Từ khi có mạng Internet, chúng ta kết nối với thế giới qua màn hình máy vi tính, qua điện thoại, qua máy tính bảng. Theo Hiệp hội quốc tế về Truyền thông, một tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc, trong năm 2014 có khoảng 3 tỉ người trưởng thành dùng mạng Internet, tương đương 42% dân số thế giới. Trên thực tế, con số này lớn hơn rất nhiều vì hiện nay trẻ em từ 2-3 tuổi trở lên cho đến 18 tuổi cũng đã là một phần người tham gia, và sử dụng các dịch vụ trên mạng : trò chơi, phim ảnh, các ứng dụng khác…
Khi đầu ngón tay chúng ta chạm vào màn hình máy tính hay điện thoại, ở khoảng khắc ấy, chúng ta mở ra một thế giới đằng sau tấm kính của màn hình phẳng. Thế giới ấy được gọi là thế giới « phẳng »[1] nơi những mặt phẳng màn hình kết nối con người và thông tin từ nhiều địa điểm với nhau -– mạng lưới các mối quan hệ hiện đại được bắt đầu hoặc duy trì trên các mạng xã hội « ảo » nơi rất nhiều cuộc làm quen, trao đổi, giao dịch được thực hiện mà những người tham gia đều có những cái tên khác ngoài đời, thậm chí có những « nhân cách » mới.
Rất nhiều điều trong thế giới này đã thay đổi từ khi có thế giới ấy song song tồn tại, có những điều tốt tồn tại và có những điều xấu tồn tại, tạo ra những kết quả tích cực và những hậu quả tiêu cực, lên tư duy, cảm xúc và thói quen sống thường ngày của chúng ta, lên cả tư duy, tâm linh và thói quen văn hóa của mỗi dân tộc.
Tâm linh đã có từ lâu đời hơn các tôn giáo rất nhiều khi con người biết gọi thiên nhiên là « Mẹ », đối với người Việt Nam, tâm linh tồn tại cùng với huyền thoại « Con Rồng-cháu Tiên », tồn tại từ khi mỗi người Việt đều cảm động trong khoảng khắc thiêng liêng của đoàn tụ gia đình, tổ tiên quanh mâm cỗ trong những dịp lễ, Tết truyền thống, tồn tại trong từng viên gạch xâycác đình, miếu, thờ các vị thần bản địa và các anh hùng dân tộc được nhân dân phong thánh, cho đến các truyện thơ Nôm như Hoa Tiên, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên,… với « con tạo xoay vần » tạo không khí tâm linh cũng như câu cửa miệng của hầu như tất cả người Việt về « trời đất », về « ở hiền gặp lành ».
Tâm linh dân tộc – niềm của dân tộc dành cho một sức mạnhthiêng liêng – rõ nhất ở hai câu thơ nổi tiếng :
« Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành đã định tại sách trời.”
(Nam quốc sơn hà – Lý Thường Kiệt)
Từ bao giờ, ý nghĩa của từ tâm linh ở Việt Nam đã bị thay đổi và lạm dụng để trở thành một cụm từ gây phản ứng tiêu cực đối với nhiều người, càng nguy hiểm hơn khi có khuynh hướng phủ nhận một nền tâm linh dân tộc – với những di sản, những linh khí, linh vật, những lễ hội, phong tục mang ý nghĩa thể hiện niềm tin chung của nhiều người với « hồn thiêng sông núi », hơn nữa đó là tinh thần của một nền văn hóa. Bất kỳ nền văn hóa đặc sắc nào cũng đều nằm ở tinh thần – tâm linh.
Rất nhiều diễn giải và phản ứng của mỗi người khi nghe nói đến tâm linh: ủng hộ hay phản đối, mù quáng hay lý trí. Trên hết, điều chúng ta hướng đến là văn hóa tâm linh dân tộc – những giá trị tinh thần tồn tại cùng lịch sử dân tộc, không phải tôn giáo hay tín ngưỡng của bất kỳ cá nhân nào. Bởi vì chính nền văn hóa tâm linh dân tộc góp phần định hình vào nhân cách, thói quen sống, thái độ ứng xử và văn hóa của mỗi thành viên thuộc dân tộc ấy.
Thế giới mạng – Thế giới “phẳng” của công nghệ chắc chắn ảnh hưởng đến nhân cách và thói quen của chúng ta, đặc biệt là những thế hệ mới đang và sẽ được sinh ra, lớn lên cùng các công nghệ cao và thông tin. Nếu công nghệ và thông tin phát triển ngày càng toàn cầu, liệu có san phẳng những đặc điểm, tâm hồn bản địa của mỗi người tham gia thế giới ấy? Ngược lại, với sự kết nối của mạng Internet, chúng ta cũng cần nhìn ra thế giới, không chỉ bằng đôi mắt vật chất.
Văn hóa tâm linh dân tộc chắc chắn là yếu tố không thể không tính đến để tạo thành nhân cách và thói quen của chúng ta. Nếu văn hóa tâm linh dân tộc bị suy thoái hoặc bị bỏ quên, có khi nào chúng ta quên mất mình là ai và nơi đâu là đất Mẹ, ai là Đức Thánh Trần, đỉnh núi nào là Yên Tử, ngọn gió nào “đưa cây cải về trời” nơi Thánh Gióng cũng từng đưa lũy tre làng bay cao? Văn hóa tâm linh dân tộc cũng chính là sợi chỉ đỏ kết nối các thế hệ.
Thế giới mạng – Kết nối của thời đại.
Văn hóa tâm linh dân tộc – Kết nối của nhân sinh.
Báo Đoàn Kết, với tinh thần luôn theo dòng thời sự quốc tế để chọn lọc những nội dung ở lại cùng thời gian, sẽ dành số báo này cho vấn đề « Tâm linh Việt Nam trong Thế giới phẳng – Kết nối ».
Thời gian gần đây, từ « tâm linh » bị sử dụng một cách tràn lan và vô tội vạ ở Việt Nam, từ những hoạt động, sự kiện đến những bài viết, ý kiến cả bênh vực lẫn chỉ trích. Đã có bao người mù quáng chạy theo hình thức của hai từ « tâm linh » với mong muốn cầu thêm lợi lộc cho mình, cũng có bấy nhiêu người chỉ trích và tỏ thái độ dị ứng với cụm từ « tâm linh » vì đánh đồng với nghĩa mê tín dị đoan và không hợp với tư tưởng của mình.
Vậy có bao nhiêu người hiểu đúng và cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của một nền tâm linh Việt Nam ?
Tâm linh được định nghĩa…
Theo Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh năm 1932, « tâm linh » là « trí tuệ tự có bên trong lòng người », và tương đương với từ tiếng Pháp « intelligence ».
Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học được in năm 2006, “tâm linh” có hai nghĩa: “1/ tâm hồn, tinh thần; 2/ khả năng biết trước một biến cố nào đó sẽ xảy ra đối với mình, theo quan niệm duy tâm”.
Theo từ điển Larousse, từ « spiritualité » được hiểu trước hết là những gì thuộc về tinh thần, là những gì không không thuộc về vật chất; sau đó là nghĩa thuộc về tôn giáo.
Theo Tiến sĩ Alain Boudet, tâm linh cần được hiểu độc lập với các nghĩa tôn giáo, tín ngưỡng, vì đó là một chức năng sống hết sức tự nhiên của con người.
Theo đó, ý nghĩa đầu tiên và cơ bản nhất của « tâm linh » có thể được hiểu là những gì thuộc về tâm hồn, tinh thần xuất phát từ con người, từ nhận thức và trí tuệ của con người đối với những gì nằm ngoài khái niệm vật chất.
Trong từ « tâm linh » có « tâm » và « linh ». Nếu như « tâm » cho ta thấy mối quan hệ chặt chẽ với thế giới tinh thần – nội tâm của con người, thì từ « linh » chính là cách con người nhìn nhận thế giới : những gì được chúng ta công nhận là linh thiêng, tinh anh của tự nhiên đều sẽ thành một lực sống song song cùng con người. Theo từ điển Hán-Việt Thiều Chửu, « linh » là khí tinh anh của khí âm, « thần » là khí tinh anh của khí dương, vậy « thần linh » là khí tinh anh của hai khí âm-dương của trời đất để cân bằng tự nhiên. Vì là khí tinh anh nên từ đó mới có uy linh của cái thiêng liêng tự nhiên tạo ra khái niệm « hồn thiêng sông núi ».
Hiểu đúng từ « tâm linh dân tộc », chúng ta sẽ cảm động khi nghĩ về niềm tin thiêng liêng dành cho nguồn cội « con Rồng cháu Tiên », dành cho đất Mẹ với rừng, núi, đất nước luôn sống cùng dân Việt, dành cho Đức Thánh cha Trần Hưng Đạo, cho Tứ bất tử, cho những anh hùng dân tộc được người dân một lòng phong thánh và ngưỡng mộ, dành cho các lễ hội, phong tục, danh lam thắng cảnh mang đậm hồn Việt…
Chính « tâm linh » đã tạo hồn thơ và sức mạnh tư tưởng trong giọng đọc hôm nào bên sông Như Nguyệt để đội quân Lý Thường Kiệt đánh tan quân Tống, hay đã tạo khí chất uy linh trong « Hịch tướng sĩ », hay trong « Bình Ngô đại cáo » về một miền đất phương Nam đã ghi rõ trong sách trời và sông núi linh thiêng, cùng rất nhiều phong tục, thói quen văn hóa của người Việt từ xưa đến nay, trong đó có gia đình và các giá trị tinh thần khác tạo ra đạo đức và nhân cách của mỗi người.
Thông tin tham khảo cho chuyên đề:
- Ban tôn giáo chính phủ: http://btgcp.gov.vn
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam: http://vanhoa.gov.vn/
- Vietnam+: http://fr.vietnamplus.vn/
- Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng: http://www.noivu.danang.gov.vn/
- Nguyễn Đăng Duy, Văn hóa Tâm linh Nam bộ, NXB Hà Nội, 1997
- Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục, 2000.
- Lê Văn Siêu, Văn minh Đại Việt, NXB Thanh niên, 2004.
- Viện nghiên cứu tôn giáo – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam: http://vnctongiao.vass.gov.vn/
- Cục Văn hóa cơ sở: http://vhttcs.org.vn
Đoàn kết số 9 năm 2015