Ra mắt sách ‘Trăm năm phở Việt’

« Choáng ngợp trong kho báu tinh hoa ẩm thực mênh mang của tiền nhân truyền lại… Thực sự vô cùng khó khăn để có thể chọn ra một món ăn đại diện. Cuối cùng, tôi quyết định chọn món phở để chấp bút! Đơn giản vì không món ăn Việt Nam nào có một hình hài văn hóa phong phú và hương vị thân thuộc dễ chạm đến trái tim của mọi thế hệ Việt như phở ». 

Đó là tâm tình của tác giả Trịnh Quang Dũng – tác giả cuốn sách Trăm năm phở Việt (Phở Việt du hành xuyên thế kỷ), mà ông quyết định sẽ ra mắt độc giả tại sự kiện Ngày của phở 2020 (12-12).

Nhưng tại sao một người làm khoa học (ông là chuyên gia lĩnh vực điện mặt trời) lại nhảy sang nghiên cứu ẩm thực? Ông cho biết: « Việt Nam đã lừng danh thế giới bởi những chiến công hiển hách trong những cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhưng giờ đây chúng ta phải chinh phục thế giới bằng một cách khác, đó là giới thiệu cho mọi người biết về văn hóa của một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến. Tôi nhận thấy đó là món nợ cuộc đời của mình ». 

Thế có gì lạ trong Trăm năm phở Việt  ?

Xưa nay, người ta thường nghe những cuộc tranh luận không dứt về nguồn gốc phở Việt, đó là hậu thân của món ngưu nhục phấn bên Tàu, hay pot-au-feu của Pháp. Ông Dũng cố gắng bác bỏ cả hai, để chứng minh « cha của phở » cũng là một món ăn thuần túy của Việt Nam : xáo trâu.

Tuy nhiên, ông đồng tình với quan điểm là không nên quá bận tâm về nguồn gốc của phở. Bởi cho dù nó là « hậu sinh » của ngưu nhục phấn hay pot-au-feu, thì cuối cùng cũng đã được Việt hóa, để phở của ngày nay chả hề giống tí nào với hai món ăn của Tàu và Tây kia. 

Cũng chính vì vậy, món ăn này đi vào trong từ điển Larousse của Pháp, Oxford của Anh bằng chính tên gọi là « phở » chứ không gắn với « nouille » hay « noodle ».

Ngoài quan điểm và những cứ liệu mới về lịch sử của phở, tác giả còn kỳ công đi gặp gỡ, trò chuyện với những con người, những gia tộc lừng danh trong làng phở để mang đến cho chúng ta những thông tin rất thú vị. 

Ví dụ, năm 1925, chàng trai Cồ Hữu Vằng từ Vân Cù, Nam Định lên Hà Nội khởi nghiệp bằng việc mở một lò bánh phở ở 37 phố Hàng Hành. Sau đó, ông xây dựng một đội ngũ phở gánh để những người cùng quê lên Hà Nội mưu sinh gánh đi bán khắp Hà thành . 

Tác giả đã gặp được bà Hành (năm nay 88 tuổi, được cụ Vằng đặt tên theo con phố mà ông lập nghiệp) và ghi lại câu chuyện ngày xưa ấy…

Còn nhiều nữa những câu chuyện kỳ thú về phở trong cuốn sách gần 400 trang này.

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :