Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

« Mẹ đoảng dạy con » gìn giữ văn hóa, ngôn ngữ Việt cho con tại Pháp

“Khi các con gái tôi lần lượt ra đời, cuộc đời tôi như sang một trang hoàn toàn mới. Tôi nhìn thấy một phiên bản hoàn toàn khác của bản thân mình. Tôi nhận ra, công việc làm mẹ hoàn toàn không hề đơn giản như mình nghĩ, nó không giống như một quy luật cuộc sống được khái quát hóa qua một câu tục ngữ “trời sinh voi sinh cỏ”. Ngược lại, làm mẹ là một công việc toàn thời gian với nhiều đòi hỏi khắt khe. Bạn có thể lựa chọn để bắt đầu công việc này sớm hay muộn, nhưng một khi đã xuất phát thì mãi mãi sẽ chẳng bao giờ có điểm dừng.” Đó là những tâm sự của chị Ngô Phương Lê, bút danh Nguyên Kan trong cuốn sách « Mẹ đoảng dạy con »  vừa xuất bản vào mùa hè 2017.

**********

Nguyên Kan trước đây là giảng viên Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện chị là nghiên cứu sinh ngành giáo dục ngôn ngữ tại Đại học Nantes, Pháp. Chị sống tại Nantes cùng chồng và hai cô con gái nhỏ là Nhím và Sâu. Chị có sở thích chụp ảnh và ghi chép những câu chuyện từ ngày các bé mới chào đời để lưu lại những kỷ niệm tuổi thơ của các cô gái nhỏ, mặt khác giúp chị rút ra nhiều bài học quý giá trong quá trình học làm mẹ. Cuốn sách của chị được độc giả trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là các mẹ Việt ở Pháp. Bàn về vấn đề  giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa Việt cho trẻ em, chúng tôi đã có bài phỏng vấn dành cho chị, mời quý vị cùng theo dõi.

 

Phóng viên: Chào chị. « Mẹ đoảng dạy con » đã phát hành được gần một năm nhưng vẫn đang gây sốt trên thị trường sách giáo dục dành cho các bậc cha mẹ; động lực nào thôi thúc chị viết cuốn sách này?

Nguyên Kan: Chào bạn. Cảm ơn về câu hỏi của bạn. Ngay từ khi con gái đầu của mình chào đời, mình có thói quen ghi nhật ký những câu chuyện về con, chuyện con vui, con buồn, chuyện con ốm, cả những câu chuyện về bài học làm mẹ. Những câu chuyện này đều nhận được sự ủng hộ của nhiều người, lâu dần, mình nghĩ, có thể xuất bản nó thành một cuốn sách, nhằm chia sẻ những quan điểm nuôi con với các bà mẹ trẻ và « đoảng » như mình.

Phóng viên: Chị có sự trải nghiệm môi trường giáo dục sư phạm ở VN cũng như ở Pháp và được áp dụng, trải nghiệm chúng cùng hai con gái. Chị có gặp khó khăn trong giai đoạn phân vân giữa hai luồng văn hóa, giáo dục khác biệt?

Nguyên Kan: Nói thật là mình không gặp khó khăn gì trong việc nuôi dạy con cái, dù ở bất kỳ môi trường nào. Tất nhiên lúc mới bắt đầu làm mẹ, mình cũng gặp những sai lầm do bị ảnh hưởng bởi những phương pháp nuôi con truyền thống. Nhưng mình cũng may mắn là sớm được tiếp cận với những luồng tư tưởng hiện đại hơn nên đã chủ động thay đổi. Còn việc nuôi con, phương pháp nào cũng có cái hay cái dở, mình lựa chọn những gì mình tin là phù hợp hơn với con mình.

Phóng viên: Có một thực tại là dù cha mẹ Việt trẻ dù có bằng cấp cao cũng chưa hòa nhập được hết vào văn hóa, đời sống của Pháp, vì rào cản ngôn ngữ, văn hóa, cách sinh hoạt… Một mặt khác, có những gia đình cha mẹ ở lại Pháp bằng con đường lao động, thậm chí không biết tiếng Pháp. Theo quan điểm của chị, việc cha mẹ chưa hòa nhập được vào văn hóa của nước sở tại sẽ có ảnh hưởng và tác động như thế nào đến việc phát triển của trẻ trong cộng đồng Pháp?

Nguyên Kan: Mình tin rằng, sự hoà nhập về kinh tế, ngôn ngữ và xã hội của cha mẹ ảnh hưởng khá lớn tới sự phát triển và thích ứng của thế hệ con cái trong môi trường mới. Ngược lại, khi cha mẹ kém hoà nhập cũng dễ khiến con cái bị cô lập về văn hoá xã hội, giáo dục và ảnh hưởng tới cả những cơ hội thành công của con sau này, đặc biệt ở những gia đình gặp khó khăn về kinh tế.

Phóng viên: Việc giữ gìn văn hóa Việt tại Pháp cũng góp phần làm đa dạng văn hóa, điều mà đã trở thành đặc điểm đặc biệt của nước Pháp, tuy nhiên cũng vẫn tồn tại vấn đề kỳ thị màu da. Rõ ràng là vai trò định hướng , dẫn dắt và giúp con cái tự tin hòa nhập của cha mẹ khi xa xứ là rất quan trọng. Anh chị có những kinh nghiệm hay lời khuyên nào cho những cặp vợ chồng Việt trẻ đang có ý định định cư tại Pháp ?

Nguyên Kan: Để giúp con cái tự tin và dễ hoà nhập với môi trường mới, mình thường xuyên đưa cháu tới những khu vui chơi công cộng như công viên, thư viện thành phố để cháu gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều bạn bè cùng lứa tuổi. Mình cũng đăng ký cho con vào các câu lạc bộ năng khiếu để cháu thoải mái có điều kiện giao lưu với những bạn bè cùng sở thích. Ở trường học, mình thường xuyên đăng ký đi dã ngoại cùng lớp của con để quan sát về các hoạt động của con trong lớp, từ đó có những giúp đỡ phù hợp và kịp thời cho con. Ngoài ra mình cũng ủng hộ con mời bạn bè tới nhà chơi. Mình tin là, chỉ cần cha mẹ sống tử tế,  đàng hoàng và cởi mở với mọi người thì con cái cũng sẽ như vậy.

 

Phóng viên: Sắp đến dịp Tết cổ truyền Việt Nam, hàng năm, vào những dịp như thế này, tại Pháp chị và gia đình thường có những hoạt động gì để đem lại không khí Tết cho con cũng như để các con hiểu hơn về ý nghĩa của Tết ?

Nguyên Kan: Vào ngày Tết, gia đình mình thường tham gia buổi tiệc cùng với cộng đồng Việt Nam tại nơi mình ở, hoặc mời bạn bè về nhà tổ chức bữa ăn tất niên. Khi ở nước ngoài, bạn bè cũng là gia đình mà ! Để chuẩn bị cho ngày Tết , mình cũng nấu một số món ăn cổ truyền, hoặc tổ chức gói bánh chưng cùng bạn bè. Vào ngày Tết, mình cùng các con gọi điện chúc Tết ông bà và người thân ở Việt Nam. Nói chung ngày Tết của gia đình ở Pháp khá đơn giản chứ không được « linh đình » như ở Việt Nam.

Phóng viên: Được biết rất lâu rồi chị chưa về VN vào dịp Tết, chắc chắn tuổi thơ chị có rất nhiều cảm xúc về Tết, tuy nhiên các con của chị thì chưa trải qua Tết ở VN, chị đã chuẩn bị « hành lý » gì cho con khi về đón Tết ở VN ?

Nguyên Kan: Mình bàn về kế hoạch sẽ làm gì, ở đâu, như thế nào khi ở Việt Nam với các con. Các cháu đã chuẩn bị 2 cuốn Nhật ký hành trình để ghi lại những điều thú vị ở Việt Nam để khi sang Pháp sẽ chia sẻ với các bạn cùng lớp. Các con mình rất háo hức về chuyến đi này, được thăm ông bà, được mắt thấy tai nghe những điều ba mẹ vẫn thường kể cho nghe.

Phóng viên: Cuốn sách « Mẹ đoảng dạy con » đã vẽ ra chân dung của chị như là chị và bạn, đồng hành cùng con trong quá trình con trưởng thành. Mọi chuyện từ rèn luyện ăn uống, sinh hoạt cho con đã diễn ra rất suôn sẻ, tuy nhiên, việc học tập và giữ gìn ngôn ngữ tiếng Việt cho hai bé liệu có khó khăn hơn không khi hai bé đang dần lớn lên và đều nói tiếng Pháp ở trường và dù chị luôn đồng hành nhưng sẽ có nhiều lúc hai con không diễn đạt được hết ý mình và sử dụng tiếng Pháp với nhau ?

Nguyên Kan: Việc giữ gìn tiếng Việt cho hai con quả thực là một thách thức lớn, vì khi các cháu càng lớn thì càng có xu hướng sử dụng tiếng Pháp để nói chuyện, vì như thế dễ hơn ! Ở nhà mình luôn sử dụng tiếng Việt với các cháu và đọc truyện tiếng Việt cho các cháu nghe, các cháu cũng thường xuyên nói chuyện với ông bà ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc yêu cầu các con không nói tiếng Việt khi trò chuyện cùng nhau dường như là rất không thể và mình cũng không quá ép con trong việc này, chỉ khuyến khích là nên nói tiếng Việt thôi.

Phóng viên: Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của chị. Và điểm quan trọng trong giáo dục trong gia đình là sự đồng thuận và kết hợp giữa ba mẹ. Những kỷ niệm đáng nhớ và có ý nghĩa, tác động đến thay đổi trong cách nuôi dạy con cái của anh chị là gì, xin chị chia sẻ thêm, để minh họa cho việc « mẹ đoảng dạy con ».

Nguyên Kan: Một lần, mình đưa các con đi chợ đồ cũ, chồng mình dẫn bé lớn đi một hướng, mình dẫn bé thứ hai đi hướng khác. Lúc sau quay lại, mình « hí hửng » khoe với bé lớn rằng mình mua cho bé mấy món đồ chơi và mấy cuốn sách này. Bé, lúc đó 6 tuổi, thốt lên : « Sao mẹ mua cho em mà không hỏi xem em có thích không ? »

Tất nhiên lúc này bé vẫn chưa hiểu được là phải trân trọng những gì người khác làm cho mình. Bé chỉ hiểu là mỗi lần đi chơi như thế chỉ được mua một số đồ chơi nhất định, mẹ mua hết « quota » rồi thì mình không được tự chọn những thứ mình thích nữa. Tuy nhiên, câu nói của bé khiến mình suy nghĩ lại về tư tưởng « áp đặt », không phải cái gì ba mẹ thích có nghĩa là con cũng thích. Ba mẹ cần phải lắng nghe và tôn trọng ý kiến, sở thích của các con.

Phóng viên: Theo quan điểm cá nhân, việc sinh con và nuôi con ở Pháp nói riêng có ảnh hưởng gì đến sự phát triển vị trí xã hội của người mẹ, những khó khăn và thuận lợi chị đã gặp phải trong quá trình vừa chăm nuôi con vừa làm Tiến sĩ, khi chỉ có hai vợ chồng tại Pháp, không có sự giúp đỡ của ông bà ? Vai trò của người chồng, người cha quyết định như thế nào đến thành công của « mẹ đoảng dạy con » ?

Nguyên Kan: Cũng có đôi lúc vợ chồng mình gặp khó khăn, chủ yếu là khi công việc quá bận, con ốm, mà không có người thân bên cạnh để đỡ đần. Nhưng rồi khi vượt qua và nhìn lại đều thấy mọi việc nhẹ nhàng. Dù ở Việt Nam hay ở Pháp thì chồng mình luôn đồng hành, chia sẻ với mình trong mọi công việc. Theo mình, việc phát triển vị trí xã hội của người mẹ phụ thuộc vào quyết tâm và lựa chọn của người mẹ, chứ không  bị ảnh hưởng nhiều bởi việc sinh và nuôi con, nhất là khi người chồng có ý thức chia sẻ.

Cảm ơn những chia sẻ chân tình của chị và chúc cả gia đình đón Tết thật vui vẻ, nhiều kỷ niệm đẹp !

Thực hiện phỏng vấn: Yến Lê (LIEN99)

Nguồn ảnh: Facebook Nguyên Kan

__________________________________________________________

Tại Paris, với mục tiêu gìn giữ và phát triển ngôn ngữ, văn hóa Việt cho các bé, trường Thiếu nhi Về nguồn thuộc Hội người Việt Nam tại Pháp, với lịch sử hoạt động từ hơn 50 năm nay, có các lớp tiếng Việt cho các lứa tuổi từ 3 đến 14 tuổi, mỗi lớp có phương pháp và nội dung đặc trưng phù hợp với thiếu nhi Việt Nam tại Pháp.

(Thông tin chi tiết tại link : https://toasang-ugvf.org/2017/05/28/cac-lop-hoc-thieu-nhi-ve-nguon-nhan-dang-ky-nam-hoc-moi-2017-2018/ )

Chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến Tết Mậu Tuất, Tết cổ truyền dân tộc. Các bé trường Thiếu nhi Về nguồn cũng đang tất bật chuẩn bị các tiết mục văn nghệ để biểu diễn trong chương trình đón Tết.

Đặc biệt lần đầu tiên, Làng Thiếu nhi sẽ được dựng trong sự kiện Lễ hội Tết 2018.

Đây là không gian sân chơi dành riêng cho thiếu nhi với các hoạt động, trò chơi truyền thống, bên cạnh đó, cũng có những quầy cho thuê hoặc bán bộ trang phục truyền thống để các em có thể xúng xính áo, váy chụp hình, vui chơi. Tại đây, các em thiếu nhi sẽ nhận được những phong bao lì xì đỏ với các thẻ tham gia các gian trò chơi hoặc để ủng hộ các bạn thiếu nhi khó khăn ở Việt Nam thông qua Quỹ học bổng của trường Về Nguồn.

Sự kiện sẽ được tổ chức vào ngày 17 tháng 2 năm 2018 tại địa điểm văn hóa danh tiếng Pavillon Baltard, mở cửa từ 14h kéo dài đến 1h sáng hôm sau. 

Thông tin chương trình LỄ HỘI TẾT 2018 từ 14h đến nửa đêm:

6 KHÔNG GIAN LỄ HỘI – 3 CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ – DẠ VŨ NHẠC SỐNG –

LÀNG TẾT THIẾU NHI – KHÔNG GIAN NHẠC TRẺ TẾT UNDERGROUND PARTY (đến 2 giờ sáng)

MIỄN PHÍ VÉ VÀO CỬA CHO THIẾU NHI DƯỚI 12 TUỔI.

VÉ ỦNG HỘ – BON DE SOUTIEN EN PRÉVENTE:

Toàn chương trình (từ 14h đến 1h sáng):

32 € – Ghế xem văn nghệ có đánh số. 

22 € – Ghế xem văn nghệ không đánh số. 

Sinh viên: 10 € (Ghế xem văn nghệ không đánh số)

 

Giảm 2 euros cho Hội viên Hội NVNTP.

Miễn phí cho thiếu nhi dưới 12 tuổi.

Mua vé tại ngày sự kiện: +5 €

LIÊN HỆ – MUA VÉ :

UGVF

16 rue du Petit Musc Paris 4ème

Tél. 01 42 72 39 44 – email : contact@ugvf.org

Mua trực tuyến:

 https://www.billetweb.fr/tet-mau-tuat-17-fevrier-2018#.Wl1IJvVTBKA.gmail