SUY TƯ CUỐI NĂM HỢI 2019 -2020

Tôi sinh tuổi Hợi, và tôi còn nhớ lúc bé, gia đình có nói năm tuổi là năm xấu, phải thận trọng ! Chẳng hiểu những tin đồn này dựa vào những chứng khoa học nào, nhưng chắc chắn năm Hợi kỳ tới (vào năm 2032), sức khỏe của tôi sẽ xuống cấp (có thể không còn ‘suy tư’ nữa !). Đối với tôi năm nay, ngồi suy nghĩ, năm Hợi ‘tốt’ vì không bị ốm đau, không bị bệnh mới, các anh chị em và bà vợ còn ở quanh mình, mình không bị cướp bóc nặng nề (tuy bị phạt một lần vì đậu xe ẩu, nhưng không bị ‘rút nút’ bằng lái xe ! ). Năm Hợi vừa qua lại được đi du lịch nhiều lần. Tôi cười nghĩ đến kỳ nói với các bạn đồng nghiệp Pháp ‘Tôi là con heo , và hãnh diện là con heo’. Các bà y tá phá cười, lúc ấy báo chí nước Pháp nói nhiều đến đạo Hồi Giáo cấm đoán ăn thịt heo, và trên internet nhóm ‘Balancetonporc’ phát triển rất mạnh để tố cáo những ‘con heo nam’ hãm hiếp phụ nữ ở nhà, ngoài đường hay ở nơi làm việc.

Tuy tôi được may mắn, nhưng ở Pháp năm Hợi quá xấu : Dân chúng không ngừng biểu tình chống chính phủ và tổng thống Macron, phong trào ‘áo vàng’, biểu tình công đoàn ‘mũ đỏ’, biểu tình ‘bảng xanh’ để bảo vệ môi trường … biểu tình đình công khắp nơi trên nước Pháp (may mắn thành phố Lyon tương đối ổn), di chuyển thật khó khăn (đặc biệt cho các người nghèo khổ sống xa nơi làm việc !), đình công xe điện, nhà thương (ở nhà thương công, chứ nhà thương tư vẫn phát triển như Clinique Protestante de Lyon nơi tôi đã hành nghề !), trường học (thầy giáo đình công chấm thi cho học sinh !), hải cảng, tòa án … Được quyền đình công biểu tình là những hình ảnh đáng phục của nền Dân Chủ ở Pháp , nhưng có những lúc chúng ta không thể chấp nhận những cảnh đốt phá, bắn thương vong, hay ‘cúp điện’ có thể dẫn đến tử vong (may là hiện nay chỉ có …9-10 người thiệt mạng, nhưng có nhiều người bị mất mắt, mất ngón tay…). Tình trạng bất an này còn tiếp diễn lâu dài vì tổng thống Macron muốn thi hành nhiều luật mới để cải tạo nước Pháp (và Âu Châu), đặc biệt giải quyết những khó khăn về hệ thống hưu trí, người già, người tàn tật …và làm giảm ô nhiễm trên trời dưới đất. Nhưng mặt khác cố gắng tìm giải pháp để giảm số người thất nghiệp ở Pháp (tỷ số khoảng 9- 8 % , trong khi khoảng 500 000 việc làm không tìm được nhân công !)

Được quyền biểu tình, được quyền phát biểu trên internet…, chúng ta đừng quên những quốc gia trên thế giới còn trăm nghìn lần khổ đau hơn xã hội Pháp. Chiến tranh tàn khốc ở Trung Đông (những hình ảnh làm tôi nhớ đến Việt Nam mình trước 1975, và tôi nhớ ơn ông Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đã lấy quyết định lịch sử ‘ngưng chiến’ để tránh đánh phá ‘đến cùng’). Nhiều quốc gia ở Bắc Nam Phi Châu, Nam Mỹ Châu… loạn ly vì nội chiến (toàn thế giới chịu ảnh hưởng của hai khuynh hướng của Đạo Hồi, của Iran và Arabie saoudite) hay vì thay đổi khí hậu toàn cầu. Tôi đau lòng khi nhìn thấy những ‘thuyền nhân’ ở Địa Trung Hải, làm tôi nhớ đến thời ‘ thuyền nhân ‘ Việt Nam mình sau 1975. Tôi nghĩ đến gia đình hai người chị năm ấy, thoát ra đến đảo Guam, rồi sang Mỹ lập nghiệp. Với hai bàn tay trắng, may mắn họ thành công ở ‘đất thánh Mỹ’, hôm nay hưởng hưu trí phong lưu, bên cạnh các con cháu hạnh phúc thành công trong xã hội Mỹ. Thật là đáng mến phục. Ngày hôm nay, với hệ thống kinh tế ‘toàn cầu’ và ‘tư bản duy nhất ‘, đời sống ở Bắc Mỹ hay Âu Châu không dễ dàng như thời 1975-1980. Ngay ở đây, số người thổ dân nghèo đói càng ngày càng khó khăn, đặc biệt những người già hưu trí, nói chi đến những người tỵ nạn từ Trung Đông hay Phi Châu dồn dập tới. Tôi thật đau lòng năm Hợi đọc tin 39 người Việt bị chết trong xe tủ lạnh ở Anh, đi theo một đường dây ‘buôn người’ lậu (với giấy thông hành Trung quốc !), với ảo tưởng một cuộc sống an lành phong phú ở Anh Quốc. Trong bầu không khí bạo lực ở Pháp, qua internet, vài ngày trước Tết, tôi được biết thảm kịch ở làng Đông Tâm : Vì vấn đề dất đai mở rộng phi trường, bạo lực đã đưa đến 4 người chết (một cụ già, ba người công an) và mấy chục người dân bị giam. Thật đau buồn trước sự thắng thế của bạo lực trên khắp thế giới, có lẽ thông tin nhanh chóng bằng tin học có ảnh hưởng đến suy tư và hành động con người.

Rồi chấn động dịch corona-virus 2020 ỏ Trung Quốc đang tiếp tục lan tràn trong nước và ra thế giới. Cho đến ngày hôm nay, có một người du khách Trung Hoa chết ở Pháp, mười chín ca ở Việt Nam, nhưng chưa có tử vong. Còn may là vi trùng kỳ này được biết ngay, có cách chuẩn đoán bệnh nhanh chóng. Chính phủ Trung Quốc, và nhiều quốc gia đã có phản ứng ‘cứng rắn’ để làm giảm vi trùng mới này lan rộng. Tôi mong rằng dịch mới này (có lẽ xuất phát từ đặc sản ăn thịt con rơi ở vùng Wu Han ) sẽ sớm chấm dứt, như dịch SRAS năm 2002. Như các dịch cúm hàng năm, với cả nghìn người tử vong ở Pháp, đặc biệt người già hay có bệnh tật. Tôi có ‘chia buồn’ với bà bạn người Trung Quốc (chồng con ở Pháp, bố mẹ gia đình ở Shanghai), và ‘khuyên’ bà đi nhà thờ khấn, vì trước đó vài tuần tôi khuyên bà em họ ở Hà Nội có gia đình sống ở Úc (bị nạn cháy rừng khủng khiếp vì thay đổi khí hậu toàn cầu) đi cầu xin Phật Bà ở Hà Nội để có mưa, ngay hôm sau mưa đổ xuống xứ Úc !

Dịch corona-virus đang còn lan tràn khắp Trung quốc, Việt Nam, Âu Châu, Mỹ… và đã bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Nói lên vai trò to lớn của Trung Quốc trên thị trường tư bản ‘toàn cầu’. Có nhiều khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế Pháp, Việt… và gây khó khăn cho nhân công mọi ngành, không riêng trong ngành du lịch. Nhưng chúng ta hãy tin tưởng ở khoa học ngành y, thế giới đã ‘thắng’ chống dịch SRAS, Ebola, SIDA… Về dịch SIDA tôi hãnh diện là người bác sĩ chuẩn đoán người bệnh đầu tiên ở Lyon ! Năm 1982 tôi còn làm việc ở nhà thương công Edouard Herriot, phụ trách trị bệnh ung thư máu và ghép tủy máu (leucémies-greffes médullaires). Mấy tháng trước đó, tôi được đọc trên báo y khoa Mỹ New England Journal of Medecine, hàng tuần những ca đầu tiên của bệnh dịch mới này. Rồi một hôm tôi khám bệnh một người đàn ông trẻ, đi cùng vợ và đứa con, vì ông ta bị nổi nhiều hạch đặc biệt ở cổ. Tôi nói phải mổ lấy một hạch để xem có phải ung thư không. Vợ chồng ông ta mới nói là họ sống và hành nghề buôn ở xứ Nepal từ nhiều năm và thường xuyên uống và tiêm thuốc phiện ! Tôi đề nghị với anh bạn giáo sư phẫu thuật là có khả năng là bệnh SIDA, cho nên không thể mổ lấy hạch như thường lệ giữa hai ca mổ khoa ruột, và anh bạn đồng ý cho hẹn mổ lấy hạch vào buổi chiều, ca mổ sau cùng trước khi làm vệ sinh phòng mổ ! Và lúc 18 giờ chiều một anh bạn khác lấy tàu điện TGV mang cái hạch lên cho giáo sư Montagnier ở Institut Pasteur Paris (anh bạn này về sau nghiên cứu về thứ máu tìm virus SIDA-HIV, và được lên hàng giáo sư, ê kíp ông Montagnier về sau lãnh giải Nobel sau khi tìm ra virus HIV năm 1983 ! ) . Lúc ấy tôi cúng phải lên gặp ông giám đốc bệnh viện Edouard Herriot nói là anh bệnh nhân này ‘đặc biệt’ , các người chăm sóc phải tôn trọng những khâu ‘đặc biệt’, cũng như đường dây y tế ‘đặc biệt’ ( quần áo , phòng, giường ..) cho bệnh nhân này trong hai ngày nằm nghỉ tại bệnh viện ! Vài tháng sau vụ này tôi từ chức ra làm việc ở nhà thương tư ở Lyon, và ông ta được theo dõi ở hai trung tâm SIDA được khánh thành sau này ở Lyon, hai giáo sư phụ trách làm việc ở nhà thương Hôtel Dieu (anh bạn chuyên trị bệnh virus hépatite gan) và Edouard Herriot (anh bạn chuyên về miễn dịch). Trong nhiều năm bệnh SIDA không có cách chữa, cả triệu người tử vong khắp thế giới, ngày hôm nay các bệnh nhân có thuốc trị.

Vâng, vào năm mới Canh Tý, chúng ta hãy cùng nhau giữ vững niềm tin vào trí tuệ của con người !

Vũ Hồng Nam (Lyon, 19-02-2020)

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :