ĐBSCL là một vùng đất đầy tiềm năng nhưng là một châu thổ trẻ, rất mẫn cảm với mọi tác động lên nó.
Báo Đất Việt xin giới thiệu bài viết của GS. TSKH . Nguyễn Ngọc Trân – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHKT nhà nước, Chủ nhiệm Chương trình khoa học nhà nước Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983-1990), Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI – về định hình phát triển bền vững ĐBSCL.
1. Hai sự chỉ đạo vẫn còn nguyên giá trị
Trong quá trình triển khai Chương trình khoa học cấp nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long” (1983-1990), Ban Chủ nhiệm Chương trình đã nhận được sự chỉ đạo sát sao.
Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp luôn căn dặn: ĐBSCL là một vùng đất đầy tiềm năng nhưng là một châu thổ trẻ, rất mẫn cảm với mọi tác động lên nó. Cần phải theo dõi đồng bằng một cách khách quan và khoa học. Chương trình cần xem xét cơ sở khoa học của các quyết định khai thác ĐBSCL.
Với tầm nhìn chiến lược của Đại tướng, tôi hiểu rằng các tác động lên đồng bằng là các tác động tại chỗ và từ xa, từ thượng nguồn và từ biển, cần được tiếp cận theo quan điểm hệ thống và động. Có nghĩa là hậu quả của các tác động cần được đánh giá toàn diện, trong không gian và theo thời gian.
Từ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt: Chương trình phải nói cho được trên mỗi vùng đất của đồng bằng, chúng ta có thể khai thác như thế nào, với những điều kiện gì. Chương trình phải gắn với các tỉnh. Nghiệm thu tại cơ sở, được kiểm nghiệm trên hiện trường, kết quả sẽ trực tiếp đi vào cuộc sống.