Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Ba đạo luật tối cao của Thượng Đế

      – Ngựa Hoang-

 Tiện nghi vật chất và cuộc sống hiện đại khiến con người lãng quên, xa rời gốc gác tự nhiên linh thiêng của mình, rằng chúng ta là con của Đấng Tối cao.

Khi sáng tạo ra con người, do “quy mô quản lý” quá rộng lớn, mặt khác nhằm đảm bảo sự khác biệt, đa dạng của mỗi sinh linh, Thượng Đế đặt ra cho con người ba đạo luật mà con người dù muốn hay không, dù ý thức hay vô thức, đều phải tuân theo, đó là:

Luật Hấp dẫn, Luật Nhân quả và Luật Vô thường

Một điểm chung chứa đựng trong mọi tôn giáo là thừa nhận có một Đấng Sáng tạo, dưới những tên gọi khác nhau. Và những quy luật dưới đây đều được phản ánh trong tất cả các tôn giáo.

Luật Hấp dẫn

Luật Hấp dẫn quy định rằng, những suy nghĩ và cảm xúc sẽ tác động quyết định và tạo ra cuộc đời mỗi con người. Con người có thể trở thành bất cứ ai, làm bất cứ điều gì mà họ muốn. Rằng “khi bạn muốn đạt được điều gì đó, cả vũ trụ sẽ chung sức lại giúp bạn đạt được điều đó” (Nhà Giả Kim – Paulo Coelho).

Suy nghĩ con người có sức mạnh vô cùng to lớn. Tất cả những vĩ nhân từ cổ chí kim đều có những suy nghĩ khác người, sáng tạo, đột phá. Những suy nghĩ đó khác biệt, thậm chí đi ngược lại với suy nghĩ của đám đông cùng thời, như Einstein nói: “Những tinh thần vĩ đại luôn gặp sự phản đối mạnh mẽ từ những đầu óc bình thường”, nhưng họ vẫn kiên trì tin tưởng vào suy nghĩ của họ, và tạo ra những thành tựu xuất chúng từ những suy nghĩ độc đáo, khác lạ và niềm tin sắt đá vào những suy nghĩ đó.

Một cá nhân muốn hướng tới sự thành đạt trong sự nghiệp phải có một sự khát khao, một ước mơ nhất định. Và quan trọng nhất, phải biết vạch ra các kế hoạch, mục tiêu để cụ thể hóa ước mơ đó, và cuối cùng, cống hiến hết sức mình để thực hiện những kế hoạch và đạt được những mục tiêu đã vạch ra.

Hiện nay, khi thế giới bước vào nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, với lực đẩy từ sự bùng nổ của “công nghệ phản động” (công nghệ mới, trái ngược mới mọi công nghệ cùng loại trước đó) và sự tiếp cận kiến thức không giới hạn từ “đám mây kiến thức”, thì khả năng một cá nhân có thể tạo ra một sản phẩm, một xu hướng mới thay đổi thế giới trở nên khả thi và dễ dàng hơn bao giờ hết. Đó là Steve Jobs với những tuyệt phẩm Apple, là Mark Zuckerberg với Facebook, là Larry Page và Sergey Brin với Google. Và mọi thay đổi đều bắt đầu từ những suy nghĩ đột phá, từ những ước mơ của những kẻ vô danh ở bất cứ lãnh thổ nào trên “thế giới phẳng”.

Ở tầm quốc gia, một nhà lãnh đạo quốc gia có tài trước tiên phải là một nhà hoạch định có tầm nhìn, ấp ủ một giấc mơ cho dân tộc mình. Đó là G. Washington của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, Ben Gurion của nhà nước Do Thái, là Lý Quang Diệu của Singapore. Mỗi quốc gia trên đều có quá trình và cách thức phát triển của riêng mình, tuy nhiên, mấu chốt là tầm nhìn của nhà “khai quốc” và khả năng truyền đạt tầm nhìn của mình cho toàn thể đồng bào. Từ đó, toàn dân tộc đồng lòng hướng đến mục tiêu chung của quốc gia.

Nếu bạn chưa làm được điều vĩ đại, hãy làm việc bình thường theo cách của người vĩ đại.” (Shiv Khera)

Khái niệm “Luật Hấp dẫn” do bà Rhonda Byrne cùng nhóm đồng sự đưa ra, nội dung cốt lõi là suy nghĩ và cảm xúc tích cực sẽ giúp thay đổi cuộc sống của bạn.

Những nhân vật thành đạt, những tỷ phú trên thế giới đều có những điểm chung trong việc điều chỉnh thái độ, cảm xúc và tư duy bản thân. Đó là sự tập trung, tập luyện để có được thái độ và cảm xúc tích cực, loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, có những suy nghĩ sáng tạo và sự kiên trì thực hiện những ước mơ của mình. Đó chính là cách họ áp dụng Luật Hấp dẫn vào công việc và cuộc sống của mình. Trước khi muốn trở thành tỷ phú, bạn phải có tư duy tỷ phú trước tiên (1).

Việc nhận thức và làm theo Luật Hấp dẫn đã làm thay đổi cuộc sống hàng triệu người trên thế giới. Bằng cách điều chỉnh suy nghĩ, thái độ, cảm xúc và cách tư duy của bản thân, con người có thể tạo ra một cuộc đời viên mãn như ý muốn của mình. Thượng Đế tạo ra Luật Hấp dẫn để con người tự tạo nên cuộc đời của mình, và sau khi tạo nên cuộc đời, con người sẽ phải chịu trách nhiệm với mọi việc mình làm trong cuộc đời đó. Để điều chỉnh, Thượng Đế tiếp tục sáng tạo ra Luật Nhân quả.

Luật Nhân quả

Người ta thường nghĩ tới triết lý Phật giáo khi nhắc đến Luật Nhân quả. Thế nhưng, Phật giáo chỉ là tôn giáo nhấn mạnh quy luật này, các tôn giáo khác đều nhắc đến nó dưới các hình thức khác nhau. Như ở Thiên Chúa giáo, các tín đồ đều có niềm tin rằng khi sống một đời lương thiện, sau khi chết đi sẽ được lên thiên đàng. Sống lương thiện là nhân, lên thiên đàng là quả. Tương tự vậy với các triết lý và niềm tin từ các tôn giáo khác.

Nội dung cốt lõi của Luật Nhân quả, đó là “gieo nhân gì gặt quả ấy”, “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”… Nghĩa là mọi con người đều phải chịu trách nhiệm về mọi việc mình làm. Tất cả mọi thứ trên đời đều có nguyên nhân và tạo nghiệp quả nối tiếp. Đạo Phật dường như hơi lo xa khi nhắc đến nhân quả kiếp trước và kiếp sau, con người thời hiện đại lại thường chỉ nghĩ tới bản thân cũng như cuộc đời hiện hữu, do đó chỉ cần con người nhận thức và hành động theo lý thuyết nhân quả trong phạm vi “ba vạn sáu ngàn ngày” của cuộc đời họ cũng đủ tạo ra một xã hội bình an, hòa ái.

Đối với cá nhân, một người cần cù, kiên nhẫn và đầy nghị lực trong công việc, chắc chắc họ sẽ gặt được những thành tựu như ý. Còn một con người lười biếng, thích nói hơn làm, dễ nản chí sẽ khó thành công trong cuộc sống. Một con người hiền lành, thích giúp người, biết chia sẻ chắc chắn sẽ gặp nhiều điều tốt lành trong cuộc sống, hơn hết, đó là trong tâm họ cảm thấy tràn đầy sự yêu thương và bình an, từ đó thu hút những điều tốt đẹp (theo Luật Hấp dẫn).

Còn một con người sống chỉ biết bản thân, làm giàu bằng mọi thủ đoạn, bất chấp pháp luật và đạo đức, bất chấp mọi chuẩn mực và quyền lợi của người khác, của xã hội sẽ gặp nhiều bất trắc trong cuộc sống, dễ đánh mất nhiều thứ quan trọng hơn như sức khỏe, hạnh phúc… Lý thuyết trên đúng với mọi sự phát triển kinh tế, mọi hình thái xã hội.

Trên bình diện quốc gia, Luật Nhân quả cũng mang ý nghĩa tương tự như ở đời sống cá nhân. Một quốc gia chuyên gây xung đột, can thiệp quân sự với các mục đích khác nhau, chắc chắn tạo nên hiềm khích, sinh ra bất ổn xã hội nội tại cũng như nạn khủng bố hoành hành triền miên.

Một quốc gia chỉ biết bán tài nguyên bù đắp cho mục tiêu tăng trưởng GDP, vay nợ công, tham nhũng tràn lan… chắc chắn sẽ tạo nên sự suy kiệt tài nguyên, sự phụ thuộc kinh tế và chính trị cũng như nguy cơ vỡ nợ nhãn tiền. Một nền kinh tế phát triển bất chấp sự ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, đến dân sinh chắc chắn dẫn đến ô nhiễm môi trường, lũ lụt, hạn hán cũng như nhiều vấn đề xã hội phức tạp khác.

Ngược lại, nếu một quốc gia, mặc dù không được thiên nhiên ưu đãi ban cho nhiều tài nguyên, nhưng biết đầu tư vào các “tài sản mềm” như nguồn lực con người, thương hiệu quốc gia, tận dụng tốt sự phát triển khoa học công nghệ, biến các khó khăn thành lợi thế cùng với việc hoạch định các chính sách phát triển quốc gia đúng đắn, chắc chắn sẽ đạt được sự thịnh vượng bền vững (Singapore, Israel, Nhật Bản…).

Luật Vô thường

Khi đã đạt được mọi thứ nhờ ứng dụng Luật Hấp dẫn, Luật Nhân quả, Thượng đế sẽ lưu ý con người với Luật Vô thường.

Luật vô thường quy định rằng tất cả mọi thứ trên đời này đều không có gì tồn tại vĩnh hằng bất biến, mà sẽ thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh, xu thế. Đó là của cải, thời gian, sức khỏe, thành công, tình thân… Khi hiểu được Luật Vô thường, con người sẽ biết nhìn lại và trân trọng những gì mình đang có, từ đó sử dụng đúng mục đích hơn, cũng như giúp cho con người bình thản trước mọi mất mát trong cuộc đời.

Một cuộc đời thành công, theo Tiến sĩ Alan Phan, phải được xem xét trên 6 phương diện: sức khỏe, tinh thần, trí tuệ, tài chính, tâm linh và xã hội. Do đó, con người phải ứng xử để đạt được sự phát triển hài hòa trên cả 6 phương diện, sự phát triển của phương diện này không ảnh hưởng đến sự phát triển của phương diện kia. Hơn hết, có những thứ mất đi khó lòng lấy lại (như sức khỏe, tinh thần…), quán chiếu Luật Vô thường, con người sẽ phải học hỏi cách sắp xếp các thứ tự ưu tiên trong cuộc đời, đảm bảo hài hòa các mặt.

Khi quán chiếu Luật Vô thường, con người sẽ biết trân trọng mọi khoảnh khắc của cuộc sống, biết tiết kiệm thời gian, sử dụng thời gian cho những gì quan trọng nhất, cho những người quan trọng nhất và biết sống trọn vẹn mọi khoảnh khắc của cuộc sống.

Vì họ biết rằng, cuộc sống là thay đổi liên tục. Như lời Thầy Thích Nhất Hạnh, chúng ta phải luôn tâm niệm:

Happiness is here and now” (Hạnh phúc là ở đây và ngay bây giờ).

Hiểu được Luật Vô thường, con người sẽ biết chia sẻ hơn, biết thông cảm hơn, vì biết được rằng cuộc đời vốn hữu hạn, và do “Bạn kiếm sống từ những gì bạn nhận được từ người khác, bạn tạo nên cuộc đời từ những thứ cho đi” (Châm ngôn Ấn Độ).

Sự thịnh vượng của các quốc gia sẽ lung lay nếu các nhà lãnh đạo mỗi quốc gia không biết tìm ra những chính sách mới đối phó với sự phát triển, sự thay đổi, sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác cũng như xử lý những bất ổn nội tại, nâng cao cuộc sống người dân.

—o0o—

Luật Hấp dẫn tạo nền tảng cho Luật Nhân quả, và hai đạo luật này sẽ được hài hòa bởi Luật Vô thường. Luật Vô thường như một nốt trầm, nốt lặng giữa bản nhạc thang âm cuộc đời đầy đường nét.

Và dù chúng ta đang sống trong “thế giới phẳng”, dù thế giới có phát triển đến mức độ nào, thì ba đạo luật tối cao của Thượng đế sẽ luôn còn hiệu lực thi hành và Thượng đế sẽ thong thả ngắm nhìn nhân gian thực hiện chúng với một nụ cười. Hiểu và thực hiện theo 3 đạo luật trên của Thượng đế sẽ giúp con người sống một cuộc đời hài hòa, trọn vẹn như ý.

Tham khảo:(1)http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/ho-so/20140811/nhung-ti-phu-hanh-dong-theo-luat-hap-dan/641281.html