Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam

Tổng kết năm 2020, ngành gỗ ghi nhận một năm toàn ngành đạt thành tích rất đáng khích lệ, khi kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 13,17 tỷ USD, tăng 16,4% so cùng kỳ năm 2019 và vượt 5,4% kế hoạch năm 2020.

Đáng chú ý, đây cũng là năm Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Ý và chỉ đứng sau Trung Quốc trong tốp các quốc gia xuất khẩu và sản phẩm gỗ trên thế giới.

Riêng tại thị trường Mỹ,  nghiên cứu của Furniture Today cho thấy Việt Nam đã xuất hơn 7,4 tỷ USD thành phẩm nội thất sang Mỹ trong năm 2020, tăng 31% so với con số 5,7 tỉ USD của năm 2019.

Để so sánh, Trung Quốc xuất khẩu 7,33 tỉ USD thành phẩm nội thất sang Mỹ trong năm 2020, giảm 25% so với con số 9,7 tỉ USD một năm trước đó.

Động lực tăng trưởng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ chủ yếu đến từ nhóm hàng đồ gỗ nội, ngoại thất. Trong đó, các mặt hàng có mức tăng trưởng rất cao là : đồ nội thất phòng bếp (mã 940340) tăng 156%, đồ nội thất bằng gỗ khác (mã 9403.60) tăng 25% và bộ phận đồ gỗ (mã 9403.90) tăng 34%. 

Các mặt hàng ghế ngồi là nhóm có giá trị xuất khẩu cao nhất vào thị trường Mỹ. Hiện có 388 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu ghế sofa vào Mỹ, bao gồm các sản phẩm ghế sofa hoàn chỉnh (mã 940161) và bộ phận của ghế sofa (mã 940190).

Tủ bếp (mã 94034000) là một mặt hàng quan trọng xuất khẩu vào Mỹ. Tủ bếp còn ở dạng chi tiết bộ phận, được khai báo trong nhóm các mã hàng khác như đồ mộc xây dựng (mã 4418), nội thất bằng gỗ khác (mã 940360) hay bộ phận đồ gỗ (mã 940360). Hiện có 207 doanh nghiệp xuất khẩu tủ bếp vào Mỹ.

Tuy nhiên, rủi ro đối với mặt hàng nội thất, đặc biệt những sản phẩm làm từ gỗ dán (gỗ Plywood – nhiều lớp gỗ dày 1mm dán chồng lên nhau) xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đã trở thành hiện thực, đó là vụ kiện gian lận thương mại. Ngày 9/6/2020, phía Hoa Kỳ đã thông báo chính thức điều tra ngành gỗ dán Việt Nam. 

Theo cáo buộc của Liên minh thương mại công bằng về gỗ dán cứng Hoa Kỳ, một số công ty xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, chủ yếu là công ty có vốn sở hữu từ Trung Quốc, đã vi phạm điều luật về chống lẩn tránh thuế trong khuôn khổ của Đạo luật Thuế năm 1930 của Hoa Kỳ.

Laisser un commentaire

%d blogueurs aiment cette page :