Hồ Chí Minh – Phần 5: Nhà hoạt động cách mạng giải phóng các thuộc địa + Phụ lục.

Là một độc giả từ nhiều năm của báo Đoàn Kết và của trang mạng ugvf.org, tôi được biết ngày 18/06/2018, Hội người Việt Nam tại Pháp đã mở đầu đợt kỷ niệm 100 năm sẽ diễn ra vào năm tới, 2019. Nói đến lịch sử 100 năm của Hội, có lẽ tự nhiên nhất ai ai cũng nghĩ đến Bác Hồ, người đã sáng lập nên « Nhóm người An Nam yêu nước », tổ chức Việt kiều yêu nước tại Pháp, tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp bây giờ.

Là người đã về hưu, nên tôi có thì giờ tìm hiểu về Bác Hồ qua sách báo cũng như qua những bài viết trên mạng. Cuộc đời hoạt động của Bác quá nhiều tư liệu. Tự nhiên trong lòng tôi nảy ra ý nghĩ, nếu mình đóng góp được một phần nhỏ nhoi nào đó cho đợt kỷ niệm này thì tốt biết bao. Do đó, tôi mạnh muội thu gom các tài liệu về Bác mà tôi đã đọc và viết lại thành những bài ngắn gọn, tóm tắt. Không phải là một người nghiên cứu gì cả, nên có thể có những sự kiện tôi không nêu lên (hoặc không kiểm chứng được đúng sai và không biết tầm quan trọng của nó). Mong Ban trách nhiệm Hội cũng như các bạn độc giả lượng thứ.

Nhưng tôi chỉ tập trung vào quãng thời gian niên thiếu, bôn ba khắp 5 châu rồi hoạt động của Bác tại Pháp cho đến năm 1923.

Phần 1: Niên thiếu.

Phần 2: Tôi muốn đi xem họ làm ăn ra sao…

Phần 3: Những bước đầu học « làm chính trị.

Phần 4: Có một người mang tên Nguyễn Ái Quốc.

Phần 5: Nhà hoạt động cách mạng giải phóng các thuộc địa + Phụ lục.


 

Nhà hoạt động cách mạng giải phóng các thuộc địa

 

         Như chúng ta đã biết, hàng loạt đại diện các dân tộc thuộc địa đã gửi thư lên Hội nghị Versailles, nêu lên những nguyện vọng của dân tộc mình. Do đó, rất tự nhiên khi anh Nguyễn liên hệ với họ.  Anh đã có những tiếp xúc và từng bước có mối liên hệ thường xuyên với các bạn Algérie, Tunisie, Madagascar, Irlande, Triều Tiên, Trung Quốc… kể cả một số nhân vật tiến bộ tại Mỹ.

            Ngày 16 và 17-7-1920, lần đầu tiên trên báo L’humanité đã đăng « Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa » của Lénine, trong đó nêu : « … phải phân biệt thật rõ nét những dân tộc bị áp bức, phụ thuộc, không được hưởng quyền bình đẳng, với những dân tộc đi áp bức, bóc lột, được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi » và khẳng định « quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc không phân biệt màu da ». Anh đã viết  sau này: « Đó là một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức ».

           

            Cuối tháng 8-1920, anh tham dự cuộc mít tinh lớn do Đảng xã hội Pháp tổ chức tại rạp Cirque d’Hiver, quận 11 Paris, để nghe Marcel Cachin và Ludovic Oscar Frossard, hai đại biểu vừa được Đảng cử đi Nga về báo cáo những vấn đề liên quan đến Quốc tế III.

             Đại hội lần thứ 18 của Đảng xã hội Pháp họp tại thành phố Tours ngày 25/12/1920. Tại phiên họp buổi chiều ngày 26/12, Chủ tịch Đại hội Emile Goude (đại biểu Quốc hội của vùng Bretagne) mời Nguyễn Ái Quốc với tư cách là đại biểu của Đông Dương phát biểu. Anh đã tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương, kêu gọi giai cấp công nhân và những người cách mạng Pháp hãy ủng hộ sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam cùng các dân tộc thuộc địa khác và với « tư cách của một chiến sĩ trong hàng ngũ vô sản », anh kêu gọi đứng lên theo quan điểm của Quốc tế cộng sản III do Lénine lãnh đạo. Cuối cùng, anh đã có lời nói thống thiết :  « Nhân danh toàn thể loài người, nhân danh tất cả các đảng viên xã hội, cả phái hữu lẫn phái tả, chúng tôi kêu gọi : Các đồng chí, hãy cứu chúng tôi ! ». Sau đó, anh cùng những đại biểu chủ trương gia nhập Quốc tế III,  tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản (Section Française de L’Internationale Communiste, viết tắt là SFIC).

         Từ phút ấy, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người cộng sản và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

          Ngay tại Đại hội, công an Pháp đã có mặt và đòi bắt anh, nhưng nhờ các đại biểu tham dự đã bảo vệ anh nên họ không làm được gì.

       Ngày 14-1-1921, anh phải vào bệnh viện Cochin, số 27, đường Faubourg-Saint-Jacques, quận 14 Paris. Anh được sắp xếp trong khu Pavillon Pasteur để mổ một ung nhọt trầm trọng (abcès chronique) ở vai. Ca mổ được tiến hành ngày 19/1. Ngày 21/2, được tin Phan Châu Dật – con trai cụ Phan Châu Trinh qua đời, anh đã nhờ một y tá cầm thư chia buồn đến cho cụ Phan Châu Trinh. Ngày 25/3, anh mới được xuất viện, sau hơn 2 tháng nằm tại nhà thương.

            Tháng 7-1921, tại Paris, anh đã cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa  thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa nhưng chưa chính thức hoạt động. Lúc thành lập Hội, có khoảng 200 hội viên và hai tổ chức người thuộc địa xin gia nhập với tư cách hội đoàn, đó là Nhóm người An Nam yêu nướcHội đấu tranh cho quyền con người ở Magagascar.  Anh được bầu vào Ban Chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa và là người đứng đầu trong Ban thường vụ. Mục đích chính của Hội là  « Bênh vực cho quyền lợi của tất cả đồng bào ở các xứ thuộc địa » và Tuyên ngôn của Hội khi chính thức đi vào hoạt động tháng 8-1922, nêu :

« Chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em. Hội Liên hiệp thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy… »   

            Trong suốt thời gian vừa qua, anh vẫn giành thời giờ nghiên cứu Luận cương của Lénine, từ đó anh rút ra kết luận : công cuộc giải phóng dân tộc, muốn thành công, thì phải có bài bản, có chiến lược, sách lược, không thể làm « chơi » được. Và điều tiên quyết hơn cả, phải có một đảng cộng sản đứng ra lãnh đạo công cuộc này.

          Từ đây, bắt đầu một thời kỳ hoạt động liên tục với những buổi họp, diễn đàn và những bài viết trên báo chí, nhằm lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa, thức tỉnh nhân dân các nước thuộc địa, hướng họ vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.

           

           Trong năm 1921, các tư liệu cho ta thấy một số các họat động của anh : 

            Tham gia vào các buổi họp : Chi bộ cách mạng (9/1), Hội đồng toàn quốc Đoàn thanh niên cộng sản (15/5), mít tinh của Đảng cộng sản tại nghĩa trang Père Lachaise để tưởng niệm « Tuần lễ đẫm máu » (29/5), Hội cộng hòa các cựu chiến binh (5/6), Ban nghiên cứu thuộc địa (9/7), Chi bộ Đảng quận 17 (10/7 và 17/12), Liên hiệp công đoàn (23/10), Ủy ban liên đoàn quốc tế (12/12), Đoàn thanh niên cộng sản quận 13 (15/12), Liên đoàn công nhân xe lửa tại (18/12).

            Về các bài báo, anh đã viết : Đăng trên báo La Vie Ouvrière : Mười trường học – 1.500 đại lý rượu, số 100 (4/1) ;  Những kẻ bại trận ở Đông Dương, số 101 (8/4) ; Đông Dương (số 14 và 15, tháng 4 trên La revue communiste) ; Quyền của những người lính chiến, số 105.(5/7) ; Vụ âm mưu ở Đông Dương gửi cho Nhóm người An Nam yêu nước (9/8) ; Phong trào cách mạng ở Ấn Độ đăng trên La Revue Communiste, số 18 (9/8) ;  Tội ác của chủ nghĩa thực dân, đăng trên báo La Vie Ouvrière (30/9) ; Sự quái đản của công cuộc khai hoá đăng trên báo Le Libertaire (30/9) ; Hãy yêu mến nước Pháp, người bảo hộ các anh đăng trên báo Le Libertaire (7/10).

            Trong bài « Đông Dương », đăng trên tạp chí La Revue Communiste, số 14 (4-1921) và số 15 (5-1921), anh khẳng định :

« Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm, khi thời cơ đến ».

****

            Có thể là vào khoảng đầu năm 1921, Đảng đã lo được cho anh giấy phép lao động và anh đã tìm được việc làm rửa, phóng và sửa ảnh cho một hiệu ảnh của ông chủ người Pháp, tiệm tên là  Lainé, ở số 7 ngõ Compoint, quận 17 Paris.

             Có lẽ vì không muốn tiếp tục làm phiền đến các vị đàn anh đã từng giúp anh bao năm qua nên anh đã quyết định rời khỏi nhà số 6 Villa des Gobelins. Paul Vaillant Couturier, người bạn và đồng chí bấy lâu nay của anh, đã nhờ một đảng viên khác tìm giúp anh một nơi ở mới: đó là một căn buồng nhỏ hẹp trên gác 2, nhưng lại ngay bên cạnh chỗ làm hiện tại của anh : nhà số 9 ngõ Compoint, quận 17 Paris. Buồng anh ở trên gác 2, rộng 9m2, hoàn toàn trống không, chỉ có 4 bức tường, đủ kê một cái giường, một cái bàn con và một cái tủ nhỏ. Do vậy, việc ăn uống, việc vệ sinh, việc giặt dũ là vấn đề phải tính. Và còn những ngày lạnh lẽo mùa đông thì ra sao đây ?

            Anh dọn đến ngày 14-7-1921. Lúc ấy may thay là mùa hè, nhưng anh sẽ phải chịu đựng cái lạnh khủng khiếp của mùa đông tới và, biết đâu đấy, sẽ còn những mùa sau nữa. Quả nhiên thế, khi mùa đông đến, mỗi sáng anh đã phải để một viên gạch vào lò bếp của nhà trọ ở tầng dưới, chiều đến anh lấy viên gạch ra, bọc nó vào tờ báo để lót ở chỗ giường nằm cho đỡ lạnh.

            Mặc dù sống trong gian buồng chật hẹp, tồi tàn ấy ở số 9 ngõ Compoint nhưng đối với anh, sau khi rời nhà số 6 phố Villa des Gobelins, có lẽ lại là một bước ngoặc quan trọng. Không những nó đánh dấu về sự độc lập về kinh tế của anh với cụ Phan Chu Trinh và ông Khánh Ký mà từ nay, địa chỉ này còn trở thành một trung tâm mới thu hút mọi tầng lớp Việt kiều. Các mối liên hệ mà anh đã có trong kiều bào, nay lại về tụ tập ở đây. Cả những sinh viên Việt Nam ở cư xá sinh viên phố Sommerard, quận 5 Paris, cũng tìm đến anh. Và người ta thấy những Việt kiều thường xuyên đi lại nhà số 9 là Trần Văn Kha, Trần Xuân Hộ, Nguyễn Văn Thịnh, Bạch Thái Thông, Lã Quý Lợi, Nguyễn Văn Khương, Trần Quân Lâm, Bùi Công Ngôn… Có những kiều bào ở tình xa đến thăm anh, cùng anh bàn bạc như Nguyễn Văn Dị (Le Havre), Nguyễn Văn Liên, nấu bếp cho viên quan Baroux ở thành phố Tours,  Nguyễn Duyên, thợ ảnh ở Castres.. Những nguời này, sau khi về nước đã  truyền bá tư tưởng và lời kêu gọi đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc và tham gia vào phong trào cách mạng tại Việt Nam. Riêng ông Nguyễn Văn Dị, tức là ông Bùi Lâm, sau này đã từng là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa II (1960), là đại sứ Việt Nam tại Bulgarie và Cộng hòa dân chủ Đức (1964).

       

Trước tình hình này, cũng không có gì ngạc nhiên, để chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của Nguyễn Ái Quốc, chính quyền Pháp đối phó bằng cách thành lập một số tổ chức « yêu nước » của người Việt Nam, nhằm đưa suy nghĩ của kiều bào vào một hướng khác, có lợi cho họ như : Hội tương tế những người Đông Dương hoặc Ái hữu những người lao động chân tay Đông Dương. Trên thực tế, lịch sử của phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp đã phải trải qua những cuộc sâu xé như vậy mãi cho đến sau này.

     Cuối năm 1921, anh đến để gia hạn thẻ căn cước ở quận 17, bị làm khó dễ về giấy tờ nên nhà in Lainé không thuê anh làm việc nữa. Từ đó, anh tự quảng cáo nghề ảnh để sinh sống. Người ta đọc nhiều loại quảng cáo của anh đăng trên một số báo của Paris hồi đó, như : « Ảnh chân dung nghệ thuật, từ 20 Francs trở lên, có khung từ 40 Francs, liên lạc với Nguyễn Ái Quốc, nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, Paris. Đối với các tỉnh và thuộc địa : khách hàng chịu tiền đóng gói và cước gửi bưu kiện ». Hoặc : « Nếu bạn muốn giữ kỷ niệm sinh động về người thân và bạn bè của mình, hãy phóng đại ảnh tại nhà Nguyễn Ái Quốc, số 9, ngõ Compoint, quận 17. Ảnh  chân dung tốt, khung ảnh đẹp, từ 45 Francs trở lên ».

      Nhưng vẫn không đủ sống, anh phải làm thêm nghề vẽ thuê trên quạt giấy, chụp đèn, vẽ giả đồ cổ Trung Quốc hoặc kẻ chữ biển quảng cáo hàng cho những nhà bán than.  Mật thám Pháp theo dõi anh, báo cáo như sau : « Làm những nghề nói trên, Nguyễn Ái Quốc được trả tiền công rất tồi. Nguyễn sống cực khổ ». Mùa rét anh vẫn chỉ có viên gạch nung để sưởi.

         Ngày 12-12-1921, anh được bầu là đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Đảng Cộng sản Pháp, họp từ ngày 25 đến 30-12-1921 tại Marseille. Tại buổi họp đầu tiên, anh được chỉ định  làm phụ tá cho Chủ tịch Đại hội, ông Jules Blanc. Bốn ngày sau, chiều ngày 29-12, anh được mời trình bày dự thảo « Nghị quyết về chủ nghĩa cộng sản và các thuộc địa ». Trong đó, anh nhấn mạnh : « Nhưng điều mà người ta có thể trông đợi ở Đại hội Marseille kỳ này, trước hết là Đại hội tán thành nguyên tắc thành lập một cơ quan đặc biệt phụ trách chính sách về thuộc địa của Đảng  […] từ đó Đảng mới có một chính sách thuộc địa rõ ràng, có phương pháp và thiết thực ».

            Sau Đại hội, anh đề nghị Ban lãnh đạo Đảng thành lập Ban nghiên cứu thuộc địa, có nhiệm vụ giúp Đảng cập nhật thông tin về tình hình các thuộc địa, đề xuất các chính sách đấu tranh, thiết thực giúp đỡ và phối hợp đấu tranh với các dân tộc thuộc địa. Ý kiến này được chấp thuận.

            Ban nghiên cứu thuộc địa, văn phòng đặt ngay trong trụ sở của Đảng, số 12 đường Lafayette, quận 9 Paris. Anh được cử vào nhóm phụ trách Ban này gồm một số đảng viên từng ở thuộc địa và am hiểu vấn đề thuộc địa. Đây là một cơ quan có nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu các vấn đề về thuộc địa được chia thành 5 Tiểu ban theo dõi 5 khu vực thuộc địa Pháp gồm : Bắc Phi (Algérie, Tunisie, Maroc), Tây Phi (Sénégal, Soudan, Guinée, Côte d’ivoire…), Châu Phi xích đạo – Afrique équatoriale (Congo, Tchad, Gabon…), Đông Dương và Madagascar. Anh Nguyễn lo Tiểu ban nghiên cứu về Đông Dương.

         Tiếp đó, anh lại được cử đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Cộng sản Pháp, họp ở Paris, từ ngày 21 đến ngày 24-10-1922. Tại đại hội này, vấn đề thuộc địa vẫn không có trong chương trình nghị sự. Trên diễn đàn của Đại hội, anh đã lên tiếng phê bình Đảng Cộng sản Pháp chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề thuộc địa. Từ đó, Đại hội đã biểu quyết thông qua: Lời kêu gọi những người bản xứ ở các thuộc địa do Ban Nghiên cứu thuộc địa đệ trình, trong đó nêu : Vì hoà bình thế giới, vì tự do và sự no ấm của mọi người, những người bị bóc lột thuộc mọi nòi giống, chúng ta hãy đoàn kết lại và đấu tranh chống bọn áp bức”. Sau đó, Lời kêu gọi đã được viết rút gọn bằng tiếng Việt, in thành truyền đơn và bí mật gửi về Việt Nam

        Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần I và Đại hội II của Đảng Cộng sản Pháp đã góp phần đánh dấu một bước tiến mới trong nhận thức và trong hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp về vấn đề thuộc địa.

***     

            Ngày 19-2-1922, buổi họp của Ban chấp hành Hội liên hiệp thuộc địa được tổ chức tại số 28, đại lộ Arago, quận 14 Paris, đã quyết định xuất bản báo Người cùng khổ (Le Paria) làm  cơ quan ngôn luận. Anh được phân công làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút của tờ báo. Đây cũng là tờ báo được coi là tiền thân của báo Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Hội người Việt Nam tại Pháp ngày nay.

             Le Paria số 1, ra ngày ngày 11-4-1922, được in trên khổ giấy 36 x 50cm.

          Phía trên, bên cạnh tên chính của tờ báo bằng chữ Pháp: Le Paria còn có tên báo bằng chữ Ả Rập ở bên trái và chữ Hán ở bên phải : Lao động báo. Tiêu đề của báo là Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa. Địa chỉ của tờ báo : số 16 đường Jacques Calot, quận 6 Paris (sau này chuyển về số 3 Marché des Patriarches, quận 5 Paris).

          Số này có đăng Lời kêu gọi, nêu rõ mục đích, tôn chỉ của tờ báo: « Báo Le Paria ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Madagascar, ở Đông Dương, Antilles  và Guyanne » « Le Paria đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, mục đích của báo chắc chắn sẽ đạt được: đó là giải phóng loài người ».

            Anh phụ trách tờ báo từ số 1 đến số 15 (6-1923). Trong thời gian này, anh viết 30 bài, cùng vẽ những bức tranh, ký họa châm biếm. Nội dung các bài viết này tập trung vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân trên tất cả các lĩnh vực : chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương và các thuộc địa khác. Qua từng bài báo, chúng ta thấy lý luận của anh ngày càng rõ nét về cuộc đấu tranh giành độc lập :  quan hệ giữa thực dân và nhân dân các thuộc địa  tự nó đã chất chứa mâu thuẫn không thể điều hòa được và trước mắt phải đoàn kết giữa nhân dân các thuộc địa với nhân dân lao động tại chính quốc.

            Thời kỳ này, anh cũng đã vận động Nhóm người An Nam yêu nước ra báo Việt Nam hồn, chủ yếu hướng về độc giả Việt Nam. Nhưng do anh rời Pháp đi Liên Xô nên dự định ra báo này chưa kịp thực hiện. Sau đó, báo Việt Nam hồn ra đời vào tháng 1-1926, dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Thế Truyền.

            Ngày 13-6-1923, từ Gare du Nord, được Đảng cộng sản Pháp tổ chức đưa anh bí mật rời Paris bằng tàu hỏa đến Berlin (Đức). Ngày 30-6-1923, từ Hambourg (Đức), anh đi tàu thủy đến Pétrograd (Liên Xô). Ít ngày sau, anh lại lấy xe lửa đi Moscou, bắt đầu một thời kỳ hoạt động mới.

            Tại Liên Xô, anh đã gặp và trả lời phỏng vấn nhà thơ Ossip Mandelstam và ông này đã viết :

« Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai… Dân An Nam là một dân tộc giản dị và lịch thiệp. Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới ».

 

Hết.

 


Phụ lục :

Trong quá trình tìm hiểu về thời kỳ Bác Hồ ở Pháp (1917-1923), tôi thấy có một số bài nêu vai trò của « Nhóm Ngũ Long », gồm 5 người Việt Nam, trong đó có Nguyễn Ái Quốc. Đây là một sự kiện về mặt lịch sử,  mà đến nay, qua 5 bài ghi chép của tôi không hề đề cập đến.  Nó có lý do của nó. Nay, tôi xin mạn phép bổ sung và nêu ý kiến của mình :

Về « Nhóm Ngũ Long »:

         Ngay từ đầu, nghe đến hai chữ « Ngũ Long », bản thân tôi rất thích thú, vì nó gợi lên một huyền thoại, mà lại là một huyền thoại về những bậc tiền bối yêu nước, làm cho tôi liên tưởng đến những con Rồng châu Á về kinh tế của thập niên 80-90 thế kỷ trước. Nhưng càng đọc kỹ các bài đó, tôi càng cảm thấy có cái gì đó không ổn, hình như chứa đựng một ẩn ý, kiểu như muốn nêu một điều gì đó về mặt lịch sử.

Từ đó, tôi cố gắng tìm hiểu, tự đặt cho mình những câu hỏi :

– Ngũ Long : tức là 5 con Rồng, ở đây là 5 nhân vật. Vậy 5 người đó là ai ? Và từ đâu lại có cái tên Ngũ Long ?

– Họ gặp gỡ nhau như thế nào ?

– Cuối cùng, tôi phải suy nghĩ như thế nào đây ?

  1. Ngũ Long là ai ?

     Có lẽ lần đầu tiên xuất hiện trên báo là vào năm 1972, dưới hồi ức « 41 năm làm báo » của tác giả Hồ Hữu Tường, được xuất bản bởi NXB Trí Đăng, ngày 12/11/1972, Sài Gòn. Trong đó, tác giả nêu : [Nguyễn Thế Truyền]… lên Paris mà hợp tác với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành (sau này là Hồ Chí Minh), để thành lập một nhóm người Việt « chọc trời khuấy nước » chống thực dân ngay tại thủ đô nước Pháp. (trang 11). Như vậy đã rõ, nhóm này có 5 người gồm những tên tuổi như đã nêu.

       Và : « Năm 1918, nhóm này lại được Nguyễn An Ninh ở Sài Gòn sang nhập bọn. Người ngoài cho đó là 5 con Rồng, bởi người Việt Nam xưng mình là « Con Rồng ». Linh hồn của nhóm Ngũ Long này là cụ Phan Châu Trinh ». (trang 18).

        Ở đây tác giả nêu có hai vấn đề : thứ nhất là thành lập, thứ hai là người ngoài cho đó… :

         Ở trang 11, ý của tác giả là : Nguyễn Thế Truyền lên Paris hợp tác để thành lập một nhóm người,  vậy ai là người thành lập ? Khả năng lớn là ta nghĩ ngay đến cụ Phan Châu Trinh, hoặc cụ đồng ý theo một quyết định chung của 4 người kia, nhưng cụ vẫn là linh hồn của nhóm. Theo tác giả, nhóm này đã có từ 1918. Lúc ấy, cụ Phan Châu Trinh 46 tuổi, ông Phan Văn Trường 42 tuổi, Nguyến Tất Thành 28 tuổi, Nguyễn Thế Truyền 20 tuổi, Nguyễn An Ninh 18 tuổi. Câu hỏi không thể không đặt ra là : không lẽ, với suy nghĩ sĩ phu của cụ Phan, lại có thể có ý định (hoặc chấp nhận) thành lập một nhóm,  cho dù gồm những người thân tín của cụ,  trong đó có 3 người trẻ tuổi, đáng là con cháu của mình, trong đó còn có một cậu bé 18 tuổi , vừa mới sang Pháp du học ? (dù cho cậu bé này có xuất chúng hơn người đi chăng nữa). Riêng tôi thấy thật khó mà tưởng tượng nổi.

            Ở trang 18, tác giả cũng viết : Người ngoài cho đó là 5 con Rồng , tôi nghĩ có thể tác giả muốn nói là do đồng bào Việt Nam ở Pháp lúc bấy giờ, thấy vai trò của 5 người này, nên ghép họ thành một nhóm và cho họ cái tên Ngũ Long, chứ không ai có thành lập nó cả. Điều này cũng có thể đúng. Như vậy, tại sao, theo tôi tìm hiểu, các sách hoặc bài viết về lịch sử thời đó đều không hề đề cập đến tên Ngũ Long (trước khi có Hồi ký 41 năm làm báo của ông Hồ Hữu Tường). Các báo cáo của mật thám Pháp về Bác Hồ trong suốt thời kỳ 1918-1923 cũng đều không nêu đến cái từ Ngũ Long. 

  1. Họ gặp gỡ nhau như thế nào ?

     Ở đây, chỉ có đối với hai người : đó là đối với hai ông Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh.

      Quan hệ giữa ba người kia, cụ Phan Châu Trinh, ông Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc thì đã rõ.

Về ông Nguyễn Thế Truyền :

            Tài liệu ghi như sau : Năm 1910, ông được ông nội gửi phó công sứ Thái Bình Dupuy đưa  sang Pháp du học. Lúc ấy ông 12 tuổi. Đến năm 1915, ông đậu Brevet supérieur, về nước một năm, học thêm Hán văn, rồi trở lại Pháp học tiếp. Từ năm 1916 đến 1920, ông học tại trường Kỹ sư hóa học và trường Đại học khoa học ở Toulouse (Pháp).

            Sau khi đậu bằng kỹ sư hóa học,  lấy cử nhân lý hóa, năm 1920, ông về nước thăm gia đình và học chữ Hán từ cụ Nguyễn Hữu Cung (Cả Cung) là người làng từng đậu nhị trường. Năm 1921, ông  trở lại Pháp tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ khoa học tại Đại học Sorbonne (Paris) và ghi danh học cử nhân văn khoa ban triết học tại trường này. Đến cuối năm 1922, ông đã đậu xong cử nhân triết học.

            Đó là việc học vấn của ông, nhưng về hoạt động yêu nước thì sao ?

            Tác giả Thu Trang, trong cuốn Nguyễn Ái Quốc tại Paris, trang 186, viết : Lần đầu tiên, vào tháng 3-1922, mật thám Pháp đã nêu tên một số Việt kiều mới như Nguyễn Thế Truyền, Trần Văn Hộ, Phan Cao Lục, Jean Bửu Tháp.

            Báo cáo của mật thám Pháp ngày 10-7-1922 :  Nguyễn Ái Quốc cùng với Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền đến thăm Nguyễn Văn Vĩnh ở số 15 đường Bertholet. Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia (Archives nationales, Paris, 7/13405).

            Báo cáo của mật thám De Villiers ngày 18-01-1923 : Nguyễn Ái Quốc dự kỳ họp hằng tháng của tổ chức Hội liên hiệp thuộc địa. Dự họp có Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Văn Ái, Trần Tiến Nam, Toàn Hải (con trai của Nguyễn Văn Vĩnh). Ngoài ra còn có 10 người da đen, 2 người da trắng và 2 phụ nữ.

            Ông Đặng Hữu Thụ trong cuốn « Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyển Thế Truyền », tự xuất bản năm 1993 ở Melun cũng viết : « Nguyễn Thế Truyền tìm đến Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường cuối năm 1921 ở số 6 Villa des Gobelins,  [chịu] ảnh hưởng tư tưởng ái quốc, tư tưởng cách mạng của hai cụ từ giữa năm 1922 ». (trang 27).

            Như vậy, Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thế Truyền khó mà có hoạt động chung từ năm 1918. Rất có khả năng là chỉ từ giữa năm 1922 cho đến tháng 6/1923 khi Nguyễn Ái Quốc rời nước Pháp (vỏn vẹn trên dưới 1 năm). Và ta cũng biết hai ông rất thân dẫn đến một có quan hệ đồng chí (theo báo cáo của Sở mật thám Pháp), mặc dù sau này, mỗi ông đã đi theo những đường hướng khác nhau.

Về ông Nguyễn An Ninh :

             Tài liệu ghi như sau : Cho đến 10 tuổi, ông sống với ông ngoại và học chữ Nho, sau đó, vào năm 1910, ông về Sài Gòn sống với cha mẹ tại quán Chiêu Nam Lầu, học tiểu học tại trường Tabert, rồi trường Chasseloup Laubat. Năm 1916, học trường Cao đẳng Hà Nội và sau đó sang Pháp.

 

            Bắt đầu từ đây, nhiều bài viết về ông rất không thống nhất với nhau :

         Nguyễn An Tịnh, con trai của ông, trong cuốn sách về cha mình « Nguyễn An Ninh », Nhà xuất bản Trẻ, 1986 viết  ông sang Pháp năm 1917.  Nguyễn Thị Minh, con gái của ông, trong cuốn «  Nguyễn An Ninh – Tôi chỉ làm cơn gió thổi », Nhà xuất bản Trẻ, 2004 viết ông đi Pháp năm 1918. Vậy, sự thật là ông sang Pháp năm nào ?

            Được biết là khi sang Pháp lần đầu tiên, ông học Luật tại trường Sorbonne, ông học rất giỏi và đỗ Cử nhân xong thì thân phụ gọi về nước hỏi vợ. Nhưng về Việt Nam vào thời điểm nào thì không có bài nào hoặc tư liệu nào nói đến. Đến tháng 7-1920, ông trở lại Pháp lần thứ hai và một tháng sau, ông bắt đầu làm phiên dịch cho cụ Phan Châu Trinh, song song với việc làm luận án tiến sĩ. Đến cuối năm 1921 (có tư liệu ghi là tháng 10-1922), ông lại về Việt Nam. Đến tháng 3-1923, ông trở lại Pháp lần thứ 3 (có tư liệu lại ghi là tháng 12-1923).

            Theo dõi cuộc hành trình của ông ở Pháp trong thời gian này, đối với tôi, thật là đi vào môt mê hồn trận ! Nhất là ông tham gia vào phong trào yêu nước từ lúc nào, để trở thành một thành viên của Nhóm Ngũ Long ?

            Tôi chỉ ghi nhận, các bài đầu tiên của ông : Gửi đồng bào, Gửi công chúng Pháp, Tiếng chuông đầu, Ở xứ hạnh phúc… đều được viết vào năm 1923. Không có bài nào trước đó. Ngay cả những bài đăng trên báo Le Paria được cho là của ông như Lòng ngay thẳng của chính phủ thuộc địa, Hai tinh hoa của xứ Đông Dương, Các vị thống trị của chúng ta, Cái trò Merlin… cũng chỉ được viết vào năm 1923.

  1. Cuối cùng, nên hiểu làm sao đây ?

      Như những gì đã trình bày ở trên, theo tôi thấy  :

–  Nguyễn Ái Quốc bắt đầu cùng hoạt động với Nguyễn Thế Truyền chỉ có thể là vào giữa năm 1922.

– Nguyễn Ái Quốc bắt đầu cùng hoạt động với Nguyễn An Ninh chỉ có thể là vào năm 1920.  (nhưng sau đó Nguyễn An Ninh không có mặt thường xuyên bên Pháp). Nhưng tại sao lại khồng hề có bất cứ tài liệu nào ghi là hai ông đã có hoạt động chung ?

Như vậy, thời gian hoạt động chung giữa ba vị, nếu có, thật quá ít, và còn đứt quãng về thời gian, khó gây nên một ấn tượng nào trong lòng cộng đồng người Việt tại Pháp để trở thành một huyền thoại, một « Nhóm Ngũ Long ». Nhất là lúc đó, hoạt động yêu nước thường là bí mật.

            Riêng tôi thấy khó tin được là có một Nhóm Ngũ Long, mà nếu có đi chăng nữa thì không thể có Nguyễn Ái Quốc ở trong đó. Tôi có cảm tưởng là những người  ủng hộ  giả thuyết này muốn đưa tên tuổi và công lao yêu nước của 5 vị tiền bối gọp chung « vào một rổ », không ai hơn ai, ngang hàng nhau.  Thậm chí, theo những gì họ viết,  Nguyễn Ái Quốc chỉ là một vì sao, ít học vấn và chỉ đóng vai trò cực kỳ tầm thường so với 4 vì sao kia.

            Mục đích đã rõ :  không hề có một Nguyễn Ái Quốc nổi trội, được sử sách ghi nhận như hiện nay.

            Có lẽ đó là « ý đồ » muốn đưa người ta nhìn lại lịch sử dưới con mắt khác. Biết đâu đấy ? Chỉ có mỗi người trong chúng ta, nếu muốn, mới phải đi tìm câu trả lời : Đâu là sự thật ?  Theo tôi, chỉ có thể bằng một tấm lòng vô tư, không thiên vị và với sự tìm tòi một cách nghiêm túc.

./.

Tâm An

Paris, tháng 11/2018

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :