Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021)

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời ngày 20/3 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 71 tuổi. Ông sinh ngày 20-4-1950 ở Thái Nguyên, nhưng quê gốc ở Thanh Trì – Hà Nội. Trước khi trở thành người viết chuyên nghiệp, ông đã có 10 năm là một thầy giáo ở miền núi phía Bắc. 

Ông được coi là một trong những cây bút xuất sắc của văn chương Việt Nam từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước tới nay. Ông được mệnh danh là “vua truyện ngắn” với khoảng 50 tác phẩm. Trong đó, nhiều truyện trở thành hiện tượng trên văn đàn như : Tướng về hưu, Thương nhớ đồng quê, Những ngọn gió Hua Tát

Nguyễn Huy Thiệp viết 4 tiểu thuyết, ba trong số đó đã xuất bản: Tiểu Long nữ, Gạ tình lấy điểm, Tuổi 20 yêu dấu. Ông cũng viết tiểu luận, thể hiện nhân sinh quan sâu sắc, lối viết thẳng thắn từng khuấy động văn đàn, tạo những tranh luận sôi nổi trong giới văn chương một thuở.

Một số tác phẩm của ông được chuyển thể thành kịch, phim. Nhiều cuốn sách của ông được xuất bản tại Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Ý. Ông từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp – Chevalier des Arts et des Lettres (2007), giải thưởng Premio Nonino (Ý, 2008).

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đánh giá Nguyễn Huy Thiệp là một trong số ít nhà văn Việt Nam xuất sắc nhất thế kỷ XX. Theo ông, sau Nam Cao thì Việt Nam chỉ có Nguyễn Huy Thiệp là một người viết có « văn » và có « tư tưởng ». Trong khi Nam Cao viết rất hay về người nông dân Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX thì Nguyễn Huy Thiệp cũng xuất sắc trong việc viết về người Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX. 

Cái xuất sắc của Nguyễn Huy Thiệp chính là một nhà văn có « tư tưởng ». Không nhiều nhà văn Việt Nam có được điều này. Và cái đặc sắc làm lên dấu ấn riêng của Nguyễn Huy Thiệp trong văn chương, theo Phan Cẩm Thượng, chính là ông dám đi đến tận cùng cái ác của con người, làm một cuộc phẫu thuật vào cái ác của con người và phơi bày nó ra mà “chữa bệnh” cho con người. 

Đó là điều mà các nghệ sĩ Việt Nam trước ông nói chung luôn dè dặt không dám bước đến tận cùng. Tuy lột trần cái ác trong con người nhưng Nguyễn Huy Thiệp lại không bao giờ quên nhìn thấy chất người trong mỗi con người, dù là một tên cướp. 

Không có cái gì là đơn giản, một chiều trong thế giới « con người » ở văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Nhà nghiên cứu và phê bình văn học Vương Trí Nhàn cũng nhìn ra phẩm chất này trong viết lách của Nguyễn Huy Thiệp, và ông cho rằng chính cái lúc mà cái ác bị phơi bày là lúc cái ác được tiêu diệt. 

Ông nhận định: “Nếu có một thứ “quả bóng vàng” (hay là “cây bút vàng”) dành để tặng cho các cây bút xuất sắc hằng năm, thì trong năm 1987 – và cả nửa đầu năm 1988 – người xứng đáng được giải trong văn xuôi ta, có lẽ là Nguyễn Huy Thiệp. 

Khi thấy Nguyễn Huy Thiệp viết về cái ác thì người ta kêu ầm lên rằng không nên làm thế, không cần viết về cái ác mà nghệ thuật chỉ viết về cái thiện là đủ thậm chí cho viết về cái ác là tội lỗi.

Nguyễn Huy Thiệp không thể làm khác. Hình như trong thâm tâm ông cảm thấy cần viết về cái ác, phải làm thế  mới đẩy lùi nó đi được.

Cái ác trong văn Nguyễn Huy Thiệp dai dẳng, bao trùm. Và viết về cái ác chính là cái nhân hậu của Nguyễn Huy Thiệp, lòng nhân hậu của những nhân vật lớn, cái nhân hậu xa lạ với khuôn mẫu sự nhân hậu đương thời. Đó là sự nhân hậu lặn sâu bên trong. Ví như trong truyện ngắn Không có vua thì câu người ta nhớ nhất là câu « Thương lắm » của cô Sinh, ở cuối truyện. 

Lòng tin của ông vào con người không bao giờ mất. Ông yêu thương con người bắt đầu bằng sự phê phán, ông miêu tả hết cái nhếch nhác, tầm thường, cái khốn nạn, cái không đáng yêu của cuộc đời, nhưng chính bằng cách đó ông lại làm cho người ta hiểu và yêu đời hơn và có thể làm người ta tốt hơn.

Nhiều người hiện nay cũng viết về cái ác nhưng không có cái tâm của ông nên không thể đạt hiệu quả như ông.

« Sinh lão bệnh tử / Luật trời đã ban / Thì đành chấp nhận / Với nụ cười thôi… Nói chỉ nói vậy thôi / Lòng buồn không tả nổi… ».

Những câu thơ được xem là cuối cùng trên giường bệnh của ông khiến những người yêu thương ông và yêu tài văn của ông không khỏi đau thắt lòng.

Truyện ngắn « Không có vua » của Nguyễn Huy Thiệp :

https://truyen4u.net/khong-co-vua-nguyen-huy-thiep-tranlamhp5-khong-co-vua-nguyen-huy-thiep-tranlamhp5-17901314.html

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :