Hiện nay, trên thế giới có hơn bốn triệu kiều bào sinh sống, trong đó một bộ phận không nhỏ vẫn giữ quốc tịch Việt nam. Tại Cộng hoà Pháp, tình hình Cộng đồng Việt kiều cũng mang những nét tương tự nhưng đồng thời cũng có những nét đặc thù do lịch sử để lại.
Trong số họ, có những người đã rời đất nước, quê hương đến hơn nửa thế kỷ để lao động, làm việc, học tập và ở lại lập nghiệp, sinh sống nơi xứ người. Họ hoàn toàn có đủ điều kiện để nhâp quốc tịch nước sở tạị, nhưng vì niềm tự hào, vì tình yêu dân tộc, Tổ quốc, họ vẫn giữ quốc tịch Việt nam. Có những nước họ đòi hỏi công dân nước ngoài muốn gia nhập quốc tịch của họ phải từ chối quốc tịch gốc, như Cộng hoà Liên bang Đức hay một số nước khác, người Việt phải có sự lưa chọn. Ở Cộng hoà Pháp trước đây cũng vậy, nhưng vừa qua, họ đã bỏ điều luật đó, không bắt buộc phải từ bỏ quốc tịch gốc. Vốn dĩ là những người Việt tha thiết yêu tổ quốc, phải hội nhập vào xã hội và cộng đồng ở nước ngoài để công tác và sinh sống, họ đã muốn giữ cho mình cái gốc, cội nguồn sâu thẳm là dân tộc Việt nam. Không chỉ họ thể hiện tình cảm từ đáy lòng mình, trong tâm tưởng của mình mà còn muốn nói lên tình yêu quê hương, đất nước của mình thông qua cái quốc tịch gốc thiêng liêng ấy. Họ thấy hãnh diện với bạn bè, đồng nghiệp khi nói, khi khai, khi viết thể hiện mình là người Việt nam, tự hào là người Việt nam.
Rồi thời gian cứ thế trôi… Giờ ngẫm lại, họ vẫn đau đáu một nỗi niềm : Vậy là hơn nửa thế kỷ trôi qua, họ không hề có quyền công dân. Họ là những người dù xa đất nước ngàn vạn dặm vẫn ngày đêm hướng về Tổ quốc. Có rất nhiều người đã đóng góp công sức, của cải, đầu tư chất xám tại quê hương, có người đã đựơc huân chương kháng chiến chống Mỹ do Nhà nước Việt nam khen tặng, nhưng họ vẫn chưa một lần được tham gia bầu cử, kể cả Hội đồng Nhân dân cấp xã chứ chưa nói đến những tổ chức khác. Có những người đầu tư về Việt nam những dự án dài 50 năm, có nghĩa là muốn gắn bó trọn đời với quê hương. Vậy tại sao họ chưa có quyền công dân?
Để bàn về cái quyền và nghĩa vụ cơ bản của một người công dân, kế thừa Hiến pháp năm 1946 và sửa đổi một số điều luật, trong Hiến pháp năm 2013, tại khoản 1, Điều 14 quy định: “Ở nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội đươc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo theo Hiến pháp và pháp luật…” Và Điều 18 đã nhấn mạnh : « Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. »
Ở đây, ta chỉ muốn đề cập quyền công dân về mặt chính trị đối với một bộ phận không nhỏ Việt kiều vẫn giữ quốc tịch Việt nam và không gia nhập quốc tịch nước sở tại. Về quyền công dân, họ có thể ứng cử vào các cuộc bầu cử địa phương ngay cả vào Quốc hôiv.v … Mong muốn của họ là được thực thi quyền và nghĩa vụ của một công dân, đồng thời góp tiếng nói trên các diễn đàn, kể cả cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội chứ không chỉ góp vốn đầu tư kinh tế chung chung. Tuy nhiên theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hôi năm 1997 (sửa đổi năm 2001), có nhiều điểm không thể áp dụng ở nước ngoài được. Bởi lẽ Luật quy định phải lấy ý kiến của cử tri nơi ứng cử viên cư trú. Vì vậy, ứng cử viên cư trú ở nước ngoài, do những hoàn cảnh xã hội và kinh tế mà không có địa chỉ thường trú ở Việt nam thì làm sao thực hiện được điều kiện này ? Với tinh thần trên, đa số bà con kiều bào trong diện này cho rằng nên chăng ở đây ta chỉ nên bàn đến quyền bầu cử của họ mà thôi. Những Việt kiều vẫn giữ quốc tịch Việt nam, về nước đúng đợt bầu cử mà có nhu cầu tham gia bầu cử thì có thể thực hiện quyền bỏ phiếu bởi vẫn có hòm phiếu dành cho cử tri vãng lai đi công tác, du lịch… bỏ phiếu ngay tại nơi có mặt.
Trên thực tế, còn khá nhiều Việt kiều mang quốc tich Việt nam vẫn chưa một lần được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, tuy họ trọn đời ôm trong lòng mình cái gốc Việt nam thiêng liêng ấy. Một nghịch lý đáng nói ở chỗ họ mang quốc tịch Việt nam, nhưng có thẻ cư trú lâu dài trên đất nước mà họ làm ăn sinh sống , đã không được tham gia bầu cử ỏ bất kỳ một cấp chính quyền nào của nước sở tại. Dù luôn sống và làm việc lương thiện, một lòng một dạ hướng về Tổ quốc nhưng ở cả hai đất nước, thực tế họ đau xót nghĩ rằng mình chỉ như những người đứng « ngoài lề » xã hội. Về vấn đề này, không ít lần khi có các đoàn lãnh đạo cao cấp Nhà nước Việt nam thăm Pháp, đại diện kiều bào đã nêu kiến nghị, nhưng đến nay chưa hề có câu trả lời thoả đáng.
Liệu trong tương lai gần, Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam ta có thê tổ chức các khu vực bầu cử ở nước ngoài như các nước khác họ đã và đang làm cho cộng đồng của mình sống và công tác tại nước ngoài không? Ví dụ ở Cộng hoà Pháp, người ta chứng kiến rất nhiều cộng đồng các nước đã có những hòm phiếu do các cơ quan đại diện của những nước đó trực tiếp phụ trách. Những người dân mang quốc tịch gốc của những nước đó hãnh diện, tự hào và tưng bừng đi bỏ phiếu cho các cấp chính quyền mà ho là những công dân đích thực, tuy phải sống xa xứ. Vì vậy, có thể đặt hòm phiếu tại Đại sứ quán ta cho bà con tới bỏ phiếu được không? Các nước như Mỹ, Úc, Canadav.v… với lượng kiều bào lớn thì nên lập mấy khu vực bầu cử, mấy hòm phiếu? Liệu Quốc hội nước ta có chủ trương sửa đổi luật bầu cử hiện tại để thêm quy định cho các quy trình tổ chức bầu cử cho công dân Việt nam ở nuớc ngoài không?
Thiết nghĩ nguyện vọng này của Kiều bào là rất chính đáng, vì không những họ là « một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt nam » mà còn là những CÔNG DÂN VIỆT NAM đích thực !
Paris, ngày 4 tháng 11 năm 2014
Văn Minh Thuỷ