Vừa qua, Việt Nam là nước mới nhất ở khu vực Đông Nam Á bị Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo “thẻ vàng” do đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Trước đó, EU cũng đã rút “thẻ vàng” đối với Thái Lan và “thẻ đỏ” với Campuchia về IUU.
Ngày 23/10/2017, Liên minh châu Âu (EU) đã rút “thẻ vàng” đối với thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam. Quyết định của EU được đưa ra sau quá trình theo dõi, xem xét và đánh giá về hoạt động khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam. Trước đó, EU đã cử các đoàn sang kiểm tra và đưa khuyến cáo đối với Việt Nam.
Theo thông cáo báo chí đăng trên website chính thức của EU, việc EU đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam là vì những hành động của Việt Nam không đủ chống lại tình trạng đánh bắt bất hợp pháp; các sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam không có báo cáo rõ ràng về nguồn gốc… Từ đó, EU khuyến nghị Việt Nam cần cải thiện thể chế quản lý, quản lý đội khai thác phù hợp với nguồn lợi, hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát trên tàu trên biển và tại cảng, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản và ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Quy định về IUU được EU ban hành vào năm 2008 và có hiệu lực năm 2010 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định là mối đe dọa lớn đến việc duy trì, bảo tồn các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh thái biển, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về môi trường cũng như kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Theo quy định IUU của EU, các quốc gia đánh bắt cá vi phạm IUU sẽ bị phạt “thẻ vàng” cảnh cáo có giá trị 6 tháng. Trong trường hợp các quốc gia nhận “thẻ vàng” không có biện pháp khắc phục phù hợp thì sẽ bị phạt “thẻ đỏ”, bị cấm xuất khẩu thủy sản vào EU. Như vậy, đối với trường hợp Việt Nam, trong khoảng thời gian từ 23/10/2017 đến 23/4/2018, nếu Việt Nam không khắc phục được những thiếu sót, tồn tại theo khuyến nghị thì EU sẽ rút “thẻ đỏ” phạt Việt Nam, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu sang thị trường EU.
Tính đến hết năm 2017, đã có 25 quốc gia bị EU áp dụng hình thức phạt thẻ, trong đó thẻ đỏ có 03 nước (Cambodia, Comoros, Saint Vincent & Grenadines), thẻ vàng 09 nước (Kiribati, Liberia, Saint Kitts & Nevis, Sierra Leone, Taiwan, Thailand, Trinidad & Tobego, Tuvalu và Việt Nam) và 13 nước đã bị phạt thẻ nhưng đã được thu hồi do hệ thống quản lý đã được cải thiện (Belize, Fiji, Ghana, Guinea, Panama, Papua New Guinea, Philippines, South Korea, Sri Lanka, Togo, Vanuatu, Curacao, Solomon Islands).
Nhận thức rất rõ được những ảnh hưởng của việc này đối với lợi ích kinh tế, ngay khi nhận được khuyến nghị của EU, Việt Nam từ cấp trung ương đến cơ sở đã và đang triển khai quyết liệt các biện pháp. Trong đó, tập trung vào 03 nhóm giải pháp chính như: hoàn thiện thể chế phù hợp với quy định của quốc tế; nâng cao năng lực thực thi của hệ thống quản lý nhà nước và ngư dân; tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông, thông tin, đào tạo tập huấn làm cho hệ thống quản lý nhà nước về thủy sản, các doanh nghiệp và nhất là các chủ tàu, ngư dân hiểu được những nội dung quy định IUU của EU nói riêng và các quy định quốc tế nói chung.
Ngày 12/01/2018, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã công bố “Sách Trắng về vấn đề IUU và các khuyến nghị”, nội dung chuyển tải những thông tin cơ bản về IUU góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân Việt Nam và là thông điệp mạnh mẽ gửi tới cộng đồng quốc tế, đặc biệt là thị trường EU về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam, ngành thủy sản Việt Nam trong chiến dịch chống khai thác IUU trước mắt và lâu dài; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai hoạt động hợp tác quốc tế với các nước liên quan (Thái Lan, Philippines, các nước quốc đảo Thái Bình Dương) và các tổ chức, hiệp hội nghề cá quốc tế… để học tập kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản lý hoạt động nghề cá của Việt Nam.
Trên thực tế, việc EU phạt “thẻ vàng” cảnh cáo Việt Nam chính là cơ hội để doanh nghiệp thủy, hải sản nhìn lại mình, đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá, cơ cấu lại hoạt động, thay đổi phương thức khai thác, đánh bắt để đảm bảo được hiệu quả, không khai thác một cách tận diệt hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng chính là động lực để Việt Nam tăng cường sự tự giác của ngư dân, nâng cao ý thức đánh bắt khai thác một cách có trách nhiệm, tuân thủ các quy định IUU.
Đối với một số nước như Việt Nam, khai thác và đánh bắt cá là hoạt động truyền thống, có từ lâu đời của ngư dân vùng ven biển. Phần lớn các hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam vẫn đang còn mang tính thô sơ, chưa được trang bị các dụng cụ, trang thiết bị đánh bắt hiện đại và đặc biệt, nhận thức pháp luật nói chung và các quy định IUU liên quan đến đánh bắt thủy, hải sản thực sự còn rất hạn chế.
Do vậy, để bảo vệ lợi ích cả về mặt kinh tế, đối ngoại của các bên liên quan, trong đó có Việt Nam, EU cần có sự linh hoạt, lộ trình phù hợp với mức độ phát triển dân trí và truyền thống của mỗi nước./.
Trần Công Thắng