Lời ngỏ:
Gửi đến độc giả của Đoàn Kết,
Khi anh, chị mở số báo này ra, thì một năm có lẻ đã trôi qua từ ngày mất của ba nhân sĩ thuộc phong trào Việt kiều tại Pháp là: họa sĩ Lê Bá Đảng, nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Trần Văn Khê, và nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo. Hầu như những thành viên đi trước của phong trào Việt kiều tại Pháp đều biết đến ba người nghệ sĩ, nhân sĩ này. Có những người từng quen biết họ nhiều, hay ít, hay chỉ nghe tên trên báo, đài. Lại có những người ở nhiều thế hệ, đặc biệt thế hệ mới, đã có dịp làm việc chung với họ, hiểu họ phần nào và vẫn còn nguyên nỗi tiếc thương khôn nguôi về sự ra đi ấy. Năm 2015 là một năm mất mát đầy nỗi buồn khi cả ba người họ đều lần lượt ra đi, để lại những chỗ trống không ai hiện thay thế được. Và số Đoàn Kết này, kỷ niệm một năm ngày mất của họ, xin được dành những trang báo trân trọng và tình cảm nhất cho ba nhân sĩ này.
Khi anh, chị mở số báo này ra, đồng nghĩa với đang mở một không gian khác – Đó là không gian của Lê Bá Đảng với những mảng màu huyền ảo như gợi lại những giấc mơ xưa, những mơ ước nhuộm màu nắng, gió, đồng xanh, cò trắng, màu đất ấm áp, mà cũng xen lẫn những mảng tối của nỗi nhớ, màu xông pha dặm đường tha hương, màu huyền cầm tịch liêu của cô nương ôm đàn dưới mảnh trăng mỏng mảnh, những vệt màu thâm trầm thoáng qua giữa các sắc thái tươi tắn như một nỗi mơ hồ chợt thoáng qua, hay đang được giấu đi giữa những khối lập thể lạc quan.
Đó là không gian của Trần Văn Khê với những câu chuyện về ngũ âm của điệu Nam, điệu Bắc, của « xự cống xê xang hò », của những bài lý, hò, vè đậm tình dân gian, lúng liếng đôi mắt liền chị, liền anh, nhịp phách tiếng đục tiếng trong, tiếng cao tiếng thấp.
Và còn nữa, không gian của Nguyễn Thiện Đạo với những bản giao hưởng đầy kỹ thuật khó, đầy những quãng thật cao rồi thật thấp mà nếu từ bản tổng phổ vẽ ra thì hẳn ta sẽ có những bức tranh thủy mặc trùng trùng núi rồi lại mênh mang những dòng nước uốn lượn li kỳ, đó là những bản phối « âm nhạc vị âm nhạc » khi tất cả những dụng cụ phụ trợ cho dàn nhạc, tiếng nói, tiếng hát đều trở thành một dạng nhạc khí quyện hòa vào nhau, lúc mạnh bạo rú rít như mưa bão lúc thì ngân nga như tiếng hạc, tiếng chuông, lúc thì xì xầm thì thầm lúc lại nhanh sầm sập như cơn lốc ào đến đánh sập tất cả, và rồi đột ngột, tất cả nhạc khí thinh lặng làm nền cho một câu ngâm thơ hay thậm chí là cho một sự im lặng, tưởng như một giọt nước mắt đang lặng lẽ rơi hay một khóe môi đang mỉm cười… kết thúc giấc mộng nhân gian.
Tận cùng của những mảng màu và âm nhạc đầy choáng ngợp ấy là sự tĩnh lặng của một ánh nhìn đau đáu về quê hương.
Họ, như bao người xa xứ, luôn tìm con đường sống và phát triển của mình, trong lĩnh vực nghệ thuật lại càng vời vợi mông lung. Với cọ, với đàn, với âm ngũ cung, thời khắc họ tạo ra được không gian mang tâm thức Việt, thời khắc đó, họ được trở về với chính mình để tỏa sáng. Và hôm nay, sau một chặng đường dài, họ đã thực sự về nhà, và để lại những tác phẩm tỏa sáng mãi với dấu ấn mang tên Việt ở tầm quốc tế.
.
« Bóng tối và ánh sáng đan xen, tồn tại và hư ảo », thế giới của những cảm hứng, của những giấc mơ, với những nhạc cụ dân tộc bay bổng siêu thực – là điều mà người thiết kế bìa Đoàn Kết số này đã cảm nhận và cố gắng chuyển tải điểm chung đó giữa họ Lê Bá Đảng- Trần Văn Khê- Nguyễn Thiện Đạo. Trong Đoàn Kết số này, chúng tôi không thể và cũng không dám có tham vọng tái hiện lại cuộc đời họ, điều đó vốn cần những nghiên cứu và sách dành riêng cho mục đích này. Chúng tôi chỉ mong muốn một điều hơn hết là…
… Khi các anh, chị mở số báo này ra, hãy dành đến ba nhân sĩ này những nén hương tâm hồn cùng những tự hào về họ, và khi đóng quyển báo lại, hãy dành cho chính mình những điều đẹp đẽ nhất để sống ý nghĩa, để sống hạnh phúc, tràn đầy cảm hứng, để không bị sống mòn, để không bị hạn chế bởi dòng thời gian vẫn đang vô tình lướt qua. Để mỗi chúng ta tìm được khoảnh khắc về với chính mình và tỏa sáng!
Trong số báo này có các bài viết:
Các cột mốc thời gian / Repères chronologiques: Lê Bá Đảng, Trần Văn Khê, Nguyễn Thiện Đạo
Những sứ giả Lạc Hồng – Nguyễn Quý Đạo
Góc trà thưởng ngoạn cùng nữ sưu tập văn hóa Loan de Fontbrune
Những lối về trong tranh Lê Bá Đảng – Nguyễn Quý Trâm Ngọc
Giáo sư Trần Văn Khê dành trọn tấm lòng cho văn hóa âm nhạc cổ truyền Việt Nam – Trần Quang Hải
Đờn tranh – Trần Văn Khê
Thông điệp cuộc sống – Nguyễn Vũ Như Quỳnh
Trần Văn Khê, mon oncle… – Hồ Thủy Tiên
Tran Van Khe en zone de résistance en 1945 – Hồ Thủy Tiên
Hommage au compositeur Nguyen Thien Dao – Isabelle Massé, nhà nghiên cứu âm nhạc đương đại Pháp
Cảm nhận về nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo – Cao Phương Khanh
Những giai điệu lướt trong mây – Hồ T.V
Thơ: Tiễn đưa nhạc sĩ – Hồng Loan
Đối thoại cùng François Triệu, tác giả triển lãm « Người Việt Nam tại Pháp thời kỳ những năm 20 đến những năm 50 » – Thu Thủy
Entretien avec François Triệu
Cùng những hình ảnh đặc biệt của Lê Bá Đảng, Trần Văn Khê và Nguyễn Thiện Đạo dành riêng cho Đoàn Kết
Mua báo tại :
– HỘI QUÁN: 16 rue du Petit Musc 75004 Paris (ngày trong tuần, giờ hành chính)
– THANH BÌNH JEUNE, 20 Avenue de Verdun, 94200 Ivry-sur-Seine
– REVEIL MATIN, 135 rue de Menilmontant 75020 Paris
***
Đặt thuê bao qua email:
communication.culture@ugvf.org
hoặc contact@ugvf.org