‘Paris 55 ngày cấm túc’ – Nhật ký của một Việt kiều trong cơn đại dịch

“Paris 55 ngày cấm túc”, cuốn sách của tác giả Giáng Hương – Tiến sĩ văn chương, hiện đang sinh sống và làm việc tại Pháp – vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM giới thiệu đến độc giả là một cuốn nhật ký về những ngày tháng đặc biệt, không thể nào quên của chính tác giả khi bị cấm túc (giãn cách xã hội – confinement) tại Paris vì dịch Covid-19.

Những ngày này, không những Paris mà toàn bộ châu Âu đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của làn sóng dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 3 với số ca nhiễm và tử vong tăng một cách chóng mặt.

Cuộc sống, tâm lý, sự sợ hãi của những người dân ở đây ra sao ? Đâu là niềm tin, hy vọng của những người trực tiếp trong đại dịch ?

“Paris 55 ngày cấm túc” của tác giả Giáng Hương sẽ phần nào khắc họa một cách rõ nét cho chúng ta hình dung về những khía cạnh này.

“55 ngày. Cả Paris, cả nước Pháp, cả Việt Nam và cả thế giới run bần bật trong cơn sốt Covid-19. 55 ngày. Từng giây từng phút, truyền thông quốc tế kéo lại, nối lại, lan tỏa, toang ra những con số và sự kiện choáng váng. 55 ngày. Một người Việt ở Paris đối diện với thực tại, với chính mình và những giả định, suy tưởng chết chóc, hoang mang, chập chờn, bất định. 55 ngày. Đối diện với hôm qua, hôm nay và ngày mai”…

Cuộc sống của những ngày cấm túc tại Paris được Giáng Hương miêu tả: “Không ai được bước chân ra khỏi nhà, không được tiếp xúc xã hội, đến cả đi bộ một mình ngoài rừng, dạo chơi trên bãi biển cũng không được phép”…

Và cũng chính khi toàn xã hội cách ly mới thấy biết bao kẻ vô gia cư không có mái ấm, các doanh nghiệp lần lượt phá sản, những người làm công buổi sáng bước chân đi làm mới té ngửa hay tin mình đã thất nghiệp.

Trẻ con của kỷ nguyên này đang trở thành một thế hệ bịt khẩu trang và trang bị nước diệt khuẩn mọi lúc mọi nơi. Mùa khai giảng năm nay, những tiết học đầu tiên không dạy học sinh về học vấn mà về Covid. Chúng cũng không được thỏa thích nô đùa, chơi trò mèo đuổi chuột trong sân trường. Chúng phải học về giãn cách xã hội và giữ gìn vệ sinh phòng bệnh. Những buổi tan trường vì thế mà lặng lẽ.

Thế hệ học sinh hôm nay sẽ không còn biết tới hình ảnh túm năm tụm ba, tới cử chỉ quàng vai bá cổ nhau trong tình bè bạn. Những ý niệm thân tình sẽ chỉ còn biết trao nhau bằng mắt…

Quả thật, Covid-19 đang âm thầm len lỏi vào cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân, thường trực trong ý thức và nhen nhóm thành một nỗi sợ lấn át mọi cảm xúc. Giờ đây, chỉ cần hắt hơi sổ mũi người ta cũng chột dạ sợ phải nhập viện, sợ những cơn co thắt khiến người ta ngạt thở mà chết. Hơn cả căn bệnh thế kỷ, Covid-19 trở thành một nỗi ám ảnh.

Nhưng với Giáng Hương, những ngày cách ly đã qua cũng đem lại cho tác giả một khoảng lặng quý giá, để chiêm nghiệm, để học cách trân quý cuộc sống, cội nguồn và những hạt mầm hạnh phúc.

Bởi vì tác giả được sinh ra trong một đất nước hết lầm than trong chiến tranh lại triền miên trong thiên tai bão lũ. Và có lẽ chính vì lớn lên ở đất nước hình chữ S bé nhỏ ấy đã mài giũa ý chí để cô điềm nhiên bước qua cơn đại dịch này.

Và Giáng Hương có một niềm hy vọng mãnh liệt rằng, ngày mai khi đám mây mù tan đi, ánh hồng dương sẽ trở lại, cô sẽ lại được trở về thăm quê hương, được hội ngộ trong vòng tay gia đình, bè bạn, được trao gửi tình yêu thương bằng những cử chỉ vuốt ve trìu mến…

toasang : Tác giả hơi « bi quan » một chút về tình hình Covid tại Pháp nhưng những gì cô nêu lên có lẽ cũng phản ánh phần nào tâm tư của một bộ phận người dân Pháp.

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :