Bước vào năm mới, điểm lại năm cũ, M. Vân, cộng tác viên của tập san Đoàn Kết đã bình chọn ra 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam trong năm 2016, dựa trên tiêu chí về tầm ảnh hưởng ở diện rộng và sâu của các sự kiện đối với đời sống xã hội, văn hoá, kinh tế, chính trị, thể thao của Việt Nam, đồng thời cũng là những sự kiện đã thu hút sự chú ý của dư luận cũng như truyền thông trong và ngoài nước.
1/ Ngành nông nghiệp Việt Nam « chảy máu », hệ sinh thái của Việt Nam biến đổi.
Tháng tư, năm 2016, hàng trăm tấn cá chết bất thường dọc đoạn bờ biển dài 250km từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân cuối cùng được xác định là do sự xả thải trái phép các chất độc hại của Công ty gang thép Formosa ở Hà Tĩnh. Sự cố này, và cả sự cố tình này đã khiến cho các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm cho hệ sinh thái biển lẫn cuộc sống của người dân dọc các tỉnh ven biển bị xáo trộn và biến đổi nặng nề, tiêu cực, cụ thể là đời sống của hơn 200.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp, hàng triệu người bị ảnh hưởng gián tiếp. Ngày 29/6, đại diện công ty này đã cúi đầu xin lỗi va cam kết bồi thường thiệt hại tổng số tiền là 500 triệu USD.
Tuy vậy, « bao giờ biển miền Trung phục hồi » vẫn là câu hỏi nhức nhối, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã nhận định rằng phải mất hàng trăm năm để khắc phục hoàn toàn ô nhiễm. Đây là sự cố môi trường biển lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, một bài học lớn liên quan đến hệ sinh thái, môi trường và cuộc sống của người dân trong bài toán đầu tư kinh tế, công nghệ cao.
Bên cạnh sự cố do con người gây ra, Việt Nam cũng không là ngoại lệ của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngay từ đầu năm, miền núi phía Bắc Việt Nam đã phải chịu cái rét đậm trên diện rộng. Từ trung tuần tháng 10 cho đến giữa tháng 12, đồng bào miền Trung và Tây Nguyên phải hứng chịu đợt lũ chồng lũ có cường độ cực đoan, cộng với những đợt xả lũ khủng khiếp. Kết thúc 5 đợt lũ, 111 người đã thiệt mạng, hơn 316.000 ngôi nhà, hơn 42.800 ha lúa, 39.000 ha hoa màu bị ngập và hư hại[1]. Đến lượt miền Nam, ở một thế cực hoàn toàn trái ngược, đợt hạn hán kỷ lục trong hơn 100 năm qua ở Tây Nguyên, thảm họa kéo do hạn hán và bị xâm lấn ngập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung Bộ khiến hàng triệu người dân khốn đốn vì thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Năm 2016, đánh dấu một năm đầy biến động của ngành nông nghiệp và môi trường Việt Nam.
.
2/ Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tống thống Barack Obama – Bước ngoặt hợp tác.
Từ 23-25/5, Tổng thống Barack Obama đã có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam nhằm củng cố chính sách xoay trục sang Châu Á của Mỹ, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt -Mỹ. Ông Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí tới Việt Nam góp phần nâng cao và làm sâu sắc thêm niềm tin chiến lược giữa đôi bên, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.
Hai bên đạt được nhiều thỏa thuận kinh tế với trị giá lên tới 16,3 tỷ USD; thỏa thuận thành lập Đại học Fulbright Việt Nam; thỏa thuận về việc Việt Nam cho phép các tình nguyện viên Mỹ vào dạy tiếng Anh ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Chương trình Hòa bình.
Chuyến công du của ông Obama đã để lại những hình ảnh đẹp của một dân tộc Việt Nam hiếu khách và của một vị Tổng thống không thể nào thân thiện hơn.
.
3/ Quốc hội khóa 14 – Bộ máy chính quyền mới: Hình ảnh mới, phương châm mới, phá án tham nhũng.
Ngày 22/5, Việt Nam giới thiệu bộ máy nhà nước mới qua cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HDND các cấp. Đặc biệt, việc Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Bộ Chính trị, được Quốc Hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Việt Nam có một nữ chính khách giữ vai trò Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, đề cao vai trò người phụ nữ trong ngành lãnh đạo và quản lý, góp phần tăng số đại biểu nữ để hội nhập thế giới và nam nữ bình quyền giới tại Việt Nam.
2016 cũng là năm nhiều vụ đại án tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử, đánh dấu sự quyết tâm bài trừ tham nhũng của nhà nước và nhân dân. Điển hình là 7 vụ án tham nhũng tại Công ty In, Thương mại và Dịch vụ Agribank, Tổng Công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam, Công ty Cổ phần Dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin, Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh TP.HCM, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương, vụ Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang[2].
Hy vọng rằng với bộ máy chính quyền mới với hình ảnh mới, tinh thần và phương châm mới sẽ có những hành động mới để đưa đất nước phát triển hơn nữa, củng cố cho nhân dân niềm tin về một hệ thống chính quyền trong sạch, liêm chính, minh bạch, và có tầm nhìn chiến lược, tâm huyết trong mọi lĩnh vực của đất nước.
.
4/ Làng thể thao khắc tên vào lịch sử.
Năm 2016 là một năm ấn tượng của Thể thao Việt Nam với nhiều cái nhất và lần đầu tiên. Mở đầu là chiến tích lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở đấu trường Olympic Rio 2016 khi anh trở thành người đoạt HCV đầu tiên ở nội dung súng ngắn hơi 10m nam, lập kỷ lục với thành tích 202,5 điểm, và cũng là người Việt Nam duy nhất đoạt 2 huy chương ở một kỳ Olympic.
Tiếp theo là tấm huy chương đầu tiên của Thể thao Việt Nam ở Paralympics kể từ khi tham gia lần đầu tiên từ năm 2000 đến nay. Tại Thế vận hội Paralympics 2016 ở Rio de Janeiro, Brazil, Việt Nam đã viết tên mình bằng HCV và việc phá kỷ lục thế giới ở hạng cân 49 kg nam môn cử tạ của VĐV Lê Văn Công. Và năm 2016 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử thể thao đất nước, đội tuyển U19 Việt Nam đã thành công vượt qua tất cả vòng loại để đi đến vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới World Cup U20 tại Hàn Quốc vào năm 2017.
Danh sách những VDV vàng của làng thể thao Việt Nam 2016 còn dài, mỗi vinh quang, mỗi chiến thắng trong từng sự kiện chứng minh sức mạnh bền bỉ, dẻo dai và sự cố gắng không ngừng nghỉ để đem lại vinh quang trên đấu trường quốc tế của những anh hùng thể thao này.
.
5/ « Đường lưỡi bò » chính thức bị cắt.
Ngày 12/7, Tòa trọng tài Công ước Luật Biển ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết khẳng định Trung Quốc không có căn cứ pháp lý để đòi « chủ quyền lịch sử » với các đảo trên Biển Đông. Phán quyết pháp lý quốc tế bác bỏ « đường lưỡi bò » và chủ quyền lịch sử ngụy tạo bằng những luận điệu mơ hồ của Trung Quốc. [3]
Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng, không những với Việt Nam mà còn được thế giới quan tâm theo dõi, bởi nó ảnh hưởng theo hướng tích cực và có lợi đối với các nước có tranh chấp với Trung Quốc, đặc biệt là Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Brunei.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ dỡ bỏ những ụ bê tông, ngừng khai thác dầu khí và ngư nghiệp, hay bỏ kế hoạch xây dựng sân bay hoặc dàn radar trên các đảo tranh chấp. Tuy nhiên, quyết định này có ảnh hưởng rất lớn trong các cuộc thương lượng trong tương lai của Việt Nam, cũng như để nhận được sự ủng hộ chính nghĩa từ bạn bè quốc tế khắp các châu lục.
.
6/ Thêm 3 di sản Việt Nam được UNESCO công nhận.
Tháng 5/2016, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã công nhận « Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế », « Mộc bản trường học Phúc Giang- Hà Tinh » là những Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Vào tháng 12/2016, « thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt » đã chính thức được ghi nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể thứ 11 của nhân loại cần được giữ gìn, bảo tồn.
« Thủ nhang », « đồng đền » và « con nhang, đệ tử » là những cụm từ thường được dùng để lên án tính chất mê tín dị đoan của nghi lễ này, tuy nhiên Chầu văn, hay còn gọi là hầu đồng, là một nghi thức tín ngưỡng hội tụ đủ những tiêu chí về nghệ thuật (trang phục, diễn xướng, hoá trang, trang trí), văn hoá truyền thống, lịch sử và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt.
Từ góc độ xã hội, sự kiện đánh dấu tính chất cởi mở trong các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành, đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo.
.
7/ Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế .
Với chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu gồm: Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha, cho đến hết năm 2016, ngành du lịch tại Việt Nam được cho là đạt kỳ tích với hơn 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25% so với năm 2015, còn với lượng khách trong nước, có 62 triệu du khách nội địa trong toàn năm 2016. Tổng thu toàn ngành du lịch năm vừa qua ước tính đạt 400 ngàn tỷ đồng [4] – một con số quan trọng, góp phần khẳng định Việt Nam đang và sẽ là một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thiết nghĩ, ngành du lịch Việt Nam năm nào báo cáo tổng kết, số lượng khách du lịch cũng tăng, Bộ VH-TT & DL kêu gọi phấn đấu để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chúng ta đã làm gì để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn? 10 triệu lượt khách quốc tế là đáng kể so với những năm trước đây, nhưng so với tiềm năng trong khu vực, Việt Nam còn có thể làm tốt hơn thế. Muốn cho ngành du lịch phát triển, chúng ta cần những hành động thực tế hơn là hô hào, tóm lại, ta cần tiền, nghiệp vụ và nhân lực chất lượng.
.
8/ Năm quốc gia khởi nghiệp.
Việt Nam đồng hành cùng xu hướng toàn cầu, chưa bao giờ câu chuyện khởi nghiệp nhận được sự quan tâm sâu rộng như năm qua. Làn sóng doanh nghiệp mới thành lập đạt con số kỷ lục, tính đến ngày 20/12/2016, cả nước có 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 16,2% so với năm 2015. Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đã tìm đến Việt Nam, trong đó có 500 Startups từ Thung lũng Silicon (Mỹ), quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng Goldman Sachs…
Đặc biệt, tiếng nói của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam cũng đã được ghi nhận qua sự kiện kiến nghị thành công về hủy bỏ Điều luật 292 Bộ luật hình sự 2015. Đây là điều luật quy định tội danh về cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông, vốn bị chỉ trích là có nội dung đi ngược với chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, nhất là khởi nghiệp.
.
9/ Chính thức dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Cách đây 6 năm, với tham vọng tạo ra ngành năng lượng hạt nhân đóng góp vào 10% tổng điện năng sản xuất trong nước, Nga và Việt Nam đã ký thỏa thuận về xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận. Hà Nội đã có kế hoạch đến năm 2030 sẽ xây dựng 13 lò phản ứng hạt nhân tổng công suất 15GW với sự tham gia của Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác. Tuy nhiên sau nhiều lần trì hoãn, tháng 11 năm 2016, với hơn 90% phiếu thuận, Chính phủ đã quyết định dừng vụ án này.
Nguyên nhân chính của quyết định này là do tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định đầu tư dự án. Việt Nam ưu tiên nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội, cũng như giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra.
Việc ngừng dự án xây nhà máy điện hạt nhân tạo ra hai luồng dư luận, ủng hộ hay hối tiếc trước quyết định này. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh chuyên môn, nhân sự và an toàn, đa số các nhà khoa học lẫn dư luận đều đồng ý rằng có lẽ thời điểm hiện tại chưa phù hợp và đủ tiêu chuẩn để xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.
.
10/ Làm từ thiện đâu có dễ – sự kiện MC Phan Anh với 24 tỷ đồng.
Với truyền thống « lá lành đùm lá rách », ngày 16 tháng 10 trên Facebook của MC nổi tiếng Phan Anh đưa lên lời kêu gọi những người yêu mến anh chung tay cứu giúp đồng bào miền Trung đang gặp lũ lụt. Đích thân bỏ 500 triệu tiền riêng của mình vào quỹ cứu trợ, Phan Anh bắt đầu dấn thân vào chiến dịch từ thiện này. Điều bất ngờ đã xảy ra: chỉ trong vòng 4 ngày, nam MC đã lập kỉ lục vận động quyên góp khi số tiền thu được tới 16 tỉ đồng, và vài ngày sau, con số cuối cùng là 24 tỷ.
Tuy nam MC đã không ngần ngại công khai tài chánh, minh bạch thông tin, cơ sở dữ liệu về hoạt động thiện nguyện nhưng với số tiền từ thiện khổng lồ, không ít người đã đặt câu hỏi về nguồn gốc, và đả kích Phan Anh tổ chức quyên góp làm từ thiện như thế là vi phạm pháp luật, cần phải bị xử lý.
Là sự kiện từ thiện đình đám nhất từ trước đến nay vì vừa liên quan một nhân vật nổi tiếng của giới giải trí vừa liên quan đến số tiền lớn thu được chỉ sau vài ngày, từ hành động tự phát của một cá nhân, do thiếu kinh nghiệm xử lý tình hình đã dẫn đến một loạt lùm xùm đáng tiếc lẫn sự mệt mỏi, thất vọng của người trong cuộc, sự kiện này cho chúng ta thấy một góc nhìn xã hội hiện nay của Việt Nam, áp lực và định kiến, tâm lý đám đông và danh tiếng cá nhân,… để lại một bài học quý báu cho những cá nhân khác muốn đứng ra làm từ thiện sau này. Làm người nổi tiếng đã không dễ, làm từ thiện lại càng khó hơn với họ! Cũng như, chung tay đóng góp đã không dễ, học cách đối thoại khi có khủng hoảng thông tin lại càng khó hơn đối với tất cả chúng ta.
***
Những quan điểm trên đây thể hiện dưới góc nhìn cá nhân, mang tính tham khảo về các sự kiện Việt Nam năm 2016.
M. Vân
01/2017
[1] Nguon : vnexpress.net, khoảng 100 người chết sau 5 đợt mưa lũ, 17/12/2016
[2] Nguon : tuoitre.vn, Đưa sáu vụ đại án tham nhũng ra xét xử, 01/10/2016
[3] Nguon : laodong.com.vn, Toà trọng tài cắt “đường lưỡi bò” của Trung Quốc như thế nào?, 13/07/2016
[4] Nguon : dulich.tuoitre.vn, Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2016, 22/12/2016