Giấc mơ mua nhà tại TP HCM

Nhiều người dân thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng khó sở hữu nhà tại TP.HCM và vẫn phải đi thuê nhà hàng tháng. Người thu nhập thấp tại TPHCM rất khó mua được nhà vì giá bất động sản tăng phi mã.

Anh Ngô Văn Tuấn (32 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, vợ chồng anh vẫn ước ao có một ngôi nhà ở TPHCM. Tuy nhiên, giấc mơ ấy ngày càng xa vời.

Anh Tuấn đang lái xe cho một công ty nước ngoài với thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Vợ anh làm nhân viên văn phòng trong một công ty nội thất với thu nhập 8 triệu đồng/tháng.

Tổng thu nhập của hai vợ chồng dù 18 triệu đồng/tháng (lương trung bình của người lao động tại TP HCM) nhưng vẫn khiến anh chưa dám nghĩ đến việc mua nhà. Hiện tại, mỗi tháng, vợ chồng anh chi hơn 4 triệu đồng cho tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền internet. Dù đã tiêu pha có mức độ nhưng mỗi tháng, vợ chồng anh chỉ tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng.

« Do chúng tôi chưa có con nên còn tiết kiệm được chút đỉnh. Nếu có con thì khoản tiền tiết kiệm mỗi tháng sẽ dành cho con. Điều này khiến việc mua nhà càng bất khả thi », anh Tuấn nói.

Cũng theo anh Tuấn, năm 2015, thu nhập của anh là 8 triệu đồng/tháng, khi đó, giá một căn nhà vùng ven TPHCM chỉ từ 800 triệu đồng – 1 tỷ đồng/căn. Sau 6 năm, thu nhập của anh tăng lên khoảng 25% nhưng giá một căn nhà đã tăng 300 – 400% so với trước.

« Bây giờ, muốn mua được một căn nhà phố ở vùng ven như quận 9, quận 12 hay huyện Bình Chánh thì phải có khoảng 3 tỷ đồng. Nếu mua chung cư, chúng tôi cũng phải có 2 tỷ đồng mới mua nổi. Với thu nhập như hiện nay thì hai vợ chồng phải tiết kiệm vài chục năm mới mua được nhà. Trong khi đó, giá nhà đất lại không ngừng tăng, việc sở hữu nhà ở TPHCM lại càng trở nên xa vời », anh Tuấn chia sẻ.

Anh Trần Minh Công (30 tuổi, ngụ quận Tân Phú) cho biết, anh đang là nhân viên kinh doanh cho một công ty bất động sản với mức lương cứng là 7 triệu đồng, cộng với tiền hoa hồng từ việc bán sản phẩm thì mỗi tháng anh kiếm được từ 14 – 16 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau 8 năm ở TPHCM, anh vẫn chưa thể mua được nhà và vẫn phải đi ở trọ.

Theo anh Công, do làm trong ngành bất động sản nên anh càng hiểu rõ việc sở hữu nhà tại TP.HCM là khó như thế nào. « Thu nhập của tôi chỉ đủ trả tiền nhà trọ, chi phí xăng xe, tiếp khách hàng, chạy quảng cáo trên các website, mạng xã hội… Nhiều tháng không bán được sản phẩm, chỉ có mỗi lương cứng, tôi phải vay mượn thêm để trang trải cuộc sống ».

« Ai cũng ước mơ có một ngôi nhà cho riêng mình nhưng hiện tại, tôi chưa dám nghĩ đến điều đó », anh Công nói.

Anh Công cho rằng, người có thu nhập ổn định trên 30 triệu đồng/tháng mới nên nghĩ đến việc sở hữu nhà tại TPHCM. Bởi, mức thu nhập này mới đủ trả tiền lãi vay ngân hàng và các khoản chi phí khác. Tất nhiên, người mua cũng phải có khoản tiết kiệm, vay mượn nhất định trên dưới 1 tỷ đồng.

Mặt khác, nhà giá rẻ đang biến mất trên thị trường nhà ở tại TP.HCM vì các doanh nghiệp không mặn mà với phân khúc này do lợi nhuận thấp, chi phí đầu tư cao. Tại các khu vực gần trung tâm thành phố, giá đất rất cao nên các chủ đầu tư không có khả năng và cũng không muốn phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân mà phải đi ra xa trung tâm. Còn khu vực xa trung tâm thường thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác, chất lượng hạ tầng xã hội và dịch vụ thấp nên kém thu hút cư dân.

Cụ thể như trong 9 tháng đầu năm 2020, Sở Xây dựng TPHCM đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 20 dự án (gần 10 000 căn), tuy nhiên trong đó cũng chỉ có 163 căn nhà thuộc phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2), chiếm tỉ lệ 2,5%.

Không chỉ có anh Tuấn, anh Công mà hàng trăm ngàn người ở TPHCM vẫn ao ước có một căn nhà ở đô thị phát triển bậc nhất Việt Nam, nhưng đếu phải bó tay.

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :