Nhật ký mẹ Việt tại Pháp: Thư gửi con gái bé bỏng

Thị Nhím của mẹ,

Con gái yêu thương, mẹ ngồi viết những dòng thư này khi con đang say giấc nồng, đôi môi đỏ mọng vừa chu lên trực mếu máo phụng phịu rồi lại ngoẻn cười khì trong mơ màng giấc khuya. Nhìn ngắm và quan sát con lớn lên từng ngày, mẹ thấy lòng bình yên và dường như cũng trưởng thành thêm qua những trải nghiệm chung của chúng ta.

Nhanh quá con gái nhỉ! Đã vừa qua dấu mốc một năm chúng ta gặp nhau và đồng hành trong cuộc đời. Quả như vậy, “con là khách quý”, vị khách đặc biệt đến với cuộc đời mẹ một cách thiêng liêng, gắn bó nhất; với con thì cũng không chắc được bao lâu vì khi đủ lông đủ cánh con cần phải bay đến những chân trời rộng mở nơi mà con được hạnh phúc, vui sống và lao động…, nhưng với mẹ, là cả cuộc đời này từ nay về sau, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, dù ở đâu chăng nữa.

Chỉ vài tuần nữa là đến Tết. Năm nay con sẽ được đón cái Tết thứ hai bên cha mẹ. Tết năm ngoái con chỉ mới vài tháng đỏ hỏn, chắc chẳng nhớ gì nhiều cái không khí ấm cúng và rất Việt Nam tại ngay thủ đô Paris hoa lệ và cách xa cả nửa vòng trái đất với quê hương bản xứ, nhưng năm nay con đã bước đi thành thạo và đang bập bẹ học nói, lại đúng thời kỳ cực kỳ thích thú tò mò khám phá những điều mới lạ xung quanh. Vì vậy mẹ lại càng hy vọng con sẽ có được nhiều kỷ niệm khi tham gia Tết cùng Hội Người Việt Nam tại Pháp, đó là nguồn cội, là tình thân, là không khí ấm cúng sưởi ấm cả gia đình mình nơi đất khách quê người…

Đã bốn năm mẹ sinh sống tại nơi này nhưng với mẹ con số đó sao vẫn quá ít ỏi để hòa nhập và thích nghi với văn hóa và lối sống Pháp. Thì bằng chứng là hai ba con ăn 100% đồ Việt, công việc và bạn bè của mẹ phần đông là gắn bó với người Việt, do đó ngôn ngữ sử dụng cũng phần nhiều là tiếng Việt, nỗi nhớ hay trăn trở suy tư cũng dành trọn cho Việt Nam, dù có trải nghiệm các hành trình ở Pháp hay châu Âu đi nữa. Gì nữa nhỉ, rồi cả mong muốn và ước mơ cũng hướng đến Việt Nam, ví dụ mẹ mong sẽ có công việc mà liên kết giữa Pháp và Việt Nam này, để có thể thường xuyên hơn trở về nơi chôn nhau cắt rốn, dù mẹ cũng đã dần coi nước Pháp là “nhà” nhưng nỗi nhớ vẫn lay lắt và nghĩ suy về Tổ quốc ta vẫn nhiều con ạ, nhưng thôi, con lớn hơn rồi mẹ sẽ kể con nghe để con hiểu hơn nha, giờ thì chỉ cần liệt kê như vậy thôi là mẹ cũng đã thấy mình hơi bị hoài cổ và chậm tiến bộ, thay đổi để thích nghi rồi đấy. Nhưng cũng không phải dông dài mà kể ra đâu nhé, vì đó cũng là nỗi lo canh cánh trong mẹ, con gái ạ.

Làm sao để giữ gìn ngôn ngữ, nét đẹp văn hóa Việt trong con, làm sao để con tự tin hòa nhập vào cuộc sống tại Pháp nhưng vẫn tự hào và vững tin vào bản lĩnh Việt, cội nguồn Việt, với cha mẹ dù sinh sống lâu ở Pháp và có quốc tịch Pháp thì bản chất vẫn là những người nhập cư; làm sao để chính cha mẹ xây dựng được gia đình mình đông vui, ấm cúng khi có ba chúng ta, còn gia đình lớn thì lại ở quá xa xôi… Ôi, còn nhiều lắm, nhưng chỉ nghĩ đến đó thôi, rất nhiều lần mẹ không cầm lòng được, nước mắt cứ rơi… Lại phải trấn an rằng, đó là tâm sự không của riêng mẹ, mà của hầu hết những người bạn của ba mẹ cũng thế. Không ai có thể chọn được nơi sinh ra, chỉ có thể tự quyết định nơi họ sẽ an cư lạc nghiệp, nhưng giá mà Việt Nam ở cạnh Pháp hoặc khoa học tiến bộ phát minh được cánh cửa thần kỳ của Doreamon con gái yêu nhỉ !

Hôm nay cũng là một ngày đặc biệt của ba và con, khi nhận được quốc tịch Pháp. Mẹ nửa lo nửa vui, nửa trăn trở nhưng cũng khó diễn tả được thành lời. Thế là chính thức Pháp trở thành gia đình lớn thứ hai của chúng ta. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mẹ cũng vẫn tự cười bản thân con ạ, cười khúc khích cái sự thuần Việt của mình vì sắp tới sẽ cho con gái đi tiêm phòng ở Trung tâm Y tế. Lần này họ cũng sẽ vô cùng ngạc nhiên như nhiều lần trước đây, bởi vì mẹ nuôi con giống bà nuôi mẹ, không giống phong cách Pháp bây giờ. Nơi mà sữa công thức được ưa chuộng hàng đầu thế giới thì mẹ con ta vẫn dùng sữa mẹ cũng hơn một năm rồi, nơi đề cao sự tự lập ngay từ khi trẻ lọt lòng thì ba mẹ vẫn ôm ấp, nằm cạnh con hàng đêm và mình thức giấc cùng nhau trong niềm vui hạnh phúc, dù không phải đêm nào chúng ta cũng ngủ được một mạch đến sáng… Chúng ta chỉ giống họ là cuối ngày và cuối tuần đều không có công việc, chỉ có gia đình bên nhau, đi chơi cùng nhau, đi ăn cùng nhau, chuyện trò cùng nhau. Còn gì nữa nhỉ, mẹ cũng không nhớ để kể hết. Nhưng rõ ràng là chúng ta là người Việt !

Tự lập xa xứ, với cha mẹ là sự đơn độc, là khó khăn và chỉ biết cố gắng tự đi trên đôi chân của chính mình. Sự giàu có chắc chắn có thể đem lại cho con tiện nghi nhưng ba mẹ có lẽ khó có được ở nơi này. Ba mẹ chỉ có thể cố gắng lao động, yêu thương nhau và dành hết tình yêu, tâm sức cho con. Bù lại chúng ta có thời gian dành tối đa cho con, mặc nỗi lo cơm áo gạo tiền và những rối ren xã hội ngoài cánh cửa nhà; con hãy trân quý và ghi nhớ về nó như món quà quý giá nhất cha mẹ đã và luôn cố gắng dành cho con.

Nhưng trên hết, hãy nhớ về nguồn gốc của mình với một sự trân trọng và biết ơn nữa con nhé. Cũng đừng ngạc nhiên mà ba mẹ gọi con là Thị Nhím và tên của con không phải một tên Pháp hoa mỹ, đó là cái tên Việt, loài hoa lan quý nhất của ba mẹ. Lớn thêm chút nữa, khi con tập đọc, tập viết, mẹ sẽ giảng giải cho con tất cả. Bù lại, hẳn là con sẽ dạy mẹ tiếng Pháp cho thật giỏi như người bản xứ để giao tiếp rồi, nhỉ.

Thôi, mẹ dừng bút đây Thị Nhím ạ, cũng khuya lắm rồi. Yêu con thật nhiều! Hôn con!

P.s: Sự thực là mẹ rất thiếu sót khi không hát ru hay đọc truyện cổ tích tiếng Việt đều đặn, thường xuyên cho con. Nhưng mẹ sẽ có hành động nhận lỗi đó là Tết này cho con đến Pavillon Baltard cùng đón Tết và lớn thêm chút nữa mẹ sẽ đăng ký cho con học tiếng Việt Về nguồn để cùng vui múa hát với các anh chị lớn nhé. Mẹ hứa sẽ chụp ảnh lại để ghi lại làm « bằng chứng » và ghi lại kỷ niệm tuổi thơ cho con gái. Mẹ yêu con rất nhiều!

Người viết: Yến Lê 

_______________________________

Tại Pháp, sự kiện TẾT NGUYÊN ĐÁN CỔ TRUYỀN VIỆT NAM, như thường lệ, sẽ được Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) tổ chức, phối hợp cùng hàng loạt hội đoàn khác: Hội Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), Hội Thanh niên Việt Nam tại Pháp (UJVF), Hội Bóng rổ PBT, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tại Pháp (AAVF), Hội Đồng Hành, Võ Sơn Long, Hợp ca Quê hương, ECV.

Đây là sự kiện truyền thống từ hơn nửa thế kỷ qua của nhiều thế hệ Việt Nam tại Pháp, là nơi gặp gỡ sum vầy của cộng đồng, là nơi tự hào giới thiệu hình ảnh Tết Nguyên đán Việt Nam đến bạn bè Pháp và quốc tế. Giữa nơi phương xa, lễ hội Tết như ngọn lửa nhớ nhà ấm áp được truyền giữa các thế hệ; như những cánh hoa đào, hoa mai tươi trẻ đâm chồi nẩy lộc trong tim mỗi người con Việt; là mùa yêu thương và chia sẻ gắn kết ánh mắt, nụ cười Việt Nam với mơ ước cho một cộng đồng Việt ngày càng phát triển để đồng hành và hỗ trợ quê hương. Sự kiện được xây dựng và tổ chức bởi những người Việt, hội đoàn Việt Nam, và tất cả những ai yêu thương Tết sum vầy của dân tộc. Sự có mặt của mỗi người Việt là thông điệp kết nối với nhau, và kết nối với bạn bè Pháp trong không gian Tết Việt.

Đặc biệt lần đầu tiên, Làng Thiếu nhi sẽ được dựng trong sự kiện Lễ hội Tết 2018.

Đây là không gian sân chơi dành riêng cho thiếu nhi với các hoạt động, trò chơi truyền thống, bên cạnh đó, cũng có những quầy cho thuê hoặc bán bộ trang phục truyền thống để các em có thể xúng xính áo, váy chụp hình, vui chơi. Tại đây, các em thiếu nhi sẽ nhận được những phong bao lì xì đỏ với các thẻ tham gia các gian trò chơi hoặc để ủng hộ các bạn thiếu nhi khó khăn ở Việt Nam thông qua Quỹ học bổng của trường Về Nguồn.

Sự kiện sẽ được tổ chức vào ngày 17 tháng 2 năm 2018 tại địa điểm văn hóa danh tiếng Pavillon Baltard, mở cửa từ 14h kéo dài đến 1h sáng hôm sau. 

Thông tin chương trình LỄ HỘI TẾT 2018 từ 14h đến nửa đêm:

6 KHÔNG GIAN LỄ HỘI – 3 CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ – DẠ VŨ NHẠC SỐNG –

LÀNG TẾT THIẾU NHI – KHÔNG GIAN NHẠC TRẺ TẾT UNDERGROUND PARTY (đến 2 giờ sáng)

MIỄN PHÍ VÉ VÀO CỬA CHO THIẾU NHI DƯỚI 12 TUỔI.

VÉ ỦNG HỘ – BON DE SOUTIEN EN PRÉVENTE:

  • Toàn chương trình (từ 14h đến 1h sáng):

32 € – Ghế xem văn nghệ có đánh số. 

        22 € – Ghế xem văn nghệ không đánh số. 

                                         Sinh viên: 10 € (Ghế xem văn nghệ không đánh số)

  • Buổi tối (từ 18h đến 1h sáng, Chợ Tết đêm và dạ vũ, vũ trường): 14€

 

Giảm 2 euros cho Hội viên Hội NVNTP.

Miễn phí cho thiếu nhi dưới 12 tuổi.

Mua vé tại ngày sự kiện: +5 €

LIÊN HỆ – MUA VÉ :

UGVF

16 rue du Petit Musc Paris 4ème

Tél. 01 42 72 39 44 – email : contact@ugvf.org

Mua trực tuyến:

 https://www.billetweb.fr/tet-mau-tuat-17-fevrier-2018#.Wl1IJvVTBKA.gmail

 

About Linh Sam (124 Articles)
Như đứa trẻ luôn tò mò khám phá và tích góp trải nghiệm trên hành trình cuộc sống... Liên hệ: radio.lien99@gmail.com

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :