Mỗi mùa xuân là một cảm giác khác lạ. Xuân nào cũng là xuân nhưng Xuân này, tôi thấy lòng mình rộng mở, nở đầy hoa, nhất là khi nhìn thấy gần 1000 người tình nguyện viên cùng nhau tổ chức Tết cổ truyền tại Pháp trong sự kiện Tết tại Pavillon Baltard vừa qua.
Chỉ vài năm thôi nhưng hoạt động cộng đồng trong các sự kiện Việt Nam tại Pháp đã giúp tôi học được rất nhiều điều trong cuộc đời. Và có lẽ mùa xuân mà các tình nguyện viên muốn đem lại là bầu trời xuân chung cho mọi người. Niềm vui của người đến tham gia sự kiện cũng là niềm vui của họ với những nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt tựa như những đóa hoa xuân cứ lan tỏa khắp không gian Chợ Tết. Mùa xuân diệu kì và ấm áp, bắt đầu một năm mới yêu thương trên đất Pháp. Tuy xa quê hương nhưng rất gần, vì ta thấy được, cảm nhận được ngay bên mình những tấm chân tình luôn hiện hữu, chan chứa tâm hồn Việt vẫn sinh sống hàng ngày trên vạn nẻo đường Paris.
Trong buổi tối đó, tôi có gặp và hỏi chuyện một vài người, đặc biệt nhất là khi vào bếp, tôi gặp cô Pauline đang làm việc « tả xung hữu đột » với các món ăn cũng như chạy ra các quầy để xem tình hình món ăn đang bán. Dù bận rộn, cô luôn rất nhiệt tình, dịu dàng, thân thiện với tất cả mọi người. Tôi lại được biết cô là người đã chuẩn bị trước đó tất cả món ăn được bày bán trong Chợ Tết, từ việc lên thực đơn, chọn nguyên liệu và xem tiến độ chuẩn bị như thế nào để nêm nếm các món thật ngon; những ngày trước sự kiện, cô đã ở Hội quán chuẩn bị từ sáng sớm đến tối mịt, để bảo đảm chất lượng và số lượng cho khoảng 30 món, với lượng khách dự tính là gần 1000 người. Vì vậy, không ngạc nhiên khi hầu như tất cả khách đến sự kiện Tết đều tấm tắc khen các món ăn trong khu Chợ Tết thật Việt Nam, thật ngon, thật vừa miệng, toàn bộ các món ăn đều được bán hết trước giờ quy định dọn hàng. Thành công đó nhờ đội ngũ bếp gồm hàng chục người từ phụ bếp, bán hàng, bán vé, xếp quầy,… và phần món ăn không thể không nhắc đến cô Pauline. Do đó, tôi đã tìm dịp sau đó để gặp cô trò chuyện, đưa đến những thông tin thật thú vị về ẩm thực Việt Nam tại Pháp.
***
Cô đến Pháp ngày 27/03/1965. Cô còn nhớ rất rõ ngày hôm đó tuyết trắng phủ hai bên đường, một cảm giác rất lạ và xúc động khi lần đầu tiên thấy cảnh đẹp của Pháp, nhưng cảm giác đó rồi tan biến cũng như những bông tuyết rơi chạm trên mắt và tan chảy ra, vì nỗi buồn xa quê, xa gia đình ập tới. Cô cảm thấy lạc lõng nơi xứ người, nhưng vẫn tiếp tục đi tiếp con đường trước mặt mà duyên mệnh đã định.
Năm 1967, cô có dịp đến ăn cơm tại quán ăn Bác Hồ, ở khu Maubert thuộc quận 5 Paris. Cô nhớ như in phần ăn giá lúc đó là 2 francs gồm 1 chén cơm, 1 tô canh, 1 chén thịt kho. Bữa ăn rất ngon, từ đó, gợi cho cô suy nghĩ “Hay là Mình mở một nhà hàng Việt Nam, mà đặc biệt là các món ăn thuần Việt. »
Nhưng thời gian trôi qua, cô lại lo cho cuộc sống gia đình. Mãi đến năm 1976, cô mới mở được nhà hàng và đặt tên “Long Hải” ngay tại khu Maubert, quận 5, Paris. Các món đặc biệt của tiệm lúc đó là mì khô, bánh canh, bánh ướt chả lụa do chính tay cô làm ra: từ pha bột, làm bánh canh… Cô rất vui khi tự mình làm các món ăn Việt Nam để gửi gắm vào đó tình yêu quê hương, có thể nói sự chăm sóc và kỹ lưỡng khi nấu ăn của cô xứng với chất lượng của các nhà hàng cao cấp hiện nay. Nếu đã thấy cô làm bếp, ta mới hiểu được hết ý nghĩa của sự chăm sóc và kỹ lưỡng này như thế nào, vì cô nâng niu từng món ăn trong suốt quá trình rửa sạch, ướp, nấu, hiểu đặc tính của từng gia vị Việt, và tạo ra mỗi đĩa ăn một « tác phẩm » của màu sắc, hương vị và cách trình bày.
Vì vậy, nhà hàng của cô có rất nhiều phái đoàn bác sĩ của bệnh viện Cochin đến ăn đều đặn 3 ngày trong tuần, rồi các cán bộ làm trong Sở Cảnh sát quận 5, đội ngũ bác sĩ bệnh viện Hopital de Dieu cũng đến ăn thường xuyên. Nhà hàng luôn bảo đảm chất lượng các món ăn mang đậm hương với thuần tuý Việt Nam, cùng với sự phục vụ nhiệt tình chu đáo luôn làm cho khách hài lòng, đặc biệt là các khách sành ăn uống và kỹ tính.
Sau 1980, các con đã lớn có gia đình, cô cũng đã lớn tuổi, thấy sức khỏe không đủ đảm bảo các khâu tuyển chọn nguyên liệu và nấu nướng đúng với quy trình lâu nay của mình, cô liền ngưng làm nhà hàng và chuyển sang bán hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, quần áo truyền thống Việt Nam. Lúc ấy, dạng hoạt động này vẫn còn ít tại Pháp, nên cô chọn để luôn được hướng về các sản phẩm thuần Việt, để giới thiệu với người Pháp những sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam rất đẹp mắt, tinh tế, gần gũi với đời sống người dân.
Nhân dịp trò chuyện này, tôi đã đặt vài câu hỏi dành cho cô Pauline và chia sẻ đến độc giả những lời trò chuyện trực tiếp của cô.
N.Q: Từ những năm vừa qua, cô đã giúp cho Hội người Việt Nam tại Pháp trong nhiều sự kiện ẩm thực, đặc biệt nấu bếp cho cả khu vực Chợ Tết truyền thống tại Pavillon Baltard. Cô có thể chia sẻ vài điều về động lực đưa cô đến với các hoạt động văn hoá cộng đồng vì Việt Nam?
Cô Pauline: Tôi luôn chọn làm việc với sự yêu thích, đặc biệt tôi yêu công việc làm bếp. Động lực tham gia các hoạt động cộng đồng vì đó là một trong những cách quan trọng và có ý nghĩa để giúp các món ăn Việt Nam được phát triển và giới thiệu nhiều hơn, mà điều quan trọng nữa là cùng chia sẻ, nâng đỡ mọi người trên con đường gìn giữ văn hoá Việt Nam ở nước ngoài. Tôi thích làm cho người khác vui, vì điều đó làm mình vui.
N.Q: Cô suy nghĩ thế nào về Tết, các món ăn cổ truyền Việt Nam? Có cách nào hiệu quả và đơn giản để người Việt trẻ, bận rộn tại Pháp cũng có thể thực hiện để giữ gìn tinh thần truyền thống qua nấu nướng?
Cô Pauline : Tôi vốn sống với tinh thần rất cổ truyền Việt Nam, điều đó đã là một sự khác biệt của thời đại và thế hệ. Những người trẻ được sinh ra và lớn lên bên Pháp lại khác với những người trẻ Việt Nam sang bên Pháp đi du học hay công tác rồi lập gia đình ở lại. Vì vậy, ta thấy ở đây có những khác biệt về thế hệ, môi trường sống,.. đối với việc giữ gìn phong tục từ trong suy nghĩ đến hành động.
Theo tôi, cái khó để có thể giữ được truyền thống Việt Nam nằm ở ngôn ngữ vì nếu không hiểu nhiều tiếng Việt thì sự chuyển tải tình cảm hay hay sự cảm nhận về văn hoá rất khó để giải thích cho tường tận. Để giữ gìn văn hoá Việt Nam thì tình tương trợ giữa người Việt với nhau cần được đề cao hơn nữa. Trong gia đình, con cái phải biết tôn trọng ông bà, cha mẹ là điều quan trọng và cốt lõi trong một gia đình Việt Nam. Vào dịp Tết, đêm giao thừa đi chùa cầu bình an cho mọi người, mời gia đình bạn bè đến nhà ăn cơm, làm các món Việt Nam vào ngày Tết thường có mâm ngũ quả, trưng hoa mai, hoa đào, có bánh chưng, thịt kho, canh khổ qua, hộp bánh mứt … là những điều hết sức bình thường với mỗi người Việt, mỗi gia đình Việt Nam. Mỗi năm chỉ có một lần, chúng ta nên trân trọng và thực hiện, thì con cháu cũng cảm thấy trân trọng điều đó, tạo ra truyền thống gia đình, đó cũng là cách giữ phong tục Việt.
Thế hệ trẻ cho dù có bận nhiều đi chăng nữa thì nên có một ngày trong tuần nấu các món ăn Việt Nam. Nên tham gia các hội đoàn Việt hay hoạt động cộng đồng để thấy được mình là người Việt còn cần trách nhiệm và ý thức vì nguồn cội của mình. Các bạn còn rất trẻ đặc biệt là phải nói tiếng Việt cho mình, sau này là cho con cái mình, đừng vì lý do học tiếng nước ngoài mà quên tiếng nước mình. Khi có chút thời gian, nên tìm kiếm các hoạt động liên quan đến văn hoá Việt nhằm mục đích tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi giữa người Việt, nâng cao sự học hỏi kiến thức về văn hóa của mình, mới có thể giới thiệu văn hoá Việt cho các bạn nước ngoài biết là Việt Nam có một nền văn hoá mang đậm chất nhân văn như thế nào.
N.Q: Hiện nay có tình trạng một số nhà hàng châu Á cố gắng biến đổi gu món ăn truyền thống để hợp với khẩu vị người Pháp hoặc để thu hút khách là chủ yếu. Cô đã từng cùng gia đình quản lý nhà hàng ở Maubert quận 5 Paris, theo cô những món ăn nào vừa có thể giữ được nguyên liệu vốn có vừa phù hợp với khách pháp ?
Cô Pauline: Các món như chả giò, tôm chiên, cơm rang là các món lý tưởng khi giới thiệu cho những người nước ngoài vừa làm quen món ăn Việt. Nhưng khi khách Pháp đã ăn quen và trong suy nghĩ của họ là món ăn Việt Nam rất ngon, thì không có vấn đề nào trở ngại, họ sẵn sàng thử và ăn những món 100% hương vị Việt Nam. Không cần phải biến đổi cho phù hợp với vị của Pháp vì nếu biến đổi thì không còn là thức ăn chuẩn vị Việt Nam, và tất nhiên, chúng ta có rất rất nhiều món ăn để giới thiệu hương vị chuẩn Việt, không cứ là các món mà thật sự không phải người Việt Nam cũng ăn được, vì vậy không nên cho người Pháp ăn các món như Bún mắm, các loại mắm đặc sản,.. trừ khi họ đề nghị, đó cũng là sự lịch sự và lòng hiếu khách, tinh tế của ta, không để người đang có lòng tìm hiểu bị sốc ẩm thực hoặc cảm giác bị khó xử.
***
Cô Pauline đã chia sẻ rất thật tình, với sự đôn hậu, tinh tế và đặc biệt luôn giữ tâm hồn thuần Việt. Cô luôn mong ước cho thế hệ sau này giữ gìn truyền thống văn hoá Việt Nam tốt hơn nữa và cùng giới thiệu ra thế giới nền văn hoá Việt thật đẹp.
Qua cuộc nói chuyện với cô, tôi đã nhận ra rằng, tôi rất vội vàng và hối hả trong cách sống, cứ mải cố gắng hoà nhập theo cuộc sống phương Tây nhưng đã quên đi cái gốc căn bản, cái văn hoá mà mình có sẵn từ rất lâu mà đất mẹ đã ban tặng. Tôi có thể học nhiều thứ, tìm hiểu nhiều nền văn hoá khác nhau, … nhưng cái riêng và quý giá nhất mà ai trong mỗi người Việt đều có là truyền thống văn hoá Việt Nam. Chỉ có ở đó tôi mới tìm thấy nụ cười, lời ru, ánh mắt, tình yêu của miền đất mẹ xa thương qua những người cùng màu da, màu tóc, dòng máu, tâm tình. Gặp được những người phụ nữ Việt tại Pháp như cô Pauline làm ta luôn thấy ấm áp và tin hơn nữa về cuộc sống vì sự hướng thiện, luôn sẵn sàng tương trợ nhau khi khó khăn cũng như khi hạnh phúc. Tôi tin rằng sự chia sẻ của cô Pauline, từ tâm hồn sẽ kết nối tâm hồn, và cũng chính là tâm tình, chia sẻ của rất nhiều phụ nữ Việt Nam khác đã, đang sống tại Pháp, tràn đầy tình yêu với nguồn cội truyền thống của mình.
Hoàng Châu
Hình: UGVF