Đã xa rồi cái thời phong kiến cổ hủ và lạc hậu cùng những quan điểm trói buộc người phụ nữ, với nghĩa vụ và trách nhiệm, như một thực thể có vai trò không đáng kể đến trong xã hội nếu không muốn nói là tầm quan trọng của họ bị xã hội nhấn chìm sau những chiếc bóng của bóng chồng con qua những câu ca dao đầy bi kịch như: “Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” hay “Thương thay thân phận đàn bà/ Dù rằng bạc mệnh vẫn là lời chung”.
Thời xưa, những cố gắng của người phụ nữ bị mặc định là đương nhiên, không cần tôn vinh, bởi… phụ nữ là phải thế. Nào “tam tòng tứ đức”, “công-dung-ngôn-hạnh”, nào “giỏi việc nước đảm việc nhà”,… rồi ngày nay, đứng trước sự truyền thông rộng rãi và nhận thức của người dân về chứng trầm cảm, các hậu quả đau lòng kéo theo, xã hội lại bảo họ phải tự cân bằng cuộc sống, phải tự vùng lên đòi “quyền bình đẳng” và sống cho bản thân chính họ… nhưng vẫn phải nghĩ đến tương lai con cái và vun vén hạnh phúc gia đình. Sự thật này thể hiện những phản ứng của xã hội dường như quá mâu thuẫn. Và họ, những người phụ nữ lại vẫn tự mình tôi luyện bản lĩnh, lênh đênh trên biển lớn của dư luận xã hội và định kiến để tự giải thoát khỏi những ràng buộc, thậm chí của hủ tục để khiến mình hạnh phúc. Kỳ lạ thay, càng theo thời gian họ lại càng bản lĩnh.
Thời gian khiến phụ nữ thành kim cương, giúp họ tỏa ra ánh sáng thật sự của mình. Trường hợp này càng đúng hơn với những người phụ nữ chọn lập nghiệp xa nhà, xa quê hương bản xứ.
Là phụ nữ, là đã qua thời con gái ngây thơ, sự mong manh dễ vỡ cũng bớt đi ít nhiều hoặc chai sạn hơn do được trải nghiệm sống bù đắp. Với những người phụ nữ muộn lấy chồng ngày nay, họ hưởng thụ cuộc sống nhẹ nhàng hơn, biết chăm lo cho bản thân hơn. Ngày xưa tầm 30 tuổi chưa chồng là bị xếp vào hàng gái ế, “sản phẩm lỗi khó tiêu thụ”. Các chàng trai hẳn là sẽ đặt dấu hỏi chấm to đùng là “sao nàng như thế này mà chưa ai rước, chắc có vấn đề”, gặp nàng học cao làm to thì e dè “là thân con gái mà hơn chồng thì… vứt”. Nhưng bây giờ cánh đàn ông Việt họ đâu còn quyền độc tôn lựa chọn, bởi phụ nữ đã chẳng còn ngại thể hiện sự cá tính, xinh đẹp, tài giỏi mà nhất là khả năng chọn lọc và chinh phục trong tình yêu. Đàn ông phương Tây sở hữu một số thói quan văn hóa của xứ sở họ, được học từ nhỏ về quản lý tài chính, chia sẻ việc trong gia đình, nghĩa vụ chăm sóc con cái và tôn trọng phụ nữ,… điều này trai ta không phải không có nhưng để thành một nếp suy nghĩ tự nhiên về những điều này thì vẫn hiếm hoi vô cùng tận. Tuy vậy, lấy người nước ngoài và sống xa xứ thì các phụ nữ vẫn luôn có những mối bận tâm khác, lại được tôi luyện tiếp. Các nàng rèn mình trong văn hóa khác, cuộc sống khác, với ngôn ngữ khác, địa lý khác, nơi mà sự tự lập, bản năng sinh tồn và “cái tôi” dù của nam hay nữ vẫn phải được khẳng định rõ ràng. Vai trò xã hội, vai trò trong gia đình của các thành viên trong gia đình cần được xác định và tôn trọng, tuân thủ như là cả hai bên đang cùng xây dựng dự thảo luật, dù sống chung không hay có hôn thú.
Với những phụ nữ đã có gia đình ở nước ngoài, dưới hình thức sang chủ động hay bị động thì đây vừa là sự giải thoát khỏi những gánh nặng tâm lý do những ràng buộc, tư tưởng phong kiến vẫn còn tồn đọng khá nhiều ở Việt Nam và được thay đổi môi trường sống « quốc tế » cởi mở, tự do hơn trong việc thể hiện bản thân. Tuy nhiên, cái giá của sự tự do là cô đơn, xa gia đình, quê hương và dĩ nhiên, họ buộc phải tự xoay xở cho cuộc sống mới này từ a đến z.
Tại Pháp, với những sinh viên đã hoàn thành chương trình học thì để được ở lại cư trú, họ cần có hợp đồng đi làm có giá trị đủ lớn để có sự đóng góp cho xã hội Pháp. Trong tình trạng thất nghiệp 10,4% dân số trong tuổi lao động không có việc làm (năm 2015), và bảo hiểm lao động cho người nước ngoài cao hơn nhiều so với bảo hiểm lao động của chính người Pháp, thì sự cạnh tranh công việc là vô cùng căng thẳng. Và những người phụ nữ Việt sống và làm việc được ở nơi đây, không thể phủ nhận là họ tài giỏi và giàu nghị lực.
Đối với những phụ nữ ra nước ngoài theo hình thức chủ động, họ có sự chuẩn bị về ngôn ngữ, kiến thức và vốn sống bài bản, chu đáo cho hành trình di cư thì có thể sẽ bớt khó khăn hơn. Nhưng với những người phụ nữ ra nước ngoài theo hình thức bị động, với sự chuẩn bị về ngôn ngữ, hiểu biết về văn hóa chưa đủ sâu sắc và chỉ biết về xứ xa qua các phương tiện truyền thông cơ bản, cộng với cái nhìn lạc quan, vẫn mang ý nghĩ rằng theo diện đoàn tụ gia đình hay xuất khẩu lao động sẽ có mục đích chính là kiếm tiền về cho gia đình ở Việt Nam… thì chắc chắn họ sẽ bị sốc văn hóa, bị lúng túng hoặc khó thích nghi.
Thiếu ngôn ngữ là đã bị rào cản hòa nhập vô cùng to lớn, cho dù ở Việt Nam họ có bằng cấp cử nhân, thạc sĩ, hay tiến sĩ. Chưa kể khi không có sự đỡ đần của hai thân nội ngoại, họ sẽ tự xoay sở cho việc sinh con, chăm nuôi con, dù cho y tế tại Pháp được đánh giá vô cùng chất lượng.
Điều đầu tiên là sinh con một mình thậm chí không có chồng chăm sóc ngày đêm bên cạnh, ở các bệnh viện công. Theo chính sách và quy định của bệnh viện, chồng chỉ được vào thăm vợ vài tiếng trong ngày, sau 3-4 ngày sau sinh. Y tá sẽ chỉ phụ giúp các bà mẹ khi có vấn đề thực sự cần thiết. Và họ, với các vết khâu chưa lành, sẽ lo cho con bú, thay rửa cho con và tự vệ sinh, ăn uống với các bữa ăn của bệnh viện. Điểm cộng tuyệt nhất có lẽ là các đức lang quân được chứng kiến vợ đau đớn, vất vả khi sinh nở như thế nào. Vậy họ có gan dạ không? Có chứ. Và nếu may mắn chồng sinh nghỉ được trúng ngày vợ đẻ thì họ được chồng chăm sóc ở bên gần hai tuần theo luật lao động, còn ông chồng nào xin nghỉ chệch ngày vợ sinh thì các cô vợ xác định tự thân vận động, cũng không có ở cữ hay kiêng khem như ở Việt Nam. Điều này, phụ nữ Tây đã được học và cũng thành văn hóa, nhưng với họ, cũng là sự rèn luyện và thích nghi, trong quá trình khẳng định nữ quyền và bình đẳng.
Khi ở Pháp theo hình thức bị động, mà thiếu ngôn ngữ hay hiểu biết về văn hóa, người phụ nữ khó tìm được công việc mà bảo đảm quyền lợi người lao động hoặc sẽ làm các công việc lao động tay chân, lao động cơ bản có ẩn chứa những rủi ro về sự kỳ thị, phân biệt đối xử.
Trên các diễn đàn, các góc dịch vụ việc làm tại Pháp, không khó để tìm những địa chỉ bán đồ ăn do chính các bà nội trợ Việt làm tại nhà hay những dịch vụ vận chuyển hàng xách tay về Việt Nam qua con đường không chính ngạch đầy rủi ro, rồi cũng không hiếm hoi khi thấy những câu chuyện buồn của các chị em khi bị ngược đãi trong lao động, phân biệt, kỳ thị hay bị lừa đảo… Thực tế là tại Pháp, việc làm giàu bằng nghề tay trái không dễ dàng như ở Việt Nam nếu không có sự minh bạch tài chính và đóng thuế cho nhà nước. Lương cao cũng tương đương với trách nhiệm xã hội cao, đóng thuế cao, xã hội Pháp hướng đến cân bằng xã hội, tránh chênh lệch giàu nghèo tối đa, và tài chính minh bạch, do đó, cuộc sống của người dân khó có thể đánh giá là « giàu » theo khái niệm ở Việt Nam với tiền đầy tài khoản, nhà cửa đồ xộ, xe sang xế xịn. Vậy sống ở Pháp có sướng không nếu không hòa nhập được, thiếu ngôn ngữ và nghề nghiệp, chưa kể phải nuôi và dạy con cái?
Ấy thế mà những người phụ nữ cũng vẫn cố gắng. Chẳng hiếm các chị em u30, u40 can đảm học lại từ đầu cùng các em, các cháu tại các trường học tiếng Pháp, học nghề, hay tại các trường cấp 3, đại học. Chẳng xa lạ với những hình ảnh người phụ nữ Việt xoay xở đủ nghề, sáng lao động chân tay, tối học ngoại ngữ hay học kiến thức để mong hòa nhập cuộc sống ở Pháp. Họ vẫn là những người giữ lửa gia đình, chăm sóc chồng con với đức hy sinh vẹn nguyên như phụ nữ xưa, thậm chí cũng không kêu than hay hờn trách khi các anh chồng Việt vẫn không có khái niệm chia sẻ việc nhà, chia sẻ việc chăm con. Có chăng, việc bộc lộ nhu cầu và cảm xúc của họ rõ ràng, cởi mở hơn và được thấu hiểu hơn bởi văn hóa Pháp cởi mở… Và họ vẫn miệt mài nuôi dạy con ngôn ngữ, văn hóa Việt. Họ tự học, tự tu rèn bản thân để thích nghi mạnh mẽ với hoàn cảnh, điều kiện sống khác biệt…
Không ít những tiệm ăn, salon chăm sóc sắc đẹp hay những cửa hàng mà những người phụ nữ Việt đang làm chủ tại Pháp như nhà hàng Ngọc Xuyến, Thanh Bình Jeune, thẩm mỹ viện Tania Beaute… Họ cũng can đảm lập nghiệp, tiến từ từ để khẳng định bản thân trong xã hội Pháp. Những nhà nghiên cứu khoa học, những giảng viên đại học, những nhà văn, nhà thơ Việt đã và đang thành danh tại Pháp như nhà văn Đoàn Ánh Thuận, đạo diễn Việt Linh, nhà nghiên cứu Trần Thị Hảo,…
Chính họ cũng đã và đang là những người phụ nữ thành công, khi vượt lên những khó khăn của chính mình, cống hiến hết mình cho đam mê hay làm tròn vai trò người vợ, người mẹ, đóng góp cho xã hội Pháp,… Họ cũng đã là cầu nối văn hóa Pháp – Việt bằng cách này hay cách khác. Thời gian và những cố gắng đóng góp của họ sẽ ngày càng được khắc ghi và điểm tô những màu sắc, thi vị phong phú cho cuộc sống.
Phụ nữ Việt không hề nhỏ bé, mong manh. Thời gian đã biến họ thành những viên kim cương quý giá…
An Vie (SEN5 Media)
Nguồn ảnh: Internet