Vẫn như thường lệ, ngày hôm nay ở trường Về Nguồn, các lớp tiếng Việt bắt đầu từ 14 giờ, các em thiếu nhi vào lớp, phần lớn phụ huynh ngồi chờ con ở hành lang, chờ con học xong để nhắc nhở các con giờ giấc các lớp học sau đó, cũng như chăm cho các bé nhỏ ở độ tuổi mầm non. Số đông phụ huynh luôn có mặt tại trường là các chị em phụ nữ trên 25 tuổi. Các chị rất vui vẻ hoà đồng, luôn cười nói rộn rã khi gặp nhau. Các chị em rất thân thiện trao đổi bao nhiêu kiến thức trong cuộc sống, cách giáo dục con trẻ,…
Ngày hôm nay lại đặc biệt hơn vì các chị đang trao đổi về một trong những chủ đề nóng bỏng nhất đối với cộng đồng Việt Nam tại Pháp:
“Làm thế nào để có thể giữ được phong tục tập quán, truyền thống văn hoá, ngôn ngữ Việt trong các gia đình gốc Việt hiện đang sống và làm việc ở Pháp?”
***
Cuộc sống ở Pháp vốn rất vội vã theo nhịp điệu riêng của mình. Các chị phụ huynh Việt Nam tại Pháp, cũng giống những người mẹ ở Việt Nam, mỗi ngày đều tất bật vừa đi làm, lo lắng cho gia đình, lo cho con trẻ. Một ngày bắt đầu từ rạng sáng đến khi hết công việc cũng là buổi cơm chiều, sau đó là kèm con học, trao đổi chuyện gia đình suốt buổi tối. Vốn dĩ là phụ nữ với thiên chức làm mẹ làm vợ, họ luôn phải sát cánh bên các con lo lắng từng bữa ăn giấc ngủ của con, dạy cho con học… Nhưng bên cạnh đó, đối với bậc phụ huynh Việt Nam tại Pháp, họ còn đối mặt và suy nghĩ với một vấn đề là làm thế nào để tạo sự liên hệ văn hóa, tinh thần cho con mình với Việt Nam trong môi trường xã hội, giáo dục Pháp, để con mình không « mất gốc » trong nghĩa cơ bản nhất là về ngôn ngữ, sâu xa hơn là trong nghĩa về ý thức phong tục lẫn kiến thức về văn hóa Việt Nam. Vấn đề này chính là động lực để các anh chị phụ huynh đều đặn, kiên trì đưa con đến trường Về nguồn học tiếng Việt và văn hóa từ nhiều năm qua.
Để hiểu rõ hơn về cách những người mẹ Việt tại Pháp đang làm cho con mình kết nối với văn hóa quê hương, ban Trách Nhiệm trường Về nguồn chúng tôi đã tổ chức trao đổi với các chị qua các câu hỏi bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, vì không ít các chị phụ huynh là thế hệ Việt Nam thứ hai tại Pháp hoặc hoàn toàn là người Pháp.
Những câu trả lời nhận được vô cùng thú vị, mà chúng tôi tin chắc rằng đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích đối với những ai đang làm công việc giáo dục, dạy tiếng Việt cũng như tìm hiểu cách giữ gìn văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.
Đối với câu hỏi « Trong gia đình, các chị đã làm những gì để giới thiệu cho con văn hóa Việt Nam, cũng như giữ gìn điều ấy? », chị Ngọc Hằng chia sẻ về việc mỗi ngày mình đều « làm bếp, tề gia nội trợ, lo cho gia đình, 100% nấu món Việt Nam, 7 ngày trong tuần, chủ nhật nấu các món phở, hủ tiếu,bún bò, bún riêu… Ngày Tết, lễ hội, ngày giỗ ông bà, gia đình luôn tổ chức những buổi cơm thân mật, nhằm mục đích cho các thành viên trong gia đình sum họp, dạy cho con biết nguồn cội. Tìm cho con học trường Việt Nam và tham gia hoạt động cộng đồng của người Việt từ lúc nhỏ. ».
Chị Hằng có ba con gái, đều là những học sinh giỏi tiếng Việt và tích cực trong các hoạt động văn hóa như hát, múa, biểu diễn võ, làm các sản phẩm thủ công. Đặc biệt, các bé có số lượng từ vựng phong phú so với một số em cùng tuổi.
Chị Trinh, hiện có con trai đang học lớp tiếng Việt 2, cũng chia sẻ rất gọn và đầy đủ về cách « giữ lửa văn hóa » trong gia đình mình là: « Ăn đồ ăn Việt Nam. Giữ phong tục Việt Nam là luôn tôn trọng ông bà cha mẹ. Dạy tiếng Việt cho chồng và con. Về Việt Nam thực hành tiếng Việt. Coi phim Việt, xem đài truyền hình Việt. Luôn nấu hai món trong một bữa cơm vì có ông xã là người Pháp nên tôn trọng văn hoá ẩm thực Việt Pháp. Tập cho chồng con thích ăn đồ ăn Việt Nam. »
Chồng chị Trinh là người Pháp rất yêu thích văn hóa và lịch sử Việt Nam, hiện đang tham gia lớp học tiếng Việt dành cho phụ huynh do trường Về nguồn tổ chức. Nhờ ba mẹ đều quan tâm và tích cực với ngôn ngữ và văn hóa Việt nên con trai chị hiện cũng là một trong những học trò đi học đầy đủ và tham gia tích cực trong mọi lớp học và hoạt động của trường.
Cô Châm, bà ngoại của em Dylan hiện học lớp tiếng Việt 3, vẫn thường theo con gái và cháu đến trường tiếng Việt các thứ bảy, cho biết ở nhà cô « hàng ngày đều ăn cơm Việt Nam, giữ phong tục tập quán Việt Nam, nói tiếng Việt thường xuyên. Tôi dạy cho con cháu học tiếng Việt, chúng ta nên hát ru ngủ cho con, cháu bằng tiếng Việt. Ngoài ra, cả nhà cũng cố gắng thu xếp về Việt Nam thường xuyên dịp nghỉ hè. Vì con, cháu sống tại Pháp nên cần nấu các món Việt, Pháp để nâng cao tinh thần hoà đồng văn hoá. »
Rõ ràng là ẩm thực Việt chính là một trong những bí quyết quan trọng nhất của những bậc cha mẹ Việt tại Pháp. Nhờ những món ăn mà con trẻ học được tên gọi và từ ngữ liên quan, nhờ những buổi ăn gia đình mà hình ảnh thân quen của bữa ăn truyền thống được giữ gìn, nhờ đó những câu chuyện về quê hương cũng được chia sẻ, kết nối tất cả thành viên của gia đình từ những em bé nhỏ nhất. Ngoài ra, sự dẫn dắt, hướng dẫn của phụ huynh đối với tình cảm, khả năng phát triển của con trẻ là hết sức chiến lược và quan trọng, góp phần tạo ra những kỷ niệm tuổi thơ cũng như mở ra không gian của ngôn ngữ và văn hóa Việt ngay từ gia đình đến trường học, cộng đồng.
Đối với các phụ huynh mà bản thân đã không có tuổi thơ Việt tại Việt Nam thì họ làm như thế nào để kết nối con cái mình với văn hóa Việt Nam? Họ là những người hoặc lớn lên tại Pháp, hoặc sinh ra tại Pháp, họ là thế hệ Việt Nam thứ hai hay thứ ba của cộng đồng Việt tại Pháp.
Chị Như, một phụ huynh sinh ra tại Pháp, bản thân đã học tiếng Việt và luôn tự mình học hỏi thêm những khía cạnh của cuộc sống Việt, có những chia sẻ rất bất ngờ về cuộc sống của mình cùng con: « Đọc sách cho con nghe, dạy hát tiếng Việt, cho con làm quen với các em nhỏ người Việt, nói tiếng Việt với con. Đi thăm ông bà nội, ngoại, cuối tuần lại dắt con về nhà bà ngoại ăn cơm Việt Nam, hoặc đi quận 13 ăn Phở. Nếu có dịp, hai mẹ con cũng đi về Việt thăm người thân hoặc đi du lịch ».
Chị còn biết làm gỏi cuốn chấm mắm nêm và rất thích ăn món mang mùi vị đậm mùi Việt Nam này.
Một trường hợp rất độc đáo là chị Đoan Phương, một hội viên và đồng thời cũng thuộc thành phần thế hệ thứ hai của Hội NVNTP (ba mẹ chị là hội viên tích cực và lâu năm của Hội), vì chị đã từng học ở trường tiếng Việt của Hội NVNTP khi nhỏ, mà hiện giờ khi đã thành phụ huynh, chị lại dẫn con mình đến trường, tiếp tục sự gắn kết, đồng thời cũng là tạo ra con đường chung của hai mẹ con đi « Về nguồn ». Chị chia sẻ bằng tiếng Pháp rằng để kết nối với văn hóa Việt Nam, chị và con gái cùng đi sinh hoạt thiếu nhi Về Nguồn, chị cũng tìm các tài liệu, sách về Việt Nam để đọc và nói chuyện với con, cũng như cố gắng nói những từ vựng tiếng Việt mà chị biết với con ở nhà, và dĩ nhiên không thể bỏ qua mảng ẩm thực, ngoài món « cơm chiên » là sở trường của chị, may mắn là có ông ngoại người Huế làm món ăn rất ngon, chồng chị cũng phụ giúp trong việc đi chợ và nấu ăn đồ Việt ở nhà.
Vậy đối với người Pháp hoàn toàn, khi lập gia đình với người Việt, thì họ chăm sóc tiếng « quê cha » và văn hóa bên nội của con mình như thế nào? Chị Valérie là trường hợp này, đã thẳng thắn và chân thành chia sẻ: « Tôi không biết gì về tất cả các món Việt nhưng con trai tôi lại thường được ăn ở nhà bà nội, và ăn gì, nó cũng thêm nước mắm vào. Chúng tôi xem nhiều các chương trình trên tivi (về lịch sử, văn hóa Việt), thường đến tham gia các lễ hội truyền thống của Việt Nam (Tết, Tết Trung Thu). Về phần mình, tôi kể các câu chuyện Việt cho con trai, bản thân tôi cũng tự học để kèm giúp con mình hiện đang học lớp tiếng Việt. » (Je ne sais pas du tout les plats Việt Nam mais mon fils mange souvent chez la grand-mère, il mette partout du sauces “ nước mắm “. On regarde beaucoup la télé (histoire, culture Việt), participe aux Fêtes traditionnelles du VietNAM (Tết,Trung Thu). Quant à moi, je raconte les histoires du Việt Nam à mon fils, et j’apprends à moi même pour aide mon fils qui suive le cours Việt Nam.)
***
Qua sự chia sẻ rất nhiệt tình của phụ huynh. Chúng tôi nhận ra rằng mấu chốt để giữ truyền thống văn hoá Việt Nam chính là gia đình và sự chăm sóc dành cho gia đình. Các chị luôn mong muốn truyền đạt hơi thở Việt cho các con, thế hệ sau này bằng tiếng nói dịu dàng tình cảm, dạy cho các con luôn có sự tôn trọng mọi người trong tất cả mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ, bạn, xã hội. Một điểm nổi bậc là các chị em phụ nữ rất chú trọng đêm nghệ thuật ẩm thực, mà các món ăn được nấu đều rất cầu kì, nhiều màu sắc, nhiều hương vị, mỗi món là đặc trưng của từng vùng miền rõ rệt như: Phở miền Bắc, bánh bèo miền Trung, thịt kho tộ miền Nam… Qua việc giải thích xuất xứ của các món ăn, rồi dẫn theo là trang phục, cảnh làng quê, phố thị, từ đó thêu nên một bức tranh văn hoá đa dạng sống động ngay từ gia đình, ngay từ người mẹ, ba truyền đến con cái. Đây là một trong những phương pháp truyền đạt, giao tiếp rất hiệu quả góp phần vào việc lưu truyền văn hoá Việt.
Bên cạnh đó một phương pháp rất điển hình căn bản là lời ru ngọt ngào của bà, mẹ, chị nuôi dưỡng bao nhiều tâm tư tình cảm, lẫn những điệu dân ca, ca dao tục ngữ được thổi hồn qua lời ru luôn răn dạy tuổi thơ biết nguồn biết cội, biết điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Lời ru của Bà, Mẹ nuôi lớn tuổi thơ theo năm tháng, lời ru không đổi theo thời gian luôn thanh khiết với bản chất mộc mạc, và vì đó mà trí nhớ của các chị em phụ nữ luôn hoài niệm một tuổi thơ trong sáng êm dịu nơi ấy luôn có Bà, Mẹ… che chở yêu thương.
Cuộc sống tại Pháp cũng như cuộc sống hiện đại làm cho phụ nữ càng ngày càng tất bật, làm nhiều hơn, vượt qua nhiều thử thách, vượt qua chính mình để đi xa hơn nữa trong thế giới muôn màu muốn vẻ. Nhưng khi ngồi lặng lại với nhau giữa chị em phụ nữ khi nhắc đến quê hương là nước mắt các chị tràn trên khoé mắt bởi nỗi nhớ quê hương luôn ngự trị, cháy bỏng, khi nhắc đến lại tràn ra thật đong đầy niềm khát khao được sống trong không khí, hơi thở của quê hương. Chính ngọn lửa luôn nung nấu trong tâm hồn của các chị đã tỏa sáng soi rõ bước đường và những việc cần làm để giữ văn hoá Việt Nam. Tôi cảm nhận được các chị đã và đang xây dựng một nền tảng văn hoá Việt cho thế hệ nối tiếp, mà qua đó các chị muốn gửi gắm một giấc mơ về Đất Mẹ.
Ở đâu có mẹ là có quê hương .
Nhân dịp 08/03, xin chúc phụ nữ Việt Nam hạnh phúc,luôn đạt những điều tốt đẹp trong cuộc sống .
Ban trách nhiệm trường Về nguồn.