Bài đóng góp của Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn trong Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới (10 – 14/11/2016, Thành phố Hồ Chí Minh).
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn:
– Nguyên Giám đốc Trường Cao đẳng Điện học và Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Sài Gòn (nay là Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh).
– Cố vấn Kinh tế, Dự báo, Chiến lược EDF Paris.
– Giáo sư Viện Kinh tế Chính sách Năng lượng Grenoble.
– Giáo sư Trường Đại học Bách khoa Grenoble.
– Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Grenoble – Isère.
- Giới thiệu
Kính chào quý vị,
Tôi rất lấy làm tiếc vì lí do gia đình mà tôi không thể có mặt cùng quý vị tại Hội nghị ngày hôm nay. Cho phép tôi gửi đến Hội nghị một chút đóng góp của tôi.
Sống tại Grenoble, cách thành phố Hồ Chí Minh 10 000 km, và đưa ra những quan sát hay khuyến nghị thì có vẻ hơi phiêu lưu. Thật sự, tôi muốn gửi đến quý vị những suy nghĩ mà tôi thường xuyên trăn trở.
Bài tham luận của tôi bao gồm 10 phần.
Để khởi đầu, tôi sẽ cùng quý vị lướt xem lại nền kinh tế thế giới để không bị bất ngờ trước sự biến chuyển của nó, để biết được những nguyên nhân của những cản trở trong đổi mới hay để thấy tại sao quá trình toàn cầu hóa bị chậm lại.
Trong lĩnh vực kinh tế, có một sự lạm phát về từ ngữ thời thượng : kinh tế tích cực (với chỉ số tích cực nổi tiếng của Jacques Attali), xoay vòng, chuẩn, thực tế, số, xanh, bền vững, trách nhiệm, hợp tác, xã hội và tương trợ…
Tôi chỉ trình bày tóm tắt ở đây nền kinh tế xoay vòng. Những chủ đề về phát triển bền vững cũng sẽ được lần lượt xem xét, như giáo dục, nghiên cứu, đổi mới, biến đổi khí hậu, thành phố thông minh, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả năng lượng, lưới điện thông minh (smartgrid).
Để khỏi mất thì giờ của quý vị, trong số những chủ đề này, nhiều phần sẽ không được trình bày chi tiết hôm nay, vì đã được công bố trên blog của tôi nguyenkhacnhan.blogspot.fr (trong đó dành phần lớn cho việc phản đối điện hạt nhân), dưới dạng bài báo hay phỏng vấn (với RFI, BBC, RFA). Tôi rất hân hạnh mời quý vị xem qua và cho tôi lời phê bình.
Trong phần kết luận, cho phép tôi đưa ra một số kiến nghị cụ thể và có tính xây dựng đối với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
- Kinh tế thế giới
Cuộc sụp đổ năm 1987, khủng hoảng ở châu Á năm 1997, khủng hoảng kinh tế năm 2008, bong bóng bất động sản, bong bóng trái phiếu… Thế giới đã trải qua các cuộc khủng hoảng liên tiếp nhau. Đây có phải là sự khủng hoảng triền miên của chủ nghĩa tư bản hay là một sự chuyển đổi lớn của nền kinh tế toàn cầu hóa ?
Nguồn cầu không đủ khiến cho đầu tư khó đạt lợi nhuận hơn, và do đó, cần đưa vào các công nghệ mới. Cầu yếu do thu nhập không tăng và vay tiền cho tiêu dùng gia đình giảm xuống. Chính sách tiền tệ không còn hiệu quả trong việc kích thích nền kinh tế. Theo Paul Gordon, tốc độ tăng trưởng kinh tế và năng suất giảm là do trục trặc trong tiến bộ về kĩ thuật. Cuộc cách mạng Internet mang lại hiệu quả ít hơn so với cuộc cách mạng về điện hay cơ khí ở các thế kỉ trước. Điều này được thể hiện thông qua số liệu thống kê về hiệu quả của đổi mới, trong khoa học về sự sống cũng như công nghệ thông tin. Sự gia tăng nhanh chóng về chi phí cho việc phát triển một linh kiện điện tử mới hay một loại thuốc mới khiến cho lợi nhuận thu được càng trở nên khó dự đoán, và làm giảm ảnh hưởng của nghiên cứu và phát triển đến tăng hiệu suất.
Các trở ngại cho tăng trưởng thì có nhiều, đặc biệt là tại các nước phương Tây (nợ công, dân số, giáo dục, bất bình đẳng). Các cuộc khủng hoảng mà ta đã chứng kiến thể hiện rõ các bất cập này. Giám đốc FMI, Christine Lagarde, dự đoán tăng trưởng thế giới năm 2016 là đáng thất vọng và không đồng đều. Ngân hàng thế giới cũng nhận xét tương tự. Tăng trưởng năm 2016 được dự báo là +2.9%, tức giảm 0.4% so với tháng 6/2015, và tăng nhẹ trở lại vào các năm 2017-2018 (+3.1%). Tỉ lệ tăng trưởng của các nước đang phát triển, động lực của nền kinh tế thế giới trong những năm 2000, đã suy giảm từ 5 năm nay. Trong số hơn một nửa các nước đang phát triển, tăng trưởng PIB năm 2015 đều giảm. Cùng với sự đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc là sự chậm lại đồng thời của 4 trong 5 nước BRICS (Brésil, Russie, Inde, Chine và Afrique du Sud), điều này làm bức tranh kinh tế thế giới năm 2015 kém khởi sắc. Tình trạng này chưa từng xảy ra kể từ những năm 1980. Trong bối cảnh đó, tình hình năm 2016 không cải thiện gì nhiều. Nga và Braxin vẫn còn trong suy thoái. Trung Quốc tiếp tục chậm lại. Các yếu tố làm giảm tăng trưởng của các nền kinh tế ở các nước mới nổi vẫn chưa mất đi (chuyển đổi của kinh tế Trung Quốc, giá nguyên liệu thấp). Các rủi ro về tài chính, kinh tế, xã hội và địa chính trị lại tăng lên. Lần đầu tiên kể từ năm 2009, thương mại thế giới giảm sút do ảnh hưởng của nhu cầu giảm, liên quan đến suy thoái ở Braxin và Nga, sự đi xuống của Trung Quốc, và sự phá giá đồng tiền ở nhiều nơi.
Thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt là rất lớn. Hằng năm, Trung Quốc phải đầu tư khoảng 600 tỉ đô la cho việc làm sạch, bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, giao thông bền vững.
Châu Âu không phải là không thể đảo chiều. Brexit là một sự tự sát đối với Anh. Cuộc khủng hoảng này thể hiện một xu hướng sâu sắc hơn. Theo Jacques Attali : « Khắp nơi trên thế giới, chúng ta đang dần dần co cụm lại về chủ nghĩa quốc gia. Một cuộc khủng hoảng mới của đồng euro là không thể tránh khỏi. Chúng ta chưa triển khai thỏa thuận ngân sách về giảm chi tiêu và toàn bộ thỏa thuận về ngân hàng. Nguy cơ chiến tranh thế giới thứ 3 vào năm 2025-2030 vẫn còn, bởi tất cả đều có vẻ diễn ra theo chiều hướng đó. »
Toàn cầu hóa về kinh tế thị trường, mà hiện nay đang chậm lại, đã đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo, nhưng nó cũng đã tàn phá tài nguyên thiên nhiên và con người. Nó đã làm giảm chất lượng sống của hàng triệu người ở phương Tây. Từ đó mà phong trào bất bình ngày càng lớn.
Robert J. Gordon, lí thuyết gia về trì trệ, cho rằng thời điểm vàng của tăng trưởng mạnh đã qua. Hiệu suất toàn cầu suy giảm, dù có những đổi mới về công nghệ. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là : sự già hóa dân số, thiếu đầu tư kéo dài và bất bình đẳng tăng.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 vừa rồi ở Hàng Châu (TQ), FMI và OCDE đã kêu gọi khẩn cấp thực hiện các chính sách kinh tế đa dạng để tái thúc đẩy nền kinh tế thế giới. Họ nhấn mạnh đến vai trò của chính sách tài khóa, nhất là đầu tư công, để hỗ trợ chính sách tiền tệ vốn đã bộc lộ những giới hạn. Cải tổ về kiến trúc tài chính quốc tế cần phải được tiếp tục để quản lý tốt hơn tính không ổn định của dòng vốn, mà các nước đang phát triển là những nạn nhân đầu tiên. Lãi suất âm khiến cho một số nhà đầu tư mất cảnh giác đến các mục tiêu bỏ vốn.
Philippe Aghion, Giáo sư tại Collège de France, cho rằng cần phải đấu tranh chống lại các ổ đói nghèo, tránh các hiện tượng loại trừ về phía cao lẫn phía thấp. Ông theo trường phái « phá hủy sáng tạo » (destruction créatrice) nổi tiếng, theo cách gọi của nhà kinh tế người Áo Joseph Schumpeter. Cơ chế khắt khe này nói rằng các ngành công nghiệp cũ sẽ tàn lụi và bị thay thế bởi các ngành công nghiệp mới dựa vào tiến bộ kĩ thuật. Chìa khóa của tăng trưởng và dịch chuyển xã hội là đổi mới. Theo giáo sư này, đổi mới là một quá trình xã hội. Nó là kết quả của các quyết định đầu tư của các chủ doanh nghiệp. Tăng trưởng nhờ đổi mới yêu cầu sự cạnh tranh và chấm dứt các hoạt động không có lãi. Ý chí tự do của con người muốn rằng sự tiến bộ sẽ tiếp diễn. Sẽ còn có những đổi mới mà chúng ta chưa có thể hình dung ngày hôm nay. Sự gia tăng bất bình đẳng không phải là vấn đề kinh tế mà là vấn đề chính trị.
Philippe Aghion muốn chỉ ra mối gắn kết giữa chính sách kinh tế và tiến bộ công nghệ: thế hệ trẻ chính là nguồn « phá hủy sáng tạo » ! Để đổi mới thì một đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh cần giải phóng thị trường vốn cũng như thị trường lao động, và hỗ trợ mạnh mẽ nghiên cứu và giáo dục đại học. Dù khó đo đếm hay định lượng bởi các bằng sáng chế, đổi mới về xã hội và con người cũng cần sự quan tâm không kém gì so với công nghệ mới.
Nền kinh tế hàng hóa dựa trên những kim chỉ nam không hoàn thiện và thậm chí là phiến diện. Một quốc gia có thể đạt chỉ số PIB cao nhưng đồng thời cũng phung phí tài nguyên thiên nhiên hay hủy hoại các loài động vật và môi trường (trường hợp của Trung Quốc). Tự bản thân nền kinh tế hàng hóa không phải là mục đích cuối cùng. Nó nằm trong phạm vi các hoạt động của con người, và trong một phạm vi lớn hơn nữa là sinh quyển (René Passet). Những thử nghiệm đang được thực hiện với nền kinh tế xã hội và tương trợ. Năm 1990, Liên hiệp quốc, theo sáng kiến của Amartya Sen, đã đề xuất tiêu chí về phát triển con người (IDH), trong đó bao hàm tuổi thọ, tình trạng sức khỏe của dân chúng, tỉ lệ đến trường… và đặt ra câu hỏi đối với việc sử dụng một cách độc tôn chỉ số PIB.
Khái niệm « ảnh hưởng ngoại lai » (externalité) đưa đến sự quan tâm thật sự đến môi trường, đánh giá giá trị sử dụng của tài nguyên thiên nhiên hay chi phí tổng cộng của quá trình sản xuất (chi phí về tài chính và cả xã hội và môi trường), và từ đó là giá trị của nó đối với xã hội. Các chính sách và đổi mới phải dựa trên mục tiêu về con người và sinh thái.
Việt Nam nên mạnh dạn từ bỏ dần dần mô hình kinh tế hủy hoại môi trường. Sự chuyển hóa của chủ nghĩa tư bản làm đảo lộn cuộc sống xã hội. Thị trường tài chính không đủ khả năng đưa ra kim chỉ nam để định hướng cho tương lai. Ta cố gắng giải quyết những vấn đề bất định này bằng cách khuyến khích phát triển bền vững. Liệu cần phải xác định định hướng chiến lược ? Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là những người sẽ xây dựng tầm nhìn cho tương lai, trên cơ sở tính đến những thách thức tổng hợp, lợi ích lâu dài và sự đồng thuận của người dân.
III. Nền kinh tế xoay vòng (Economie circulaire)
« Nền kinh tế xoay vòng là một nguyên tắc tổ chức kinh tế nhằm hướng đến giảm bớt một cách triệt để nguyên liệu và năng lượng được dùng cho vòng đời của một sản phẩm hay dịch vụ, cũng như ở mọi nấc thang tổ chức của xã hội, nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học và sự phát triển phù hợp với cuộc sống của mỗi cá nhân ».
Đổi mới không chỉ mang nghĩa công nghệ hay kĩ thuật. Rất nhiều mô hình đổi mới liên quan đến tổ chức, hậu cần, sản phẩm, quy trình, hay tạo ra nguồn cung thương mại mới. Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh không nên quên rằng nền kinh tế xoay vòng, dưới dạng mô hình tổ chức để đảm bảo phát triển bền vững, hướng đến sản xuất đồng thời giảm luồng vật liệu vào và ra của nền kinh tế.
Năm 2005, Trung Quốc xây dựng chiến lược thúc đẩy việc phát triển nền kinh tế xoay vòng. Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015) nhấn mạnh thêm xu hướng đó : cần đặc biệt quan tâm đến hiệu quả năng lượng ở mọi cấp độ của nền kinh tế. Mục tiêu chính của nền kinh tế xoay vòng của Đức là làm tăng giá trị và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của rác thải đến môi trường. Chính phủ Đức muốn chuyển đổi nền kinh tế rác thải sang nền kinh tế luồng vật liệu, đồng thời loại bỏ rác thải. Đức là một hình mẫu của quốc gia công nghiệp phát triển cao, có mức tăng trưởng kinh tế ổn định và giảm sử dụng nguyên vật liệu (giảm 14% kể từ năm 1994). Nền kinh tế xoay vòng của Đan Mạch chủ yếu tập trung vào sinh thái công nghiệp và quản lý rác thải. Từ năm 1997, Đan Mạch cấm thải ra rác thải có thể đốt được. Với Na Uy, việc quản lý tài nguyên tái tạo và không tái tạo là một trụ cột của chính sách kinh tế xoay vòng không chính thức.
Mô hình kinh tế của thế kỉ 20 đã bỏ qua một yếu tố vô cùng quan trọng : sự bền vững.
Tài chính xanh dần chiếm vị trí tại các thị trường tài chính lớn của thế giới như là một lợi thế cạnh tranh mới. Tại Luân Đôn, năm nay « City » đã triển khai Green Finance Initiative với sự hỗ trợ của bộ tài chính Anh. Mục tiêu là đưa Luân Đôn lên vị trí số một thế giới trong việc cung cấp tài chính cho nền kinh tế ít carbon.
Năm 2015, Pháp đã vượt Anh về mức phát hành trái phiếu xanh và yêu cầu các nhà đầu tư phải đảm bảo phát triển bền vững, điều này kích cầu đối với các sản phẩm tài chính xanh.
Sáu ngày sau bỏ phiếu Brexit, tới lượt Paris Europlace triển khai Green Financial Center. Ở phạm vi toàn cầu, để cung cấp tài chính cho phát triển bền vững phải cần nguồn đầu tư ước tính khoảng từ 5000 đến 7000 tỉ đô la mỗi năm.
- Giáo dục – Nghiên cứu – Đổi mới
(Việt Nam cần gấp một cuộc cách mạng giáo dục toàn diện : nguyenkhacnhan.blogspot.fr)
Với cuộc cách mạng số, giáo dục đại học đang trải qua một giai đoạn biến đổi sâu sắc. Không một quốc gia nào có thể nằm ngoài sự tác động này. Và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Đây là thời điểm để cho các trường đại học và trường lớn có nhiều lựa chọn linh hoạt hơn trong việc đào tạo chính quy và tại chức (từ xa). Điều này phải được thể hiện rõ trong hệ thống giáo dục.
Phương pháp giáo dục và cách quản lý các đơn vị nghiên cứu truyền thống của ta đã trở nên lỗi thời. Chương trình giảng dạy quá nặng lý thuyết và quá chuyên sâu, làm cho mảng kiến thức tổng quát không đầy đủ. Các phòng thí nghiệm của ta cũng không được trang bị tốt. Sinh viên thường không có cơ hội thực hiện các ý tưởng của mình.
Ở Pháp có gì mới ? Gần đây, Đại học Paris-Saclay được thành lập trong xu thế sáp nhập của hệ thống đại học và nghiên cứu Pháp, nhằm tăng tính hiệu quả và uy tín quốc tế. Đại học này được bắt đầu vào đầu năm 2015 dưới dạng Cộng đồng các đại học và các cơ sở (COMUE), với mục đích kết hợp năng lực nghiên cứu, đào tạo và đổi mới của 18 cơ sở thành viên. Mục tiêu là đưa nó trở thành một đại học nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Nhân lực của Paris-Saclay thật đáng nể : 10 500 nhà nghiên cứu và giảng viên, 10 000 nhân viên hành chính và hỗ trợ nghiên cứu, 70 000 sinh viên trong đó có 6000 nghiên cứu sinh và 15 000 sinh viên cao học. Tổng cộng chiếm 15% lực lượng nghiên cứu do nhà nước đầu tư và 15% lực lượng nghiên cứu và phát triển (RD) tư của Pháp. Sau đây là danh sách các cơ sở nổi tiếng : Université Paris-Sud, Université de Versailles Saint-Quentin-en-Yvelines, Ecole Polytechnique, ENS Cachan, Mines-Télécom, Centrale-Supélec, ENSAE, Agro ParisTech, HEC, IHES, CEA, CNRS, INRA, INRIA, INSERM, ONERA …
Mỗi năm, Pháp đào tạo ra 12 000 tiến sĩ. Các công ty lớn thường không mặn mà với các tiến sĩ, bởi họ cho rằng các tiến sĩ không thể hòa nhập nhanh chóng vào môi trường công việc. Có vấn đề về việc làm đặc trưng đối với các tiến sĩ ở Pháp. Tỉ lệ thất nghiệp của họ xấp xỉ tỉ lệ thất nghiệp của toàn xã hội (khoảng 10%), và gấp 2 đến 3 lần so với các nước OCDE khác.
Pháp khuyến khích các đại học hướng đến đào tạo từ xa, mà thị trường ước tính là 13 tỉ euro. Việt Nam cần phải thực hiện các khóa học qua mạng. Sự thành công của MOOC (Massive Online Open Courses), khóa học tương tác, minh họa cho sự biến chuyển của đào tạo từ xa. Các khóa học trên mạng riêng không thôi thì vẫn chưa đủ. Cần phải có sự theo dõi và tránh sự biệt lập của người học. MOOC là một cuộc cách mạng về cơ sở hạ tầng, chứ không phải là một cuộc cách mạng về giảng dạy, MOOC có được là nhờ sự phát triển mạnh của hệ thống mạng và các hình thức tương tác. Nó sẽ thúc đẩy một cách gián tiếp những thay đổi về phương pháp sư phạm.
Sự phát triển này đi đôi với một mô hình kinh tế mới. Đó là một mảnh đất màu mỡ khi nó cho phép siết chặt mối quan hệ với doanh nghiệp trong các vấn đề về việc làm và hợp đồng nghiên cứu.
Ở Pháp cũng như ở Việt Nam, cần phải suy nghĩ lại vấn đề đào tạo một cách tổng thể. Các đại học vẫn giảng dạy như cách đây 20 năm. Không có nhiều tiến bộ trong vấn đề này. Liệu chúng ta đã thực sự ý thức được sự cần thiết phải thay đổi phương thức giảng dạy trong thời đại công nghệ số ?
Đất nước chúng ta đang trễ một cuộc cách mạng. Theo các chuyên gia quốc tế về giáo dục trong khuôn khổ của WISE (Diễn đàn thế giới về đổi mới giáo dục, được tổ chức bởi Qatar Foundation), trường học như chúng ta từng biết đã lỗi thời. Người thầy sẽ sớm không còn là người cung cấp kiến thức, mà là người hướng dẫn giúp đỡ cho người học. Các chương trình sẽ nhường chỗ cho các nội dung được cá nhân hóa. Trường học sẽ sớm hoạt động giống như một thư viện. Mà người quản thư thì không nhất thiết phải là chuyên gia về các vấn đề trình bày trong từng cuốn sách. Ngược lại, họ có thể giới thiệu hoặc tìm ra các nội dung này. Thầy giáo sẽ là những người hỗ trợ việc học tập. Bài giảng có thể sẽ biến mất trong thời gian đến, dù rằng vẫn sẽ có những tình huống mà tiếng nói của người thầy là không thể thay thế. Việc học sẽ ngày càng ít chuẩn hóa, mà ngày càng cá nhân hóa. Đó là lí do tại sao trường học cần phải nhanh chóng dạy cách học, hợp tác, và giải quyết vấn đề. Công nghệ số trở thành công cụ không thể thiếu để phát triển. Khi được hỏi về mô hình trường học vào năm 2030, 90% trong số 645 chuyên gia của WISE cho rằng học tập suốt đời sẽ là mô hình chung. 4 trên 10 người dự đoán rằng điều này dẫn đến hình thức đào tạo chính quy sẽ giảm xuống. 75% chuyên gia cho rằng các kĩ năng cá nhân sẽ nhanh chóng trở nên quan trọng hơn việc nắm kiến thức, khi mà kiến thức có thể tìm kiếm được bất cứ lúc nào.
Trường đại học bách khoa Lausanne (EPFL), thuộc nhóm những trường uy tín nhất và thu hút được nhiều sinh viên quốc tế, chú trọng rất nhiều đến đổi mới. Trong vòng 20 năm, trường này đã nhảy lên hạng 14 thế giới và thứ 5 châu Âu. Trong campus của trường, có mặt 110 start-up, trong đó có 17 start-up được thành lập năm 2015. Tương tự như Stanford, đội ngũ giáo sư của EPFL cũng phát triển MOOC. Hiện nay, 47 khóa học trên mạng của trường này đã vượt qua con số một triệu đăng kí từ khắp các châu lục. Trong số 10 000 sinh viên, có 5000 theo hệ cử nhân, 2600 học cao học, và 2000 nghiên cứu sinh. Một nửa số sinh viên là người nước ngoài, trong đó 40% là sinh viên Pháp.
Các đại học và trường lớn ở thành phố Hồ Chí Minh phải xác định một chiến lược nghiên cứu và đổi mới trong các lĩnh vực ưu tiên.
Chương trình H2020 của châu Âu dựa trên 3 trụ cột chính : tinh hoa, công nghiệp, và các thách thức về xã hội, vốn rất nhiều như :
1 – Tiết kiệm tài nguyên và thích nghi với biến đổi khí hậu
2 – Năng lượng sạch, hiệu quả và an toàn
3 – Công nghiệp mới
4 – Sức khỏe và đời sống
5 – An ninh lương thực và thách thức về dân số
6 – Giao thông và hệ thống đô thị bền vững
7 – Xã hội thông tin và truyền thông
8 – Xã hội đổi mới, hòa nhập và thích nghi
9 – Tham vọng về không gian đối với châu Âu
10 – Tự do và an ninh cho châu Âu và người dân
Tại châu Âu, trong chương trình trọng điểm về nghiên cứu và phát triển (7e PCRD), Anh đã cho kết quả tốt nhất nhờ vào các đại học lớn và mối quan hệ với doanh nghiệp (với một chiến lược quốc gia rất tốt). Anh muốn trở thành nước dẫn đầu trong nền kinh tế tri thức. Họ đã tập trung ưu tiên cho các trường đại học và quan tâm đến uy tín quốc tế. Con số về số lượng nhà nghiên cứu của họ tương đối nhỏ (2400 ở Oxford so với CNRS ở Pháp hay các viện Fraunhofer và Max Planck ở Đức) thể hiện một hiệu suất cao hơn so với Pháp và Đức.
Sự đầu tư cho nghiên cứu chứa nhiều rủi ro. Do đó, cần phải làm việc chung với nhau. Quy tụ và kết hợp các nỗ lực là điều hết sức cần thiết. Mục tiêu là thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao từ nghiên cứu đến đổi mới, nhằm làm mới cơ cấu kinh tế và tăng uy tín và sức cuốn hút trong cạnh tranh quốc tế.
Công việc phải làm rất nhiều : xây dựng một cơ sở công nghiệp nền tảng, phát triển nghiên cứu, triển khai các thiết bị khoa học và quảng bá, sửa đổi đào tạo và kĩ năng. Sự phát triển mạnh về nghiên cứu, đào tạo và đổi mới của một vùng cần những hiệu chỉnh và cố gắng thường xuyên.
Cần hình thành mối liên lạc giữa nghiên cứu và doanh nghiệp địa phương, cũng như cần phải có một sự phối hợp tốt giữa lĩnh vực công và tư. Thách thức còn nhiều : xây dựng một tầm nhìn chiến lược, củng cố sự năng động của các hệ thống, phát triển khả năng bổ sung cho nhau giữa chúng, làm rõ vai trò, rủi ro và trách nhiệm.
Để có được mối liên hệ trực tiếp giữa nghiên cứu và công nghiệp, cần phải có một trung tâm phát triển công nghệ hướng đến các ứng dụng công nghiệp và thị trường.
Về các công nghệ đột phá, cần huy động các nhà nghiên cứu và giảng viên để hỗ trợ sự chín mùi của các dự án công nghiệp.
Tại Pháp, các công nghệ sản xuất tiên tiến (TAP – Technologies Avancées de Production) tích hợp các hệ thống sản xuất và các dịch vụ liên quan, các quá trình, các nhà máy với mục tiêu của nó và thiết bị, tự động hóa, robot, hệ thống đo đạc và cảm biến, hệ thống thông tin cho phép kiểm soát quá trình sản xuất.
Việc tổ chức và sắp xếp về tài chính hay pháp lý sẽ khá phức tạp giữa các bên liên quan có cách làm việc khác nhau. Các doanh nghiệp cần phải liên kết với các cơ sở nghiên cứu công để tìm kiếm các kĩ năng mới và các phương tiện bổ sung nhằm đổi mới và tồn tại được trong môi trường đầy cạnh tranh.
Ngày nay, đổi mới là trọng tâm trong chiến lược của công ty, khi đối tượng này cần phải dự báo sự thay đổi, thiết kế sản phẩm và dịch vụ tích hợp ngày càng nhiều công nghệ, phát minh những mô hình mới và thích ứng với môi trường biến đổi nhanh. Trong bối cảnh đó, nghiên cứu một mình sẽ thường rất tốn kém, rủi ro và quá phức tạp. Đó là lí do tại sao mà các doanh nghiệp ngày càng thực hiện liên kết, đặc biệt hướng đến các cơ sở nghiên cứu công. Các mối liên kết kiểu như vậy ở Đức thì tích cực hơn ở Pháp.
Sau đây là các mục tiêu chính của việc hợp tác với nghiên cứu công :
– Khai thác kiến thức, phương tiện kĩ thuật, và các kĩ năng bổ sung về con người
– Phát triển các dự án nghiên cứu với chi phí rẻ hơn và giảm bớt rủi ro
– Để không bị bất ngờ hay có thể lợi dụng từ các công nghệ đột phá
– Nắm bắt cơ hội phát triển và cạnh tranh với các đối thủ trên thế giới
– Đảm bảo trình độ nghiên cứu cao
– Đào tạo và tuyển nhân lực chất lượng cao
Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ không sẵn sàng cho các rủi ro liên quan đến nghiên cứu tiền khả thi.
Các công ty lớn thường cần một đối tác cầu nối để, từ hàng trăm hay hàng ngàn ý tưởng xuất phát từ các trung tâm nghiên cứu công mà họ có liên lạc, chọn lọc ra khoảng chừng năm mươi ý tưởng. Vai trò cầu nối này rất quan trọng khi nó cho phép loại bỏ những giải pháp không thích hợp với những gì họ làm và chỉ giữ lại những gì có thể áp dụng được trong môi trường công nghiệp. Cần phải rà soát tất cả để có thể loại bỏ những giải pháp không tốt.
Thường các công ty này muốn xây dựng sự hợp tác chiến lược. Nền tảng chính là sự tin cậy. Trong mối liên hệ công-tư, vai trò của các bộ phận phát triển cũng rất quan trọng. Đây là những chuyên gia có khả năng phát triển một dự án nghiên cứu cho đến giai đoạn cho ra bằng sáng chế có khả năng thương mại hóa. Nhiệm vụ phát triển có vai trò trung gian giữa hai hình thức trên và có vai trò chiến lược.
Các phòng thí nghiệm mở (Open Labs) là nơi gặp gỡ của nhiều đối tượng khác nhau nhằm tăng cường đổi mới và sáng tạo thông qua quá trình hợp tác và phản hồi, cởi mở và hiện thực hóa. Nó liên quan đến cách tiếp cận hướng đến người dùng, đổi mới một cách rộng mở, các phương pháp khuyến khích và phát triển sự sáng tạo.
Các xu hướng đóng góp vào sự phát triển của phòng thí nghiệm mở là :
– Đặt con người và tiện ích vào trung tâm của quá trình đổi mới, và rộng hơn nữa là các quá trình kinh tế và xã hội.
– Sử dụng công nghệ số
– Thổi luồng gió mới vào quá trình khám phá và đổi mới của các doanh nghiệp
– Làm tăng giá trị các kĩ năng thực hành
– Thích nghi với bối cảnh thất nghiệp và suy giảm công nghiệp
Có nhiều dạng phòng thí nghiệm mở như FabLabs và TechShops (chế tạo linh hoạt và công nghệ số), Living Labs (thử nghiệm các tiện ích), Innovation Labs, Ideas Labs, Creative Labs (vấn đề mới, sáng tạo, đổi mới).
Các phòng thí nghiệm mở đã bắt đầu làm thay đổi cách thức quản lý về đổi mới của các doanh nghiệp và góp phần tạo nên một kiểu văn hóa doanh nghiệp mới. Nó muốn đưa cá nhân vào vị trí trung tâm của các quá trình đổi mới.
Xuất phát từ MIT (Hoa Kì) vào cuối những năm 1990, khái niệm FabLab đã bén rễ khắp nơi trên thế giới từ vài năm qua. Nó trở thành hình mẫu ở các vườn ươm doanh nghiệp và trường đại học. Ta đã bắt đầu thấy các chủ doanh nghiệp xuất phát từ khuôn viên đại học. Năm 2014, Pháp triển khai chương trình đầy tham vọng mang tên Pepite (Trung tâm sinh viên cho phát triển đổi mới, chuyển giao, doanh nghiệp). Kế hoạch mang tầm quốc gia này hướng đến việc phát triển tinh thần làm chủ doanh nghiệp và đổi mới trong các trường đại học. Cách làm rất sáng tạo : giảng dạy thông qua dự án, các xưởng phục vụ cho sự sáng tạo, đa ngành, kết hợp nhiều sinh viên khác nhau về trình độ và lĩnh vực chuyên môn. Người ta vẫn tiếc rằng mới chỉ có 3% các doanh nghiệp mới là của sinh viên !
Vào năm 2010, Ủy ban châu Âu đã đề ra mục tiêu là phát triển một Liên minh về đổi mới vào năm 2020. Chiến lược Europe 2020 là sự nối tiếp của chiến lược Lisbonne, đề xuất năm 2000, với mục tiêu đưa Liên minh châu Âu trở thành nền kinh tế tri thức số một thế giới. Văn bản này bắt đầu như sau : « sức cạnh tranh, việc làm và mức sống của châu Âu phụ thuộc chính vào khả năng kích thích đổi mới, đó là phương tiện tốt nhất mà chúng ta có để giải quyết các vấn đề lớn hiện nay, và ngày càng trở nên cấp thiết hơn, như biến đổi khí hậu, thiếu hụt năng lượng, khan hiếm tài nguyên, sức khỏe và sự già đi của dân số. »
Từ 15 năm nay, chúng ta đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (sau máy hơi nước cuối thế kỉ 18, điện vào cuối thế kỉ 19, và công nghệ thông tin vào đầu những năm 1970). Đây là giai đoạn với tất cả sự hiểm nguy và sự đổ vỡ càng ngày càng lớn.
Các nhà máy lớn theo kiểu truyền thống sản xuất hàng loạt các sản phẩm chuẩn hóa đã đến hồi kết thúc. Các nhà máy trong tương lai sẽ nhỏ hơn, sạch hơn, và gần với người tiêu dùng hơn. Nó có thể sản xuất sản phẩm theo yêu cầu với chi phí xấp xỉ chi phí sản xuất hàng loạt.
Công nghiệp 4.0 có thể sẽ kích thích sức cạnh tranh của ngành sản xuất phương Tây. Việc sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, yêu cầu phải gần với người tiêu dùng và có đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có vị trí quan trọng trong các nền kinh tế phát triển. Đức đã đi tiên phong trong việc xây dựng nhà máy của tương lai. Năm 2011, Angela Merkel đã khởi động chương trình công nghiệp 4.0.
Tại Pháp, hai khu vực thí điểm được khánh thành vào ngày 28/9/2016 tại Saclay (Essonne), một của Boston Consulting Group (BCG) và một Factory Lab của CEA , PSA, Safran và nhiều đối tác khác. BCG sử dụng tất cả các công nghệ hiện có như robot, thực tế tăng cường, in 3D, mô phỏng số, mạng công nghiệp, dữ liệu lớn… Tại Factory Lab, nhờ vào thực tế tăng cường, người vận hành có thể quan sát trên máy tính bảng động cơ đang được sản xuất hay bảo dưỡng, với các thiết bị cần được hiệu chỉnh. Factory Lab dự kiến sẽ thực hiện 20 dự án mỗi năm.
Ngày nay, rất nhiều công ty đã tận dụng công nghệ số. Bộ phận quản lý nhân sự thường chậm hơn bộ phận truyền thông và tiếp thị. Xu thế mới đòi hỏi phải suy nghĩ lại về tất cả các quá trình trong doanh nghiệp. Quản lý nhân sự phải từ bỏ những thói quen bám rễ từ hàng chục năm, với những thủ tục hành chính và quy định không còn phù hợp với thời đại số. Kì vọng của các ứng viên xin việc cũng không còn như trước. Mối tương quan giữa ứng viên và người tuyển dụng đã được cân bằng lại và có phần lợi thế cho người tìm việc. Do đó, cần phải thích nghi để thu nhận và giữ được người làm. Đổi mới một cách rộng mở, trong đó cho phép làm dự án với các start-up bên ngoài, cũng là một cách khác để thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi nhanh hơn và thổi một luồng năng lượng mới vào các nhóm làm việc.
Cách mạng công nghệ số làm thay đổi trật tự cũ, cách thức sản xuất và làm suy yếu các giao ước xã hội. Công nghệ số chiếm lĩnh thế giới với tốc độ ngày càng nhanh. Nhiều doanh nghiệp không chịu thay đổi đã làm chậm lại một cách không cần thiết quá trình chuyển đổi doanh nghiệp. Nó ngăn cản sự trỗi dậy của các đổi mới mang tính đột phá. Không chịu thích nghi sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Các nhà lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh không thể để trở thành nạn nhân của một tư duy kinh tế cũ kĩ. Họ có trách nhiệm lớn lao với việc làm hết sức để phát triển một hệ thống dựa trên đổi mới, bằng cách xóa bỏ các rào cản, đào tạo và khuyến khích các tài năng, hỗ trợ vốn. Động lực chính của nền kinh tế số là tính cá nhân hóa và sự đa dạng.
Do biết cách khai thác rất sớm cuộc cách mạng NBIC (Nanotechnologies, Biotechnologies, Informatique, Science Cognitive), GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon) đã nhanh chóng làm chủ các lĩnh vực chủ chốt như công nghệ micro-nano, trí tuệ nhân tạo, robot, gen…
Trung Quốc đã chuẩn bị từ lâu kế hoạch phản công. Vào năm 2025, Trung Quốc sẽ thống trị thế giới số.
Cùng với hội nghị G20 quy tụ các nhà lãnh đạo trên thế giới vừa diễn ra tại Hàng Châu (TQ), 400 nhà doanh nghiệp trẻ trên khắp thế giới đã gặp nhau tại Bắc Kinh từ ngày 8 đến 10/9/2016 trong khuôn khổ của G20 YEA (Youth Entrepreneur’s Alliance thành lập năm 2010). G20 YEA tập hợp hơn 500 000 các nhà sáng lập doanh nghiệp tuổi từ 20 đến 45. Năm nay, chủ đề chính tập trung vào các hệ thống số.
Quy mô và tốc độ của sự thay đổi là rất lớn : một bên là năng lượng không carbon, xe hơi không người lái, thành phố thông minh…, và một bên là một lượng lớn ngành nghề đang biến mất, công việc bấp bênh, cạnh tranh cao. Một trật tự kinh tế kĩ thuật mới đang thay thế dần xu hướng cũ. Kinh tế thế giới đang chứng kiến một làn sóng đổi mới. Khi mà những kì thủ GO (cờ vây) giỏi nhất đã bị đánh bại bởi trí tuệ nhân tạo, đây chính là thời điểm để chúng ta ngẫm nghĩ về những gì đang chờ đợi phía trước. Theo Klaus Schwab, người sáng lập diễn dàn Davos, chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà sự kết hợp của các công nghệ đã xóa bỏ ranh giới giữa các thế giới thực, sinh học và số.
Chúng ta đang ở vào giai đoạn cuối của chu trình 25 năm liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông (TIC). Trái với những gì mà chúng ta đã nghĩ, sự tăng trưởng sản xuất trong chu trình này khá nhỏ, nếu ta so sánh với những gì đã diễn ra với cuộc cách mạng công nghiệp lần 2 kéo dài 75 năm, với điện, động cơ nổ, hóa.
Tại MIT (Boston), nhiều nhà nghiên cứu đã thành lập công ty từ những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, phục vụ nhu cầu của bệnh viện, giải quyết các vấn đề của bệnh nhân. Các ngành nghề, thế hệ và quốc tịch được kết hợp với nhau. Đó là một môi trường tuyệt vời cho sự sáng tạo. Ở châu Âu, người ta chỉ đầu tư khi nắm chắc thành công. Rất nhiều start-up gặp khó khăn trong việc tìm tài chính để chuyển sang giai đoạn sản xuất công nghiệp. Chúng ta thường làm những dự án quá nhiều rủi ro và tiêu tốn nguồn vốn khổng lồ.
Doanh nghiệp cần có khả năng đổi mới mang tính đột phá. Cần phải dám thực hiện những bước nhảy vọt có tính chiến lược để hướng đến những đổi mới đột phá. Ta đã thấy những ví dụ phá sản hay suy sụp vì quá chậm trễ trong đổi mới như Kodak, IBM, Club Med. Để đổi mới cần phải biết cách thay đổi trật tự cũ.
Tuy nhiên, cần tránh sự vội vàng. Một quyết định sai lầm, một sự lựa chọn đầu tư sai, hay một lỗi quản lý có thể dẫn đến sự phá sản của doanh nghiệp. Sự ngụp lặn của Aréva (với lò phản ứng thế hệ 3 EPR) và Samsung (với Galaxy Note 7) là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với các kĩ sư và lãnh đạo khao khát thành công và lợi nhuận tức thời. Cũng không quên rằng thị trường bão hòa nhanh hơn ta tưởng, nếu thiếu những công nghệ mới (ví dụ với điện thoại di động).
Có hai ví dụ mà ta cần quan tâm hiện nay. Công nghiệp ô tô đang chứng kiến 3 cuộc cách mạng đồng thời : động cơ (ô tô điện), ô tô không người lái, di chuyển với công nghệ số (chia sẻ ô tô).
Ô tô tự hành, sự đổi mới được mong đợi, sẽ đi vào lịch sử theo chiều hướng không thể nào đảo ngược được. Con người không còn thống trị máy móc. Niềm vui với ô tô không còn đồng nghĩa với niềm vui của việc lái ô tô.
Công nghệ Li-Fi (Light-Fidelity), mạng dùng đèn LED làm công cụ truyền thông, là một sự đổi mới ấn tượng. Bằng cách bật, tắt nhiều triệu lần trong một giây, một bóng đèn LED có thể truyền thông tin qua dải ánh sáng thấy được.
Giáo sư Suat Topsu ở đại học Versailles-Saint-Quentin-en-Yvelines (Pháp) đã chứng minh tính chất này vào năm 2005 khi nghiên cứu về ô tô không người lái. Mạng LiFi có thể nhanh hơn 100 lần so với mạng WiFi và không dùng sóng vô tuyến. Công nghệ của Pháp này, sử dụng ánh sáng nhân tạo để dùng mạng không dây và trao đổi dữ liệu, đã thu hút sự quan tâm của nhiều thành phố, RATP (hệ thống giao thông công cộng Paris), các nhà phân phối lớn.
- Thành phố thông minh
Có nhiều cách gọi tên khác của thành phố thông minh như thành phố xanh (green city), thành phố số, thành phố sinh thái, thành phố bền vững, thành phố kết nối…
Sử dụng NTIC (Nouvelles Technologies de l’Information et de la Communication) cho phép quản lý đô thị tốt hơn, nhờ vào việc thu nhận và phân tích vô số dữ liệu quan trọng và hữu ích đối với các lãnh đạo thành phố. Những thông tin này liên quan đến giao thông, ô nhiễm không khí, quản lý mạng lưới nước, điện, viễn thông, rác thải, dịch vụ khẩn cấp, sức khỏe, thiết bị công cộng, phương tiện giao thông… Cần chú ý đến khía cạnh tập trung thông tin không để biến thành tập trung quyền lực.
Một thành phố được gọi là thông minh khi đầu tư xã hội và con người tạo ra một sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống và bảo vệ môi trường. Các kiến trúc sư, kĩ sư, nhà hoạch định đô thị, nhà xã hội học, nhà kinh tế… cần làm việc chung với nhau để mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Trụ cột của thành phố bền vững là quản trị phải đảm bảo tính minh bạch. Công dân phải được xem như là nhân vật chính. Cải thiện và siết chặt mối liên lạc giữa người dân và lãnh đạo là yêu cầu quan trọng. Người dân không còn đơn thuần là người sử dụng dịch vụ, mà là đối tác đầy đủ tham gia tích cực vào việc phát triển bền vững của thành phố.
Năm 2014, Liên minh châu Âu có khoảng 240 thành phố thông minh (38 ở Anh, 35 ở Ý, 34 ở Tây Ban Nha, 18 ở Pháp).
Sau đây là sáu thành phố châu Âu nổi bật về thành phố thông minh : Amsterdam, Barcelone, Copenhague, Helsinki, Manchester, Vienne.
Theo Rudolf Giffinger, giáo sư tại Đại học công nghệ Vienne, thành phố được gọi là thông minh khi thỏa mãn ít nhất một trong các đặc điểm sau :
– Quản trị thông minh (quản lý minh bạch, công dân tham gia vào các quyết định)
– Kinh tế thông minh (thị trường việc làm linh hoạt, tư duy đổi mới, có khả năng chuyển đổi)
– Phương tiện đi lại thông minh (có sẵn cơ sở hạ tầng công nghệ, các phương tiện giao thông tin cậy và sạch)
– Môi trường thông minh (quản lý bền vững các tài nguyên và bảo vệ môi trường)
– Công dân thông minh (năng động, sáng tạo, học tập suốt đời, tư duy cởi mở, tham gia vào đời sống cộng đồng)
– Lối sống thông minh (chất lượng nhà ở và điều kiện y tế, cơ sở giáo dục, gắn kết xã hội).
Trong số 18 thành phố thông minh của Pháp, Montpellier đứng đầu với 5 trên 6 tiêu chí được thỏa mãn, Nantes xếp thứ 2 với 4 tiêu chí.
Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh đang xúc tiến kế hoạch trở thành thành phố thông minh. Điều này phụ thuộc nhiều vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo trong việc xây dựng nhanh chóng một chiến lược phát triển bền vững trong một nền kinh tế xanh.
Tôi xin thông báo một sự kiện quan trọng : Hội nghị thế giới về triển lãm thành phố thông minh (SCEWC, Smart City Expo World Congress) sẽ được tổ chức từ 15 đến 17 tháng 11, 2016 tại Gran Via Venue. Phó thị trưởng Barcelone, Antoni Vives, đã tuyên bố : « đối với chúng tôi, thành phố thông minh là thành phố nói chuyện với chúng tôi, chúng ta có thể trao đổi với nó, và khiến chúng ta nói chuyện với nhau ».
- Biến đổi khí hậu (nguyenkhacnhan.blogspot.fr, bài 50 – 53)
VII. Năng lượng tái tạo – Tiết kiệm năng lượng – Hiệu quả năng lượng (nguyenkhacnhan.blogspot.fr, bài 10-51-53 -55)
VIII. Lưới điện thông minh (nguyenkhacnhan.blogspot.fr, bài 42-55)
- Kiến nghị
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đô thị khó quản trị nhất trên thế giới để trở thành thành phố thông minh. Dân số công bố hiện nay khoảng 9 triệu người nhưng sự thật cao hơn nhiều.
Biết bao nhiêu vấn đề cần phải giải quyết cùng một lúc : kẹt xe kinh hoàng, giao thông đặc biệt nguy hiểm, ô nhiễm không khí, lụt trầm trọng, nước uống, quản lý chất thải, sức khỏe, thực phẩm, vệ sinh…
Sau đây là những kiến nghị cụ thể và có tính xây dựng của tôi kính gửi đến Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh :
1-Thành lập Hội đồng chiến lược cao cấp để đề xuất những định hướng lớn, trong đó có những cá nhân bên ngoài Ủy ban Nhân dân thành phố
2-Thành lập những ban bao gồm các chuyên gia và nhà tư vấn trong nhiều lĩnh vực (giống mô hình chính phủ) như : kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo đại học, nghiên cứu, khoa học tự nhiên và con người, năng lượng, công nghệ số, viễn thông, giao thông, công nghệ micro-nano, y sinh, sức khỏe, thực phẩm, vệ sinh, chất lượng sống, bất bình đẳng xã hội, thương mại, hợp tác quốc tế, vật liệu mới, công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng… Nếu thiếu chuyên gia, ta bắt buộc phải gộp chung một vài lĩnh vực lại với nhau.
3-Tạo ra những chi nhánh của Ủy ban Nhân dân tại một vài thành phố nổi tiếng thế giới, được đại diện bởi chuyên gia hay giáo sư có kinh nghiệm với mục đích theo dõi thường xuyên những đổi mới và triển khai quan trọng trên thế giới, để từ đó tư vấn cho Ủy ban nhân dân.
4-Thành lập một ủy ban liên lạc và tiếp đón các chuyên gia Việt Nam, giáo sư, kĩ sư, kĩ thuật viên, người có hiểu biết chuyên sâu cao đang sống ở nước ngoài mà không về nước được, do thiếu chính sách và chiến lược tiếp nhận.
5-Xây dựng các kế hoạch và chương trình hành động trọng điểm trong các lĩnh vực khác nhau cho giai đoạn 2017-2025 và 2025-2030.
6-Khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho việc thực hiện các dự án (ví dụ, năng lượng tái tạo) theo từng địa phương hay tập hợp vài địa phương, theo hộ gia đình hay nhóm hộ gia đình, hay những chủ doanh nghiệp đơn lẻ.
7-Đầu tư, theo thứ tự ưu tiên, cho giáo dục, đào tạo đại học, nghiên cứu, đổi mới, bảo vệ môi trường, sức khỏe, vệ sinh, thực phẩm, thể dục thể thao, và cũng không nên bỏ quên văn hóa.
8-Quan tâm nhiều đến kinh tế xanh và phát triển bền vững
9-Triển khai đều đặn và làm mới các chiến dịch thông tin đến người dân : thông qua các phương tiện nghe nhìn, giáo dục, giải thích lí do chính đáng của các hoạt động của Ủy ban nhân dân. Công dân cần biết rằng những việc như giảm tác động của biến đổi khí hậu, giảm khí thải CO2 và ô nhiễm không khí, khống chế luồng giao thông, quản lý tốt chất thải hộ gia đình và công nghiệp trước hết cần đến tính kỉ luật và hành vi có trách nhiệm của mỗi người dân, đó là những chủ nhân của thành phố thông minh.
10-Trong lĩnh vực năng lượng : đầu tư mạnh mẽ cho năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng.
11-Chính là người khởi xướng sự hợp tác giữa ba Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, và Grenoble-INP (Grenoble-Institut National Polytechnique) từ mấy chục năm qua, tôi mong rằng mối quan hệ này tiếp tục được củng cố. Phòng thí nghiệm Điện G2Elab của ENSE3 – Grenoble-INP, nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh và thành phố thông minh, có thể tham gia đắc lực vào việc đào tạo các tiến sĩ và kĩ sư của Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh. Với mục đích đó, tôi đã đề nghị Giáo sư Nouredine Hadjsaid, giám đốc phòng thí nghiệm nêu trên và Chủ tịch Diễn đàn quốc tế (Forum international IEEE) về lưới điện thông minh và thành phố thông minh (Paris, 16-18/10/2016), mời ông Bí thư thành ủy Đinh La Thăng tham gia sự kiện này.
Nhân dịp này, Giáo sư Nguyễn Đức Khương, chủ tịch AVSE, và chị Đinh Thanh Hương đã tổ chức thành công buổi làm việc thân mật ở Paris giữa vài chục trí thức Việt kiều giàu kinh nghiệm và phái đoàn Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, do ông Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến dẫn đầu.
- Thay lời kết luận
Tôi đã đem tâm huyết viết bài này với tất cả nhiệt tình dành cho quê hương mến yêu.
Tôi mơ ước một vài năm nữa, khi về thăm viếng thành phố Hồ Chí Minh thông minh, ra đường không cần đeo khẩu trang, không sợ tai nạn giao thông, không phải hít mùi rác thải, không bị nước lũ cuốn trôi… Tôi hi vọng mọi người cùng nhau gắn kết, phát triển một xã hội lành mạnh, không còn tham nhũng. Tôi mong ước đồng bào dồi dào sức khỏe và hạnh phúc, không còn người nghèo khổ, kẻ xin ăn trên các nẻo đường…
Cuối cùng, tôi sẽ vô cùng hãnh diện nếu thấy Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh có tên trong danh sách xếp hạng các Đại học có uy tín nhất nhì trên thế giới.
Tôi xin chân thành cám ơn và trân trọng kính chào quý vị.
Tác giả, Cơ quan và Báo chí được tham khảo
Jacques Attali,
Laurent Georgeault
Jacques Lesourne
Denis Randet
Jacques Percebois
Patrick Criqui
Jean- Marie Martin Amouroux
Vincent Aurez
Jean- Marie Chevalier
Jean Tirole
Elie Cohen
Thomas Piketty
Philippe Aghion
Pierre-Cyrille Hautcoeur
Angus Deaton
Paul Gordon….
ADEME
CEPII
EDF
EVN
Enerteam
Encyclopedie Energie Grenoble
Le Monde
Alternatives économiques