« Ai về Hà Tĩnh thì về
Mặc lụa chợ Hạ, uống chè Hương Sơn »
(Ca dao)
« Mấy khi khách đến chơi nhà
Đốt than quạt nước pha trà người xơi.
Trà này quý lắm người ơi
Mỗi người một chén cho tôi vừa lòng »
(Quan họ Bắc Ninh)
Được sự đồng ý của tác giả, báo Đoàn Kết xin trích đăng lại vài thông tin, khảo cứu trong quyển sách « Văn minh Trà Việt » mà tác giả khiêm tốn gọi đó « chỉ như bản Phác thảo » trong lúc chờ được hoàn thiện thêm.
trích Lời tựa :
Thế giới từng tồn tại bốn nền văn hóa trà : trà Việt Nam, trà Trung Hoa, trà Nhật Bản và trà Hàn Quốc. Song thật đáng tiếc, Nền Văn Hóa Trà Việt dường như đang dần biến mất và trong tâm tưởng của mọi người… ngày nay, hầu như chỉ còn tồn tại Trà kinh Trung Hoa và Trà đạo Nhật Bản, tiếc thay ! Điều đáng tiếc ấy trước hết từ việc thiếu hụt tư liệu văn hóa viết chính thống, cùng sự ngộ nhận do hụt hẫng thông tin chuẩn xác về một nền văn mình Trà Việt lâu đời giàu bản sắc.
Hàng chục năm nay nghiền ngẫm về trà, văn hóa trà, thưởng ngoạn trà, lại thêm nỗi khao khát phục dựng lại một cách chân thực nhất Diện mạo Trà Việt thôi thúc tôi cầm bút trả món nợ cho tiền nhân… và hôm nay tôi quyết định khai bút viết về trà !…
Tuy nhiên, Văn minh Trà Việt là phạm trù mênh mông, vô vàn những nét tinh hoa, nên lần đầu ra mắt e rằng chưa đáp ứng được kỳ vọng của quý độc giả. Bởi vậy, xin phép quý vị được coi đây chỉ như bản Phác thảo và chờ mong sự chỉ giáo thêm của công luận.
trích Phần I : Minh triết cội nguồn Trà Việt :
Nhiều tư liệu khẳng định tộc Việt từng biết uống trà trước tộc Hán ít nhất cũng hàng nhiều trăm năm, thậm chí hàng thiên niên kỷ. Sách Kinh Lễ hay Lễ Ký của bậc thánh nhân, Đức Khổng Tử (551-479 TCN) san định không hề thấy nói đến trà ; Kinh Thi cũng do Ngài san định là một tác phẩm ghi chép lại các bài ca dao trong dân gian không hề có một chữ trà hay chữ đồ[1]. Lại nữa, chính Khổng Tử đã từng dạy học trò :
« Dân Bách Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn, không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước nấu bằng thứ lá cây lấy trong rừng gọi là trà. »[2].
Thế đấy ! Thú vị biết bao khi lời dạy của bậc hiền triết vĩ đại Trung Hoa lại hiển nhiên là bức thông điệp từ quá khứ xa xôi khẳng định một sự thật hiển nhiên : cho tới thời đại của Khổng Tử, người Hoa Hạ vẫn chưa biết uống trà !
Khi Tần Thủy Hoàng (259-210 TCN) sai Đồ Thư sang xâm lược chiếm đất của Văn Lang, lúc ấy mới lập ba quận : Nam Hải (hiện là Quảng Đông, Phúc Kiến), Quế Lâm (hiện là Quảng Tây, Hồ Nam và một phần Quý Châu), Tượng Quận (Vân Nam và một phần Quý Châu). Vua Hùng Vương cùng Thục Phán dẫn đầu tộc Nam Cương kiên cường sát cánh dân Lạc Việt chống Tần thắng lợi nhưng không lấy lại được đất vùng Lĩnh Nam đã mất và cương thổ Văn Lang mới bị co hẹp. Đến thế kỷ thứ ba trước Công nguyên khi Triệu Đà (257-137 TCN) phục quốc, tiêu diệt quốc gia Âu Lạc, tôn xưng Đế hiệu, lập nước Nam Việt thì vùng lãnh thổ của Lĩnh Nam lại được trở về ở vùng Trường Sa, Hồ Động Đình. Nước Nam Việt tồn tại 97 năm (208-111 TCN) thực chất thu phục lại cương thổ của nước Văn Lang cổ và là quốc gia của người Việt. Tuy sử liệu Trung Hoa đều chép Triệu Đà là người nước Tần, nhưng nhiều công trình nghiên cứu, tư liệu lịch sử, phả ký và di vật khảo cổ gần đây đã phơi bày góp phần khẳng định nguồn gốc Việt của ông.
Không phải ngẫu nhiên khi hay tin Tần Thủy Hoàng chết, Triệu Đà đã lập tức đóng cửa biên giới, giết bỏ tướng Tần, thiết lập nên triều đình Việt và dẫn dắt dân chúng Bách Việt : Âu Lạc Việt, Dương Việt, Tây Âu Việt tạo dựng quốc gia Nam Việt tự chủ, xưng đế ngang hàng nhà Hán.
Nhiều cứ liệu cho thấy vợ Triệu Đà là người Việt[3] và gia đình ông hoàn toàn sống theo tập tục Việt như chính các thư tịch Trung Quốc khẳng định : « … Đà theo tục của người Di phương Nam, búi tóc, ngồi xổm, ăn bằng miệng, uống bằng mũi… »[4].
Uống nước bằng mũi – tỵ ẩm là tập tục của người Việt cổ từng được ghi chép trong Hán thư : « Dân Lạc Việt bắt chước nhau uống bằng mũi »4 và tập tục này còn tồn tại tới ngày nay ở dân tộc Kháng (Sơn La, Lai Châu – Tây Bắc Việt Nam. Thật vô lý, một Triệu Vũ Đế cao ngạo từng hỏi Lục Giả : « Ta với Hoàng đế ai hơn ? »[5], trên ngôi cao chót vót, ý chí tạo nghiệp đế quật cường lại « học » theo tập tục người « man di » và càng không thể lý giải được vì sao ông phải giết hết tướng nhà Tần… khi chính ông cũng là người Tần như chép trong sử sách của Trung Hoa ? Tuy nhiên mọi việc đã được hóa giải một cách dễ dàng : Đơn giản vì ông là người Việt !
…
Từ góc độ cổ tích và truyền thuyết làm bằng chứng cho nguồn gốc xuất xứ về trà, hẳn nhiều người ngỡ ngàng khi biết rằng trà đã xuất hiện từ thời Hùng Vương cùng với bánh đất.
Dấu vết trà Việt ẩn hiện trong truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương, một mối tình lãng mạn từ thời cổ sử Việt. Diễn ra trong bối cảnh thời đại các vua Hùng (2879-257 TCN)[6] , câu chuyện tình buồn giữa chàng lái đò trẻ có giọng hát quyến rũ và tiếng sáo mê hoặc lòng người đã làm rung động trái tim nàng Mỵ Nương (Mỵ Nương là cách gọi con gái vua Hùng). Tiếc thay diện mạo xấu xí của Trương Chi làm nàng thất vọng khiến mối tình tan vỡ bất thành. Xao xuyến trước sắc đẹp chim sa cá lặn của Mỵ Nương, Trương Chi quá nặng lòng đành ôm mối sầu tương tư mà chết và hóa thân thành khối ngọc. Người thợ tạc đá đem khối ngọc đó tạc thành một chén uống chè mang dân cho vua Hùng. Truyền ngôn kể rằng mỗi khi nâng chén nước chè lung linh, Mỵ Nương lại thấy thấp thoáng bóng dáng con đò bơi qua bơi lại, cùng tiếng sáo Trương Chi du dương trầm bổng ngày nào bỗng lại ngân nga… Xót thương cho mối tình sầu thảm, Mỵ Nương ân hận ứa lệ, nước mắt nàng rỏ xuống hòa trong chén nước chè và chén chè bỗng vỡ tan như thể đã hóa giải được mối sầu tương tư của Trương Chi ! Không ai biết truyền thuyết này có tự bao giờ và tại sao lại là nàng Mỵ Nương từ thời mở nước Văn Lang của người Việt chứ không phải ai khác !
Nếu Trương Chi-Mỵ Nương là loại truyền thuyết phi vật thể, chúng ta lại có truyền thuyết khác mà vật chứng của chúng là những địa danh lưu lại từ thời đại Hùng Vương còn mãi với thời gian. Chuyện kể rằng vào đời Hùng Duệ Vương, một bà quý phi của vua Hùng đã về làng Văn Luông (nay là Văn Phú), vùng đất tổ Phú Thọ dạy dân trồng chè, trồng bông sinh sống. Để ghi nhớ công nghiệp khai sáng ấy của bà, vùng đất trồng chè, trồng bông năm xưa, dân cư tự về sinh sống và đã tạo dựng nên : xóm Bãi Chè, xóm Bông còn tồn tại mãi tới ngày nay.
…
Những giai thoại nhạo báng trà được chép trong sách Thế Thuyết tân ngữ dưới thời Tấn Khang Đế (322-344) lại là một chứng cớ sinh động cho thấy trà chưa lan tỏa và được chấp nhận rộng rãi ở Trung Hoa trước đời Đường. Chuyện kể rằng :
« … Nhiệm Thiện, danh sĩ phương Nam (vùng đất Bách Việt) vượt sông đến thành Thạch Đầu xướng họa thơ văn, luận đàm đạo lý với các sĩ phu phương Bắc đến khô cả cổ mà chẳng có gì uống. Với thói quen uống trà, ông buột miệng hỏi : chẳng có trà lá gì sao ? Nhóm sĩ phu phương Bắc cười ồ chế giễu và cũng từ đó người phương Bắc gọi người phương Nam (gốc Bách Việt) là loại người thô lậu vì cái thói khoái uống trà. »[7]
Thời Nam-Bắc triều (420-581), sử chép sự kiện khi vua Nam Tề chạy sang nước Ngụy, theo thói quen hàng ngày pha trà uống, lại bị Bành Thành Vương dè bỉu : « Khanh không thích vị bát trân của Vương hầu lại đi thích chén trà xanh. »7. Xuyên suốt các tư liệu xưa cho thấy, ít nhất cho tới giữa thiên niên kỷ thứ I, trà vẫn bị dè bỉu ở Trung Hoa, coi là thứ nước uống thấp kém, quái lạ của người phương Nam. Họ thường xuyên miệt thị thứ nước uống này !
…
Trong Trà Kinh, một tác phẩm kinh điển về trà, Lục Vũ từng khẳng định : « Trà giống cây quý của phương Nam vậy. »[8]. Ông còn viết : « Người đầu tiên phát hiện ra trà chính là Thần Nông ». Chớ trêu thay, Thần Nông lại chính là Thủy tổ của người Việt, chủ nhân nền văn minh lúa nước luôn đồng hành cùng trà. Dấu vết khẳng định Thần Nông là tổ tiên của người Việt nằm ngay trong tên gọi Shen Nung (Thần Nông), một cách gọi theo đúng cấu trúc tiếng Việt (bởi theo tiếng Hán phải là Nông Thần – Nung Shen mới chính xác).[9]
Triết lý và thuộc tính Trà Việt :
Cái lý thú và là bản sắc riêng của văn hóa Trà Việt chính ở chỗ : bên cạnh dòng Trà Dân gian lại có một dòng Trà Cung đình, ban đầu chỉ dành riêng cho Vua chúa và tầng lớp thượng lưu quyền quý, cành vàng lá ngọc nhưng sau đã lan tỏa ra toàn xã hội. Âu đó cũng chính là nét đặc trưng rất riêng của văn hóa Trà Việt. Tuy nhiên phải chờ đến nửa sau của thế kỷ 18, dòng Trà Cung đình Việt mới được chỉ mặt, đặt tên, hàm chứa một triết lý uyên thâm mà các dòng văn hóa trà khác không khỏi ghen tỵ.
Từ thế kỷ XVIII trở về sau, dòng Trà Cung đình Việt thanh cao và triết lý Trà Nô do Chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm (1767-1782) khởi xướng. Một triết lý bình dị mà cao siêu, vừa giản đơn lại rất mực uyên thâm. Nó đánh dấu son và tạo dựng nét xuất thần độc đáo, đậm bản sắc riêng của dòng Trà Cung đình Việt nói riêng và nền văn minh Trà Việt nói chung. Ở ngôi vị chí tôn, trên tất thảy muôn người, Nhà Chúa phát hiện ra một « chân lý », nghe qua thật mộc mạc : Muốn thưởng thức được vị ngon của trà – hãy làm Nô bộc cho Trà ! Và triết lý Trà Nô đã ra đời.
…
Thế kỷ 19, trà Việt được trà sĩ sành sỏi Cao Bá Quát (1809-1855), tên tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, bổ sung thêm Triết lý-Trà Mộc. Tài thơ của ông nổi danh khắp nơi, được giới sĩ phu đương thời tôn vinh là Thánh Quát. Ông còn lưu dấu vào di sản Trà ca của thần trà Lưu Đồng Trung Hoa năm xưa. Cao Chu Thần tôn vinh cách thưởng thức trà với vị hương mộc mạc nguyên vẹn không ướp hoa mới thưởng thức hết cái vị đích thực của trà :
Uống chè có ướp hoa
Biến mất hương chè rồi
Sáng sớm múc nước giếng
Lửa nhóm nắm than rời
Không khói, cũng không bụi
Rửa tay khề khà ngồi…
Bài Tiểu kê uống trà của Thánh Quát ẩn chứa một triết lý riêng về kiểu thức ẩm trà mộc không hương và cũng là một trong những chính kiến ít ỏi mang tính hàn lâm cao siêu, uyên bác còn lại trong Trà kinh Việt.
Trà càng lan tỏa sâu rộng vào nếp sống Việt và dong Trà Cung đình Việt vốn chỉ ở chốn cung vàng điện ngọc đã dần được bình dân hóa vượt ra khỏi mọi nghi thức khuôn phép, len lỏi khắp chốn cùng nơi. Trà được khẳng định như một thuộc tính của phái mạnh :
Một trà một rượu một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta…
(Trần Tế Xương)
Và là mốt thời thượng của đấng nam nhi đương thời :
Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà Mạn Hảo ngâm Nôm Thúy Kiều
…
Trà Dân gian được pha chế đủ kiểu cách : hãm nước sôi; đun trà rồi ủ, ủ trà bằng ấm đất, v.v. tùy ý, miễn sao cho tiện, song luôn có bí quyết cho nghệ thuật pha chế giữ cho nước chè được trong xanh và hương vị tươi mát. Ở đây cũng không cần tới từ ngữ quá chuyên môn « trà cụ » mà chỉ cần ngôn từ bình dân, đơn giản là vật dụng pha trà mới mô tả đúng ý nghĩa, bởi người ta có thể dùng bất cứ cái gì có thể để pha trà. Ấm đất, bình tích, siêu, ca, nồi đồng, đôi lúc cả những gamen hay vật dụng gì sãn có. Thường thì Trà Dân gian không quá câu nện về « trà cụ », song theo thói quen truyền thống từ ngàn đời, những chiếc ấm đất, gốm vẫn là dụng cụ hãm ủ chè thuần Việt nhất và bát chiết yếu dân dã dùng để uống mới đã cơn khát và mới tận hưởng hết cái hương vị, cảm nhận được cái Thần của nước chè tươi.
Tính cộng đồng cao là thuộc tính quý giá trong văn hóa Trà Dân gian Việt. Uống nước chè không còn mang ý nghĩa giải khát đơn thuần mà vượt lên trở thành yếu tố để gắn kết mọi người trong sinh hoạt, họp mặt cộng đồng. Trà Dân gian như một chất xúc tác gắn kết cộng đồng, góp phần làm thăng hoa văn hóa làng xã của cư dân nông nghiệp lúc nước. Sẽ tẻ nhạt và trống vắng biết bao nếu vắng bóng nước chè tươi trong những buổi hội hè, giao lưu vừa để trao đổi kinh nghiệm đời sống sản xuất, vừa là thời gian thư giãn sau những ngày tháng lao động mệt nhọc. Tập tục này còn được lưu giữ bảo tồn tới ngày nay ở hầu khắp các làng, thôn Việt. Điển hình là : Hội chè tươi vùng Vĩnh Phúc. Sân Đình là nơi tụ họp của cả làng và không lúc nào thiếu được nồi nước chè tươi. Cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở các cổng phố Thăng Long, người ta vẫn còn để các cóng chè tươi hoặc lu nước mưa phục vụ miễn phí khách bộ hành. Ứng xử văn minh đầy chất nhân văn này đã được Henri Oger (Pháp) ghi lại trong tập ký họa nổi tiếng với hơn 4000 hình ảnh sinh hoạt của người Việt dưới cái tên Kỹ thuật của người An Nam.
Hình ảnh văn hóa Trà Dân gian hiển hiện rõ nét ở các quán nước làng dưới những gốc đa, gốc gạo cổ thụ và trở thành hình ảnh biểu tượng của làng xóm Việt. Nồi đất ủ chè tươi với dăm chiếc bát sành úp trên chõng tre sẵn sàng phục vụ khách. Nét văn hóa uống chè tươi bằng bát là dấu ấn quý báu còn lưu lại từ thuở sơ khai, từ nền văn hóa trà cổ xưa của người Việt cổ từ hàng ngàn năm trước.
…
Trân trọng và sùng bái trà là thuộc tính khác của văn hóa Trà Việt, chính vì lẽ ấy mà nước chè trở thành một trong những vật linh thiêng không thể thiếu dâng lên bàn thờ gia tiên ngày tết. Ngày giỗ, ngày cúng cơm dâng ông bà đều có lệ dâng trà. Nguồn gốc xa xưa của những tập tục này xuất phát từ quan niệm Trà là thủy tổ của vạn vật, lá trà là vật linh thiêng hóa sinh.
Trịnh Quang Dũng
[1] Trà Thư, Đức Chính, http://khanhhoathuynga.wordpress.com
[2] Hành trình tìm về cội nguồn, Hà Văn Thùy, NXB Văn học, 2008
[3] Theo Nguyễn Tộc Từ đường Phả lục Chính bản (Từ đường họ Nguyễn thôn Vân Nội xã Quang Lâm, huyện Thanh Oai, Hà Nội) : Triệu Đà húy Thận là con của Hùng Duệ Vương và bà Trần Quý Thị. Khi Thục Phán đánh bại vua Hùng lên ngôi An Dương Vương, ông lưu lạc sang Bắc quốc, làm con nuôi Triệu Cao nhà Tân nên cải họ tên thành Triệu Đà. Sau gặp thời cơ, ông khởi binh về phục quốc diệt nhà Thục lập quốc gia Nam Việt tự chủ.
[4] Thủy kinh chú sớ, Lịch Đạo Nguyên, NXB Thuận Hóa, 2000.
[5] Đại Việt sử ký Tiền biên, Viện nghiên cứu Hán-Nôm, 2011
[6] Đại Việt sử ký toàn thư – NCQB năm Chính hòa 18 (1697), NXB Khoa học Xã hội, 1993
[7] Trà Văn hóa đặc sắc Trung Hoa, Đông A Sáng, NXB Văn hóa Thông tin, 2004.
[8] Đại Việt sử ký toàn thư bản kỷ Tục biên, NXB Khoa học Xã hội, 1991.
[9] Trà Kinh, Vũ Thế Ngọc, NXB Văn nghệ, 2006.