Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP 2017: NHỮNG ĐỘT BIẾN KHÓ LƯỜNG NGAY TRƯỚC NGÀY BẦU CỬ

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp lần này diễn ra trong bối cảnh có nhiều điểm mới so với những lần trước đây, về cả bối cảnh quốc tế lẫn tình hình trong nước Pháp, cụ thể là những điểm sau:

Trước hết, bối cảnh chính trị quốc tế, khu vực và ngay tại nước Pháp đã có nhiều thay đổi lớn về chủ trương chính trị. Đó là sự lên cầm quyền của nhà tài phiệt Mỹ, Donal Trump, có quan điểm khác về các chính sách đối ngoại so với các Tổng thống tiền nhiệm, liên quan đến châu Âu, đến khối Liên minh Quân sự Bắc Đại tây dương (OTAN)… Trong khi tổng thống đương nhiệm Mỹ đặt chính sách phục vụ  lợi ích của dân Mỹ, trên lục địa Mỹ lên trên hết, Pháp lại muốn tự đặt mình vào vị trí đầu cùng nước Đức trong khối liên minh châu Âu và Phòng thủ châu Âu.

Ngay trong khu vực, tình hình các vụ khủng bố đã và đang xảy ra khá nhiều từ vài năm nay tại nhiều nước châu Âu, đặc biệt ở Pháp. Vấn đề nhập cư trong thời gian gần đây bắt buộc các nước trong khối liên minh châu Âu và Pháp phải tập trung giải quyết khi tình hình chiến sự tại Syrie, Irak chưa có lối thoát. Đây cũng là một vấn đề mà các ứng viên lợi dụng để thu hút cử tri.

Ở Pháp, tổng thống đương nhiệm François Hollande tuyên bố không ứng cử nhiệm kỳ thứ hai. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nền Cộng hòa thứ năm của Pháp, một vị tổng thống chỉ đảm nhận một nhiệm kỳ và không ứng cử tiếp. Vì sao vậy ? Vì uy tín của ông bị giảm sút một cách thậm tệ, chỉ còn khoảng 20% dân Pháp đặt niềm tin vào ông.

Với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội cấp bách hiện nay của nước Pháp, nội dung cuộc tranh cử tập trung vào những vấn đề thời sự nóng hổi như giải quyết nạn thất nghiệp, vấn đề người nhập cư, tăng lương cho những người thu nhập thấp, các chính sách xã hội, vấn đề an ninh đô thị, chống khủng bố, vấn đề nguồn năng lượng sạch thay cho các trung tâm điện nguyên tử, vấn đề môi trường, xây dựng châu Âu v.v… Hiện nay tất cả 11 ứng cử viên, sau khi hội tụ đủ những điều kiện cần thiết, đang ráo riết vận động khắp cả nước để thuyết phục cử tri bầu cho Đảng và chương trình hành động của mình.

***

Lần này không những tình hình chính trị rất phức tạp mà còn xuất hiện những sự đột biến khó lường.

Trước hết, hai ứng viên của hai Đảng chủ chốt là Benoit Hamon của đảng Xã hội (Parti Socialiste) và François Fillon của đảng Cộng hòa (Les Républicains), bất ngờ đang rơi vào thế yếu, đặc biệt Benoit Hamon không có khả năng bước vào vòng 2. Nguyên là Bộ trưởng giáo dục của François Hollande trước khi từ chức, Benoit Hamon không phải là người đại diện cho đa số đảng viên của Đảng mình mặc dầu ông đã thắng trong bầu cử sơ bộ của Đảng cánh tả, loại cựu Thủ tướng Manuel Valls, cộng thêm cách tổ chức chiến dịch bầu cử tẻ nhạt, vì vậy việc tập hợp các lực lượng cánh tả là điều không thể. Đảng Xã hội đang bị phân hóa rõ rệt. Chính vì vậy, từ chỗ là một trong 5 ứng cử viên sáng giá của cuộc bầu cử Tổng thống lần này, với kết quả thăm dò sụt giảm nhanh chóng, ông đã bị loại khỏi danh sách. Hiện chỉ còn 4 ứng cử viên nặng ký, sát sườn nhau trong cuộc đua nước rút cho một chiếc ghế duy nhất.

François Fillon, nguyên thủ tướng dưới thời Nicolas Sarkozy, lại bị chìm sâu vào vấn đề rắc rối của cá nhân. Từ vị thế là gương mặt sáng giá nhất để kế nhiệm Tổng thống đương nhiệm, kết quả thăm dò hơn hai tháng nay cho thấy số phiếu ủng hộ ông sụt giảm một cách thê thảm. Việc tuyển dụng khống vợ con, dùng công quỹ trả mức lương khá cao cho họ, đã làm cho một bộ phận người Pháp nghi ngờ về đạo đời của ông. Họ cho rằng ông thiếu đức tính liêm chính để lãnh đạo đất nước (một trong những tiêu chí người Pháp rất coi trọng).

Trong khi đó, cũng theo kết quả thăm dò, người có số phiếu bầu cao nhất là Marine Le Pen, chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia (Front National). Có lẽ cũng bởi vì, với gần 40 năm thay nhau cầm quyền giữa đảng Xã hội và đảng Cộng hòa (trước đây gọi là đảng Liên minh vì Phong trào nhân dân – UMP), tuy có sự đối lập nhưng cả hai đều không giải quyết được một cách cơ bản một số mặt xã hội như môi trường, an ninh, tình hình nhập cư, đặc biệt là nạn khủng bố do tình hình quốc tế ngày càng phức tạp. Chính vì vậy, một bộ phận không nhỏ người dân Pháp mất lòng tin vào Đảng cầm quyền, thờ ơ với chính trị. Có một số hy vọng sẽ có sự thay đổi nếu đảng cực hữu lên ngôi. Tuy nhiên, với một số điểm quá khích trong chương trình tranh cử của bà Le Pen về người nhập cư, về sự thắt chặt biên giới, về việc đưa nước Pháp ra khỏi khối liên minh châu Âu đã làm cho nhiều người sợ một nước Pháp sẽ bị đảo lộn trật tự. Hơn nữa, vừa mới đây, nhiều Hãng thông tấn đưa tin là các cơ quan điều tra đã đệ đơn lên Nghị viện châu Âu, truất quyền miễn trừ đối với Nghị sĩ Marine Le Pen vì vướng vào vấn đề trao việc giả, trả lương thật cho nhân viên của mình. Hy vọng cử tri Pháp sẽ không vì những lời dẫn dụ của bà để cho lá phiếu của mình được bầu theo cảm tính.

Theo sát bà Le Pen là Emmanuel Macron, người trẻ tuổi nhất trong số ứng viên, (39 tuổi)  là cựu Bộ trưởng bộ Kinh tế, đã từ chức từ tháng 8/ 2016, hiện vẫn sáng giá mặc dù ông vốn là người của giới tài phiệt ngân hàng và tự cho mình không thuộc một Đảng phái nào. Có người so sánh ông với cựu Thủ tướng Berlusconi của nước Ý, khi ông này trước khi trúng cử là một doanh nhân giàu có, đại diện cho giới tư sản. Macron là người sáng lập phong trào « Tiến Bước » (En Marche), nhanh chóng chiếm được cảm tình của thế hệ trẻ và cộng đồng doanh nghiệp Pháp. Ông tuyên bố mình không thuộc Đảng phái tả hay hữu mà muốn tập hợp tất cả các bên. Hiện nay khi người dân Pháp đã quá chán ngán với cả phái Tả hay Hữu, thì « hiện tượng » Macron có lẽ là điều mới mẻ chăng ?

Và người đang làm chao đảo chính trường lúc này là Jean-Luc Mélenchon, ứng cử viên của đảng « Nước Pháp bất khuất » (La France insoumise). Ông đã có những bước nhảy vọt từ hơn một tháng nay, từ 13 đến 14%, có những lúc ông đã tiến lên hàng thứ ba, sau Marine Le Pen, Emmanuel Macron, trước François Fillon, với 19% số phiếu bầu, theo kết quả thăm dò. Ông đang được mệnh danh là « ứng viên cho sự thay đổi ». Với tính điềm tĩnh, tự tin, sự năng động trong những cuộc vận động hay tiếp xúc cử tri, cộng thêm sự hậu thuẫn của Đảng cộng sản Pháp, có lẽ ông sẽ làm nên điều kỳ diệu chăng ? Bên cạnh đó, ông được đánh giá là người trong sạch hơn những ứng viên khác. Theo kết quả thăm dò gần đây của Elabe/BFMTV, ông là người hiểu người dân nhất với 21%, vượt xa ứng viên thứ hai với 12%, được đánh giá là ứng viên đứng đầu cho sự thay đổi với 24%, sau ông là Macron 23%, là người thứ hai có chương trình tốt nhất cho nước Pháp với 18%, sau Macron 21% và trước Fillon 17%.

Điều đáng nói nữa là rất nhiều người trẻ (dưới 40 tuổi) ủng hộ ông, trong số đó có ông Hoàng Ngọc Liêm, Phó Giáo sư Đại học Patheon Sorbonne Paris 1, nhà Kinh tế Pháp gốc Việt. Ông sinh năm 1964 tại Sài gòn và từng là Nghi sĩ Nghị viện châu Âu từ 2009 đến 2014, là người sáng lập Phong trào Cánh tả Xã hội mới (Nouvelle Gauche Socialiste). Ông kêu gọi cử tri bầu cho Melenchon và gọi ông này là « ứng viên của lẽ phải ». Ông cho rằng Melenchon xứng đáng đại diện cho sự đổi mới, khi ông này đề nghị « cứu con người trước nhất », phải làm sao tạo bình đẳng xã hội, đánh thuế nặng những bậc luơng cao một cách vô lý, tăng mức lương tối thiểu cho mọi người đủ sống v.v…

***

Với tình hình bầu cử tổng thống Mỹ gần đây cũng như  kết quả bất ngờ từ cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về vụ Brexit, đặc biệt có nhiều cử tri Pháp đến giờ vẫn lưỡng lự, chưa bày tỏ sẽ ủng hộ phe cánh hay ứng cử viên nào, thì khả năng làm thay đổi tương quan lực lượng giữa các ứng cử viên sẽ còn thay đổi. Cho đến ngày 17/4/2017, theo kết quả thăm dò của Elabe/BFMTV, Emmanuel Macron dẫn đầu với 24%, Marine Le Pen 23%, François Fillon 19,5% và Jean-Luc Mélenchon là 18%.

Trần Thị Hảo

Paris, ngày 17/4/2017.


Bài viết mang quan điểm và văn phong cá nhân của tác giả.