Chuyên đề Bác Hồ trở lại nước Pháp năm 1946 – Phần 1 : Tình hình và bối cảnh chính trị của đất nước lúc ấy.

Bác Hồ trở lại nước Pháp năm 1946.

Phần 1 : Tình hình và bối cảnh chính trị của đất nước lúc ấy.

            Trong Thế chiến thứ II, ngày 22-9-1940, quân đội Nhật đã vào chiếm đóng Đông Dương, lật đổ nên thống trị của thực dân Pháp tại Việt Nam từ gần 100 năm nay. Thời gian sau đó, họ đã bắt chính quyền Pháp phải cưỡng bức thu mua lúa gạo của nhân dân Việt Nam theo giá rẻ để cung cấp cho quân đội Nhật. Đồng thời, họ còn bắt người dân Việt Nam nhổ lúa, nhổ khoai, nhổ sắn để trồng cây đay là thứ nguyên liệu dùng làm bao tải đựng cát, phục vụ cho việc xây dựng các công sự trong chiến tranh.

           Hai chính sách đó đã khiến cho Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, nơi từng đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu lúa gạo (những năm 1936-1937, Đông Dương xuất khẩu 1,6 – 1,7 triệu tấn, chỉ đứng sau Miến Điện), khi đó trở thành một dân tộc thiếu đói trên quy mô gần như toàn diện, đặc biệt ở các tỉnh miền Bắc. Cho đến đầu năm 1945, nguồn lúa gạo hầu như đã cạn kiệt. Chính những người trồng lúa lại là những người bị đói trước tiên. Nông dân đói từ Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam… lũ lượt kéo ra các thành phố đi ăn xin, kéo lên miền núi đào củ chuối, củ mài cầm hơi. Trên đường đi, họ chết dần, chết mòn. Số còn lại sống lay lắt rồi cũng chết la liệt giữa đường, vì không còn cái gì có thể ăn được. Cho đến tháng 8-1945, đã có tới 2 triệu người chết đói, ngổn ngang khắp các làng xã, thị trấn. Đó là con số thương vong chưa từng có trong lịch sử Việt Nam trong một thời gian ngắn (khoảng vài tháng).

            Từ ngày 17-7 đến 2-8-1945, một Hội nghị của các nước chiến thắng Đức ở Âu châu thuộc phe Đồng minh đã được triệu tập ở Potsdam, ngoại ô thành phố Berlin, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, Thủ tướng Anh Winston Churchill, và lãnh tụ xô-viết Joseph Staline. Hội nghị Potsdam đã quyết định, khi Nhật thua trận, sẽ đưa quân đội Đồng minh vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật. Theo đó, ở phía Bắc Việt Nam (từ vĩ tuyến 16 trở ra) giao cho quân đội Tưởng Giới Thạch và phía Nam (từ vĩ tuyến 16 trở vào) do quân đội Anh đảm nhiệm. Lúc ấy, tại Việt Nam chưa xảy ra cuộc Cách mạng tháng tám.

            Bốn ngày sau, trong hai ngày, 6 và 9-8-1945, không quân Mỹ lần lượt thả hai quả bom nguyên tử « Little Boy » và « Fat Man » xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản khiến khoảng 200.000 người thiệt mạng. Ngày 15-8, Nhật Bản chính thức đầu hàng và Thế chiến thứ II kết thúc. Tin tức đầu hàng nhanh chóng lan đi khắp mặt trận. Quân đội Nhật chiếm đóng ở Đông Dương bị tê liệt, mất tinh thần chiến đấu.

            Song song đó, từ ngày 14-8 đến 28-8-1945, trong vòng nửa tháng, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra trên toàn cõi Việt Nam thành công hoàn toàn. Chúng ta thường gọi đó là cuộc Cách mạng Tháng tám. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Nguyễn Ái Quốc của thời kỳ hoạt động ở Pháp 20 năm về trước, nay là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này viết tắt là VNDCCH). Đây được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ 3 trong lịch sử nước nhà, sau Nam quốc Sơn hà của Lý Thường Kiệt (1077) và Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (1428).

            Đúng vào dịp bùng nổ Cách mạng Tháng tám, Nhà nước VNDCCH mới được thành lập, cũng là lúc mưa rất nhiều, nước trên các dòng sông đều dâng cao. Mưa lũ xảy ra trong tình hình hệ thống đê điều đã bị xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm nay. Nạn vỡ đê diễn ra khắp đồng bằng Bắc Bộ : sông Hồng, sông Thao, sông Thương, sông Thái Bình, sông Đáy, sông Nhuệ đâu đâu cũng vỡ. Nước lụt chiếm 350 000 hécta trong tổng số 830 000 hécta diện tích lúa mùa đã cấy xong ở đồng bằng Bắc Bộ (hơn 1/3 diện tích). Vỡ đê đồng nghĩa với việc một nạn đói lớn hơn nữa có thể sẽ diễn ra vào mùa thu năm đó.

            Về tài chính tiền tệ, kho bạc Nhà nước hoàn toàn trống rỗng. Đúng là một Chính phủ “không tiền”, như sau này sử sách đã ghi. Có một nơi giữ tiền và in tiền là Ngân hàng Đông Dương nhưng do quân đội Nhật đóng giữ, vẫn còn đang chờ trao lại cho quân Đồng minh. Trong khi đó, tình trạng lạm phát leo thang trong suốt 5 năm trước đó khiến cho bản thân đồng tiền Đông Dương bị mất giá nghiêm trọng. Tiền trong tay người dân Việt Nam “teo lại” nhanh chóng. Giá gạo từ chỗ 4-5 đồng/tạ, đến giữa năm 1945 đã lên tới 700-800 đồng/tạ.

            Tình hình văn hóa và y tế cũng thê thảm : hơn 90% dân số Việt Nam không biết đọc, biết viết. Sự dốt nát dẫn tới những tệ nạn mê tín, dị đoan, hủ tục khiến cho dân trí ngày càng tồi tệ.

            Trong lĩnh vực y tế, dịch tả diễn ra ở nhiều nơi, giết chết hàng vạn người. Nạn đói, rét đã sản sinh ra không biết bao thứ bệnh tật mà lúc ấy y khoa chưa có tên gọi chính xác. Trên mọi nẻo đường Việt Nam, nhất là ở nông thôn, các thị trấn nhỏ, con người trông thật tiều tụy, rách rưới, bẩn thỉu, đầy rẫy bệnh tật.

             Đó là kết quả của sự « khai sáng » trong 90 năm Pháp thuộc và 5 năm « cách mạng da vàng » Nhật Bản.

            Ngày 28-8-1945, ở phía Bắc, 20 vạn quân Trung Hoa dân quốc tiến vào lãnh thổ Việt Nam. Về kinh tế, họ buộc Việt Nam phải chấp nhận cho họ sử dụng hai loại tiền là Quan kim Quốc tệ để mua hàng hóa và áp đặt một chế độ đổi tiền cực kỳ phi lý. Thực tế, họ đã dùng giấy lộn để đổi lấy những của cải thật của Việt Nam.

            Ngày 12-9-1945, ở miền Nam, tướng Anh Gracey đã đưa 2.000 quân vào Sài Gòn để tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật. Gracey còn cho phép 1500 quân Pháp đi theo và sau đó, mở cửa tất cả các nhà tù mà quân Nhật đã giam giữ quân Pháp, để cho hàng ngàn lính và thường dân Pháp được tự do. Hơn thế nữa, còn lấy vũ khí của Nhật trang bị cho những người Pháp này. Để rồi, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, rồi đánh chiếm rộng ra cả Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Cũng từ ngày ấy mà đồng bào ở miền Nam đã đứng lên kháng chiến : « Mùa thu rồi ngày 23… » như một bài hát ngày nào.

            Nhìn chung cục diện trong nước, đối với một chính phủ lâm thời Việt Nam mới thành lập,  còn trong trứng nước, quả là vô vàn khó khăn, « ngàn cân treo sợi tóc ». Léon Pignon, cố vấn chính trị của Cao ủy Pháp ở Đông Dương đã nhận định : Đây là một chính quyền « không đồng minh, không tiền và hầu như không vũ khí ». Dĩ nhiên, đồng minh duy nhất của chính phủ VNDCCH mà Pignon quên nêu ra là người dân Việt Nam.

            Sau khi đánh chiếm được các tỉnh Nam Bộ và một phần Nam Trung Bộ, thực dân Pháp muốn nhanh chóng đưa quân ra miền Bắc. Tuy nhiên, họ biết sẽ gặp phải bất lợi vì còn 20 vạn quân Tưởng cộng với lực lượng của nhà nước VNDCCH. Vì thế Pháp phải tìm giải pháp hợp lý, đó là thương lượng song song với Chính phủ Tưởng Giới Thạch để có thể đưa quân ra miền Bắc, đồng thời tìm cách điều đình với Chính phủ VNDCCH để việc đó được chấp nhận. Tướng Leclerc, chỉ huy tối cao quân đội Pháp tại Viễn Đông khi đó, thừa nhận: « Chúng ta đổ bộ lên, nhưng chúng ta chắc chắn phải đụng chạm với quân Tưởng – có nghĩa là sẽ gặp những khó khăn quốc tế – và trước mặt chúng ta là cả một đất nước nổi loạn, còn gay go ác liệt hơn cả Nam Kỳ ».

            Cho nên, ngay sau Tổng khởi nghĩa Tháng tám, tại Hà Nội đã diễn ra những cuộc tiếp xúc bí mật giữa đại diện Chính phủ Pháp với Chính phủ Việt Nam. Ngày 27-9-1945, ông Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ nội vụ đã gặp gỡ Jean Sainteny, Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ. Ông Sainteny kể lại :  « Ông Giáp không hề tỏ ra chút gì thù địch cả. Ông chỉ trình bày giản dị rằng Việt Minh hiện nay là người làm chủ nước Việt Nam, rằng Việt Minh vừa thành lập Chính phủ lâm thời và ông hi vọng nước Pháp sẽ quan tâm đến thực tế đó ». Ngày hôm sau, 28-9 và ngày 06-10, đã diễn ra các cuộc tiếp xúc giữa Léon Pignon, cố vấn đặc biệt của Sainteny với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ ngày 15-10, bản thân Sainteny cũng đã tiến hành thương lượng bí mật, kéo dài gần 5 tháng với Bác Hồ : « Thường thường vào ban đêm, tôi mới tới chỗ ở của Hồ Chí Minh, một biệt thự trong công viên nhỏ phố Paul Bert » (nay là phố Tràng Tiền) . Cuộc tranh luận gay go, kéo dài xoay quanh hai thuật ngữ « chế độ tự trị trong Liên hiệp Pháp » do Pháp đề nghị và « chế độ độc lập và hợp tác » trong lập trường của Chính phủ Việt Nam đã tạo hố ngăn cách giữa Pháp và Việt Nam chưa giải quyết được.

            Song song đó, cũng có những cuộc đàm phám giữa đại diện Pháp với Trung Hoa dân quốc.

            Đến ngày 28-2-1946, chính phủ Pháp và chính phủ Tưởng Giới Thạch đã đồng ý với nhau bằng việc ký kết một Hiệp định tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Theo đó, quân Pháp sẽ được thay thế quân Tưởng ở miền Bắc Việt Nam (từ ngày 1 đến 31-3-1946), còn phía Tưởng sẽ được Pháp trả lại các tô giới ở Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Châu, nhượng lại đường sắt Vân Nam…. Quân Tưởng cũng muốn rút về nước để dồn quân đối phó với lực lượng của Mao Trạch Đông và quân Pháp thì trở lại miền Bắc. Nhưng có một trở ngại lớn : sự hiện diện của Chính phủ Hồ Chí Minh. Như vậy Pháp chỉ còn thương lượng với phía Việt Nam.

            Cùng diễn biến tại Trùng Khánh, tại Hà Nội, cuộc thương lượng giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Sainteny được tiến hành rất khẩn trương.

            Trên thực tế, Hiệp ước Pháp – Hoa cũng đặt ra cho Chính phủ VNDCCH một sự lựa chọn « khắc nghiệt » : hoặc là cầm vũ khí chiến đấu chống thực dân Pháp nếu họ đổ bộ lên miền Bắc ; hoặc là hòa hoãn, nhân nhượng để tránh tình trạng cùng một lúc phải đối phó với  hai kẻ thù. Ở thời điểm ấy, nếu cầm vũ khí chiến đấu chống lại quân Pháp, Việt Nam có nguy cơ phải đối đầu thêm với 20 vạn quân Tưởng còn hiện diện ở miền Bắc.

            Có một sự kiện đã xảy ra.

            Sáng ngày 6-3-1946, thay vì đã bắt đầu rút quân theo Hiệp  định Trùng Khánh giữa Pháp và Hoa thì quân Tưởng lại nổ súng vào tàu chiến Pháp tiến vào cảng Hải Phòng. Đây là do thái độ của một bộ phận quân Tưởng muốn tiếp tục ở lại Việt Nam vì có lợi về kinh tế cho họ. Phía Pháp hoàn toàn bị bất ngờ, đưa họ vào một tình thế bỗng nhiên không hiểu được, vì ngoài việc thương lượng với Chính phủ VNDCCH vốn đã gay go rồi, nay lại phải đối phó với quân Tưởng.

            Trước sự kiện này, Chính phủ VNDCCH đã đưa ra một nhượng bộ để phá vỡ thế bế tắc cho Pháp, đó là Việt Nam đồng ý thay từ « độc lập » bằng từ « tự do » đi kèm với định nghĩa :  « Chính phủ Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do ».

            Việt Nam và Pháp đã nhanh chóng ký được bản Hiệp định sơ bộ và được Trung ương Trung Hoa dân quốc đồng ý.

            Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy quyết định « hòa để tiến ».

             Lúc ấy, những lực lượng chống đối Chính phủ Hồ Chí Minh như các đảng Việt Nam Quốc dân đảng của Vũ Hồng Khanh, Việt Cách của Nguyễn Hải Thần thường dùng chiêu bài « Yêu nước » cùng một số tổ chức Việt Nam khác, đã dấy lên một phong trào nói rằng « Hồ Chí Minh  đã bán nước cho Pháp », gây nên không ít hoang mang trong lòng nhân dân. Việc này cũng đã ảnh hưởng đến phong trào yêu nước của Việt kiều tại Pháp lúc đó, bởi một nhóm người Việt tự xưng thuộc « Đệ tứ quốc tế » cũng đã dùng chiêu bài đó.

            Cụ thể, Hiệp định gồm 5 nội dung chính sau: 

  1. Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, có nghị viện, có quân đội, có tài chính của mình, nằm trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp. 
  2. Chính phủ Pháp cam đoan sẽ thừa nhận những quyết định của cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba kỳ. 
  3. Nước Việt Nam thuận để 15.000 quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay thế quân đội Trung Hoa giải giáp quân Nhật. Số quân Pháp này sẽ phải rút hết trong thời hạn 5 năm, mỗi năm sẽ rút 1/5. 
  4. Hai bên sẽ đình chiến ngay để mở một cuộc đàm phán chính thức. Trong khi đàm phán, quân hai bên ở đâu vẫn cứ đóng ở đấy. 
  5. Cuộc đàm phán chính thức sẽ tiến hành tại Hà Nội, Sài Gòn hoặc Paris với nội dung quan hệ ngoại giao của Việt Nam với nước ngoài, quy chế của Đông Dương, những quyền lợi kinh tế và văn hóa của nước Pháp ở Việt Nam.

     

Với việc ký kết này, Chính phủ VNDCCH đã biến điều khoản thay quân trong Hiệp định song phương Trùng Khánh giữa Pháp và Tưởng thành thỏa thuận 3 bên. Bản Hiệp định sơ bộ về cơ bản là có lợi cho Việt Nam (nếu có lợi 100% thì sẽ không thể ký kết được bất cứ một hiệp định nào với Pháp, tất nhiên rồi). Lợi ở 2 điểm : thứ nhất là gạt được quân đội Tưởng ra khỏi Việt Nam mà không tốn sức lực nào cả, thứ hai, và đó là điều quan trọng hơn cả : Pháp đồng ý Việt Nam là một nước « tự do » (chưa phải là độc lập) nhưng có chính phủ, có quân đội của mình và là một nước thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không phải là « ba kỳ » riêng biệt : Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ như Pháp đã áp đặt từ gần 100 năm nay.

            Về mặt lịch sử, Hiệp định sơ bộ ngày 6-3 là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên giữa Chính phủ VNDCCH và Chính phủ Pháp. Nó đã chứng tỏ rằng : Việt Nam là một quốc gia không còn là thuộc địa của Pháp.

            Ngày 24-3-1946, Cao ủy Pháp ở Đông Dương Thierry d’Argenlieu đón tiếp Hồ Chủ tịch (có Thứ trưởng Bộ bội vụ Hoàng Minh Giám và Thư ký Vũ Đình Huỳnh tháp tùng) trên chiến hạm Emile Bertin ở vịnh Hạ Long để bàn về việc thi hành Hiệp định sơ bộ nói trên.

            Hai bên đã thống nhất ba điểm :

1/ Tháng 4-1946 sẽ có một phái đoàn Quốc hội Việt Nam sang thăm hữu nghị Quốc hội Pháp.

2/ Cùng thời gian đó sẽ có một cuộc họp trù bị giữa hai đoàn đại biểu Pháp và Việt.

3/ Sau phiên họp trù bị, nửa cuối tháng 5-1946 sẽ có một đoàn đại biểu Chính phủ VNDCCH sang Pháp để tiến hành thương thảo tại Paris.

Cũng nhân dịp này, Chính phủ Pháp mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức nước Pháp.

 

Chúng ta hãy điểm lại những gì mà hai bên đã thỏa thuận tại Hạ Long và kết quả ra sao:

1/ Do phía Pháp đặt nhiều vấn đề khó khăn về mặt tổ chức nên chuyến đi của Quốc hội Việt Nam không thực hiện được.

2/ Hội nghị trù bị bắt đầu từ ngày 19-4-1946 tại Đà Lạt. Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam là ông Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phó trưởng đoàn là ông Võ Nguyên Giáp cùng các nhân sĩ trí thức có ảnh hưởng lúc đó như Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn. Phía Pháp liên tục kiếm cớ gây khó dễ cho đoàn Việt Nam như : thông báo D’Argenlieu là Trưởng đoàn nhưng sau lại thay đổi, không cho đại biểu Phạm Ngọc Thạch từ Sài Gòn lên nhập đoàn, ngăn đoàn Việt Nam dùng máy vô tuyến điện…

Trong quá trình họp, phía Pháp không công nhận Việt Nam có quyền ngoại giao, không có quyền ký các hiệp ước quốc tế và đặc biệt muốn tách Tây Nguyên thành khu tự trị, không bàn đến vấn đề Nam Bộ. Vì những bất đồng căn bản giữa hai bên nên Hội nghị kết thúc ngày 11-5-1946 mà không có kết quả.                        

3/  Mặc dù vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cử đoàn đại biểu sang Pháp đàm phán theo những gì đã thỏa thuận với Sainteny ở Hạ Long và bản thân Bác sẽ đi cùng đoàn để sang thăm chính thức nước Pháp.

           

Khi phái đoàn Việt Nam sắp lên đường thì trưởng đoàn Nguyễn Tường Tam bỏ trốn mất, lấy theo toàn bộ kinh phí chuẩn bị cho đoàn đi Pháp, vì vậy ông Phạm Văn Đồng được thay làm trưởng đoàn.

            Ngày 31-5-1946, hai máy bay Dakota của Pháp đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Việt Nam từ Gia Lâm (Hà Nội) sang Pháp, nhưng không bay thẳng sang Paris, mà bay lòng vòng qua nhiều nơi trên thế giới và nghỉ nhiều chặng. Phải mất 12 ngày phi cơ mới tới đất Pháp. Sau này, hồ sơ mật của Pháp tiết lộ đó là do chỉ thị của Chính phủ Pháp : « Hãy đưa các vị ấy đi du ngoạn càng lâu càng tốt ».  Rõ ràng, việc này thể hiện là ngay từ đầu Chính phủ Pháp đã không thành thật trong vấn đề thương thảo với Việt Nam, hơn nữa còn mang nặng đầu óc thực dân.

            Hội nghị đàm phán Pháp-Việt được tổ chức ở lâu đài Fontainebleau, cách Paris 60 km về phía nam.

            Phái đoàn Việt Nam gồm Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và các thành viên: Phan Anh, Bửu Hội, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính, Đặng Phúc Thông, Dương Bạch Mai, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Mạnh Hà, Chu Bá Phượng, Huỳnh Thiện Lộc, Phạm Khắc Hòe. Các chuyên viên gồm có: Nguyễn Đệ, Hoàng Văn Đức, Vũ Trọng Khanh, Hồ Đắc Liên, Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Văn Tịnh, Nguyễn Đắc Khê.

            Về phía Pháp, Trưởng phái đoàn là Max André (nguyên Giám đốc nhà băng Đông Dương) cùng các thành viên : Pignon (cố vấn cho Cao ủy D’Argenlieu), Gonon, Torel (viên chức bộ máy thuộc địa), Messmer (nguyên là công sứ), Bourgoin (quan chức kinh tế Đông Dương), đô đốc Barjot, tướng Salan, các nghị viên Losseray và Juglas.

            Sáng ngày 6-7-1946, lâu đài Fontainebleau được trang hoàng theo nghi lễ ngoại giao, treo quốc kỳ Việt – Pháp và trước khi khai mạc có cử quốc ca hai nước.

            Trưởng đoàn Pháp đọc diễn văn khai mạc và Trưởng đoàn Việt Nam, ông Phạm Văn Đồng,  đọc diễn văn đáp từ, có đoạn: « Chúng tôi lấy làm đau đớn mà phải nói rằng người Pháp ở Việt Nam không thi hành đúng theo những khoản trong Hiệp định sơ bộ. Họ đã không đình chiến lại tìm cách lấn thêm… Nhưng trước hết chúng tôi hết sức phản đối sự chia rẽ Tổ quốc của chúng tôi, hết sức phẫn nộ người Pháp ở Sài Gòn lập ra một nước mới và một chính phủ Nam Bộ… Chúng tôi muốn cộng tác vì chúng tôi yêu mến Tổ quốc của chúng tôi, chúng tôi muốn cộng tác với nước Pháp trong một đại gia đình gồm những nước dân chủ tự do…« .

            Tuy nhiên, quan điểm của phái đoàn Pháp chỉ xét Việt Nam là quốc gia tự trị trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp. Việt Nam chỉ được quyền liên hệ với Pháp , không được có Bộ ngoại giao của riêng mình.  Về vấn đề thống nhất Việt Nam, họ đòi phải tái lập trật tự trước tiên, nghĩa là phía kháng chiến phải buông súng, rồi sau đó mới mở cuộc trưng cầu dân ý nhưng chỉ ở riêng Nam Kỳ không bàn đến vấn đề thống nhất với Trung và Bắc Kỳ. Trong khi đó, Pháp đã đơn phương thành lập chính quyền « Nam Kỳ quốc » do Trần Trọng Kim làm Thủ tướng ở miền Nam.

            Giữa lúc Hội nghị diễn biến giằng co, chưa đạt được sự đồng thuận của cả hai bên, thì ngày 1-8-1946, tại Việt Nam, Cao ủy D’Argenlieu triệu tập một Hội nghị Liên bang Đông Dương gồm đại diện Nam Kỳ tức chính quyền « Nam kỳ quốc », Tây Nguyên, Lào, Campuchia và Nam Trung Kỳ họp tại Đà Lạt.

            Rõ ràng, phía Pháp không hề có ý muốn giải quyết bất cứ chuyện gì.

            Thế là Hội nghị Fontainebleau chính thức tan vỡ.

            Ba ngày sau, 9-7-1946, phái đoàn Việt Nam lên đường đi Toulon trở về nước. 

            Dù không tham dự trực tiếp Hội nghị Fontainebleau, nhưng để cứu vãn tình thế, Bác Hồ đã quyết định nán ở lại.

            Ngày 15-8-1946, với tờ báo Franc-Tireur (Người du kích) của Pháp, Bác tuyên bố : « Tôi đến đây để xây dựng hòa bình. Tôi không muốn về nước với hai bàn tay không. Tôi muốn đem về cho nhân dân Việt Nam những kết quả cụ thể, sự hợp tác mà chúng ta đều mong ước ».

            Ngày 14-9-1946, Bác Hồ chủ động gặp Thủ tướng Pháp Bidault và trực tiếp đàm phán với Bộ trưởng Bộ hải ngoại Pháp Marius Moutet, để rồi hai bên ký « Bản tạm ước Việt – Pháp ngày 14-9 ».

            Bản Tạm ước 14-9 có hai điều khoản đáng chú ý : khoản 1 nêu Việt kiều ở Pháp được hưởng quyền tự do cư trú như người bản xứ và khoản 9 khẳng định chính phủ hai bên sẽ đình chỉ mọi hành động xung đột và vũ trang, giữ nguyên hiện trạng trên chiến trường, thực hiện các quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ. Phía Pháp được trao thêm những lợi ích về kinh tế. Sau đó, sẽ có một hiệp định đầy đủ và dứt khoát được thảo luận trong cuộc đàm phán tiếp theo, chậm nhất là vào tháng 1-1947. 

            Với bản Tạm ước này, phía VNDCCH đã có những cố gắng nhằm cứu vãn hòa bình đối với Pháp. Hai bên cùng có lợi từ Tạm ước này. Nếu Pháp thật sự tôn trọng Tạm ước và nghiêm túc tìm kiếm cùng với phía Việt Nam một giải pháp đầy đủ, nghiêm chỉnh thì tình hình hoàn toàn có thể phát triển theo hướng tích cực, tránh được chiến tranh, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử quan hệ hai quốc gia, và người Mỹ sau này sẽ ít điều kiện can thiệp vào Việt Nam. 

            Và như vậy, dân tộc Việt Nam đã không phải chịu sau đó suốt 30 năm chia cắt và chết chóc một cách vô lý.

(còn tiếp)

Tâm An

Đọc Phần 2

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :