Từ ngày 01/01/2020, người dân Việt Nam buộc phải chọn 1 trong 2 : hoặc uống bia rượu, hoặc lái xe

Luật mới về phòng chống tác hại của rượu bia với Nghị định 100 khi lái xe thật ngặt nghèo : cấm tiệt, không còn quy định nồng độ cồn trong máu trên một mức nào đó mới là vi phạm như trước và mở rộng các đối tượng khi tham gia giao thông.

Khoản 6 Điều 5 chỉ rõ :Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn .

Ngoài ra, số tiền người vi phạm phải chịu rất cao so với trước. Rõ ràng Luật này « đánh vào túi tiền » của dân nhậu nên hy vọng có tính răn đe lớn :

Để làm rõ hơn quy định nêu trên, khoản 1 và khoản 3 Điều 21 của Luật cũng xác định : Bất kể người điều khiển giao thông đường bộ (ô tô, máy kéo, xe máy điện, xe mô tô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xe xích lô, xe do súc vật kéo như trâu, bò, ngựa…) đã uống rượu bia đều không được phép lưu thông trên đường.

Đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22-24 tháng.

Đối với người điều khiển xe máy, xe mô tô vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX từ 22-24 tháng.

Đối với người đi xe đạp, xe đạp điện mà sử dụng rượu, bia cũng sẽ bị phạt ở mức cao nhất từ 400.000 đồng – 600.000 đồng.

Một vài ví dụ :

Ngày 6/01/2020, một tài xế ôtô bị phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng do có nồng độ cồn trong hơi thở là 0,719 mg/l khí thở.

Ngày 09/01/2020, một người khác lái xe máy, có nồng độ cồn 0,627 mg/l bị phạt 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 năm và tịch thu phương tiện 7 ngày.

Ngày 04/01/2020, một người đi xe đạp (quốc tịch Trung Quốc) có nồng độ cồn 0,667 mg/l khí thở bị xử phạt 500.000 đồng, tạm giữ xe.

Trong 2 tuần đầu năm thực hiện Luật, cơ quan chức năng đã xử phạt hơn 5400 trường hợp.

Nhưng không dễ để thay đổi thói quen uống rượu bia của người dân. Khi về Việt Nam, chúng ta không khỏi thấy hiện tượng cứ chiều đến là quán nhậu, quán ăn chật người, các nhà hàng, tiệc cưới… đông đúc không kém. Không khí luôn rôm rả, nài ép nhau uống từ khi khai tiệc đến mãn tiệc và rồi phần đông tự lái xe về nhà. « Về được mà, yên tâm đi, không xỉn đâu » – dân nhậu thường nói như vậy. Khi vài ba người gọi bia chẳng hạn, nhà hàng dọn ra cả thùng (24 lon) với 1 xô đá đặt dưới bàn, uống đến đâu sẽ tính đến đó.

« Chắc chắn tai nạn giao thông dịp Tết Nguyên đán Canh Tý này sẽ giảm vì Luật phòng chống tác hại của rượu bia rất được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Chỉ có các quán nhậu là buồn, nhưng từ đó cũng thay đổi văn hóa ăn nhậu, tạo nếp sống văn minh », Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ.

Nhưng luật đã ban hành, phải tuân thủ. Bằng cách nào ? Phải thay đổi thói quen. Thay đổi được không, khi nào mới thay đổi một cách rõ nét ? Chưa ai trả lời được vì còn tùy thuộc vào việc thực thi pháp luật (kể cả của cảnh sát giao thông) và sự tự giác chấp hành của người dân.

Thật khó. nhưng bắt đầu từ bậy giờ, mọi thứ phải thay đổi. Sau cuộc nhậu, phải nhờ xe ôm, taxi đưa về nhà, trước mắt chưa quen nhưng phải tính đến. Nhưng nếu làm được sẽ rất có ích không chỉ cho mỗi người, mỗi gia đình mà cho cả xã hội. Làm sao xóa « kỷ lục » 60-70% vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Việt Nam có liên quan đến rượu bia.

Theo thông tin từ Bộ Công an, từ năm 2009 đến tháng 5-2019, toàn quốc xảy ra 326.299 vụ  tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 97.721 người, bị thương 329.756 người.

Riêng năm 2018 xảy ra 18.499 vụ, làm chết 8.079 người, bị thương 14.732 người.

Phạm Nguyên Thy

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :