Trên khu đại lộ Champs – Elysées danh tiếng dài khoảng 2km, với nhiều thương hiệu thời trang, mỹ phẩm… nổi tiếng của Pháp, tiệm bánh mì Ôbami là nơi dừng chân hấp dẫn du khách từ phong cách bài trí rất vintage đến phong cách ẩm thực dung hòa chất Á – Âu.
Từ khi Ôbami ra mắt cộng đồng, các thực khách Việt cũng hào hứng truyền tai nhau về không gian nhỏ nhắn nhưng khá có gu, những người chủ quán trẻ trung, năng động đã « biến hóa » chiếc bánh mì hay món bò bún chả giò (bò bún nem) với khẩu vị mới, vừa quen vừa lạ… tại một vị trí vô cùng « sang chảnh », hào nhoáng nhất Paris hoa lệ.
Để tiếp tục loạt bài về Những ý tưởng khởi nghiệp Việt tại Pháp, chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả bài phỏng vấn đã thực hiện với Ôbami, thương hiệu của người Việt trẻ tại Paris.
***********
Phóng viên: Xin chào các bạn, lời đầu tiên chúng tôi xin chúc mừng khởi đầu thành công của Ôbami, quán mới khai trương và chưa đầy 1 tuổi nhưng trên các diễn đàn, các bạn nhận được những phản hồi rất tích cực từ khách hàng.
Ý tưởng khởi nghiệp Ôbami của các bạn được hình thành và xây dựng trong bao lâu? Và các bạn có slogan hay tiêu chí để cùng làm việc không?
Ôbami: Cái tên Ôbami ra đời chính xác vào ngày 16/10/2016 do 3 du học sinh là Phạm Duy Quang, Nguyễn Nhật Tân và Trần Anh Thảo lựa chọn. Ý tưởng khởi nghiệp của bọn mình được hình thành và xây dựng trong vòng 6 tháng, với tiêu chí ban đầu là xây dựng 1 thương hiệu bánh mì Việt Nam « de luxe » (cao cấp).
Tuy nhiên, sau rất nhiều buổi họp ý tưởng cũng như xây dựng concept cho thương hiệu, bọn mình đã quyết định bắt đầu Ôbami với mức bình dân trước.
Với slogan của Ôbami: « Once you go Viet, Never go diet » (Khi đã nếm đồ ăn Việt, bạn sẽ không bao giờ thực hiện chế độ giảm cân), bọn mình luôn cố gắng làm hài lòng mọi khách hàng khó tính nhất.
Phóng viên: Xuất phát từ lý do gì các bạn đã chọn Ôbami là tên và Champs – Elysées là địa điểm khởi nghiệp ?
Ôbami: Cái tên Ôbami bắt nguồn từ việc khi bọn mình đi du lịch cùng nhau ở các nước châu Âu, mỗi khi nhìn thấy 1 hàng bánh mì Việt nào đó cũng đều thốt lên là « Ô! Bánh Mì! ». Chính vì lẽ đó, cùng với ước mơ mang bánh mì Việt Nam đi khắp thế giới, bọn mình đã lấy tên viết tắt của cụm từ đó và Ôbami chính thức được ra đời.
Về địa điểm đầu tiên của quán, quả thực là trùng hợp và may mắn, khi trong thời gian các thành viên đi tìm địa điểm mở quán, bọn mình tìm được hai địa điểm: 1 là gần Gare Saint-Lazare, 2 là cạnh Champs Elysées. Sau khi đánh giá cả hai địa điểm, bọn mình đã đánh liều lựa chọn địa điểm tại Champs Élysées làm địa điểm khởi nghiệp của Ôbami.
Phóng viên: Địa điểm thu hút khách du lịch và là nơi đắt đỏ bậc nhất Paris, điều này đem lại thuận lợi và khó khăn gì cho Ôbami?
Ôbami: Champs Élysées – Đại lộ dài nhất thế giới, quả thực mà nói, không chỉ riêng đối với Ôbami mà ngay cả đối với các nhãn hiệu khác như McDonalds, BurgerKings… đều có sự cạnh tranh rất ác liệt. Việc mở ra một thương hiệu mới sát bên đại lộ này khiến cho Ôbami ban đầu cũng có những sự khó khăn nhất định. Tuy nhiên sau 6 tháng hoạt động, Ôbami đã có một lượng khách trung thành nhất định và được khách hàng ưu ái dành cho lời khen: « Le meilleur Sandwich et le meilleur Bobun sur le Champs« . (Bánh mì và bò bún ngon nhất khu vực Champs Élysées).
Phóng viên: Hiện tại, đánh giá về tiềm lực phát triển của Ôbami, điều gì đang là rào cản hay khó khăn của các bạn trong hoạt động kinh doanh?
Ôbami: Ôbami tuy mới mở ra được 6 tháng, nhưng tiềm lực phát triển của Ôbami là rất khả quan. Với concept ban đầu nhằm thẳng vào đối tượng là người nước ngoài, tuy nhiên trong tương lai, Ôbami cũng rất muốn làm hài lòng ngay cả những người Việt đang sinh sống và làm việc tại Pháp.
Rào cản duy nhất có lẽ vẫn nằm ở mức giá, hiện tại Ôbami đang cung cấp đồ ăn với mức giá hơi cao hơn so với những cửa hàng Việt Nam khác tại quận 13 một chút, một phần vì tiêu chí ban đầu của Ôbami đặt ra là thương hiệu bánh mì cao cấp. Do đó, Ôbami hiện đang gặp một chút khó khăn trong việc nhắm vào thực khách Việt Nam, vốn là du học sinh chiếm đa số – những người có thu nhập thấp hơn một chút. Tuy nhiên, đối với sinh viên Việt Nam, Ôbami luôn có những ưu đãi như giảm giá, tặng quà cũng như đưa ra món trà sữa rất ngon với giá bán cực rẻ, phù hợp với đời sống sinh viên.
Phóng viên: Chính phủ Pháp cũng rất ủng hộ và có những hỗ trợ trong việc khởi nghiệp. Các bạn đã có được những hỗ trợ nào về vay vốn, thuế cũng như các khóa học có liên quan?
Ôbami: Có thể nói Pháp là 1 đất nước rất khuyến khích khởi nghiệp. Về phía Ôbami, trong thời gian đầu hoạt động, Ôbami cũng được hưởng những hỗ trợ của chính phủ Pháp, ví dụ như giảm chi phí để trả lương cho nhân viên hay miễn thuế cho năm đầu tiên hoạt động của công ty.
Phóng viên: Thực tế là có rất nhiều nhà hàng, quán ăn của người Việt đã được mở ra nhưng hầu hết ở quy mô nhỏ, quy mô gia đình. Các bạn có chiến lược phát triển kinh doanh thành chuỗi bán hàng Ôbami không?
Ôbami: Về việc phát triển và định hướng kinh doanh, Ôbami đang cân nhắc nhiều dự án khác nhau để tìm ra hướng đi phù hợp nhất. Hiện tại, Ôbami đang nhắm đến mục đích phục vụ và quảng bá ẩm thực Việt Nam cho người dân Pháp. Về kế hoạch lâu dài, Ôbami mong muốn phát triển thành một chuỗi bán hàng với đối tượng là người dân bản địa. Bên cạnh đó, Ôbami cũng đang tìm hiểu và phát triển các dự án mở rộng lĩnh vực kinh doanh nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cộng đồng người Việt tại Pháp, nâng cao hình ảnh các sản phẩm của Việt Nam.
Phóng viên: Việc quảng cáo và tương tác khách hàng của Ôbami được xem là khá thành công và chuyên nghiệp từ các thiết kế quán, làm poster, recette hay tham gia vào các sự kiện cộng đồng. Điều này không nhiều thương hiệu Việt làm được và duy trì.. Theo các bạn, những hoạt động này ảnh hưởng như thế nào đến việc xây dựng thương hiệu?
Ôbami: Ôbami được sáng lập bởi ba sinh viên, trong đó, một người làm về quản lý doanh nghiệp, một người làm về nấu ăn – nhà hàng, và người anh cả trong nhóm chịu trách nhiệm về truyền thông của thương hiệu. Là một người làm việc lâu năm trong các lĩch vực truyền thông – thiết kế – truyền hình, anh đã vạch ra các chiến lược truyền thông ban đầu rất hiệu quả. Chỉ trong một thời gian ngắn, tên tuổi của Ôbami đã được rất nhiều người biết đến, ngay cả trong cộng đồng Việt Nam lẫn cộng đồng Pháp. Điều này cũng thúc đẩy sự phát triển của Ôbami lên đáng kể về mặt thương hiệu, phù hợp với tiêu chí phát triển « Chuỗi cửa hàng » thương hiệu Ôbami mà cả nhóm đang hướng đến.
Cuối tháng 9 vừa qua, Ôbami đã cùng với Thanh Bình Jeune, tổ chức đêm ca nhạc Space Night, nhằm mở ra sân chơi mới cho du học sinh cũng như người Việt đang sinh sống và làm việc tại Pháp. Qua đó, đưa tên tuổi của Ôbami đến gần hơn với mọi người.
Phóng viên: Điểm nhấn và món ăn chủ đạo làm nên thương hiệu Ôbami là gì? Và các bạn có thay đổi để thích nghi với khẩu vị người nước ngoài không hay vẫn giữ nguyên hương vị thuần Việt để tạo dấu ấn riêng tại đất nước của bánh mì?
Ôbami: Với tiêu chí kinh doanh là nhắm vào người nước ngoài, Ôbami đã đem hương vị bánh mì quê hương kết hợp với ngay cả những món ăn của Pháp để tạo ra dấu ấn riêng cho mình. Có thể kể đến món ăn được rất nhiều thực khách đánh giá cao là Bami Canard, sauce à l’orange ( bánh mì vịt nước sốt cam), Ôbami đã đem các hương vị quê hương kết hợp với một món ăn Pháp điển hình.
Ngoài ra, có thể kể đến Bami Hanoi, một trong những loại bánh mì được nhiều người ăn nhất trong menu, Ôbami đã mạnh dạn đưa pate truyền thống Việt Nam vào bánh mì, làm hài lòng không chỉ thực khách nước ngoài mà ngay cả khách hàng Việt Nam cũng rất thích thú với điều đó khi nhận định, bánh mì pate Việt – Chỉ có ở Ôbami.
Bên cạnh đó, Obami còn phát triển thêm bò bún, là món ăn hiện cũng rất được ưa chuộng trên toàn thế giới.
Phóng viên: Về các thủ tục hành chính hay luật pháp khi mở cửa hàng, các bạn có gặp khó khăn gì không và nếu có thể, các bạn có thể chia sẻ không?
Ôbami: Vì Pháp là đất nước mà luật pháp rất phát triển, nên các thủ tục hành chính khi mở cửa hàng hay công ty bên Pháp khá phức tạp. Tất cả thủ tục hành chính đều phải thực hiện đúng quy trình và đúng luật, đối với người nước ngoài thì lại càng khó khăn hơn do cần phải xin giấy phép để được kinh doanh tại Pháp. Để làm được điều đó, bạn cần phải chứng minh được rằng dự án của bạn khả thi và có khả năng thành công. Đối với Ôbami, chúng tôi dành hơn nửa năm để hoàn thành tất cả các thủ tục pháp lý cần thiết.
Phóng viên: Các bạn có tham gia các hội nhóm doanh nhân của người Việt tại Pháp không và các bạn đánh giá tầm quan trọng của việc liên kết này như thế nào?
Ôbami: Về các hội doanh nhân của người Việt tại Pháp, chúng tôi đã tìm hiểu một vài hội đoàn. Tuy nhiên hiện tại, ôbami chưa tham gia vào hôi đoàn nào, vì mục tiêu ban đầu là tập trung phục vụ người Pháp bản địa nhằm mục đích quảng bá và giới thiệu các sản phẩm ẩm thực của Việt Nam đến với người dân Pháp.
Nói như vậy không có nghĩa là việc tham gia vào các hội nhóm Việt là không cần thiết, Ôbami nhận thức được rằng để thành công tại nước ngoài thì rất cần sự đồng lòng và ủng hộ cũng như giúp đỡ của cả cộng đồng. Một cộng đồng gắn bó và đoàn kết sẽ giúp cho không chỉ các doanh nghiệp nói riêng, mà người Việt Nam nói chung tại Pháp có thể dễ dàng hoà nhập và phát triển hơn.
Chính vì thế nên tương lai lâu dài, với những dự án lớn hơn mà Ôbami đang phát triển, chắc chắn Ôbami sẽ tham gia nhiều hơn vào các hội nhóm doanh nhân để học hỏi và cùng nhau phát triển.
Phóng viên: Cảm ơn những chia sẻ của các bạn. Chúc Ôbami ngày càng phát triển và thu hút thực khách.
Thực hiện: Yến Lê (LIEN99)
Ảnh: Ôbami
Chuyên đề « Khởi nghiệp Việt tại Pháp – Những chia sẻ và kinh nghiệm » giới thiệu đến cộng đồng những ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo, táo bạo đã được thực hiện tại Pháp.
Sau mỗi dự án là một đội ngũ người Việt, có thể là sinh viên vừa tốt nghiệp, có thể là những người đã có nhiều kinh nghiệm tích lũy. Họ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, và những dự án cũng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Những dự án đã được hình thành và đưa vào thực tế như thế nào? Những người Việt tại Pháp với những dự án đổi mới, sáng tạo đã có những kinh nghiệm gì trong quá trình đưa dự án vào thực tế tại Pháp?
Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu những bài viết được Ban Truyền thông-Văn hóa của Hội NVNTP thực hiện, người phụ trách chuyên mục: Yến Lê.