Đồng franc Pháp đầu tiên « Franc a cheval » (1360) cân nặng 3,88 grammes vàng, có hình vua Jean II le Bon. Một đồng vàng Louis (1640) in hình vua Louis XIII chứa chưa đầy 4 grammes vàng. Nhưng một đồng vàng Napoleon có mệnh giá 20 francs, có đến gần 6g (5,805 vàng ròng)… Hay thú vị hơn nữa là những công cụ dập tiền từ thời Trung Cổ cho đến ngày nay. Đó là những vật trưng bày trong số vô vàn những báu vật được Monnaie de Paris hay còn gọi Bảo Tàng Đồng Tiền Paris lần đầu giới thiệu với công chúng.
Mở cửa chính thức vào ngày đầu tháng 11/2017, Monnaie de Paris dẫn dắt người xem cùng khám phá một góc nhìn khác về lịch sử nước Pháp : Đồng tiền và Nghệ thuật đúc tiền.
Jacques-Denis Antoine : Người thổi hồn cho Monnaie de Paris
Nằm đối diện với bảo tàng Louvre đồ sộ bên kia sông Seine, Monnaie de Paris là một định chế cổ nhất nước Pháp, được thành lập vào năm 864 dưới thời trị vì của vua Charles le Chauve. Nhưng phải đợi đến tận năm 1775, định chế này mới chính thức đóng đô tại số 11, Quai de Conti ngày nay.
Đến tham quan Monnaie de Paris, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt người xem là kiến trúc lộng lẫy của cả một cung điện có diện tích 48.000m2, nằm ngay bên bờ sông Seine, giữa lòng khu phố sang trọng và đẹp nhất của Paris. Nhìn từ bên ngoài, không một ai có thể ngờ rằng nơi đây từng là một nhà xưởng dùng để đúc dập tiền của nước Pháp và là nhà xưởng duy nhất còn lại tại Paris. Cảm giác ngạc nhiên đó lại càng tăng lên bội phần khi được nhìn thấy những đường nét trang trí, chạm khắc sang trọng và tinh xảo bên trong tòa nhà.
Chuyện kể rằng Monnaie de Paris có được vẻ đẹp kiêu sa như ngày nay là nhờ vào bàn tay phù phép tài nghệ của ông Jacques-Denis Antoine, một người chưa bao giờ theo đuổi một chương trình đào tạo chính thống về kiến trúc. Là con trai của chủ xưởng mộc lớn, Jacques-Denis Antoine đã bắt đầu sự nghiệp bằng nghề thợ mộc và tự học thêm về nghành kiến trúc. Cho đến khi chính thức trở thành một chủ hãng xây dựng có tuyên thệ, ông bắt đầu trình làng nhiều dự án kiến trúc của mình. Tiếng tăm của ông từ ấy dần lan xa. Đến năm 1765, Jacques-Denis Antoine đã vượt qua nhiều kiến trúc sư tiếng tăm thời ấy dành quyền thiết kế và xây dựng dự án Hotel de Monnaie, ban đầu dự kiến dựng tại quảng trường Concorde ngày nay.
Nhưng rồi cuối cùng, cũng chính ông đã quyết định chọn Quai de Conti để đặt viên đá đầu tiên cho tòa nhà Monnaie de Paris. Trong suốt thời gian giám sát thi công, đích thân ông tự chọn từ nhà thầu, nhà cung cấp nguyên vật liệu cho đến những nghệ nhân tài giỏi nhất lúc bấy giờ. Chính sự kết hợp hài hòa những đường nét tổng thể, nét sang trọng của hoa văn trang trí và sự hoàn hảo của quá trình thực hiện đã mở rộng cửa cho Jacques-Denis Antoine trở thành thành viên Viện Kiến Trúc Hoàng Gia, và mang đến cho ông nhiều công trình danh giá trên khắp châu Âu.
Đúc và Dập Tiền : Khoa học và Nghệ Thuật
Theo dòng thời gian, Monnaie de Paris đã trải qua nhiều lần trùng tu sao cho phù hợp với quá trình phát triển của khoa học và kỹ thuật trong ngành đúc dập tiền. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Monnaie de Paris được dùng làm bảo tàng. Lần đầu tiên là bảo tàng nước Pháp dưới thời vua Louis-Philippe năm 1831, Bảo tàng các loại huy chương vào cuối thế kỷ XIX, hay như Bảo tàng nước Pháp qua lăng kính nghề đúc tiền vào cuối những năm 1980.
Giờ đây, sau sáu năm đóng cửa trùng tu, bảo tàng Đúc Dập Tiền Paris đã chính thức mở cửa lại cho công chúng dưới một lớp áo mới, một góc nhìn mới. Theo giải thích của ông Victor Hundsbuckler, quản đốc bảo tàng với ban Việt ngữ đài RFI, bảo tàng mới lần này mang đến cho người xem một cái nhìn đầy đủ, đa dạng hơn và phổ quát hơn về lịch sử ngành tiền tệ: « Nhìn lại lịch sử, bảo tàng ngày hôm nay muốn được phổ quát và đa dạng hơn. Nghĩa là chúng tôi muốn đặt công việc đúc dập tiền trong một khái niệm mang tính toàn cầu, mang đậm tính chất lịch sử, vượt ra ngoài khuôn khổ cung điện Đồng tiền Paris. Các loại đồng tiền trên thế giới, với những kho báu, không hẳn là của nước Pháp và chúng tôi muốn phác họa lại một ngành lịch sử, bao gồm cả khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, kinh tế… »
Tham vọng này của Monnaie de Paris đã thể hiện rõ qua cách bố trí không gian triển lãm và những báu vật được trình bày. Từ việc giải thích cho người xem những kim loại được dùng để đúc tiền và được sử dụng ra sao tại mỗi nước. Kỹ thuật đúc và dập tiền qua mỗi giai đoạn lịch sử. Nhưng trước đó là khâu thiết kế mẫu mã, tạo hình nổi trên đồng tiền như thế nào. Nhưng để có thể thực hiện tham vọng này, Monnaie de Paris gặp không ít khó khăn. Trong số đó, làm thế nào thể hiện được đầy đủ ý nghĩa lịch sử của ngành đúc và dập tiền thông qua hơn 2.000 lô báu vật được trưng bày nhưng không làm mất đi nét thanh tao, trang nhã và lộng lẫy của không gian kiến trúc, đây quả là một thách thức lớn cho các nhà tổ chức.
Ông Victor Hundsbuckler cho biết tiếp: « Khó khăn thứ nhì là việc tái tạo các phần kiến trúc hợp lý, tìm lại bản vẽ gốc. Để làm việc này thì trước tiên cần tiến hành rà soát, kiểm kê để xác định rõ xem những bộ phận nào có giá trị kiến trúc. Bởi vì trong thế kỷ 19 và 20, người ta đã xây thêm hoặc cải tạo sắp xếp lại và những phần này vẫn được giữ nguyên. Thế nhưng, khi sửa sang, cải tạo lần này, thì đó chỉ là những phần lai ghép xấu xí được xây dựng thêm, đính ghép với lâu đài. Như vậy, sau khi giải quyết xong khó khăn đầu tiên này, chúng tôi đang hoàn tất giai đoạn hai, trong khu vườn, tháo bỏ những phần lai ghép xấu xí đó. Có một khối lượng rất lớn gạch đá vụn cần vứt bỏ. Chúng tôi đang giải phóng toàn bộ mặt bằng diện tích khu vườn để tái tạo khu vườn như trước đây. Chúng tôi vui vì tìm lại được bản vẽ kiến trúc của (Jacques–Denis) Antoine, nhưng đồng thời cũng có nhiều khó khăn vất vả trong việc quản lý dự án vì có hàng trăm, hàng ngàn tấn gạch đá bê tông cần phá bỏ, nhất là khi cần nâng cao mặt bằng. Ví dụ, trong khu vực lâu đài, có một nhà thể thao được xây dựng trong những năm 1950. Do vậy, cần phải gia cố tạm thời các phần lâu đài để sao cho việc phá bỏ khu nhà thể thao không làm yếu kết cấu lâu đài. »
Monnaie de Paris : Niềm kiêu hãnh của nước Pháp
Với những nỗ lực vượt bậc trong vòng 6 năm qua, khách tham quan có thể tận mắt chiêm ngưỡng những báu vật vô giá của bảo tàng. Từ những dụng cụ đúc và dập tiền chính thống thô sơ cho đến những loại dụng cụ tinh vi hơn. Nhưng đó cũng có thể là những loại dụng cụ để làm tiền giả. Trên góc nhìn lịch sử, công nghệ chế tạo tiền giả chính là động lực chính thúc đẩy sự tiến bộ và giúp cho kỹ nghệ đúc tiền ngày càng được hoàn thiện và tinh vi hơn. Không chỉ có đúc và dập đồng tiền, Pháp còn nổi tiếng với kỹ nghệ đúc huy chương. Công nghệ này bắt đầu phát triển dưới thời Napoleon, đem lại cho Pháp một nguồn thu không nhỏ trong việc đúc huy chương, làm đồ trang sức cho các hoàng tộc châu Âu.
Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là bốn kho báu được Monnaie de Paris lần đầu giới thiệu với công chúng. Trong số này có kho báu Huế, chiến lợi phẩm mà Pháp thu được dưới thời thực dân. Những thỏi vàng và bạc được Monnaie de Paris trang trọng sắp theo hình chữ S. Sừng sững bên bờ sông Seine từ hơn hai thế kỷ rưỡi qua, Monnaie de Paris chứng kiến biết bao thăng trầm của nước Pháp. Nhưng làm thế nào định chế này có thể bảo vệ toàn vẹn các báu vật và di sản của mình trước bao biến cố lịch sử ?
« Tôi xin trả lời câu hỏi này qua việc giải thích về thiết kế và kiến trúc của lâu đài hồi thế kỷ 18. Chúng tôi đã mở 6 cửa ra vào khu vực lâu đài, nhưng trước đây chỉ có một lối ra vào mà thôi. Có nghĩa là hiện nay, có nhiều cửa mở ra phố Guenegaud. Du khách có thể vào qua cửa này để tới khu vực cửa hàng bán sách, đồ lưu niệm hoặc đi qua sân để vào bên trong, tham quan từng phần của lâu đài. Trước đây, đó là những cửa giả, đằng sau là những bức tường đá. Bởi vì vào cuối thế kỷ 18, đây là nơi tích trữ tiền và vàng và cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Có một đội lính Thụy Sĩ bảo vệ, giống như lính Thụy Sĩ đang bảo vệ tòa thánh Vatican hiện nay. Vào thời kỳ đó, tất cả các lâu đài hoàng gia đều có lính gác Thụy Sĩ. Trong suốt quá trình tồn tại, lâu đài luôn luôn được bảo vệ chặt chẽ. Bởi vì việc đúc, dập tiền là một trong những chức năng quan trọng, cơ bản của Nhà nước. Đồng tiền đánh dấu giới hạn quyền lực, là cơ sở cho hoạt động kinh tế và thị trường tài chính của một quốc gia. Chính vì những lý do này mà ngay cả khi có thay đổi chế độ, thì đồng tiền vẫn được giữ nguyên. »
Vẫn theo ông Victor Hundsbuckle, đó là vì nhằm bảo đảm sự tồn tại liên tục của một Nhà nước: « Ngay cả khi có Công Xã Paris, những người cách mạng cũng chú ý đến việc để cho khu vực lâu đài đúc tiền không bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng chính trị xã hội, không có nguy cơ bị dân chúng tràn vào xâm chiếm, đập phá. Có thể nói, nơi đây luôn luôn được bảo vệ chặt chẽ. »
Trong bối cảnh Pháp bây giờ là một thành viên của khối đồng tiền chung châu Âu và công nghệ tin học phát triển mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng đồng tiền tăng, nhà xưởng đặt tại Quai de Conti không còn thích hợp, nay được dời về Pessac.
Theo tiết lộ của Monnaie de Paris, mỗi ngày xưởng đúc tiền Pessac của Pháp đóng gói 6 triệu đồng tiền. Mỗi một phút máy dập 800 cú. Năm 2016, Pháp phát hành 1,3 triệu đồng tiền. Và nước Pháp đúc và dập tiền cho 44 quốc gia. Với những con số ấn tượng này, chú Gà Trống Gaulois biểu tượng nước Pháp đã có thể tự hào về kỹ nghệ đúc và dập tiền của mình.
Theo RFI
http://vi.rfi.fr/phap/20171215-paris-mo-cua-xuong-duc-tien-co-nhat-nuoc-phap