Bài viết từ cộng đồng: Thế mà đã 100 năm rồi…     

     Trong khuôn khổ đợt kỷ niệm 100 năm phong trào Việt kiều tại Pháp và Hội người Việt Nam tại Pháp, ngày thứ bảy 15/06/2019 vừa qua, một buổi lễ long trọng đã diễn ra tại hội trường lớn Nhà tương tế (Maison de la Mutualité) tại quận 5 Paris.

     Lựa chọn hội trường Maison de la Mutualité không phải là một sự tình cờ : đối với rất nhiều bà con Việt kiều gồm đủ mọi thành phần, đủ mọi thế hệ đã từng tham gia vào phong trào yêu nước chống chiến tranh, giành độc lập và thống nhất nước nhà, đây là một địa điểm mang tính biểu tượng cao nhất của tình đoàn kết và tinh thần xả thân, đóng góp hết mình của bà con đối với vận mệnh của Tổ quốc. Có thể nói, từ buổi mít-tinh đầu tiên năm 1946 đón tiếp Bác Hồ, vị Chủ tịch đầu tiên của một Nhà nước Việt Nam độc lập sau gần 100 năm bị lệ thuộc, không hề có tên trên bản đồ thế giới, cho đến những năm của thập niên 90 thế kỷ trước, đã có biết bao buổi lễ lớn của Việt kiều được diễn ra tại nơi đây, quy tụ nhiều ngàn người, đặc biệt là Buổi lễ Tết Quý Sửu mừng Hòa bình năm 1973 đã có gần 5000 người đến chung vui sau thắng lợi của Hiệp định Paris.

     Đây không chỉ là sự kiện nhằm kết thúc một đợt sinh hoạt đa dạng được tổ chức tròn một năm qua trên tinh thần đền ơn đáp nghĩa và hồi tưởng lại chặng đường dài xuyên suốt cả thế kỷ của phong trào người Việt Nam tại Pháp, mà còn là cơ hội để có thể gặp gỡ đông đảo giữa những thế hệ đã cùng đi chung chặng đường đó, gồm những người thuộc thế hệ chống chiến tranh, giành độc lập của thời kỳ trước đến những người thuộc thế hệ xây dựng trong hòa bình của ngày hôm nay.

Đúng như anh Ngô Kim Hùng, Chủ tịch HNVNTP đã nêu trong diễn văn khai mạc :

« Chúng ta xin cảm ơn các bác, các anh chị thế hệ trước, và những người có mặt hôm nay đã bỏ nhiều công sức, sẵn sàng hy sinh để giữ gìn, củng cố và phát huy những giá trị trên. Có những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho đất nước, cho phong trào, cho Hội. Và hôm nay,  mặc dù tuổi đã cao, sức khoẻ kém, các bác, các anh chị vẫn có mặt ở đây để cùng các thế hệ trẻ kỷ niệm sự kiện trọng đại này, thể hiện sự gắn bó bền bỉ với đất nước, với phong trào, với Hội ».

 

     Buổi lễ bắt đầu từ 15h30 và kết thúc lúc 21h30, quy tụ hơn 1200 bà con từ khắp nơi trên đất Pháp và Âu châu cùng với bè bạn Pháp. Rất đông các bác lớn tuổi và nhiều anh chị nay tóc đã điểm muối tiêu đã đến chung vui. Sau một thoáng ngỡ ngàng vì nhiều năm đã không có dịp gặp lại nhau, ngay sau đó là tay bắt mặt mừng, ôm hôn nhau thắm thiết như cái thuở năm nào, khi tất cả còn trẻ, trong giây phút : « Khao khát trăm năm mãi đợi chờ / Hôm nay vui đến ngỡ trong mơ » của cái ngày không thể nào quên 44 năm về trước. Hôm nay,  không biết bao nhiều lần những câu này đã được thốt lên : « Trời ơi ! Dạo này ra sao rồi ? » ; «  Sức khỏe có tốt không ? » ;  « Đã có cháu nội (hoặc cháu ngoại) chưa ? ». Và cùng nhau chụp chung những bức hình kỷ niệm, có lẽ để sau này, lâu lâu sẽ lấy ra nhìn lại và cũng có lẽ, đến một lúc nào đó, sẽ trao lại cho con em mình để chúng cảm nhận được phần nào tình gắn bó anh em, tình đồng chí của thế hệ cha mẹ mình

Thật ra, những con em đó, nay đã trưởng thành, họ có phải ở đâu xa ? Cũng đang lăng xăng quanh ta đấy thôi, đó chính là những người đang đóng góp lớn nhất trong mọi khâu tổ chức của buổi lễ hôm nay. Có thể nhận thấy thật rõ những chàng trai áo sơ mi ngắn tay, mặc quần jean hay quần ống hẹp, phần lớn đều trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp, và những em gái tha thướt trong tà áo dài Việt Nam, tất cả đều quàng dây ở cổ có ghi Ban tổ chức hoặc đeo băng UGVF ở cánh tay.

Bên cạnh đó, cũng nhận thấy sự có mặt của một số các gia đình đến cùng các cháu bé còn tung tăng liếng thoắng. Họ đặc biệt chú ý đến quầy giới thiệu sách « Một trăm năm – Một con đường (1919-2019) » do Hội NVNTP xuất bản. Họ đã đặt rất nhiều câu hỏi, thể hiện sự quan tâm trong việc tìm hiểu lịch sử của cộng đồng và phong trào tại Pháp. Được biết, các anh chị này hàng tuần vẫn đưa con em của mình tham gia vào Lớp sinh hoạt thiếu nhi do Hội NVNTP tổ chức. Một anh chị có tâm sự là sang đây được hơn chục năm, có thể nói việc lập nghiệp gần như bắt đầu trong điều kiện mới, mong muốn được gần gũi với người Việt Nam để cuộc sống đỡ cảm thấy lẻ loi, thậm chí có hơi tẻ nhạt về mặt văn hóa trong một xã hội chưa quen.

« Từ mấy năm nay, hoạt đông của Hội chuyển hướng mạnh mẽ về phía đoàn kết cộng đồng… Với sự chuyển hướng trên , hôm nay chúng ta vui mừng vì đã có được một lực lượng anh chị em trẻ xuất thân từ thế hệ sinh trưởng tại Pháp, từ thành phần du học sinh, cùng với nhiều anh chị em phụ huynh sang Pháp sinh sống nhưng chưa có dịp liên hệ với Hội. Với tinh thần xông xáo, những anh chị em ấy đã mạnh dạn gánh vác trách nhiệm và trọng trách trong Hội, đã có những sáng kiến làm cho sinh hoạt của Hội thêm khởi sắc, ngày càng thu hút đông đảo người hưởng ứng và tham dự. Có thể nói Hội chúng ta đã có lực lượng kế thừa ».

Nhìn biết bao người đang vui vẻ ở quanh mình, tự dưng hoài niệm lại những thời đã qua, bỗng cảm thấy một nỗi buồn chóng vụt qua nhưng cố nén lại, nhớ đến hình ảnh những người bạn đã cùng đồng hành với mình, nay đã vĩnh viễn ra đi.

           

     Khoảng 16h thì buổi lễ tại khán phòng lớn bắt đầu. Sau phần lễ nghi bắt buộc, đọc diễn văn (bây giờ cũng ngắn gọn, không lê thê như xưa) thì đến phần văn nghệ mà có lẽ đó là « cái đinh » của chương trình được chia làm 2 phần : phần đầu do đoàn văn nghệ TP HCM biểu diễn, phần hai do Việt kiều đảm nhận.

Vì thời gian không nhiều cho mỗi phần nên đoàn TP tập trung vào những « Giai điệu Tổ quốc » có nội dung kháng chiến như Đất nước tình yêu, Tổ quốc gọi tên mình, Lên ngàn, Cô gái vót chông… nhưng trình diễn vừa có hát solo, song ca, đơn tấu đàn T’rưng, vọng cổ. Đặc biệt xúc động là khi cùng với dàn hợp xướng Việt kiều gồm hơn 50 anh chị em trình diễn bản hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc. Bài hát này có thể nói đã ghi khắc trong tâm khảm của biết bao anh chị em Việt kiều thuộc mọi thế hệ, qua rất nhiều thời điểm lịch sử của phong trào.

Phần Việt kiều, nổi bật có lẽ tinh thần sáng tạo của thế hệ sinh trưởng tại Pháp. Đầu tiên là tiết mục múa sạp  được chia ra làm 2 cách biểu diễn khác nhau, cách truyền thống (như đã từng nghe và thấy ở trong nước) và cách thứ hai, sáng tạo kiểu Hip Hop, vô cùng độc đáo, lạ mắt, lạ tai, nhưng lại rất dân tộc trong thời kỳ đổi mới ngày nay của nền nghệ thuật tại Việt Nam. Ghi nhớ thứ nhì là bài Em dạo này, một bài hát trữ tình Pháp được các em dịch ra tiếng Việt và trình diễn. Cuối cùng, cũng không thể không bồi hồi phấn khích bởi bài Việt Nam ơi do các em trình diễn :

« Một vòng tay nối tròn Việt Nam 
Bao la đất trời 
Quê hương xanh ngời 
Xòe tay đón nắng mai cười trong mắt 
Bao nhiêu con người 
Chung tay xây đời 
Niềm tin nơi một Việt Nam sáng tươi 

Việt Nam hỡi… Việt Nam ơi… 
Tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi! 
Việt Nam hỡi… Việt Nam ơi… 
Tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi! »

     Đến 20h thì phần văn nghệ kết thúc. Mọi người được mời ra sảnh bên ngoài để cùng nhau chung vui bữa tiệc cocktail chiêu đãi. Bây giờ, có thể nói là niềm vui, niềm hân hoan đã vỡ òa. Có nhiều nhóm tụ tập nhau lại, nâng ly sâm banh và chúc nhau « trăm tuổi bạc đầu râu », một số nhóm lại trao đổi, giúp nhau ý kiến về cuộc sống, công ăn việc làm. Nhóm của người viết bài này là thông tin, chia sẻ địa chỉ để một ngày không xa, hẹn họp mặt nhau tại tư gia người này người nọ, tại một quán ăn hay tại một sinh hoạt nào đó của Hội, và biết đâu đấy, chỉ vài gia dình thôi, cùng nhau đi du lịch  một chuyến kiểu ngẫu hứng. Và cũng chứng kiến, có những nhóm, nhất là trẻ tuổi, đang hào hứng bàn về kết quả của ngày lễ hôm nay và những chuyện phải làm gì tới đây cho Tết Trung thu.

Thế mới biết, cái đẹp, cái đi lên luôn luôn là vĩnh cửu.

Phạm Nguyên Thy  

About admin17 (441 Articles)
https://tieudaoquanblog.wordpress.com/

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :