Việt Nam và dịch Covid-19

Tại cuộc họp thường kỳ ngày 3/3/2020, Chính phủ thống nhất kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam.

Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, số người mắc tăng nhanh, lan rộng sang nhiều nước, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương « tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch đã đề ra ».

« Kinh tế khó khăn, có thể tìm giải pháp hỗ trợ, nhưng tính mạng của người dân thì không thể thay thế. Chúng ta chấp nhận tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm an toàn cho người dân », Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu ngành y tế hướng dẫn cụ thể để người dân chủ động phòng dịch ; mong từng người dân, tổ chức thực hiện tốt những biện pháp thông thường hàng ngày như rửa tay, không tụ tập đông người. 

Sáng cùng ngày, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia chống Covid-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Việt Nam phải lường trước và sẵn sàng cho tình huống có thêm người nhiễm mớiNếu có thêm ca nhiễm mới thì « dù xác định hay không xác định được nguồn lây nhiễm, đều phải nhanh chóng cách ly, điều trị kịp thời, khoanh vùng triệt để, tránh lây lan rộng ra cộng đồng ».

Theo ông Đam, trong cuộc chiến chống Covid-19, « chúng ta mới thắng trận mở màn chứ chưa thắng cả cuộc chiến nên không được nới lỏng phút nào ».

Trước đây Việt Nam chỉ ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ Trung Quốc, nhưng đến bây giờ, dịch bệnh đã lây lan mạnh không chỉ ở Hàn Quốc, Italie, Iran… mà đã lây ra hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhiều nước có dịch vốn có quan hệ kinh tế, xã hội sâu rộng với Việt Nam, nên không thể « bế quan tỏa cảng ». Vì vậy, việc phát hiện nguồn lây nhiễm ngày càng khó hơn. 

Lãnh đạo Chính phủ kêu gọi người dân kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm để thông báo kịp thời cho nhà chức trách để cách ly, điều trị. 

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia cho rằng đây là « thời điểm căng thẳng » trong chống dịch. Việt Nam vừa phải ngăn chặn dịch lây lan, vừa phải điều tiết hợp lý số lượng người nhập cảnh để làm tốt việc rà soát, cách ly, dập dịch tại chỗ. 

Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo thống nhất coi Hàn Quốc, Iran, Italie là quốc gia nằm trong vùng dịch. Người nhập cảnh từ các nước này phải cách ly 14 ngày. Công dân Việt Nam được khuyến cáo hạn chế đi đến các quốc gia trên.

Đến ngày 2/3, Covid-19 đã lây lan ở 67 quốc gia, vùng lãnh thổ ; hơn 88.000 người nhiễm bệnh ; ít nhất 3.051 người chết. Trung Quốc, Hàn Quốc, Italie, Iran ghi nhận nhiều ca nhiễm.

Tại Việt Nam, 16 ca nhiễm nCoV đã xuất viện ; 18 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm mới. Tuy nhiên, cả nước hiện có 75 người nghi nhiễm đang phải cách ly ; hơn 10.000 người khác có tiếp xúc với người nghi nhiễm và từ vùng dịch trở về đang được theo dõi sắt sao.

Vừa qua, Việt Nam đã đạt được kết quả khả quan trong chống dịch nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được thỏa mãn mà cần tiếp tục hành động với tinh thần khẩn cấp. Chính phủ chủ trương chống dịch khẩn trương, kiên quyết, nhưng đúng mức. 

Trong tháng 2, tuy bị ảnh hưởng nhiều mặt, nhưng xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ ; nhập siêu khoảng 176 triệu USD. 

Tuy nhiên, nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là các ngành hàng không, du lịch, vận tải. « Chúng ta thấy có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người », Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.

Ông Mai Tiến Dũng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đưa tin thêm, ước tính ban đầu đến nay lượng khách lưu trú tại các khách sạn giảm 60% ; du lịch thiệt hại 7 tỷ USD vì ảnh hưởng của Covid-19.

Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất, tạm dừng hoạt động. Gần 16,2 nghìn doanh nghiệp tạm dừng việc kinh doanh có thời hạn – tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá nhiều khả năng trong thời gian tới, tình hình có thể sẽ trở nên khó khăn hơn, khi nguồn hàng tồn kho và dự trữ nguyên vật liệu của doanh nghiệp sản xuất không còn nhiều.

Kinh tế Việt Nam sẽ chịu cú sốc từ phía cầu – nhu cầu trên toàn cầu sụt giảm, và từ phía cung – gián đoạn sản xuất do thiếu nguyên vật liệu nhập từ một số nước.

Tổng hợp của toasang

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :