Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Tương lai của Việt Nam là năng lượng xanh

GS Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn chiến lược tập đoàn điện lực quốc gia Pháp cho rằng tương lai của Việt Nam là năng lượng xanh, gồm có: sinh khối, mặt trời và gió.

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn là Giám đốc đầu tiên của Trường Cao đẳng Điện học và Trung Tâm quốc gia Kỹ thuật Sài Gòn (nay là Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh). Ông cũng là Cố vấn Kinh tế, Dự báo, Chiến lược Tập đoàn Điện lực Quốc gia Pháp (EDF Paris), Giáo sư Viện Kinh tế Chính sách Năng lượng Grenoble, Giáo sư Trường Đại học Bách khoa Grenoble. Trong nhiều năm qua, ông đã xuất bản nhiều bài viết bày tỏ quan điểm ủng hộ Việt Nam sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để phát triển bền vững đất nước.

Từ năm 1962, trong tạp chí MVA của trường Cao đẳng Điện học, giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn đã lưu ý về tầm quan trọng của phát triển năng lượng xanh. Kể từ năm 2003 đến nay, ông đã đăng tải 60 bài viết về điện hạt nhân và năng lượng tái tạo trên blog cá nhân (nguyenkhacnhan.blogspot.fr).

Ngay từ năm 2003, vào kỷ niệm 17 năm thảm họa Tchernobyl, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn đã khuyến nghị chính phủ nên đầu tư vào năng lượng tái tạo thay vì điện hạt nhân. Ông giải thích: trên vũ trụ, năng lượng có 3 nguồn gốc chính: mặt trời, địa nhiệt và hạt nhân. Trong đó, điện hạt nhân vừa tiềm tàng nguy cơ mất an toàn, lại vừa thiếu kinh tế. Ông nhấn mạnh chi phí khổng lồ cho việc tháo dỡ: “Tháo gỡ một nhà máy điện hạt nhân […] tối thiểu tốn vài trăm triệu USD và phải đợi từ 25 đến 50 năm”, “tiền đập phá lại cao hơn kinh phí xây dựng và thời gian tháo gỡ gấp 10 lần lâu hơn khi xây cất”. Kinh nghiệm từ các nước giàu mạnh với hàng trăm, hàng ngàn tỷ USD đã đổ dồn vào lĩnh vực này mà tương lai vẫn không sáng tỏ, sau hơn nửa thế kỷ. Ông cho rằng, nếu chỉ một phần số kinh phí ấy được đầu tư vào các công trình nghiên cứu năng lượng tái tạo thì giá điện sẽ trở nên kinh tế.

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn đánh giá cao quyết định ngưng dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận vừa qua của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam. Đồng thời, ông cũng đề xuất một sự thay đổi gấp về chiến lược năng lượng để tránh nạn thiếu điện. Giáo sư cho hay, Đại học Stanford ở Mỹ vừa công bố một nghiên cứu hết sức quan trọng: 193 nước trên thế giới có thể, nếu muốn, sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050. Trong đó, năng lượng mặt trời có tiềm năng mênh mông, có thể thỏa mãn trên 20 lần nhu cầu điện lực toàn cầu. Một công ty Mỹ vừa sáng chế một loại ngói nhà có thể thu giữ năng lượng ánh sáng như các pin mặt trời.

“…đến năm 2050, 50% dân chúng Âu châu có thể sản xuất một phần điện tái tạo.” Ảnh minh họa.

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn cho rằng, ngày nay, mô hình năng lượng là phân cấp quản lý, thu hẹp từng vùng, từng làng xã, và người dân cũng được khuyến khích trở thành nhà sản xuất điện lực.

Ông cho biết, theo một nghiên cứu gần đây, đến năm 2050, 50% dân chúng Âu châu có thể sản xuất một phần điện tái tạo và như thế sẽ thỏa mãn gần 50% nhu cầu điện lực Âu Châu. Chuyển sang năng lượng tái tạo là hướng đi tốt nhất để đối phó với hiện tượng thay đổi khí hậu và tăng gia công ăn việc làm cho dân chúng. Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn kết luận: đây là con đường tốt nhất để bắt kịp nền kinh tế số và kinh tế xanh cho mục tiêu phát triển bền vững.

Bích Ngọc 

http://www.daikynguyenvn.com/kinh-te/tuong-lai-cua-viet-nam-la-nang-luong-xanh.html