Dù là một nước nhỏ nằm ở phía đông nam của châu Á, Việt Nam đã từ lâu được biết tới không chỉ là một dân tộc luôn anh dũng kiên cường bảo vệ nền tự do độc lập mà còn là một dân tộc thông minh chăm chỉ và ham học hỏi. Tuy mới chỉ vỏn vẹn 40 năm trong hòa bình độc lập, chúng ta không thể phủ nhận Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng kể trong công cuộc xây dựng đất nước, xã hội và đặc biệt là con người … 40 năm chỉ là một chặng đường rất ngắn trong lịch sử của một dân tộc, ngày nay mặc dù đã thoát khỏi cái đói cái nghèo nhưng đất nước Việt Nam vẫn chưa thể sánh vai với các cường quốc hàng đầu thế giới. Con người Việt vẫn sẽ luôn tiếp tục sử dụng trí tuệ, tính sáng tạo của mình để đưa đất nước lên sánh vai với bạn bè năm châu.
__________________________
Trong bài viết xin được giới thiệu một vài sáng tạo của người Việt trong thế giới hội nhập ngày nay, trong một thế giới phẳng nơi mọi trí tuệ có thể dễ dàng được đầu tư phát triển. Tuy chỉ là một phần rất nhỏ nhưng hy vọng rằng sẽ đủ để cho bạn đọc thấy khả năng của những con người ở một đất nước nhỏ bé khiêm nhường của Đông Nam Á này.
Cha đẻ của máy ATM hiện đại – TS. Đỗ Đức Cường
Sinh năm 1945 tại Đức Phổ, Quảng Ngãi, mảnh đất như ông tả, bốn tháng nắng, tám tháng mưa, đất cằn không trồng nổi khoai mì.
Nghèo khó là thế nhưng ông bảo nghèo vẫn có cách đi lên của người nghèo. Ông là một người rất đam mê học tập. Ông Đỗ Đức Cường khởi đầu sự nghiệp học hành tại trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Sau đó, ông chuyển sang học ngành Kỹ cơ khí tại Đại học Phú Thọ (Đại học tổng hợp). Năm 1963, trong kỳ kiểm tra của một phái đoàn của Nhật nghiên cứu về trí thông minh người Việt Nam, ông là người có chỉ số thông minh cao nhất. Ông được cấp học bổng sang Nhật học tại Đại học Osaka. Tại đây, ông vừa học vừa làm thêm cho Công ty Toshiba. Sau đó, một phát minh bất ngờ đã mang ông đến Mỹ. Ông được mời đến Mỹ để « sử dụng một kỹ thuật giúp ngân hàng giành được 1 tỷ khách hàng. » Đây chính là những ngày đầu máy ATM được thai nghén. Ông cho biết phát minh của ông nhằm mục đích phổ biến các dịch vụ ngân hàng, để tất cả mọi người đều có thể sử dụng dịch vụ. Sản phẩm của ông được xem là một bước đột phá trong lịch sử ngành ngân hàng.
Với mục tiêu “bình dân hóa dịch vụ ngân hàng” ông cho rằng : « Nếu ngân hàng không nhìn những người dân bình thường như khách hàng tiềm năng, ngân hàng không phát triển được. Quần chúng hóa các dịch vụ, ngân hàng sẽ thành công”. Trong suốt 20 năm làm việc tại Citibank – Hoa Kỳ, ông đã phát minh, cải tiến, phát triển chiếc máy ATM từ một chiếc máy nặng nề và to gấp bốn lần máy ATM bây giờ, chỉ làm được một việc cơ bản: đọc thẻ, gửi yêu cầu của khách hàng về kho dữ liệu để triển khai giao dịch rút tiền, gửi tiền trở thành máy ATM hiện đại ngày nay.
Tháng 06-2003, theo yêu cầu của Việt Nam trợ giúp kỹ thuật cho SEA Games 22, ông Cường về nước sau hơn 30 năm ở Mỹ. Ông tìm hiểu, làm quen với ngân hàng Việt Nam. Đó là bước ngoặt trong đời ông. Khi ấy, ở Hà Nội và TPHCM mới chỉ có máy ATM của một số ngân hàng nước ngoài và Vietcombank, chủ yếu dành cho khách hàng sử dụng thẻ quốc tế. Hiển nhiên dân thường đâu biết nhiều về ATM. Ở tuổi gần 70 và sức khỏe yếu, ông mắc căn bệnh tim, đã từng qua phẫu thuật và trái tim hiện đập với bảy chiếc lò xo trợ lực, ông có thể sống những năm tháng còn lại của cuộc đời an nhàn cùng gia đình bên Mỹ. Nhưng ông lại chọn về Việt Nam tiếp tục làm việc. Ông luôn đau đáu trong mình mong muốn phải làm sao để cái máy phục vụ người dân, trở thành cầu nối đưa dịch vụ ngân hàng đến với giới bình dân gần hơn nữa.
Để giúp các ngân hàng Việt Nam trang bị máy ATM, ông Cường trao bản quyền tám phát minh của mình, không lấy một xu, cho một cựu đô đốc thủy sư của Hải quân Trung Quốc để họ chế tạo những chiếc máy ATM cho ngân hàng Việt Nam. Ông ra điều kiện nơi chế tạo không được bán máy qua công ty trung gian nhằm giảm giá thành cho ngân hàng Việt Nam, đồng thời phải hỗ trợ kỹ thuật miễn phí dài hạn.
Ông Cường có thói quen nhâm nhi ly cà phê ở quán ven đường. Một lần, ông bảo ông vui kinh khủng khi thấy cô bán cà phê, vào cuối ngày, tất tả vuốt thẳng những đồng tiền, rồi chạy lại cái máy ATM để gửi tiền vào đó. Cô phân bua với người khách là ông, rằng cái máy tiện lợi quá, biết “ăn” tiền. Cô làm thế vừa tiết kiệm mỗi ngày một ít, vừa đỡ phải giữ tiền bên mình. Hôm sau, nếu cần tiền, cô sẽ ra rút lại. Niềm vui của ông ở cái tuổi này có lẽ chỉ cần là những điều giản dị như vậy.
Xe lăn điều khiển thông qua ý nghĩ của con người
Giáo sư – Tiến sĩ Hùng Nguyễn, Chủ nhiệm Khoa Kỹ thuật và Công nghệ Thông tin của Trường Đại học Sydney (UTS, Australia), tên thật Nguyễn Tấn Hùng, định cư, sinh sống ở Castle Hill (thuộc bang New South Wales) từ năm 1979. Nhiều năm qua, ông thường xuyên có những phát minh hữu ích với các bệnh nhân. Đáng chú ý, một trong những phát minh y tế mang tính đột phá là sáng kiến Aviator (công nghệ « xe lăn thông minh”) đã được tạp chí sáng tạo kinh doanh Australian Anthill xếp thứ 3 trong danh sách « 100 phát minh hàng đầu Australia”.
Ông Hùng Nguyễn đã nghiên cứu từ hơn 10 năm về trước, ông đã dành phần lớn tâm trí để nghiên cứu về lĩnh vực này. Ông không tạo ra những chiếc xe lăn, mà tạo ra những thiết bị điều khiển xe lăn theo hoạt động của bộ não.
Theo đó, nó được thiết kế có chức năng như một robot có thể tự di chuyển và né tránh các vật thể mà chúng nhìn thấy được qua camera lắp đặt sẵn trên xe. Vì vậy, chiếc xe lăn có thể di chuyển theo mệnh lệnh từ cái lắc đầu, ánh mắt, thậm chí là suy nghĩ của chủ nhân. Giáo sư tin tưởng chiếc xe lăn thông minh này sẽ tạo ra cuộc cách mạng lớn cho những người bị chứng bại liệt.. Ngoài phục vụ cộng đồng ở Australia, ông cũng rất mong muốn một ngày gần đây sẽ mang sản phẩm phát minh này về Việt Nam, phục vụ cho đồng bào người Việt.
Như đã nói, bên cạnh sáng kiến Aviator, Giáo sư – Tiến sĩ Hùng Nguyễn và cộng sự còn nghiên cứu ra nhiều phát minh y tế khác, như phát minh HypoMon với thiết bị chuyên theo dõi chứng bệnh tiểu đường, giúp đo được lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức quy định và kết nối với một hệ thống báo động giúp bệnh nhân tránh khỏi những biến chứng do giảm glucoza huyết mà không cần phải lấy máu làm xét nghiệm, hoặc thiết bị tim nhân tạo, thiết bị chuyên phát giác bệnh ung thư vú sớm, máy báo chứng bệnh parkinson, máy kiểm tra sức khỏe dành cho các tài xế…
GS-TS Hùng Nguyễn cho biết thêm: « Là một nhà khoa học đang sinh sống, làm việc tại Australia nhưng hàng năm, tôi vẫn tranh thủ thời gian về thăm quê hương xứ xở đồng thời tuyển các sinh viên Việt Nam du học sang trường Đại học Công nghệ Sydney. Có khá nhiều bạn sinh viên Việt Nam đã và đang trở thành một bộ phận không thể thiếu trong mạng lưới nghiên cứu mà chúng tôi đã xây dựng nên tại UTS nhằm tạo nên sự khác biệt cho cộng đồng.
Cũng thông qua những lần trở về ấy, tôi nhận thấy đất nước mình phát triển rất nhiều, rất nhanh. Khoa học công nghệ ở Việt Nam càng ngày càng mạnh, người Việt Nam rất chú trọng khoa học công nghệ và chất lượng sinh viên. Các kỹ sư Việt Nam cũng rất giỏi, nên chắc chắn các bạn sẽ có cơ hội cạnh tranh với thế giới… »
Mỗi người chúng ta đều có những khả năng và hạn chế riêng. Ví như ông Cường tuy ông rất muốn đóng góp trí tuệ của mình cho đất nước nhưng sức khỏe lại hạn chế ông thực hiện mong muốn của mình. Có lẽ khi đã bước qua tuổi đã « thất thập cổ lai hy », khi ông đã có đầy đủ kinh tế, tài sản, gia đình… ông đã bắt đầu tìm kiếm những điều mà tuổi trẻ mình chưa có được, ông muốn đóng góp cho đất nước !
Một câu hỏi đã tốn không biết bao nhiêu là giấy mực của các nhà triết học : « Tại sao chúng ta lại được sinh ra ? ». Từ trong đáy lòng, tôi cho rằng chúng ta luôn tìm kiếm một ý nghĩa cao cả hơn, đẹp đẽ hơn, chân chính hơn là sự tồn tại của bản thân. Ý nghĩ ấy sẽ được vun đắp khi chúng ta còn trẻ, ngủ yên khi ta trưởng thành và bùng cháy mạnh mẽ khi ta không còn quan tâm đến sự tồn tại của mình nữa.
Tác giả: Trần Hoàng Anh
Bài đã đăng báo Đoàn Kết số 5 năm 2015