Chúng ta con dân đất Việt – Từ đời tổ tiên, ông bà, cha mẹ đến đời anh, đời chị, đời con cháu chúng ta, cùng một nguồn gốc máu đỏ da vàng. Không ai có thể phủ nhận được cội nguồn, màu da, màu mắt, xương thịt của chúng ta.
Dù chúng ta có lưu lạc, di dân, sinh trưởng trong bất cứ một quốc gia nào, một đất nước có tên gọi khác quê hương của chúng ta, như: nước Pháp, nước Mỹ, nước Úc, Canada, Lào, Campuchia v.v. và v.v. Ta vẫn là người Việt Nam, mang giòng máu hồn Việt Nam, văn hóa Việt của ông bà, cha mẹ, tổ tiên chúng ta, từ đời này qua đời khác. Không có chi thay đổi được; « bất khả xâm phạm ».
Ngày hôm nay qua bao sự di dời, chia cách, đổi thời, đổi đời, đổi vận mệnh. Giòng đời được biến chuyển qua bao thời đại. « Núi có mòn, sông có cạn ». Ta vẫn là ta: « Một người Việt Nam » …
Thế hệ hôm nay, những con cháu của ta – Lớn lên và sinh trưởng từ một quốc gia khác, hoặc trong gia đình, có ông bà, cha, mẹ, một trong hai người là người quốc tịch khác – Có giòng máu lai 50/50 trên giòng máu của cha hoặc mẹ.
Ta vẫn không thể phủ nhận được nét đặc trưng, văn hóa di truyền trong cái gien, tế bào máu nơi hình hài thân phận của con người Việt chúng ta. Dù ta có là ông Tây, bà đầm, người Mỹ, người Úc, khoác trên người một danh hiệu, một dấu « mộc » « mạc » (marque) khác, nói một thứ tiếng khác, mang một quốc tịch khác, giòng máu trong ta vẫn là Người Việt.
Người Việt Nam, nói tiếng Việt và hiểu tiếng Việt, là một điều tự nhiên. Người ngoại quốc, người Pháp, người Mỹ, học và sử dụng, nói được tiếng Việt thành thạo như một thể loại văn hóa thứ hai, thứ ba của họ. Điều đó đáng được trân trọng, khuyến khích, biểu dương, cần được nhân rộng, đưa ra làm gương cho thế hệ con em của chúng ta trao đổi, học hỏi và noi theo.
Để duy trì văn hóa, bản sắc dân tộc qua cách tái hiện, thể hiện ngôn ngữ Việt, ẩm thực Việt, văn hoá Việt trong mọi sự truyền thông, là một hành trình dài, nỗ lực xây dựng với nhiều công sức, thời gian, kiên trì của nhiều thế hệ và nhiều tầng lớp:
Cho thế hệ hôm nay và ngày mai được thừa hưởng như một di sản, một gia tài quý giá. Cần được bảo tồn và lưu giữ. Như con ngươi, con mắt, thân thể của ta: có đủ đôi chân, đôi tay, mũi, miệng.
Không ai sinh ra trên đời này lại muốn mình là kẻ khiếm khuyết, có cha mà không có mẹ, có tay mà không có chân, có mắt mà không có tai. Thật đáng tiếc, nếu chúng ta phải sinh ra trong hoàn cảnh khiếm khuyết, khập khiễng. Có hai chân mà chỉ đi được một chân, có hai tay mà chỉ sử dụng được một tay. Còn điều gì buồn hơn khi chúng ta chỉ biết một mà không biết hai? …
Nên, giao lưu văn hóa, học hỏi ngôn ngữ giữa ta và bạn bè năm châu, giữa các quốc gia khác, trong sự tiếp thị, liên đới, phát triển, xây dựng – từ văn hóa của ta và văn hóa của bạn. Đến với nhau, trong sự tìm hiểu, khám phá, ý thức và nhận biết được giá trị của từng nền văn hóa. Trong đó, có văn hóa tổ tiên, ông bà, cha mẹ chúng ta trong ngôn ngữ Việt và nếp sống. Là một ý nghĩa rất đẹp và có giá trị.
Mỗi gia đình chúng ta và các thế hệ con cháu hiện tại cần phải biết lưu truyền, giảng dạy, phát triển tinh thần, văn hóa Việt vào cuộc sống hàng ngày của con cháu chúng ta, trong suy nghĩ và ý thức: « Mình là người Việt Nam ».
Dù chúng ta sống ở bất cứ nơi đâu, có thể nói: sống ở đâu theo đó, « nhập gia tuỳ tục », ăn theo thói, ở theo thời, « ăn trông nồi, ngồi trông hướng ». Hoặc, nồi nào úp vung nấy, nòi nào giống ấy. Làm sao chúng ta phủ nhận, chạy trốn và tránh né được cái gốc tích, cội nguồn trên hình hài thân phận của chúng ta, như một dấu chấm hỏi: « Tôi là ai? »
« Tôi có phải là người quốc tịch Việt Nam hay không … Khi tôi là người quốc tịch Tây, mang giòng máu Tây 50/50; hoặc tôi là người sanh đẻ bên Tây, tôi có quốc tịch Tây, tôi không còn là người Việt Nam nữa; tôi không cần phải nói tiếng Việt và không phải học hỏi, tìm hiểu văn hoa Việt làm chi? »
Thú thật, nếu một ai đó có những suy nghĩ như vậy, tôi hy vọng thời gian sẽ giúp cho bạn tìm lại được chính mình… Và khẳng định được cái tôi, cái giá trị nguồn gốc của bản thân bạn.
Mặc dù thời gian có thể sẽ dài lâu đối với bạn khi tìm kiếm và khám phá về chính mình qua đẳng cấp, vai trò, vị trí mình đang có. « Là một sự thật: Tôi là Người Việt Nam« , dù tôi đang sống ở đất nước người, hấp thụ không khí, môi trường, ẩm thực, ngôn ngữ, cách sống và văn hóa của xứ bạn như một phần của chính thân thể tôi « sống ở đâu theo đó »…
Tôi vẫn không thể quên nguồn cội, ngôn ngữ, văn hóa của cha mẹ mình.
Ước mong mỗi gia đình và mỗi bạn trẻ có được nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui, và hy vọng chúng ta cùng giúp nhau, trao cho nhau sự hiểu biết, khám phá, học hỏi với nhau, xây dựng, phát triển tinh thần, văn hóa Việt cho hôm nay, ngày mai và mọi thế hệ trong tương lai… Có được nền văn hóa Việt rạng rỡ khắp thế giới.
Thân ái,
Xuân Khang