Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Giới thiệu sách: « Ngược chiều vun vút » với Joe Ruelle

Sách được viết bằng tiếng Việt bởi chính tác giả người Canada. Joe hiện sống tại Hà Nội được mười lăm năm, đã đang học và sử dụng tiếng Việt một cách khá ấn tượng.

Trước “Ngược chiều vun vút”, Joe từng cho xuất bản quyển sách đầu tay với tựa “Tớ là Dâu” từng rất thu hút sự chú ý của cộng đồng văn hóa trẻ vào thời gian ấy. Cả hai đầu sách đều là tập hợp những bài viết trên blog của Joe Ruelle được biên tập lại, và cùng lọt vào danh sách best sellers trong thời gian đầu vừa xuất bản tại Việt Nam. Chúng tôi không lựa chọn tác phẩm này vì sách bán chạy hay vì tiểu sử đặc biệt của tác giả dễ tạo sức hút. “Ngược chiều vun vút” thật sự là một quyển sách đáng đọc bởi những câu chuyện – chủ đề mà sách đề cập đến, cũng như cách nhìn khá mới mẻ độc đáo của tác giả với những trải nghiệm của bản thân và hiểu biết cá nhân khi sống tại Việt Nam.

Cái tên “Ngược chiều vun vút” cho ta cách liên tưởng gián tiếp đến cuộc sống của người dân tại những thành phố đang phát triển: vội vã, đông đúc, nhiều va chạm – môi trường chính mà Joe được tiếp xúc và quan sát. Lý giải về tựa sách, Joe giải thích rằng sự ngược chiều ở đây là hiện tượng mà anh ghi nhận, cũng là chủ đề lớn mà sách muốn truyền tải: sự đối lập về môi trường sống và về sự quan tâm của hai bộ phận chính:

“người Việt Nam với xu hướng hội nhập, tìm hiểu và chịu ảnh hưởng bởi văn hóa nước ngoài” và ngược lại “người nước ngoài tìm đến du lịch hay sinh sống tại Việt Nam”.


« Cách chào là một trọng những điều thiêng liêng nhất của một ngôn ngữ, là điểm khởi đầu và khép tại một cuộc trò chuyện. Người Việt khá khiêm tốn, quý khách, nhiệt tình hòa nhập – nhưng hòa nhập đến mức thay lời chào của mình bằng lời chào của người ta “hé-lộ” một điều khó nói. Chào xong thì dùng tiếng nào cũng được; nhưng phải chào xong đã. »

(trích phần 1 của Chương 1)

Sự “ngược chiều” của hai chủ thể và xu hướng của họ, theo Joe, là bất ngờ nên luôn yêu cầu sự phản xạ nhanh, vậy là thành tên “Ngược chiều vun vút”. Hai chủ thể “người Việt Nam” và “người nước ngoài”, đặc biệt là người nước ngoài đến Việt Nam, là đối tượng quan sát cũng như so sánh chính của Joe trong tập sách.

Khác với “Tớ là Dâu” chủ yếu giành lấy sự trầm trồ của công chúng ở cách viết tiếng Việt trôi chảy, tính chất thư giãn giải trí được nhấn mạnh, ở “Ngược chiều vun vút” Joe thật sự đã mang lại một sự ảnh hưởng khác biệt khi không chỉ văn phong chỉn chu ổn định hơn, mà những câu chuyện được lựa chọn đã đi xa và lưu lại lâu hơn trong tâm trí người đọc khi đề cập đến những vấn đề mang hơi thở thời đại với một suy nghĩ khá nghiêm túc, khiến độc giả không khỏi ngạc nhiên bởi những phát hiện, câu hỏi hay phân tích của người viết đều ít nhiều mang đến sự mới mẻ (so với góc nhìn người bản xứ) và đáng để lưu tâm suy ngẫm.

Trích « Tạm biệt Hello »:

Hãy hình dung một anh người Việt sang nước ngoài rồi ở đâu cũng được (hoặc bị) chào bằng “Xin chào”, phát âm lơ lớ, thanh điệu chưa chuẩn. Có khi lúc đầu anh ấy cảm thấy vui – “Hay nhỉ, người ở đây thích dùng tiếng mình!” – nhưng sau một thời gian anh ấy rất chán. “Hello” nói với giọng uyển chuyển và thanh lịch của người Anh nghe hay hơn nhiều.

Nhiều khách Tây bước vào cửa hàng tại Việt Nam và được chào bằng tiếng Việt thấy sướng tai lắm. Câu đó, nó lạ, nó hay, nó chính là lý do mình xách va li đi đến nơi xa. Trái lại, nhiều khách Tây bước vào cửa hàng tại Việt Nam và bị chào bằng “Hello”, từ hai âm tiết nghe hàng triệu lần tính từ lúc sinh ra, phải nói là hơi ngứa tai một chút. Chưa đủ ngứa để nói với người ta, nhưng đủ để nói với bản thân.

Không phải chỉ mất cơ hội “tặng quà”, mà các anh chị phục vụ vô tình mở hộp Pandora, tự kéo về nhiều rắc rối lẽ ra không cần. Nhân viên chào khách Tây bằng tiếng Tây là vô thức chấp nhận theo văn hóa của khách (mà có theo được đâu), còn nhân viên chào khách Tây bằng tiếng Việt là lịch sự mời khách theo văn hóa của nơi đang ở.

Thêm vào đó, “Hello” là tiếng Anh. Có nhiều người không thực sự thoải mái với sự phổ biến của tiếng Anh toàn cầu – nhất là người Pháp. Người Pháp nào cũng biết một chút tiếng Anh, nhưng sang Paris sẽ không có người bán bánh nào chào du khách nước ngoài bằng “Hello”. Người Đức, người Nga, người Tây Ban Nha – số người “dị ứng tiếng Anh” hiện đang rất cao. Họ công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, nhưng sự công nhận ấy mang tính miễn cưỡng. (Hãy hình dung tiếng Trung thành ngôn ngữ quốc tế và du khách người Việt đi đâu cũng bị chào bằng “Ni-hao”). Biết đâu cánh cửa cửa hàng chưa kịp đóng là người bán hàng đã làm mất lòng khách.

Cách của Việt Nam luôn là an toàn nhất. Là sướng tai nhất, là chu đáo nhất…. 

Những câu chuyện được tác giả lọc và chia theo cảm xúc khi viết: Bực – Vui – Tiếc – Tò mò – Muốn giãi bày. Tuy được diễn đạt với cách nói hài hước trào phúng nhưng các mẩu bài viết vẫn giữ được mạch nghiêm túc và chân thật. Nội dung khá đa dạng giàn trải quay quanh cuộc sống, mối bận tâm và những mối quan hệ của những người nước ngoài trải nghiệm tại Việt Nam và nhìn nhận về Việt Nam mà Joe là đại diện.

Đọc sách “Ngược chiều vun vút”, chúng tôi tin rằng bạn sẽ có được những trải nghiệm thú vị của riêng mình, có thể những gì bạn bắt gặp là những hình ảnh bạn đã quen, những chủ đề bạn lần đầu nghĩ đến hay nhưng câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ, qua góc nhìn của tác giả – người nước ngoài sống một thời gian dài tại Việt Nam – trở nên tươi tắn và thu hút hơn.

Sự khác nhau ý nghĩa nhất của trước và sau khi đọc sách, là bạn có cơ hội thay đổi hay khám phá một quan điểm mới – có phần gần gũi nhưng lại khác mình. Cụ thể hơn, vốn đứng trên phương diện của một người đã sống và quen thuộc với hình ảnh và văn hóa Việt Nam, nay bạn như thoát ra và dừng lại quan sát các hiện tượng sự việc trên phương diện của một con người đến từ nền văn hóa khác, môi trường sống khác nhưng phần nào hiểu và hòa nhập với đất nước mình. Hiểu, nhưng vẫn là cái nhìn từ bên ngoài, một quan điểm lạ. Nhờ vậy chúng ta có một hướng nhìn toàn diện hơn về những gì mà chúng ta đã quá quen và đang sống cùng.

Điều tuyệt vời nữa tác giả mang lại là giúp chúng ta hiểu được gốc rễ của từng vấn đề một cách cụ thể và có chiều sâu hơn, qua những phân tích và hiểu biết cho phép của mình. Điều đó góp phần giúp độc giả không chỉ nhận ra mấu chốt về những chủ đề được đề cập mà còn có cơ sở để đối chiếu với những nhận định của bản thân mình. Câu chuyện không được viết chỉ để bạn nhận thấy nội dung, mà còn để bạn hiểu và ngẫm nghĩ.

Joe phần nào thể hiện được bản thân là một con người thích quan sát, hay đặt câu hỏi, ưa tìm hiểu và mong muốn tìm được lời giải đáp thỏa đáng cho những sự việc anh nhận biết, dù tưởng chừng như bình thường đến hiển nhiên. Chính điều ấy đã mang lại cho chúng ta những câu chuyện tuy mang tính thư giãn giải trí nhưng vẫn có một giá trí suy ngẫm nhất định.

Và chính chúng ta sẽ có nhu cầu đặt ra những câu hỏi cho chính mình, về những gì mà chúng ta vốn dĩ tự tin là bản thân đủ sự trải nghiệm và hiểu biết:

Thế nào là văn hóa Việt? Quê hương? Tình cảm? Thế nào là một Việt Nam thực sự?


Trích Phần 1 – Chương 1:

… Tôi vẫn cho rằng nếu chỉ có hai lựa chọn “Hello” và “Xin chào” thì các anh chị làm nghề phục vụ nên chọn “Xin chào” để dùng với khách Tây. Trong mắt đa số thì “Xin chào” thắng “Hello” tuyệt đối. Nhưng không phải tiếng Việt chỉ mỗi sự lựa chọn ấy đâu. Tôi nghĩ tới nghĩ lui mới quyết định cách tốt nhất là cách quen thuộc nhất. Chào anh! Chào chị! (Chào cô, chào chú, chào bác!) Tại sao không? Thỉnh thoảng người Việt đánh giá hơi thấp về khả năng tiếp cận văn hóa của khách Tây – đến giờ vẫn có người ngạc nhiên khi thấy tôi dùng đũa.

Sự thật là du khách Tây ở bên này nhanh hiểu không khác gì du khách “ta” ở bên kia. Cách chào của tiếng Thái cũng phụ thuộc giới tính (của người nói) nhưng không vì thế mà nhân viên phục vụ ở đó ngại dùng với khách Tây. Họ tự tin. Họ công bằng, họ không lộ quốc tịch của khách qua nội dung lời chào. Tất nhiên hệ thống xưng hô của Việt Nam phức tạp hơn một chút, nhưng không đến nỗi là phải giấu nó dưới giường mỗi khi thấy khách Tây chạy tới.

Chào anh đi. Chào chị đi. Khách sẽ hiểu, còn nếu chưa thì đó là cơ hội dạy thêm về văn hóa Việt Nam – “You are my ‘chị’, it means ‘older sister’”. Đó là một Việt Nam tôi muốn du khách muốn thấy. Một Việt Nam tự tin. Một Việt Nam tự nhiên. Không phải một Việt Nam “generic” đạt tiêu chuẩn ISO 9002.

Cách chào là một trong những điều thiêng liêng nhất của một ngôn ngữ, là điểm khởi đầu và khép tại một cuộc trò chuyện.

Tôi xin kết thúc bài viết đanh đá này bằng một câu chuyện vui. Hồi mới sang Hà Nội, tôi thuê nhà trong một khu chung cư cũ. “Hello, Hello”, các cháu kêu mỗi khi thấy tôi xuống cầu thang. Đứa nào ngại bị bố mẹ giục: “Ông Tây kìa. Con Hê-lô đi”. Tôi cười mỉm, vẫy tay, bước ra khỏi cổng. Ngay cổng hay có một cháu trai khoảng bốn tuổi đạp xe đạp theo vòng số tám, mặt nó to, tóc nó ngắn tũn. Khi thấy tôi, nó liền nhìn lên và nói “Chào chú!” (Còn chưa thấy thì bố nó nhắc: “Con ơi, chào chú kìa!”) Tôi quý nó lắm! Quý nó vô cùng.Người Việt khá khiêm tốn, quý khách, nhiệt tình hòa nhập – nhưng hòa nhập đến mức thay lời chào của mình bằng lời chào của người ta “hé-lộ” một điều khó nói. Chào xong thì dùng tiếng nào cũng được; nhưng phải chào xong đã. Dĩ nhiên vấn đề này lớn hơn các anh chị làm nghề phục vụ. Vừa lớn hơn, vừa nhỏ hơn.

Nó là tương lai của Việt Nam.

***

Nguyễn Bảo Thư