Những nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam trong cuộc chiến chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không khai báo (IUU)

Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 25/9/2015 đã thông qua nghị quyết về chương trình nghị sự trong lĩnh vực phát triển bền vững. Văn kiện này đã đặt ra trước cộng đồng thế giới mục tiêu quan trọng nhất là tiêu diệt nạn đói, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện chế độ dinh dưỡng. Sự gia tăng đáng kể nhu cầu tiêu dùng cá đã góp phần cải thiện chế độ dinh dưỡng của người dân nhờ vào những sản phẩm đa dạng và bổ dưỡng. Cá là một trong những loại thực phẩm phổ biến nhất thế giới. Thị trường tiêu thụ cá ước tính khoảng 130 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Thương mại các sản phẩm cá đã tăng đáng kể trong vòng thập kỷ trở lại đây. Cá và các sản phẩm nghề cá đã trở thành một trong những phân khúc bán chạy nhất của các trung tâm lương thực thế giới. Đối với nhiều nước và nhiều khu vực ven biển và ven sông, xuất khẩu cá và các sản phẩm cá có giá trị rất quan trọng đối với nền kinh tế, vượt quá 40% tổng giá trị hàng hóa bán được, trên quy mô toàn cầu chiếm 9% tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp nói chung và chiếm 1% tổng giá trị thương mại hàng hóa trên thế giới.

Trữ lượng các nguồn tài nguyên sinh học của Đại dương thế giới thực tế là vô tận. Tuy nhiên, các quốc gia cần khai thác chúng một cách khôn ngoan, dựa trên các phương pháp phòng ngừa, bảo tồn hệ sinh thái cũng như sử dụng bền vững. Đồng thời các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (gọi tắt là IUU) gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được đối với tình trạng dự trữ tài nguyên thủy sản cũng như sử dụng hợp lý chúng. Các hoạt động IUU diễn ra ở hầu hết các khu vực của các đại dương: trong lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, và trong vùng biển mở.

Khai thác IUU đề cập đến các hoạt động khai thác không tuân thủ các biện pháp bảo tồn hoặc quản lý thủy sản của quốc gia, khu vực hay quốc tế. Khai thác IUU bao gồm 3 yếu tố:

Khai thác bất hợp pháp là các hoạt động khai thác vi phạm luật pháp quốc gia hay quốc tế. Trên thực tế khai thác bất hợp pháp có thể bao gồm khai thác không có giấy phép, đánh bắt cá ở vùng cấm hoặc mùa cấm, đưa thông tin sai lệch về sản lượng đánh bắt, đánh bắt cá nhỏ hơn kích cỡ cho phép…

Khai thác không theo quy định là các hoạt động khai thác tại khu vực không áp dụng các biện pháp quản lý hoặc bảo tồn quốc gia hoặc quốc tế. Khai thác không theo quy định có thể xảy ra trong một nghề không được quản lý trong khu kinh tế độc quyền của một nước (EEZ) hoặc ở vùng biển chung, chẳng hạn được khai thác bởi tàu gắn cờ hoặc không gắn cờ quốc gia không tham gia công ước quốc tế.

Khai thác không báo cáo là các hoạt động khai thác không được báo cáo đúng. Khai thác không báo cáo liên quan đến việc thu thập dữ liệu kém hoặc quản lý nghề cá yếu; thiếu sót trong báo cáo cũng có thể che giấu hoạt động bất hợp pháp.

IUU là một rào cản lớn trong việc quản lý nghề cá một cách hiệu quả. Khó có thể định lượng quy mô chính xác của IUU nhưng có những bằng chứng cho thấy có ít nhất 20% sản lượng khai thác tự nhiên (11-26 triệu tấn cá) là khai thác bất hợp pháp hoặc không báo cáo, hàng năm gây tổn thất tài chính 10-20 tỷ USD. Những nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi khai thác bất hợp pháp vì những nước này có ít phương pháp để bảo vệ tài nguyên ven bờ. Khai thác IUU làm suy yếu các biện pháp quốc gia và quốc tế bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên sinh vật biển và dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, làm phương hại đến những nỗ lực quản lý nghề cá trên cơ sở hợp lý và bảo tồn đa dạng sinh học biển, dẫn đến sự sụp đổ của ngành thủy sản (quy mô nhỏ) địa phương. Thực tế này đã tạo áp lực không hợp lý lên nguồn cá, sinh vật biển tự nhiên và các khu vực phân phối, vi phạm tiêu chuẩn lao động và làm méo mó tình hình thị trường.

Theo quan điểm của EU, nhiều yếu tố đã tạo điều kiện cho đánh bắt cá IUU, trong đó bao gồm yếu tố kích thích kinh tế, cũng như năng lực hạn chế hoặc các cơ chế quản lý yếu kém, điều này khiến cho nỗ lực để đạt được hành vi đánh bắt có trách nhiệm hơn trở nên vô ích. Sự đánh bắt cá như vậy đã gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho một số các nước nghèo nhất trên thế giới, những nước còn phụ thuộc vào thủy sản về mặt dinh dưỡng, sinh kế và các khoản thu, và phá hoại những nỗ lực của các nước này trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.

Cuộc đấu tranh chống lại các hoạt động khai thác thủy sản IUU là một nhiệm vụ quốc tế. Trong phần 10 của Kế hoạch hành động quốc tế của Tổ chức lương thực thế giới (FAO) về phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ các hoạt động khai thác thủy sản IUU đã nhắc nhở rất đúng rằng « Các quốc gia phải tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực luật pháp quốc tế nói riêng, trong đó có phản ánh trong Công ước của Liên hiệp quốc năm 1982 về Luật Biển nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ khai thác thủy sản IUU ». Loại bỏ hành động vi phạm luật pháp quốc tế này chỉ có thể đạt được thông qua nỗ lực tập thể của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, chủ tàu và hiệp hội của họ trên cơ sở các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế. FAO cũng khẳng định rằng « để đấu tranh có hiệu quả chống lại khai thác thủy sản IUU, hầu hết các quốc gia, bao gồm các nước đang phát triển, cần phải tăng cường các cơ chế quốc gia để giám sát và đảm bảo tuân thủ pháp luật và các quy định được đặt ra nhằm đảm bảo việc bảo tồn các nguồn lợi hải sản tươi sống và kiểm soát chúng ». Theo Điều 16 của Kế hoạch hành động quốc tế chống lại IUU trong luật pháp quốc gia của các thành viên FAO cần phải xem xét một cách hiệu quả tất cả các khía cạnh của khai thác thủy sản IUU. Ủy ban nghề cá của Nga đã soạn thảo một loạt các sửa đổi trong các điều luật của Liên bang Nga về vấn đề đánh bắt cá trong vùng biển mở, trong phần đấu tranh chống khai thác IUU, những sửa đổi này đã được thông qua tháng 5/2015. Danh sách các biện pháp thực hiện kế hoạch quốc gia về công tác phòng chống khai thác IUU đã được phê duyệt bởi Nghị định của Chính phủ Liên bang Nga ngày 24/12/2015 số 2661 và đã được gửi cho FAO để nắm được thông tin.

Việt Nam nằm bên bờ Tây của Biển Đông, là một biển lớn của Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 3.448.000 km2, có bờ biển dài 3260 km. Vùng nội thuỷ và lãnh hải rộng 226.000 km2, vùng biển đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu km2 với hơn 4.000 hòn đảo, tạo nên 12 vịnh, đầm phá với tổng diện tích 1.160 km2 được che chắn tốt dễ trú đậu tàu thuyền. Biển Việt Nam có tính đa dạng sinh học khá cao, cũng là nơi phát sinh và phát tán của nhiều nhóm sinh vật biển vùng nhiệt đới Ấn Độ – Thái Bình Dương với chừng 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện.Việt Nam với hệ thống sông ngòi dày đặc và có đường biển dài rất thuận lợi phát triển hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng liên tục trong 17 năm qua với mức tăng bình quân là 9,07%/năm. Với chủ trương thúc đẩy phát triển của chính phủ Việt Nam, hoạt động nuôi trồng thủy sản đã có những bước phát triển mạnh, sản lượng liên tục tăng cao trong các năm qua, bình quân đạt 12,77%/năm, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng sản lượng thủy sản của cả nước.

Trong khi đó, trước sự cạn kiệt dần của nguồn thủy sản tự nhiên và trình độ của hoạt động khai thác đánh bắt chưa được cải thiện, sản lượng thủy sản từ hoạt động khai thác tăng khá thấp trong các năm qua, với mức tăng bình quân 6,42%/năm.

Là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, trong những năm qua, ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam không ngừng phát triển và đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, là ngành sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Thành tựu của ngành thủy sản Việt Nam thể hiện bằng kết quả xuất khẩu tăng nhanh trong 10 năm qua. Đến năm 2014, giá trị xuất khẩu đạt trên 7,9 tỷ USD, dự kiến đạt trên 8,3 tỷ USD năm 2017. Sản phẩm thủy sản Việt Nam được xuất khẩu sang 165 nước và vùng lãnh thổ. 3 thị trường chính là EU, Mỹ và Nhật Bản chiếm trên 60% tỷ trọng.

Photo 2

EU hiện nay có quy định chống IUU tích cực nhất trong các khu vực nhập khẩu chính. Có hiệu lực từ năm 2010, quy định của EU yêu cầu tất cả các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào EU phải có chứng nhận khai thác có thông tin về các loài, vị trí khai thác, tàu cá, ngày khai thác, và bất kỳ hoạt động trung chuyển nào. Trong trường hợp sản phẩm bị nghi ngờ là IUU, các quốc gia thành viên EU có thể từ chối nhập khẩu. Năm 2002, Uỷ ban châu Âu (EC) thông qua Kế hoạch hành động IUU, trên cơ sở triển khai một Kế hoạch hành động quốc tế của FAO năm 2001 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ các hoạt động IUU. Từ năm 2007, EC bắt đầu thực hiện quá trình tham vấn về Quy định IUU. Văn bản đề xuất đầu tiên của Quy định IUU được thông qua vàо tháng 10/2007. Ngày 24/6/2008, văn bản này đã đạt được sự đồng thuận trong EU, sau đó được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua ngày 29/9/2008 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 (Quyết định số 1005/2008), qua đó thiết lập một hệ thống trên toàn EU nhằm ngăn chặn và loại bỏ việс NK các sản phẩm thủy sản bị khai thác IUU vào thị trường EU. Các nước xuất khẩu được xác định là không có các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo khai thác hợp pháp sẽ bị cảnh cáo chính thức (nhận “thẻ vàng”) để cải thiện. Nếu các nước này không cải thiện, họ sẽ đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm hải sản khai thác sang thị trường EU (nhận “thẻ đỏ”). Còn nếu các nước này đã có những cải cách cần thiết, họ sẽ được xóa cảnh báo (nhận “thẻ xanh”).

Tính đến hết năm 2017 có 25 quốc gia đã bị EU áp dụng hính thức phạt thẻ, trong đó:

Thẻ đỏ: 03 nước (Cambodia, Comoros, Saint Vincent & Grenadines)

Thẻ vàng: 09 nước (Kiribati, Liberia, Saint Kitts & Nevis, Sierra Leone, Taiwan, Thailand, Trinidadand Tobego, Tuvalu và Việt Nam);

13 nước đã bị phạt thẻ nhưng đã được thu hồi do hệ thống quản lý đã được cải thiện hiệu (Belize (thẻ đỏ), Fiji (đỏ), Ghana, Guinea (thẻ đỏ), Panama (thẻ đỏ), Papua New Guinea, Philippines, South Korea, Sri Lanka (thẻ đỏ), Togo (thẻ đỏ), Vanuatu (thẻ đỏ), Curacao, Solomon Islands).

Ngay từ năm 2009, Việt Nam đã chủ động và tích cực ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh và hướng dẫn các thủ tục nhằm đáp ứng quy định IUU của Châu Âu. Tổng cục Thủy sản cùng Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)  và các doanh nghiệp đã phối hợp để tổ chức nhiều hội thảo và tập huấn trong suốt giai đoạn bắt đầu áp dụng 2009-2010. Từ năm 2012 đến năm 2017, EC và Việt Nam thực hiện tiến trình đối thoại thường niên về thực hiện quy định về IUU, theo đó hàng năm các đoàn của EC sang Việt Nam để trao đổi, kiểm tra việc thực hiện quy định này và đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện hệ thống quản lý nghề cá của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về khai thác IUU. Việc luôn tuân thủ và ưu tiên thực hiện tốt các quy định thị trường nói chung và EU nói riêng đã được các nước ghi nhận và giúp duy trì việc xuất khẩu hải sản vào ЕU tăng trưởng trong 7 năm qua. Cộng đồng các doanh nghiệp hải sản Việt Nam cũng đã luôn duy trì hệ thống quản lý tốt để thực hiện đầy đủ các quy định IUU trong suốt thời gian qua.

Từ ngày 13 – 19/5/2017, đoàn công tác DG-MARE của EU vào Việt Nam kiểm tra hoạt động tuân thủ các quy định của EU về IUU fishing (IUU), EU cho rằng hoạt động quản lý khai thác thuỷ sản của Việt Nam chưa có nhiều tiến bộ trong việc thực hiện các quy định của EU về IUU và đưa ra 5 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam phải hoàn thành trước 30/9/2017, bao gồm hoàn thiện thể chế; quản lý đội tàu khai thác phù hợp với nguồn lợi; hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng; thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; và ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Tiếp thu những khuyến nghị của EC, Việt Nam đã tích cực và có nhiều nỗ lực triển khai. Ngày 28/5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 732 về ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác trái phép ở Vùng biển nước ngoài. Nội dung công điện nhấn mạnh tới trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và người đứng đầu chính quyền các cấp trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng vi phạm; bắt buộc tàu cá khai thác hải sản xa bờ phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định củа pháp luật Việt Nam, mở máy hoạt động 24/24 giờ để cơ quan chức năng quản lý, giám sát. Ngày 30/5/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp với một số Bộ, ngành, địa phương liên quan để triển khai Công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung liên quan đến chống IUU. Các địa phương, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã tăng cường thực hiện các biện pháp quyết liệt trong việc quản lý ngư trường khai thác, ngăn chặn tàu cá của ta vi phạm vùng biển các nước trong khu vực khai thác bất hợp pháp, thực hiện nghiêm túc Công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do đặc thù nghề cá Việt Nam là nghề cá nhân dân, quy mô nhỏ, đa loài, trình độ ngư dân thấp, trang thiết bị trên tàu lạc hậu nên việc áp dụng các biện pháp để đáp ứng các khuyến nghị của EC chưa được triệt để, vẫn còn một số nội dung mà theo đánh giá của EC vẫn cần tiếp tục hoàn thiện.

Ngày 23/10/2017, EU chính thức cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vì những nỗ lực chưa đủ đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đồng thời, EU đưa ra 9 khuyến nghị mà Việt Nam cần phải khắc phục để được đánh giá rút lại thẻ vàng, bao gồm:

– Sửa đổi khung pháp lý để đảm bảo tuân thủ các quy tắc quốc tế và khu vực áp dụng cho việс bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản.

–  Đảm bảo thực hiện và thực thi có hiệu quả của pháp luật quốc gia sửa đổi.

– Tăng cường việc thực hiện có hiệu quả các quy tắc quốc tế và các biện pháp quản lý thông qua một chế độ xử phạt đầy đủ được thực thi và theo dõi.

–  Khắc phục những thiếu sót đã được xác định trong thanh tra, Kiểm soát và giám sát (MCS) liên quan đến các yêu cầu đặt ra của các quy định quốc tế và khu vực cũng như trong khuôn khổ hệ thống chứng nhận khai thác.

– Tăng cường quản lý và cải tiến hệ thống đăng ký và cấp phép khai thác

– Cân bằng năng lực khai thác và chính sách đội tàu cá.

– Tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và thực hiện tất cả các bước cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế, để ngăn chặn các sản phẩm thủy sản đánh bắt bất hợp pháp đượс buôn bán và nhập khẩu vào lãnh thổ

–  Tăng cường và cải tiến hợp tác với các quốc gia khác (đặc biệt là các quốc gia ven biển trong vùng biển mà tàu thuyền treo cờ Việt Nam có thể hoạt động) phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế.

– Đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và lưu giữ trong RFMOs (Các tổ chức quản lý nghề cá khu vực).

Ngay sau khi EU chính thức cảnh báo thẻ vàng với hải sản Việt Nam, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và các cơ sở, từ Quốc hội, chính phủ, Thủ tướng chính phủ đến các Bộ ngành, tổng cục thủy sản, cơ quan cảnh sát biển…

– Ngày 21/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật số 18/2017/QH14 quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản (gọi tắt là Luật thủy sản 2017). Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày kể từ ngày 01/01/2019. Đặc biệt, về khai thác thủy sản và quản lý tàu cá (Chương IV và V), Luật mới đã tập trung vào 9 khuyến nghị của EC. Trước hết là về cấp phép khai thác thủy sản (Điều 49) Luật quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng khai cho phép khai thác và đánh giá nguồn lợi thủy sản cho các địa phương. Đặc biệt, Luật Thuỷ sản 2017 đã luật hóа các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trong đó có khuyến nghị của EC.

– Để triển khai các giải pháp cấp bách nhằm sớm tháo gỡ cảnh báo của EC về khai thác IUU, giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt Nam, ngày 13/12/2017, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có chỉ thị số 45/ CT-TTG yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển thực hiện nghiêm các quy định chống khai thác IUU.

– Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025

– Phê duyệt Dự án Hệ thống thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn II để giám sát các tàu cá khai thác hải sản trên các vùng biển, chống khai thác IUU.

– Phê duyệt Đề án gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc, Hiệp định biện pháp củа các quốc gia có cảng của FAO.

– Ban hành Nghị định thay thế Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, trong đó có quy định cụ thể các hành vi phạm IUU đã được quy định trong Luật Thủy sản năm 2017.

– Ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Thủy sản năm 2017, tập trung quy định, hướng dẫn các nội dung khuyến cáo của EC về khai thác IUU.

 Ngày 23/1/2018 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và sẽ tổ chức thực hiện quyết liệt, triệt để Kế hoạch này. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT thành lập tổ công tác liên ngành do lãnh đạo Bộ NN&PTNT là tổ trưởng với sự tham gia của các Bộ, ngành, hội, hiệp hội có liên quan để chỉ đạo, điều phối triển khai các biện pháp khắc phục thẻ vàng của EU. Tổ chức các đoàn đàm phán, đối thoại để EU hiểu và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai, đáp ứng các khuyến nghị của EU. Ngoài ra cũng nhanh chóng hoàn tất thủ tục gia nhập Hiệp định đàn cá di cư của Liên hợp quốc và Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO.

Ngay sau khi Luật Thủy sản sửa đổi được Quốc hội Việt Nam thông qua, Bộ NN&PTNT đã khẩn trương xây dựng các văn bản dưới luật để có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của Luật Thủy sản sửa đổi nhằm đáp ứng được khung pháp lý về quản lý nghề cá theo yêu cầu của EU. Việt Nam đã tăng cường nguồn lực cho các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động nghề cá, xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương ven biển xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí nguồn lực, kinh phí triển khai kế hoạch hành động quốc gia về chống khai thác IUU và tăng cường các biện pháp: quản lý tàu cá khai thác không vi phạm về IUU; ngặn chặn, chấm dứt tàu khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm hải sản; bắt buộc tàu cá phải lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định; tuyên truyền phổ biến các quy định về IUU đến với người dân.

     Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực với nhiều sáng kiến, thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Với những nỗ lực của Việt Nam từ trung ương, địa phương cho đến từng người dân, với quyết tâm sắt đá trong cuộc chiến chống khai thác thủy sản IUU, với những biện pháp đã và đang được triển khai một cách quyết liệt và đồng bộ trên cơ sở những khuyến nghị của EU, cộng đồng quốc tế tin tưởng rằng trong tương lai gần EU sẽ gỡ bỏ thẻ vàng đối với Việt Nam như một ghi nhận cho những nỗ lực của nước này trong cuộc chiến chống khai thác bất hợp pháp vì tương lai phát triển bền vững nguồn lợi hải sản trên toàn cầu. /.

—————————————————————————-

Tác giả : I.A Umnova-  Giáo sư, tiến sĩ Luật học, chuyên gia Luật quốc tế.

Trưởng ban Pháp luật – Hiến pháp, Học viện Tư pháp Liên bang Nga, Giáo sư Học viện Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga. Nguyên Giáo sư Đại học Fribourg Thụy Sỹ. Năm 1997, bà đã thuyết trình công khai tại Quốc hội Hoa Kỳ trước các thượng nghị sỹ và các nhà khoa học ở Washington, Đại học Maryland và tại Trung tâm Liên bang (Pennsylvania, Hoa Kỳ).

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :