Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Trẻ em và độ tuổi khám phá tiếng Việt

Ngôn ngữ là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Gìn giữ một ngôn ngữ nghĩa là chúng ta gìn giữ một nền văn hóa đất nước của ngôn ngữ đó.

***

Là một cô giáo dạy tiếng Việt trong một cộng đồng Việt Nam tại Pháp, tôi có dịp trò chuyện với một số anh chị người Pháp, có chồng hoặc vợ là người Việt Nam. Họ có con nhỏ dưới bốn tuổi và băn khoăn có nên cho con học tiếng Việt dưới bốn tuổi. Họ sợ trẻ em sẽ rối loạn khi học hai ngôn ngữ cùng một lúc và sẽ gặp khó khăn về tiếng Pháp khi đi học trường mẫu giáo ở Pháp.

Tôi nghĩ băn khoăn của họ là thực tế và cũng là câu hỏi chung của nhiều gia đình Pháp -Việt đang sinh sống tại Pháp.

Hiện nay Ban Sinh hoạt Thiếu Nhi thuộc Hội Người Việt Nam tại Pháp có tổ chức bốn lớp tiếng Việt phân chia theo từng lứa tuổi. Ở đây các em không những được học tiếng Việt, mà còn có thể tham gia các hoạt động văn hóa khác như là : múa – hát – võ – bắn cung. Lớp nhỏ nhất là các em từ 3 đến 5 tuổi. Theo nhận xét của tôi, các em của lớp nhỏ nhất này rất thích nói tiếng Việtcùng với cô giáo và bạn bè trong lớp. Khi lớp học xong thì các em lại giao tiếpbằng tiếng Pháp với ba mẹ và các em không hề bị rối loạn về ngôn ngữ. Có em thì nói vài câu có chen lẫn tiếng Việt và tiếng Pháp. Nhưng đây không phải là sự rối loạn ngôn ngữ, mà chỉ là một sự lẫn lộn.

Việc các em pha lẫn giữa tiếng Việt và tiếng Pháp trong một câu không có gì là lo lắng cả. Để bé không pha lẫn tiếng Việt và Pháp, chúng ta nên nói lại câu đúng của tiếng Việt  nhiều lần cho trẻ nghe. Như vậy lần sau trẻ có thể nói được một câu hoàn chỉnh hơn.

Việc lặp đi lặp lại nhiều lần trong việc học ngôn ngữ cho trẻ em rất hiệu quả, sẽ tạo hứng thú cao cho trẻ, đúng với sở thích và tâm-sinh lý ở độ tuổi ấy làm cho bộ não của trẻ hình thành kết nối thông tin một cách chính xác và hiệu quả.

« Biết được hai ngôn ngữ, nghĩa là biết được cội nguồn của mình, để từ đó biết được con đường mình sẽ đi đến.» 

(dịch ý từ một câu nói của nhà ngôn ngữ người Pháp Mariama)

Theo nghiên cứu của các nhà giáo dục, cụ thể là ông Ibuka Masaru – người sáng lập tập đoàn Sony và là người nghiên cứu về giáo dục, đầu tư nhiều trung tâm giáo dục của trẻ em: Khả năng tiếp thụ một ngôn ngữ và các lĩnh vực trí tuệ khác của trẻ em từ 0 đến 3 tuổi là vô hạn. Trẻ em có thể học nhiều ngôn ngữ cùng một lúc, có thể cảm nhận được âm nhạc hoặc học bơi,…. Thời kỳ này được gọi là giai đoạn vàng của mỗi trẻ em vì sự tò mò, học hỏi, quan sát, ghi nhớ thế giới chung quanh không hề có rào cản về các suy nghĩ, định kiến, lý trí, nỗi sợ hay tự ti nào.

Việc học một ngôn ngữ sớm sẽ giúp trẻ có khả năng hấp thụ ngôn ngữ một cách tự nhiên. Ở lứa tuổi này,các em rất hiếu động, thích tìm tòi và khám phá, thích bắt chước để giống ba mẹ, bạn bè, thầy cô và những người chung quanh. Cho nên, dạy ngôn ngữ cho các em ở lứa tuổi này là rất tốt và việc uốn nắn phát âm cho các em càng dễ so với các em ở lứa tuổi lớn hơn.

Nếu bé có điều kiện tiếp xúc với tiếng Việt từ lúc nhỏ, trong bé sẽ hình thành một số khái niệm cơ bản về vốn từ tiếng Việt, làm nền tảng vững chắc cho bé nếu sau này bé muốn học tiếng Việt ở mức độ cao hơn cùng với sự hỗ trợ từ gia đình, thầy cô và cộng đồng.

Sinh hoạt Thiếu Nhi của Hội người Việt Nam tại Pháp, với lớp vừa học vừa chơi dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, và 6 hoạt động mỗi chiều thứ bảy, hiện là một trong những tổ chức lớn hiếm hoi của cộng đồng dành cho Thiếu Nhi Việt Nam tại Pháp từ 3 đến 14 tuổi.

Chúng ta có thể áp dụng phương pháp vừa học vừa chơi cho bé để kích hoạt khả năng thích thú của bé đối với tiếng Việt: qua các bài hát trẻ em, trò chơi dân gian, những câu chuyện thiếu nhi phù hợp, hình ảnh, đồ vật minh họa…..để cho bé hứng thú. Vì khi có hứng thú và say mê thì bé sẽ hấp thụ và ghi nhớ lâu.

Hứng thú và sự gần gũi, thân thiện, vui vẻ chính là một chất xúc tác hiệu quả để giúp bé ham muốn học tiếng Việt. Nếu bé được học tiếng Việt với các bạn cùng lứa tuổi trong một lớp học thì bé cũng không thấy nhàm chán khi được vừa học vừa chơi cùng bạn bè, được giao tiếp và nói chuyện bằng tiếng Việt với các bạn và thầy cô. Như vậysẽ giúp bé tự tin, bạo dạn khi giao tiếp với người khác và tham gia các hoạt động xã hội khi lớn lên.

Một ngôn ngữ cũng làmột nền văn hóa. Khi bé học tiếng Việt thông qua các bài hát trẻ em, các trò chơi, những câu truyện cổ tích Việt Nam thì trong bé đã hình thành một nét văn hóa Việt Nam. Khi lớn lên, bé đi học ở trường thì bé có thể phân biệt được những gì thuộc về văn hóa Việt nam và những gì thuộc về văn hóa của Pháp. Và khi tiếp xúc với hai nền văn hóa bé sẽ đều có cảm giác thân quen, thân thuộc vì môi trường từ nhỏ đã khắc ghi trong cảm nhận của bé tình cảm, niềm vui, kỷ niệm của cả hai nền văn hóa ấy. Bên cạnh đó, khả năng phân tích rõ ràng của bé sẽ phát triển hơn nhiều.

Những thầy cô cộng đồng cố gắng tạo môi trường « xã hội » cho bé, còn ba mẹ là người tạo ra môi trường « gia đình » của mỗi bé, đó chính là thế giới« tuổi thơ » của mỗi trẻ. Đặc biệt đối với những trẻ sinh ra và lớn lên tại Pháp thì phần « tuổi thơ Việt Nam » cần được chúng ta quan tâm ngay khi sớm nhất có thể. Vì tất cả chúng ta đều mong muốn mỗi trẻ em lớn lên sẽ là một người thật sự của hai nền văn hóa với những tình yêu thương sâu sắc với cả hai quê hương.

Ngôn ngữ là một món quà quí giá. Vậy bạn hãy tặng nó cho con của bạn để làm hành trang để gắn bó vớinguồn cội và nâng đỡ tâm hồn vì nối kết được với gia đình, người thân, bạn bè Việt Nam khắp nơi.

Nguyễn Thị Gái