Những bộ phim nghệ thuật, chất lượng, tạo tiếng vang rộng lớn như « Dấu ấn của quỷ« , « Mê Thảo – thời vang bóng« ,… hay gần đây là phần biên kịch của phim « Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh » đều gắn với tên một phụ nữ có vị trí và kinh nghiệm gạo cội, một tên tuổi quen thuộc trong giới điện ảnh, đạo diễn của Việt Nam – nữ đạo diễn Việt Linh.
Được mệnh danh là nữ đạo diễn tài năng hiếm có, con tằm cần mẫn trong giới điện ảnh Việt, với tình yêu và đam mê, cùng những nỗ lực bền bỉ trong sáng tạo nghệ thuật, đạo diễn Nguyễn Việt Linh là người tiên phong và gặt hái nhiều thành công trong việc mang phim điện ảnh Việt ra đấu trường quốc tế. Vài năm trước, sau cơn tai biến, chị đành tạm giã từ sự nghiệp đạo diễn nhưng chưa bao giờ buông tay với duyên nghiệp sáng tác. Ngay khi sức khỏe hồi phục, chị lập tức tiếp tục với những kịch bản phim truyền hình, kịch nói, rồi viết báo, viết văn. Và dẫu đã ở tuổi nghỉ hưu, nhưng chị vẫn tràn trề năng lượng sáng tạo, bút lực vẫn sung mãn, những chia sẻ vẫn luôn đầy ắp nhiệt tình.
Nhân dịp chị ở Pháp, chúng tôi đã có bài phỏng vấn ngắn, qua đó càng cảm nhận hơn sự thông minh, sắc sảo, hài hước, nhân bản… của con người chị.
Bài phỏng vấn do Yến Lê thực hiện.
Phóng viên: Đọc những bài báo viết về đạo diễn Việt Linh, có thể thấy rằng tình yêu và nhiệt huyết làm phim của chị được nuôi dưỡng từ môi trường gia đình, từ cha chị.Vì vậy, chị trực tiếp được sống và định hướng theo con đường này khá bài bản, nhưng từ nền tảng đó, chị đã phải nỗ lực rất nhiều để theo đuổi, phát triển bản thân và thành công. Những bộ phim đã được giải quốc tế như “Gánh xiếc rong”, « Dấu ấn của quỷ »,« Chung cư », « Mê Thảo – Một thời vang bóng », có ẩn chứa thông điệp chung gì của cá nhân chị hay điểm chung về cá tính của đạo diễn Việt Linh không?
Đạo diễn Nguyễn Việt Linh: Gia đình, cụ thể là cha tôi đã cho tôi tình yêu điện ảnh, nhưng để giữ và vun đắp được tình yêu đó dĩ nhiên cần sự nỗ lực lâu dài. Tôi quan niệm, điện ảnh nói riêng, nghệ thuật sáng tác nói chung chỉ có ý nghĩa thật sự khi chia sẻ và thấu hiểu con người. Tôi tự cho mình một phần bổn phận đó.
Phóng viên: Trong quyển « Hậu trường Phim ảnh » của Việt Linh và Lữ Đắc Long viết, những mẩu truyện về kinh nghiệm thực tế khi quay phim đã cho thấy sự khó khăn trăm bề đối với đạo diễn, đặc biệt là phụ nữ, trong môi trường còn nhiều thiếu thốn về công nghệ và thiết bị ở Việt Nam. Để đến với thành công và các thành tựu điện ảnh như ngày hôm nay, hẳn nhiên chị đã trải qua rất nhiều khó khăn hơn cả những gì quyển sách đã viết, xin được phép hỏi chị đã từng có ý định bỏ nghề đạo diễn để tìm những công việc ổn định và an toàn hơn chưa? Động lực gì giúp chị giữ lửa với nghề?
Đạo diễn Nguyễn Việt Linh: Tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề, kể cả khi thất vọng điều kiện hành nghiệp. Thậm chí nhiều năm không còn làm đạo diễn, lửa điện ảnh trong tôi vẫn chưa bao giờ tàn nguội. Cụ thể tôi có lập công ty công ty công nghệ giải trí Hồng Hạc để tiếp tục hoạt động điện ảnh, qua kịch bản, xuất bản sách điện ảnh, câu lạc bộ điện ảnh, diễn kịch mang màu điện ảnh. Cả sản xuất phim nữa.
Động lực ư? Tôi có một niềm vui, đúng hơn lạc thú, là tha thiết nhìn thấy những gì mình tưởng tượng thông qua chữ nghĩa. Còn động lực chung, tôi mong muốn góp phần hỗ trợ lớp trẻ Việt Nam phát triển tài năng.
Phóng viên: Để có kịch bản hay, người viết cần có năng lực quan sát, khả năng biểu đạt ý của mình thành ngôn ngữ viết và ngôn ngữ điện ảnh, cần vốn sống phong phú và sự đầu tư thời gian từ lúc xây dựng đến khi hoàn thiện tác phẩm. Vì vậy, không dễ dàng để có những tác phẩm mới trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên xu hướng ngày nay ở Việt Nam,khán giả lại ưa chuộng những chương trình giải trí, show truyền hình thường kỳ, liên tục biến hóa và bị ảnh hưởng nhiều bởi truyền thông.
Trong xu thế đó, sân khấu Hồng Hạc do chị thành lập đã có những kịch bản liên kết, chuyển thể rất hay và gần gũi với công chúng, phần nào vừa đáp ứng được xu thế vừa không mất màu sắc văn hóa và chất lượng chung. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này cũng như về các dự án sắp tới không? Liệu sẽ có những sự liên kết với các tác phẩm văn học, hay chương trình văn hóa tạp kỹ trên truyền hình không?
Đạo diễn Nguyễn Việt Linh: Công ty công nghệ giải trí Hồng Hạc là công ty đa chức năng, trong đó sân khấu chỉ là một nhánh hoạt động, bên cạnh phim ảnh, truyền hình, xuất bản. Sân khấu chúng tôi chủ trương tiệm cận văn học và điện ảnh nhất có thể, không chiều theo thị hiếu thị trường. Vì lẽ đó kịch Hồng Hạc hiện chưa nhiều khách, nhưng khán giả đến thì hầu như đánh giá cao.
Hoạt động tài chính hiện vẫn khó khăn, nhưng chúng tôi hãnh diện chất lượng riêng, màu sắc riêng của sân khấu mình tạo lập, cố gắng nuôi dưỡng nó bằng nhiều hoạt động khác bên nhánh truyền hình. Ví dụ chương trình truyền hình thực tế 8 Xine, Nơi ta trưởng thành, Em đẹp… Chúng tôi cũng có kế hoạch làm phim ngắn về gia đình phát sóng định kỳ.
Phóng viên: Đã định cư và sống hòa nhập lâu năm tại Pháp, chị hẳn đã tiếp xúc với khán giả Việt kiều tại Pháp. Chị có nhận xét gì về cách họ tiếp nhận điện ảnh Việt so với công chúng các nước mà chị đã có dịp giới thiệu phim của mình trong các giải điện ảnh?
Đạo diễn Nguyễn Việt Linh: Thực ra vì công việc, thời gian sống ở Pháp của tôi không nhiều lắm, nhưng những lần có dịp chiếu phim mình, hoặc chứng kiến phim đồng nghiệp chiếu cho cộng đồng người Việt, tôi thấy mọi người cũng đón nhận như khán giả bình thường trên thế giới. Cái gì có giá trị, rung cảm chân thật thì sẽ được ghi nhận.
Phóng viên: Qua hiệu ứng đầy xúc động và đầy mỹ cảm của bộ phim « Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh » mà chị là người biên kịch, nhiều bạn trẻ đã được truyền cảm hứng đam mê điện ảnh, muốn thể hiện những ý tưởng mới, lạ của bản thân, nhưng họ vẫn loay hoay định hình phong cách viết hoặ ctìm đề tài để khai thác. Nhiều khi họ lại lan man trong cảm xúc tiêu cực, hay làm việc theo cảm hứng, hay quá non nớt trong cách kể chuyện vì thiếu sự cố gắng lăn mình trải nghiệm cuộc sống.
Bằng kinh nghiệm chuyên môn và sự trải nghiệm cuộc sống của mình, chị có lời khuyên hay sự gợi ý, hướng dẫn nào cho các bạn trẻ không ? Theo chị trong cuộc sống tại Pháp, điều kiện phát triển đam mê ấy có những thuận lợi hay khó khăn gì so với ở Việt Nam?
Đạo diễn Nguyễn Việt Linh: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, nếu có truyền cảm hứng thì cũng chỉ một phần, cái chính là các bạn trẻ ngày nay rất yêu thích điện ảnh. Con gái tôi sau khi lấy thạc sĩ kinh tế, cũng đang học thêm nghề đạo diễn. Lý do thì chắc cũng như tôi: thích hiện thực hóa những gì trong tưởng tượng.
Đam mê nào cũng tốt, nhưng phải có kiến thức chuyên môn ( học trường lớp hoặc tự học), vốn sống và điều quan trọng là… mê được đến bao lâu? Bởi điện ảnh là một nghề nhọc nhằn, tốn kém; ngay cả khi trang bị đủ kiến thức, không phải ai cũng đủ sức khỏe, đủ điều kiện tài chính để thực hiện ước mơ. Rất may, thiết bị ngày nay không quá đắt, các bạn trẻ hoàn toàn có thể thử sức mình qua những bộ phim ngắn, và gửi chúng cho những nơi tuyển chọn. Để làm phim dài, tôi nghĩ ở Việt Nam có lẽ dễ hơn Pháp vì giá cả dịch vụ thấp hơn. Có lẽ vì vậy nên hầu hết đạo diễn Việt kiều đã chọn Việt Nam hành nghiệp.
Phóng viên: Theo tôi được biết, có giai đoạn do bệnh, nên chị không thể tiếp tục làm phim. Tuy nhiên chị vẫn viết và vẫn tràn đầy những ý tưởng sáng tạo. Điều đó chứng tỏ niềm đam mê sáng tác rất lớn của chị, không hề bị trở ngại nào hạn chế. Chị viết vì với mong muốn gì lớn nhất?
Đạo diễn Nguyễn Việt Linh: Tôi viết cho chính tôi đầu tiên, bằng tất cả sự thẳng thẳn và rung động chân thành. Mà đã sự chân thành thì ở đâu cũng được chia sẻ. Tôi luôn tin vậy.
Phóng viên: Với những bộ phim đã thực hiện, với những đầu sách đã viết, bằng tâm huyết và tài năng của mình trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, chị có nghĩ đến dự án mở rộng hơn nữa những chia sẻ, kết nối của mình với công chúng ? Chẳng hạn như kế hoạch thành lập một sân khấu Việt tại Pháp, hay tổ chức các cuộc giao lưu truyền lửa nghề, hướng dẫn chuyên môn làm phim, viết kịch bản cho các bạn trẻ Việt không?
Đạo diễn Nguyễn Việt Linh: Mở sân khấu chuyên nghiệp tại Pháp thì hơi khó, nhưng mơ ước đem vài vở kịch sang diễn cho người Việt mình xem thì tôi vẫn ước mơ. Mảng đào tạo điện ảnh ở Việt Nam chúng tôi đang tổ chức, còn ở Pháp theo tôi không cần thiết, vì các bạn trẻ ở đây có quá nhiều điều kiện tự học.
Phóng viên: Được biết chị hiện đang chuẩn bị phát hành phim điện ảnh do chị viết kịch bản, chi có thể chia sẻ thêm cùng cộng đồng ?
Đạo diễn Nguyễn Việt Linh: Vâng, đó là dự án điện ảnh đầu tiên của công ty Hồng Hạc. Phim có tên Ở đây có nắng (hoàn toàn không liên quan nội dung cuốn sách Ở đây có nắng của tôi). Phim thông điệp ít người đề cập: Gia đình không chỉ là mối tương quan ruột thịt, mà còn là sự yêu thương, gắn kết giữa những tâm hồn. Phim sẽ phát hành cuối năm 2017, và Thanh Bình Jeune cũng có một phần đầu tư. Hy vọng trong năm tới, phim sẽ có dịp giới thiệu ở Pháp.
Phóng viên: Chủ đề gia đình luôn luôn là chủ đề mang nhiều cảm hứng và nhận được sự quan tâm của người xem, có sức ảnh hưởng, lan tỏa đến xã hội khá lớn, nhất là trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại. Chúc dự án này của công ty Hồng Hạc thành công rực rỡ và sớm ra mắt công chúng tại Pháp.
Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành và đầy nhiệt huyết của chị. Kính chúc chị sức khỏe và năng lượng dồi dào cho các dự án sắp tới.
________________________
Một số thông tin về đạo diễn Nguyễn Việt Linh
Đạo diễn Việt Linh sinh ngày 2-12-1952 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Đạo diễn Việt Linh được xem là đạo diễn tiêu biểu trong thời kỳ đổi mới, Việt Linh là tên tuổi lớn sánh ngang với nhiều đạo diễn nổi tiếng cùng thời kỳ như Đặng Nhật Minh, Đỗ Minh Tuấn, Nguyễn Thanh Vân…Phụ nữ làm đạo diễn đã ít, phụ nữ làm đạo diễn thành công càng không nhiều và Việt Linh là một trong những người hiếm hoi ấy. Với điện ảnh, đạo diễn Việt Linh đã rất thành công. Đối với chị, đạo diễn vẫn là số một, dù sau sức khỏe không cho phép chị đi con đường nhọc nhằn này nữa. Chị cũng là một trong những người có công mang điện ảnh Việt Nam vươn ra tầm thế giới.
Đạo diễn Việt Linh tốt nghiệp Khoa đạo diễn Đại học Điện ảnh Xô Viết (VGIK 1980-1985). Việt Linh nổi tiếng với một số tác phẩm điện ảnh và đạt được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim (LHP) quốc tế như :
– « Gánh xiếc rong » 1988 : Giải Grand Prix LHP Bribourg – Thuỵ Sĩ 1992; Giải Nhất LHP phụ nữ Madrid 1992
– « Dấu ấn của quỷ » : Giải đặc biệt LHP Fukuoka Nhật Bản 1993
– « Chung cư » : Giải đạo diễn LHP Namur Bỉ 2000
– « Mê Thảo – Thời vang bóng » 2002 : Giải Bông hồng vàng LHP Bergamo – Y 2003
– Biên kịch phim « Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh » 2015
– Biên kịch phim điện ảnh « Ở đây có nắng » sắp ra rạp cuối năm 2017
Ngoài ra, đạo diễn Việt Linh đã xuất bản một số ấn phẩm sau :
– « Dạo chơi vườn điện ảnh », NXB Văn Hóa Sài Gòn 2006
– « Chuyện mình, chuyện người », NXB Trẻ 2008
– « Chuyện và Truyện », NXB Trẻ 2012
– « Năm phút với ga xép », NXB Trẻ 2014
– « Ở đây có nắng », NXB Trẻ 2014
Ngày 22 tháng 10, chị có buổi giao lưu với khán giả tại Pháp với chủ đề « Phía sau màn ảnh ». Nội dung buổi giao lưu là Kể chuyện về nghệ thuật làm phim và chuyện đời thường và giới thiệu, ra mắt sách « Hậu trường điện ảnh », kể chuyện nhà bếp điện ảnh.
.
Thực hiện phỏng vấn: Yến Lê (LIEN99)
Nguồn ảnh: Internet