Ớ Pháp hàng năm trong tháng Mười một, mọi người đều được nghỉ hôm 01-11 (là Lễ Công giáo Toussaint) và ngày 11-11 (kỷ niệm ký kết chấm dứt thế chiến 1914-1918).
Riêng tôi vào dịp này tôi còn thương nhớ người chị quý mến bị bệnh ung thư chấm dứt cuộc đời, đã hơn mười năm nay. Năm ấy chị tôi đang tươi cười chuẩn bị nghỉ việc để về hưởng hưu trí với gia đình êm ấm, sau suốt một cuộc đời làm việc dược sĩ đầy hy sinh. Cuộc đời sao nhiều bất công quá. Trong dịp Lễ Toussaint ở Pháp các gia đình tổ chức đi thăm mộ, có khi ở xa, hàng năm tôi đi thăm nhiều nghĩa trang ở vùng Paris, vùng Lyon, vùng Ardèche… Trong thời gian Toussaint các nghĩa trang rất đẹp, các mộ được lau chùi sạch sẽ, có nhiều bình hoa và đóa hoa đẹp, đặc biệt hoa chrysanthème, rất đẹp và nhiều màu sắc (ở nước phương đông chúng ta chỉ một màu trắng là tiêu biểu cho đám ma).
Ngoài các mộ gia đình, ở Lyon chúng ta còn có ngôi mộ tập thể của Hội Người Việt vùng Rhone tại nghía trang Loyasse, Lyon quận 5, gần nhà thờ Fourvière. Thành phố Lyon có hai con sông Rhône Saône, và hai ngọn đồi, Fourvière là ngọn đồi để đọc kinh (la colline qui prie), Croix Rousse là ngọn đồi lao động (la colline qui travaille), và nghĩa trang Loyasse là một nghĩa trang ‘lịch sử’ ở Lyon, như nghĩa trang Père Lachaise ở Paris.
Tôi còn nhớ vào những năm 1980, anh Lâm thành Mỹ (Tổng thư ký của Hội UGVR) đề nghị chúng ta ‘mua’ một mộ tập thể (nhiều chỗ) ở nghĩa trang Loyasse ! Anh Mỹ có được biết lúc đó ở Marseille có một khu mộ cho Việt kiều. Trong ban chấp hành chúng tôi bàn cãi, lúc đó hội viên đông (khoảng 300 hội viên đóng niên liễm hàng năm !), Hội mới thành công đóng góp mua được hội quán đường Sainte Geneviève năm 1977. Tôi cảm động nghe một số bác nói rằng họ sống một mình, hay gia đình không có con cháu, chắc sẽ lìa đời trên xứ Pháp. Chính các bác này đã đưa sáng kiến đóng góp mỗi người 5000F (tương đương với 900€) để ‘giữ chỗ an nghỉ ‘ ở đây. Và Hội đã thành công ‘mua’ được cái ngôi mộ tập thể ở nghĩa trang Loyasse ! Lịch sử có nhiều thay đổi, hòa bình đến với chúng ta năm 1975, có nhiều người về thăm gia đình và quê hương sau 1985! tôi còn nhớ tên các bác có đóng góp cho cái mộ này, nay may mắn nằm nghỉ an lạc ở Việt Nam bên cạnh gia đình nơi quê mình. Chúng ta mong cái mộ tập thể này ở Lyon sẽ tồn tại ‘ sống mãi’ trong cộng đồng chúng ta.
Cũng trong dịp Lễ Toussaint tôi có dịp thấy ở nghĩa trang Saint Genis Laval, một thị xã cạnh Lyon một tượng đài để tưởng niệm những người chiến binh Pháp chết trong thế chiến 1914-1918. Lịch sử tàn bạo, chỉ trong 4 năm mà mấy triệu người bị chết ở Pháp, riêng ở trận Verdun có 300 000 người bỏ mạng. Các bạn có đi thăm nước Pháp, ở mỗi làng, tuy nhỏ nhưng cũng có tượng đâì tưởng niêm với tên khắc trên đá. Ở tượng đài ở Saint Genis Laval có ghi là có 911 binh sĩ được chôn ở đây. Tôi rất ngạc nhiên với con số tử vong này, chứ vào những năm 1918 Saint Genis Laval chỉ là một làng nhỏ (chừng 1000 dân). Sau khi trao đổi với anh Pham Joel, chuyên viên nghiên cứu về thế hệ ‘công binh’ ( Main d’ Oeuvre Indochinoise, 1939), chúng tôi suy nghĩ rằng vào những năm 14-18 các nhà thương ở Lyon hoàn toàn bị ‘kẹt kín’, nên chắc phải biến một số trường học thành ‘ nhà thương’ cho thương binh. Vì vây ở nghĩa trang Saint Genis laval mới có con số ‘khủng khiếp ‘, 911 binh sĩ tử vong ! Ngày hôm nay ở thị xã Pierre Bénite, sát cạnh Saint Genis Laval, là nhà thương Lyon Sud, lớn nhất trong vùng.
Trên tượng đài này có ghi khoảng 300 tên. Trong đó có 10 người mang tên việt ! Bao nhiêu người chết mà không biết tên. Tôi xin phép chép tên các bác đã bỏ mình tại đây (viết theo chữ pháp) : vu van sinh-vo phi san-tran hly -pham van niem- pham van bon-nguyen van vuang-ng van may-n’guyen thong-n’guyen klack le–dang ta.
Lịch sử các bác ‘công binh’ (thế chiến 1939-1945) đã được biết khá rõ (xem site của anh Joel Pham : http://www.travailleurs-indochinois.fr), nhưng thế hệ trong thế chiến 1914-1918 ít được biết đến. Chúng ta được biết nước Pháp đã mang từ Việt Nam 80 000 -90 000 người sang đánh nhau ở Âu Châu (20 000 người năm 1939). Chúng ta không rõ bao nhiêu người đã bỏ mình trên các chiến trường, bao nhiêu người trở thành thương phế binh tàn tật ? Chúng ta cúng được biết sau 1918, những người sống sót bị đưa về xứ Đông Dương…Tôi được nghe bà LÊ van Ho Mỉreille, nghiên cứu viên Pháp, kể trong bài trình bày nhân dịp hội thảo ở Villeurbanne năm 2014 ‘ Năm Pháp-Việt’.
Tháng 11 năm 2016, tình hình trên thế giới khủng hoảng, tình hình trên đất Pháp vô cùng căng thẳng : chiến tranh Irak, Syrie, Yêmen, Lybie, Soudan…Etat Íslamique ‘ phát xít Hồi ‘ mang chiến tranh ngay trên đất Pháp, giết hại cả trăm người vô tội, kể cả người Á rập hay Hồi giáo. Cũng phong trào phát xít Hồi này dã đưa đến hơn triệu người phải di tản hay chọn làm thuyền nhân. Trong nhũng ngày tháng hôm nay tôi nhớ lại các hình ảnh của các thuyền nhân người Việt chúng ta sau 1975. Năm 1989, trong chuyến đi thăm Việt Nam lần đầu, tôi có đi thăm Vũng Tàu. Tôi còn nhớ hôm đó tôi rất cảm động khi đi thăm cái chùa được xây vào những năm 1964 (sau đảo chính lật đổ ông Ngô đình Diệm) : Có lẽ là cái chùa lớn đầu tiên Việt Nam được xây trông ra biển, và trên sân chùa có một tượng lớn Phật Bà Quan Âm …
Năm nay 2016, sau khi Anh Quốc rút khỏi UE, Trump trúng cử tổng thống ở Mỹ, các đảng chính trị ‘cực đoan ‘ ‘chống dân ngoại quốc’ bành trướng khắp UE… Tôi cầu mong Etat Islamique sớm bị tiêu diệt ở Irak, Syrie…và các phong trào phát xít Hồi, sunnite cũng như chiite, sẽ bị lên án chống đối khắp nơi trên thế giới, ngay bởi các dân tộc theo đạo Hồi.
Vũ Hồng Nam (Lyon)
11-2016
Ảnh:
Mộ UGVR ở nghĩa trang Loyasse (Lyon (5è) – Tượng đài chiến tranh 14-18 ở Saint Genis Laval