Phạt bán hàng xách tay

Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 15-10 tới.

Trong đó, có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi mua bán hàng nhập khẩu dưới dạng hành lý của người nhập cảnh, được gọi nôm na là « hàng xách tay » hay là « hàng quà biếu ».

Chúng ta đã quen thấy cảnh đứng chờ để lấy hành lý ký gửi theo các chuyến bay từ châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật… về Việt Nam rất đặc trưng ở các sân bay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất : trên băng chuyền, số lượng các thùng cactông dán băng keo kín mít hoàn toàn áp đảo so với số vali đựng quần áo, vật dụng cá nhân. Hàng hóa trong các thùng được giải thích là để dùng cho sinh hoạt cá nhân, gia đình ; để biếu cho bạn bè, người thân. Nhưng trên thực tế gần như toàn bộ số hàng này được đem bán cho các sạp, cửa hàng ngoài thị trường. Theo sự gia tăng về số lượng chuyến bay giữa Việt Nam và các nước, hàng xách tay chiếm một khối lượng đáng kể trên thị trường hàng hóa. Điều đó cũng có nghĩa là Nhà nước mất một số tiền thuế không nhỏ ; còn nhà sản xuất nội địa phải chịu sự cạnh tranh của đội quân xách tay hùng hậu trong một cuộc chiến không cân sức này.

Một tiệm bán hàng xách tay tại TPHCM

Kể từ nay, hàng xách tay có nghi vấn là để bán buôn mà không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan… sẽ bị xác định là hàng hóa nhập lậu.

Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1 triệu đến 100 triệu đồng.

Mức xử phạt sẽ tăng gấp đôi, tối đa 100 triệu đồng với cá nhân và 200 triệu đồng với tổ chức nếu trực tiếp nhập lậu hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh và thuốc…

Ông Kiều Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách pháp chế – Tổng cục quản lý thị trường, khẳng định về bản chất, hàng xách tay chính là hàng lậu. Cách gọi « hàng xách tay » xuất phát từ giới kinh doanh và đây là cách gọi thông dụng ngoài thị trường. Hàng hóa xách tay xuất hiện tràn lan ở thị trường Việt Nam thực chất là hệ quả của hoạt động buôn lậu qua biên giới. Cũng bởi tính chất phức tạp nên để ngăn chặn tình trạng này, việc áp dụng một vài biện pháp xử phạt hành chính là chưa đủ. « Xử phạt hành chính chỉ là một kênh để hạn chế buôn lậu, buôn bán hàng hóa trái pháp luật nhằm ngăn chặn vi phạm về thuế, từ đó ngăn thất thoát nguồn thu thuế từ hoạt động thương mại. Để xử lý được tận gốc tình trạng này, cần đồng bộ chính sách từ thương mại, thị trường đến thuế, hải quan… ».

Cũng theo ông Dương, tâm lý người Việt thích hàng xách tay bởi quan niệm đây là sản phẩm chất lượng cao, chính hãng, giá « mềm » do không phải chịu thuế. Tuy nhiên, với hàng loạt hiệp định thương mại mới được ký kết, hàng hóa chất lượng cao từ nhiều quốc gia theo đường chính ngạch vào Việt Nam sẽ được miễn, giảm thuế. Điều này có thể khiến hàng xách tay dần mất sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng.

Đáng nói là bên cạnh những quy tắc có thể được tìm thấy trong luật của các nước tiên tiến, cũng có những quy tắc xử lý những vấn đề rất đặc thù của Việt Nam.

Chẳng hạn, về việc hàng xách tay, tiếp cận quy tắc này từ góc độ người am hiểu luật của một số nước tiên tiến, người ta sẽ rất ngạc nhiên và tự hỏi tại sao lại cần có một quy tắc như thế. Lý do là kiểu buôn lậu « vặt » này không tồn tại như một hiện tượng tràn lan ở các xứ sở đó. Và như thế, có thể trong các nỗ lực thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, có những quy định được đề ra trong luật Việt Nam mà không tìm thấy trong luật của các nước tiên tiến. Nhưng đó là quy định cần thiết nhằm điều chỉnh, uốn nắn kiểu ứng xử đặc thù, « không giống ai ».

Đây được cho là các nỗ lực của nhà chức trách nhằm xây dựng từng bước một xã hội lành mạnh, văn minh.

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :