Thôn Đưng K’Si mùa hoa Mai Anh Đào

Hằng năm khi thời tiết ấm dần lên sau những ngày lạnh cuối tháng 12 dương lịch, hoa Mai anh đào lại bắt đầu nở ở Đà Lạt và các vùng phụ cận của thành phố xinh đẹp này. Loài hoa 5 cánh phơn phớt hồng, đôi khi màu hồng đậm hơn tuy đã được biết từ lâu nhưng với sự phát triển của du lịch, Mai anh đào những năm gần đây mới trở nên hiện tượng thu hút lượng fan không ít. Trên những trang của những ai yêu mến Đà Lạt, họ hỏi thăm chừng tình hình hoa nở đến đâu rồi, chỗ nào có nhiều cây đẹp. Họ san sẻ cho nhau trên mạng những bức hình do chính mình hay người khác chụp. Họ hăm hở chờ một ngày thích hợp để lên Đà Lạt chiêm ngưỡng hoặc được chụp dưới màu hồng lãng mạn của loài hoa mong manh chỉ nở rồi tàn trong 10 ngày ngắn ngủi.

Gia đình tôi vốn đến Đà Lạt từ khi tôi mới chập chững bước đi, tuổi thơ gắn bó với thành phố mát mẻ này cùng với hình ảnh hoa Mai anh đào mãi mãi không bao giờ quên. Vì vậy ,mỗi năm đến hẹn lại lên , dù có bận bịu cách mấy, tôi cũng cố gắng về với Đà Lạt .Tình yêu với hoa luôn mới mẻ như cái ngày đầu tiên nàng Kiều tương tư chàng Kim mà phải : « Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa« .

Nhưng chẳng cần tốn công khó nhọc đi tìm, vì hoa Mai anh đào có nguồn gốc ôn đới mọc dễ dàng ở cao độ trên 1000 m nơi có khí hậu mát mẻ. Du khách chẳng cần lên đến tận thành phố, hoa đã nhuộm màu hồng giữa rừng thông xanh hay đồi trà, cà phê từ Trạm Hành đỉnh đèo Dran hướng đông nam, cách Đà Lạt 30 km, qua Cầu Đất, Trại Mát đến đường Hùng Vương, đâu đâu cũng cũng màu hồng của hoa. Theo đường 27 C nối liền Nha Trang – Đà Lạt, hướng đông bắc, chỉ cần lên khỏi đèo Khánh Lê ở Đưng K’Si cách Đà Lạt 55km đã thấy hoa nở đầy đường trong thôn. Trên quãng đường 55 km này, ngoằn nghèo qua Đạ Chais, Đạ Nhim cho đến Đạ Sar, vùng dân tộc Kơ Ho, Chil, hoa nở trong thị trấn, bản làng, chen lẫn bên những hàng thông, đồi cà phê, kéo dài cho đến Thái Phiên, hồ Than Thở. Từ hướng nam, theo quốc lộ 20, đến lưng chừng đèo Prenn, đã thấy hoa dọc đường. Rẽ vào khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, hàng chục nghìn cây đã được trồng ven hồ, trong khuôn viên của các resort 5 sao đang chờ cây trưởng thành, hứa hẹn sẽ là địa điểm tổ chức festival hoa Mai anh đào như ở xứ sở Phù Tang. Nhưng tiếc thay tỷ lệ hoa nở chưa cao nên đã lỗi hẹn với ngày lễ hội. Hoa còn hiện diện dọc theo đường 722 Trường Sơn Đông ở thôn Đưng K ‘Nớ tiếp giáp với Vườn quốc gia Chư Yang Sin thuộc ranh giới Dalak – Lâm đồng cách Đà Lạt 44 km về phía Bắc. Mô tả chi tiết như thế để thấy địa bàn phân bố của hoa Mai anh đào trải dài trăm cây số trên cao nguyên Lâm đồng không riêng gì Đà Lạt mới sở hữu.

Nhớ đến tác giả bài « Ai lên xứ hoa đào »

Nói đến Mai anh đào mà không nhớ đến nhạc sĩ Hoàng Nguyên phải chăng là một thiếu sót. Tác giả bài hát nổi tiếng « Ai lên xứ hoa Đào » vốn tên là Cao Cự Phúc sinh năm 1930 tại Diễn Châu, Nghệ An chứ không phải ở Quảng Trị như một số tài liệu viết về ông. Năm 1946, ông sống và tham gia hoạt động yêu nước trong vùng kháng chiến khu bốn. Vốn say mê âm nhạc từ nhỏ, ông có dịp được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương hướng dẫn trên con đường nghệ thuật. Năm 1948, Hoàng Nguyên nhập ngũ và tham gia văn công quân đội ở khu bốn. Năm 1950, ông rời kháng chiến và được giao nhiệm vụ bí mật khi cùng cha vào Quảng Trị và đổi tên họ để đi học lại ở trường Quốc học Huế.

Sau Hiệp định Genève 1954, Hoàng Nguyên lên Đà Lạt dạy Việt văn tại trường tư thục Tuệ Quang chùa Linh Quang cây số 4.

Phong cảnh hữu tình ,thiên nhiên mát mẻ và niềm say mê trước vẻ đẹp của hoa Mai anh đào đã tạo cảm hứng cho chàng thanh niên nhạc sĩ Hoàng Nguyên sáng tác bài nhạc nổi tiếng « Ai lên xứ hoa Đào ».

Sự gắn bó của Hoàng Nguyên với thành phố mộng mơ chỉ kéo dài vỏn vẹn 2 năm.

Trong cuộc truy lùng xét nhà những người đã từng tham gia kháng chiến, chính quyền ông Diệm đã phát hiện trong nhà Hoàng Nguyên có bản nhạc « Tiến quân ca » của Văn Cao. Thế là ông bị kết án, cầm tù và đày đi Côn Đảo năm 1957.

Tại đây, Hoàng Nguyên được giám đốc nhà tù mến mộ tài năng nên đưa về nhà làm gia sư cho con gái rượu. Tình cảm thầy trò gắn bó cho đến khi cô gái mang thai. Để tránh cho con không mang tiếng ăn cơm trước kẻng, ông bố vợ tương lai đã vận động cho Hoàng Nguyên ra khỏi tù để hợp thức hóa hôn nhân.

Trở về với đời thường, năm 1965 ông bị động viên vào quân đội VNCH và được nhạc sĩ Anh Việt giao cho phụ trách ban nhạc « Hương Thời Gian ». Không may ông bị tai nạn ở Vũng Tàu năm 1973, qua đời ở tuổi 43 khi đang tràn đầy sức sáng tạo nghệ thuật. Ngoài nhạc ,ông còn làm thơ, tác phẩm không nhiều nhưng chỉ cần một bài như « Ai lên xứ hoa Đào » cũng đủ làm tên tuổi của ông, được công chúng yêu Đà Lạt và yêu Mai anh đào nhớ đến. Ai đã từng yêu Đà Lạt ,yêu Mai anh đào đã bao lần nghe âm điệu nhẹ nhàng trữ tình mà chẳng thao thức.

Ôi ! màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa

Mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du

Ở một vùng trời xa cách cả ngàn cây số trên dải hình chữ S

Chàng lữ khách Hoàng Nguyên ngày xưa phiêu lãng đến Đà Lạt cũng như đa số người yêu hoa ngày nay không nghĩ rằng trên đất nước ta, ở La Pán Tẩn, Mù Căng Chải tỉnh Yên Bái một loài hoa tương tự như Mai anh đào cũng mọc đầy một cách tự nhiên. Trước kia chẳng ai biết La Pán Tẩn ở đâu, vì muốn đến đó chỉ có nước đi bộ xuyên rừng. Kể từ khi có con đường núi lên tới xã La Pán Tẩn mở ra mấy năm nay,người miền xuôi mới có dịp biết đến loài hoa bản địa của người dân H ‘Mông với cái tên Tớ Dày. Khi mùa hoa nở cũng là lúc trai gái vui hội Gầu Tào, báo hiệu mùa xuân đến và người lớn chuẩn bị đi làm mùa cho nên người H’ Mông có câu : « Làm mùa xem hoa tớ dày, Xây lứa đôi xem bàn tay« .

Vậy hoa Tớ Dày và hoa Mai anh đào có phải là hai loài hoa khác nhau không, xin thưa chỉ là một.

Đây là một chi anh đào thuộc dãy Himalaya, có mặt ở Chiang Rai Thái Lan, Myanmar, Nam Trung Quốc, Tây bắc của Việt Nam từ Sapa cho đến Mù Cang Chải, Yên Bái và kéo dài cho đến Đà Lạt thuộc cao nguyên Lâm Đồng phía nam nước ta. Hoa mang cái tên khoa học Prunus Cerasoide thuộc chi anh đào.

Khoảng tháng 4 hoặc tháng 5, cây cho ra quả nhỏ hơn trái cerise, cũng màu đỏ, hột to, cơm nhiều nước màu hồng, không ăn được vì đắng, chỉ dành cho chim rừng. Trẻ con chúng tôi dùng nước màu hồng của trái bôi lên ngón tay cho đẹp. Những cánh rừng tự nhiên của hoa ở Lạc Dương, Đà Lạt hay La Pán Tẩn, Yên Bái, do chim ăn quả gieo hạt mà tạo nên cảnh sắc tuyệt vời.

Tuy hoa Mai anh đào Đà Lạt được biết từ lâu, nhưng phong trào ngắm hoa và săn hình hoa cũng chỉ mới nổi lên 10 năm nay, cùng với sự phát triển của du lịch. Sapa, Măng Đen của Kontum cũng trồng hoa để lôi cuốn du khách. Không rõ Bạch Mã của Huế có trồng loài hoa ôn đới hồng đỏ chỉ sớm nở và chóng tàn này không ? Hoa rộ lên kiêu kỳ như cô gái đến tuổi xuân thì để rồi cánh hoa lả tả rơi theo gió cuốn đi một đời ngắn ngủi. Mới sáng hôm thức dậy, hoa bừng nở trong bầu trời xanh biếc, rực rỡ là thế nhưng chỉ cần bâng quơ vài ba ngày, quên đi, nhìn ngắm lại thì đã phai nhạt đôi phần. Vẻ đẹp mong manh càng khiến cho những ai yêu hoa phải thăm chừng cái thời điểm đẹp nhất để chộp lấy tấm hình ưng ý nhất.

Xem ra ở hai địa đầu của tổ quốc, đồng bào H’ Mông ở La Pán Tẩn, Yên Bái hay đồng bào Kơ Ho, Chil ở Đưng K’Si, Lâm Đồng đã biết đến Mai anh đào và đặt tên Tớ Dày hay một cái tên Kơ Ho nào đó, trước cả Hoàng Nguyên.

Năm nay du khách đón Tết Nguyên đán trong dịp hoa Mai anh đào nở tuyệt đẹp quanh hồ Tuyền Lâm, đường Trần Hưng Đạo, cùng các nơi khác, báo hiệu một năm Tân sữu 2021 gặp nhiều may mắn. Dù cả nước đang vượt qua nạn dịch Covid, khách sạn Đà Lạt vẫn không đủ chỗ cho những ai say mê hoa Mai anh đào và Tớ dày Tây bắc.

26 tháng 1 năm 2021

HA&H từ Việt Nam gửi sang

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :