Một ngày ở Sapa

Chúng tôi từ thị trấn Tam Đường, theo đèo Ô Quy Hồ hiểm trở đến Sapa trong một buổi chiều trời sắp sửa tối 28 tháng 4, sương mù dày đặc. Có nhiều đoạn đường sạt lở, đất đá còn ngổn ngang sau trận lũ vừa qua. Đến thị trấn Sapa lúc 7g tối, quang cảnh không nhộn nhịp như những năm trước trong dịp lễ 30 tháng 4. Để phòng ngừa cho đợt dịch thứ tư có thể tràn vào Việt Nam từ các nước láng giềng Campuchia và Lào đang lúng túng đối phó, chính phủ Việt Nam đã quyết định không tổ chức các lễ hội kỷ niệm ngày 30 tháng tư. Phải chăng điều này sẽ ảnh hưởng đến số du khách đến Sapa ngày 30/4 chăng.

Tuy nhiệt độ chỉ 13 °C nhưng do mưa lất phất, không khí ẩm ướt cho nên càng có cảm giác lạnh hơn. Khách sạn chúng tôi lưu trú đã hết phòng ngày mai 30/4, nếu còn trống thì giá đã tăng lên gấp đôi. Chúng tôi chỉ ở lại đây một ngày, đi dạo và chụp vài tấm hình về thị trấn đầy màu sắc về thiên nhiên, cây cỏ, ẩm thực cũng như các dân tộc thiểu số, Hmong, Dao, Tày, Giáy, v.v… để các bạn càng yêu thêm mảnh đất ở địa đầu của tổ quốc. Ban đêm đi dạo ở quảng trường trung tâm thị trấn có nhà thờ đá, tôi vẫn còn thấy cảnh các cháu bé H’Mong địu một em nhỏ hơn đi chèo kéo khách hàng mua vòng đeo tay rẻ tiền, các móc chìa khóa. Các cháu chỉ 3 tuổi cũng được mặc trang phục người lớn rất dễ thương, xin tiền du khách khi được chụp hình. Mỗi lần có sự xuất hiện của đội quản lý thì chạy dạt đi vì Sapa ngăn cấm trẻ em bán hàng rong và xin tiền.

Cũng như các mặt hàng như trái óc chó, hạt hạnh nhân, hạt dẻ Trung quốc nhưng đội lốt Sapa thì các mặt hàng thổ cẩm như túi xách, áo, mũ sản xuất bên Tàu nhưng được người H’Mong rao bán như do chính họ làm ra càng dễ dàng hơn. Sở dĩ có tình trạng hàng Trung quốc chiếm lĩnh thị trường là vì sản lượng của Viêt Nam không nhiều cho nên đành phải dùng hàng của họ. Ở Sapa tháng 5 là mùa của trái Nectarine nhân trắng, quả nhỏ nhưng ăn cũng ngọt, trái Thanh Mai chua chua ngọt ngọt, Mận Bắc Hà ngon nhất trong các loại mận, trái pêche (cũng là đào nhưng có lông) ở đây không to và ngọt như ở cao nguyên Vân Hồ (Sơn La).

Có lẽ ở đó họ du nhập giống mới, ngoài ra còn có một nhà máy chế biến hoa quả trên cao nguyên tương đối rộng lớn ở Vân Hồ. Dù sao tháng 4 và tháng 5 là mùa của đào và mận của Tây Bắc VN cho nên chúng ta yên tâm tiêu thụ vì chắc chắn đó là 100% VN. Còn hàng trái cây của Tàu nhập vào VN trễ hơn 1 tháng do điều kiện địa lý, trái to và chất lượng tốt hơn nếu không có nghi vấn về an toàn thực phẩm. Khách ở phương Nam nên tìm mua những gia vị đặc trưng của rừng núi Tây Bắc như hạt Mắc Khén, hạt Dổi, hạt Mắc Mật để ướp thịt nướng rất ngon và thơm. Đặc biệt nhà hàng phục vụ hai loại cá nước lạnh là cá hồi và cá tầm nuôi tại đây.

Những năm gần đây, Sapa phát triển không ngừng như khánh thành tuyến cáp treo Fan Si Pan đưa du khách chinh phục mái nhà Đông Dương. Chưa kể resort Sunplaza lộng lẩy với kiến trúc dáng dấp phương Tây, chỉ nhìn phía ngoài cũng hình dung bên trong sang trọng như thế nào. Hôm 30/4 chúng tôi rời Sapa cũng là lúc du khách đổ dồn lên đây nhộn nhịp dù rằng tối hôm trước 29/4 chính phủ đang quyết liệt chạy đua quyết liệt ngăn chận đợt dịch thứ 4 đang xảy ra tại Hà Nam.

Sapa không ngừng phát triển, khách sạn , nhà hàng, homestay mọc lên chóng mặt so với lần ghé thăm trước đây 5 năm.

Đây là địa điểm du lịch có nhiều dân tộc thiểu số còn ít nhiều lưu giữ lối sống như trang phục truyền thống nhiều màu sắc. Điều này đã biến mất từ lâu ở Dalat. Ngoài ra thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ ,mùa đông đôi khi có tuyết rơi càng thu hút thêm sự háo hức của du khách. Một ngày ở lại đây, không đủ nói lên hết sự hấp dẫn của Sapa, có như vậy mới có dịp khám phá những lần sau. Vài hình ảnh ghi vội về Sapa nhưng tình cảm còn đọng mãi trong lòng.

HA&H

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :