắn bó với cuộc chiến đấu của các dân tộc khác.

Điểm đáng chú ý cần làm nổi bật hàng đầu là, ngay từ khi còn rất trẻ, Người đã nhìn sang các nước khác để tìm ra nguyên nhân của xiềng xích trói buộc đất nước mình. Người lẽ ra cũng có thể làm như những đồng bào yêu nước khác của mình, hướng tới phía Đông – nước Nhật cách tân, hay đến cộng hòa Trung Hoa sau 1912 – hay thậm chí có thể vẫn ở lại trong nước để hoạt động cách mạng. Nhưng không, Người đi về hướng Tây, thu thập cho mình khi đang ở độ tuổi giữa 20 và 30 một trải nghiệm mang tính quốc tế không gì so sánh được, vượt qua các đại dương quan sát nước Mỹ, Anh, Pháp, Châu Phi…

Những gì quan sát được đã giúp Người tiến hành hoạt động cách mạng thật sự mang tính quốc tế tại Paris vào đầu những năm 1920, ví dụ như hoạt động trong đảng cộng sản Pháp non trẻ, và cả trong những phong trào mang tính hiện đại một cách kỳ lạ như Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa, hiệp hội đầu tiên trong lịch sử nước Pháp qui tụ người châu Á, người Châu Phi, người Maghreb, người Madagascar, người Antilles… Quốc vừa là nhà sáng lập, nòng cốt, biên tập viên chính (và làm cả việc vẽ minh họa) cho tờ báo Le Paria với hàng chữ bên dưới tựa báo ghi: « Cơ quan ngôn luận của những người vô sản thuộc địa » tất cả một chương trình . Người viết báo để bảo vệ tất cả các mục tiêu tranh đấu của nô lệ trên thế gian: người Việt Nam, người ở thuộc địa địa châu Phi, người Mỹ gốc Phi, người Ai-len, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Trung Hoa…

Sau này, Hồ Chí Minh trở thành một nhà hoạt động quốc tế cộng sản. Người sáng lập đảng cộng sản Đông dương, nhưng cũng hoạt động ở miền Nam Trung Hoa bên cạnh Borodine, Người còn thực hiện các chuyến công tác ở Thái Lan, Malaysia…

Những hoạt động quốc tế đó còn là một sự dấn thân không thể chia tách Người với thế giới thứ ba ngay cả trước khi khái niệm này được đề cập. Nguyễn Ái Quốc là một bộ phận khiêm tốn nhưng kiên quyết ở bên trong Quốc tế cộng sản đấu tranh chống lại sự tập trung vào châu Âu, quan điểm theo đó dường như chỉ có một trung tâm của cách mạng thế giới – Liên Xô và các đảng cộng sản ở các nước công nghiệp hoá – bên cạnh đó là ngoại vi – một dự trữ cho cách mạng thế giới, như Staline đã đề cập. Với Quốc, không có trung tâm, không có ngoại vi, không có dự trữ, không có dân tộc dẫn dắt, không có dân tộc lạc hậu, mà là sự hiểu biết rõ ràng về kẻ thù chung mà Người gọi bằng tên của nó, chủ nghĩa đế quốc, phải tấn công kẻ thù khắp nơi, với tất cả mọi người, trong sự hội tụ và không có sự phân chia thứ bậc của sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh là một trong những người đã làm cho hình ảnh con bạch tuộc trở nên phổ biến, bạch tuộc mà tất cả các vòi của nó phải bị chặt đứt.

Trở thành nguyên thủ quốc gia, Người càng chứng tỏ điều đó. Sinh thời cho đến hơi thở cuối cùng (xem thêm Di chúc của Người) Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng đầy nhiệt huyết cho sự đoàn kết của phong trào cộng sản quốc tế. Nhưng Người là một trong những nhân vật ủng hộ đối thoại có kết quả với các nước đang phát triển ở châu Á và châu Phi. Vị khách mời chính thức đầu tiên đến Hà Nội sau khi chính phủ Việt nam dân chủ cộng hòa trở về lại Hà Nội(1955) không phải là Mao Trạc Đông hay Chu Ân Lai, không phải là Molotov mà là Nehru. Đất nước Người sau đó đứng ở hàng đầu trong số các nước dự hội nghị Bandung năm 1955.

Kết luận: Hồ Chí Minh, một trong những vĩ nhân của thế kỷ

Đọc những gì được người ta kể lại sau khi được gặp Người, những chân dung về Người được các nhà viết tiểu sử – trong đó không phải ai cũng là bè bạn về chính trị – ta càng có cảm giác là con người này là thật sự xuất chúng.

Người đã giành cả cuộc đời mình cho nhân dân. Cách đây 100 năm ai có thể đoán được là người thanh niên Việt Nam, khiêm nhường, ít nói, khi xuống tàu ở Marseille, người thanh niên ấy mang trong mình mầm quyết tâm đấu tranh chống hệ thống thuộc địa ngoài rất xa biên giới đấy nước của mình, rằng người thanh niên ấy sẽ lãnh đạo cuộc đấu tranh – cuộc đấu tranh mà Người không kịp chứng kiến thắng lợi nhưng hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi ấy, chống lại siêu cường số một thế giới?

Mác từng nói «Quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử ». Vâng, đúng là quần chúng nhân dân … nhưng khi những con người kiệt xuất đứng đầu quần chúng nhân dân đó thì dòng chảy của lịch sử được đẩy nhanh một cách lạ thường.

About Linh Sam (124 Articles)
Như đứa trẻ luôn tò mò khám phá và tích góp trải nghiệm trên hành trình cuộc sống... Liên hệ: radio.lien99@gmail.com

1 Comment on Buổi chiêu đãi nhân dịp khai mạc triển lãm «Hồ Chí Minh, con người của Hòa bình và Văn hóa »

  1. NHỮNG Ý KIẾN CỦA NHÀ SỬ HỌC ALAIN RUSCIO RẤT THÚ VỊ VỚI GÓC NHÌN MỚI MẺ. CẢM ƠN BÀI VIẾT.

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :