Tập san Đoàn Kết trân trọng mời những độc giả, những người yêu chủ đề văn hóa đến với cuộc gặp ngày 17/12 tại Hội quán (16 rue du Petit Múc 75004 Paris) để gặp, trao đổi, chia sẻ những câu chuyện văn hóa, lịch sử với nhà nghiên cứu văn hóa Loan de Fontbrune.
Cuộc gặp sẽ có chủ đề quanh quyển sách do chị Loan de Fontbrune chủ biên « Les premiers photographes au Việt Nam » (tạm dịch: Những nhiếp ảnh gia đầu tiên ở Việt Nam), trong đó có hơn 150 tấm hình vô giá về mặt lịch sử và văn hóa, do người Pháp chụp mọi miền Việt Nam trong những thế kỷ trước, đa số hình ảnh đều lần đầu tiên được giới thiệu đến độc giả. Nhà nghiên cứu Loan de Fontbrune cũng sẽ đem đến buổi gặp một vài tấm hình gốc in trên bản kẽm, cùng những câu chuyện về hành trình nghiên cứu, tìm hình, tư liệu trong hai năm thực hiện quyển sách của chị.
Theo từng trang sách, độc giả sẽ thấy hình ảnh của sông Sài Gòn năm 1880, vua Thành Thái năm 1897, những mái chùa, điện phủ cuối thế kỷ 19, hoàng thất – phi tần – quan lại – người dân trong cuộc sống nhuộm màu thời gian của lịch sử. Độc giả cũng sẽ thấy những hình ảnh kiến trúc, trang phục, ngành nghề, xã hội,… của một Việt Nam xưa, cổ phác, tinh tế, truyền thống. Những tấm hình, những bài viết, những chia sẻ sẽ hữu ích cho tất cả lĩnh vực liên quan, quan tâm đến dòng chảy văn hóa Việt Nam.
Trong Tạp bút 1994 của Vương Hồng Sển, ông đã viết với nỗi tiếc nuối vì không được trao đổi lâu hơn với chị Loan de Fontbrune – chuyên gia đồ cổ châu Á, nữ chủ nhân của các bộ sưu tập nổi tiếng gốm sứ Huế và tranh của các họa sĩ Việt Nam trường Mỹ thuật Đông Dương. Chị vừa có góc nhìn mỹ thuật, nghệ thuật, vừa có tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, miệt mài về lịch sử, cùng những trải nghiệm thực tế đối với các bộ sưu tầm văn hóa. Vì vậy, đến với cuộc gặp, mọi người sẽ được thấy cuộc sống Việt Nam với những góc nhìn khác, giàu sự tìm tòi, yêu thương văn hóa Việt Nam.
Được chính người chủ biên sách giao lưu, trao đổi luôn là ao ước của những ai mê sách, những ai yêu văn hóa, và những ai luôn chờ đợi, tìm kiếm những cuộc gặp thú vị, có chiều sâu tâm hồn lẫn trí tuệ.
Hơn hết, buổi trao đổi chắc chắn sẽ là mối duyên hạnh ngộ thú vị của mỗi người qua cuộc gặp chị Loan de Fontbrune và các độc giả khác…
Một cuộc gặp của những câu chuyện văn hóa cuối tuần!
Đoạn dịch bài viết « Les mausolées des empereurs d’Annam »; trang 216, Loan de Fontbrune (người dịch: Quang Nguyên):
Trong huyền thoại của người Việt Nam về sự tạo lập thế giới, trời và đất thông nhau qua vương triều, trục quay và cột trụ của vũ trụ. Đối với vị vua đang cai trị, giữ trong tay sự ủy nhiệm của trời đất, thì những hoàng đế đã băng hà, với sức mạnh tâm linh của mình, chính là những khuôn mẫu, nguồn gốc của uy quyền và thành công của mình
Quan niệm về cái chết là sự trở về « sinh ký tử quy », gắn với với những cân nhắc về thiên văn và phong thủy, khiến các hoàng đế triều Nguyễn chọn địa điểm cho nơi yên nghỉ cuối cùng của mình: vì lựa chọn này liên quan đến phúc lành và tương lai của lãnh thổ cũng như của triều đại. Việc xây lăng mộ hoàng gia là một việc hệ trọng hàng đầu vì các lăng mộ có « chức năng đại vũ trụ có thể đem lại sự thịnh vượng ».
Với nhận thức thẩm mỹ tuyệt vời, các hoàng đế triều Nguyễn là những nghệ sĩ đã làm hòa hợp lăng mộ của mình vào trong cảnh quan thiên nhiên. Lăng vua chúa tạo ra theo cách hòa hợp cùng thiên nhiên: nó là một phần của một tổng thể công trình rộng lớn, nằm trong một khu vườn mênh mông các loại cây quý hiếm và đầy tính biểu tượng, nơi đó, kiến trúc và phong cảnh được sắp đặt gắn kết chặt chẽ với nhau.
Khác với các đời vua trước, các vua triều Nguyễn không được đưa về chôn cất ở nơi nguyên gốc, ở đó chỉ có một miếu thờ; lăng mộ của các vua đều được xây dọc theo sông Hương, phía trên của Tử Cấm Thành và phía tây của Huế, phía đông là hướng của sự sống và sự phát triển, phía tây là hướng của sự suy vong và cái chết. « Các lăng mộ này đều được đặt tên rất đẹp, trong đó các chữ đều tránh phạm húy ».
(…)
Dans la mythologie vietnamienne de la Création, la terre communique avec le ciel par le monde royal, axe et pivot de l’univers. Pour le souverain régnant dépositaire d’un mandat céleste, les empereurs défunts, puissances spirituelles, sont des modèles, sources de son pouvoir et de sa réussite.
La conception de la mort comme un retour, associée à des considérations d’astrologie et de géomancie, incite les empereurs de la dynastie des Nguyen à choisir le site de leur dernière demeure: de ce choix dépendent le bonheur et l’avenir du royaume et de la dynastie. La construction des tombeaux impériaux est d’une importance capitale car ils ont « une fonction macrocosmique susceptible de provoquer la prospérité ».
Avec un grand sens du merveilleux, les empereurs Nguyen sont aussi les artistes qui insèrent leur sépulture dans un environnement naturel. La tombe impériale est conçue en symbiose avec la nature: elle fait partie d’un vaste ensemble d’édifices, dans un immense parc planté d’essences rares et symboliques, où l’architecture est intimement liée au paysage aménagé.
A la différence des rois des dynasties précédentes, les Nguyen ne se font pas inhumer dans leurs villages d’origine où ils se contentent d’ériger un temple funéraire; leurs mausolées sont construits le long de la Rivière des Parfums, Huong Giang, en amont de la Citadelle et à l’ouest de Hue, l’est étant la direction de la vie et de l’ascension, l’ouest celle du déclin et de la mort. « De beaux noms sont données à ces tombeaux, dont les caractères deviennent interdits par respect ».
***
Hoạt động này do tập san Đoàn Kết – Hội NVNTP tổ chức. « Les rencontres de Đoàn Kết – CÂU CHUYỆN VĂN HÓA CUỐI TUẦN » với các cuộc gặp gỡ, quanh bàn trà ấm áp, cùng trao đối với những nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn, nhà khoa học, những tác giả các bài viết đặc sắc của Đoàn Kết,… Những trao đổi, đàm luận quanh bàn trà luôn hứa hẹn những điều thú vị, đầy chất lượng và sự thưởng thức!
Độc giả cũng có thể mua sách trực tiếp trong buổi trao đổi với lời đề tặng của nhà nghiên cứu văn hóa Loan de Fontbrune (Giá sách: 34 euros, dày hơn 400 trang, với hơn 150 hình quý hiếm).
ĐK: Khi sưu tầm tài liệu, thông tin cũng như đồ cổ, tranh của Việt Nam tại Pháp, theo chị, người chơi cần làm gì để tích lũy đủ kiến thức nhận diện, thẩm định và để sở hữu được một bộ sưu tập văn hóa cho riêng mình?
Loan de Fontbrune: Khi sưu tầm tài liệu, thông tin cũng như đồ cổ, tranh của Việt Nam tại Pháp thì phải đến các thư viện, nhà sách, tìm kiếm qua báo chí hay trên mạng, đến các phòng tranh, bảo tàng xem triển lãm, đi các chợ trời hay đến nhà xem các sưu tập tư nhân… Phải dành nhiều thời gian, năm tháng và kể cả tiền bạc. Ở Pháp, có thể tìm được nhiều hiện vật quý và đẹp.
.
ĐK: Chị có thể chia sẻ vài suy tư, góc nhìn và đánh giá của chị về đồ cổ Việt Nam, và tranh nghệ thuật Việt Nam ở thị trường Pháp, châu Âu hiện nay không?
Loan de Fontbrune: Đồ cổ Việt Nam chưa được nhiều người biết đến và sưu tầm. Rất nhiều đề tài, từ đồ đồng đến đồ bạc, đồ khảm xà cừ, đồ thêu, bàn ghế, v.v. cần được nghiên cứu kỹ. Đồ cổ Việt Nam có những nét đặc biệt và duyên dáng riêng; qua các hiện vật còn tồn tại đến ngày hôm nay, ta có thể ngưỡng mộ tài năng của những người thợ hay những nghệ nhân xưa, hiểu biết hơn về một truyền thống và nét thẩm mỹ, thấy rõ lòng tôn trọng, sự nâng niu và thời gian họ đã dành cho từng món đồ…
Về tranh Việt Nam ở thị trường Pháp, châu Âu hiện nay thì đã gây được sự chú ý của các nhà sưu tập. Vấn đề là tranh của các họa sĩ hiện đại thì không có được triển lãm ở các phòng tranh có tiếng vì không có nhiều họa sĩ Việt Nam có tầm cỡ. Chỉ có các họa sĩ đã mất của Trường Mỹ thuật Đông Dương thì tranh rất hiếm và có giá rất cao nhưng nạn tranh giả cũng làm cho nhiều nhà sưu tập sợ mua lầm vì bị lường gạt!
.
ĐK: Dưới góc nhìn của một người sưu tầm tranh, chị thẩm định thế nào về tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng (hiện đã có tranh trong bảo tàng Cernuschi, Paris) so với mặt bằng chung ở thị trường Pháp và quốc tế, cũng như có lời chia sẻ gì đến độc giả Đoàn Kết?
Loan de Fontbrune: Giá trị văn hóa và thẩm mỹ của họa sĩ Lê Bá Đảng rất cao, họa sĩ là một người đa tài: vẽ tranh, cắt giấy, nặn tượng, làm nữ trang… Nhưng tranh của họa sĩ chưa được cao giá vì chưa được nhiều người ở Pháp biết đến cũng như trên thị trường quốc tế. Chúng ta nên sưu tập tranh của họa sĩ và nên học cách thưởng lãm nghệ thuật.
(Trích cuộc đối thoại của Đoàn Kết với chị Loan de Fontbrune, đăng trên Đoàn Kết số tháng 11/2016-tháng 1/2017)