Site icon ĐOÀN KẾT – TỎA SÁNG: Chuyên trang thông tin sự kiện và bài viết văn hóa, cộng đồng

Nhìn ra thế giới

Gwennaël Cadet là một tác giả người Pháp chuyên tìm hiểu và viết về tâm linh thế giới. Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả báo Đoàn Kết bài tiếng Pháp,với phần lược dịch đại ý bằng tiếng Việt các thông tin về tâm linh thế giới, đặc biệt là phần cập nhật hiện nay về các tôn giáo mới ra đời của thế giới.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, cùng với những thông tin, số liệu do tác giả tìm hiểu. Những chú thích trong dấu ngoặc là của báo ĐK.

****

Nếu giảm thiểu tối đa các hoạt động của nhân loại trong hai hành động chính, có thể dễ dàng nhận định rằng : Con người nói và cầu nguyện. Trên thực tế, khoảng 95% thế giới tin vào một điều gì đó. Những tôn giáo đã tạo ra những niềm tin tâm linh khác nhau nhưng tựu chung là mọi người đều bình đẳng trước niềm tin.

Ngay cả 5% nhân loại còn lại, dù không có ý kiến gì, nhưng cũng tồn tại những dạng niềm tin nào đó, ví như liên quan đến cuộc sống ngoài vũ trụ hay khuynh hướng chuyển hóa năng lực con người ở cấp cao hơn.

Trí thông minh và ý thức của con người từ lâu vẫn là một câu hỏi thường trực, khó có ai có thể xem đó là một sự tình tình cờ của tạo hóa. Chính vì vậy, việc đi tìm kiếm nguồn gốc « thiêng liêng » của những năng lực này đã tạo ra thuyết nguồn gốc vũ trụ, thuyết giác ngộ và các Tôn giáo.

Tâm linh ra đời cùng với những câu hỏi về Đấng Sáng tạo ra thế giới này và cuộc sống con người, cũng như để giải thích những gì nằm ngoài năng lực hiểu biết của con người.

Cho đến cuộc cách mạng công nghiệp và khoa học vào thế kỷ 18 và 19, con người lại chuyển vào thời kỳ của lý trí.  Tuy nhiên, tình thế cũng chuyển ngược lại, vì khi quá muốn tầm thường hóa Thiên nhiên, xã hội hiện đại cũng khiến chúng ta phật ý vì hoài nghi về nguồn gốc thiêng liêng của con người.

Kỷ nguyên Verseau :

Năm 1937, khi Paul le Cour (1871-1954) phát hành quyển sách « Kỷ nguyên Verseau », lý thuyết về các chu kỳ chiêm tinh vốn được khởi xướng từ Charles-François Dupuis cũng từ đó trở thành phổ biến.

Chu kỳ này giải thích các thay đổi quan trọng của nhân loại liên quan đến vùng thiên cầu gồm 12 chòm sao mà Mặt trời phải đi qua trong 1 năm theo thời gian của trái đất. Ví dụ, thời các pharaons Ai Cập là kỷ nguyên Gémaux, sau đó là kỷ nguyên Taureau và những nền văn minh đa thần, cũng là thời đại của nông nghiệp và luyện kim. Cứ thế cho đến thời nay là kỷ nguyên Verseau, được dự đoán sẽ gắn với hòa bình và hòa hợp giữa con người (nhưng thời kỳ này rất dài, từ năm 1000 đến 4000 sau Công nguyên, và chúng ta chỉ mởi ở năm 2015).

Thời đại mới :

« New Age » – Thời đại mới là cách gọi của khuynh hướng tinh thần phổ biến nhất và đặc trưng của xã hội phương Tây trong thế kỷ 20 và 21 này. Định nghĩa khuynh hướng này có thể được hiểu là những tìm tòi mang tính cá nhân và rộng trong lĩnh vực tâm linh, từ đó góp phần vào sự thức tỉnh chung của nhân loại.

Nguyên nhân tạo ra khuynh hướng « New Age » là từ cuộc khủng hoảng về lý tưởng, tinh thần và cách phản kháng trước sự bành trướng của công nghiệp và chủ nghĩa tiêu thụ trong xã hội hiện đại. Sự trở về với tinh thần này, đối với một số người là tôn giáo, và đối với những người khác là hành trình đi tìm nội tâm của mình vượt qua những giới hạn.

Chính vì mục đích đi tìm lại chính mình, và tinh thần chiết trung thời đại mới (khác với tinh thần chiết trung cổ điển) và đại đồng đương đại (tiếp nhận cởi mở nhiều lĩnh vực khác nhau theo cách của thời đại – ví dụ : Kitaro là nhạc sĩ của dòng nhạc New Age khi kết hợp nhiều nhạc cụ và cách thức chơi nhạc của cả phương Đông và phương Tây để tạo ra những bài nhạc Thời đại mới), do đó hành trình « đi về Phương Đông » là tất yếu vì đó là mảnh đất của triết học tinh thần.

Sau khuynh hướng đối với Ấn Độ là đường đi về phía Trung Quốc (Khí công, Thái cực quyền, Đông y) và phía Nhật bản (Thiền, Năng lượng địa sinh học Reiki, Shiatsu,…). Những khuynh hướng tinh thần chính yếu đang phát triển hiện nay trong Thời đại mới :

– Tìm hiểu về thế giới vô hình

– Phát triển khả năng và tiềm năng bản thân

– Triết lý về thiên nhiên

– Chủ nghĩa đa thần cổ xưa, huyền thoại

– Chủ đề liên quan đến sự lên ngôi của Thời đại mới

NHỮNG TÔN GIÁO MỚI HOẶC ĐƯỢC TÁI SINH 

1. Chủ nghĩa tâm linh : với 2,5 triệu tín đồ trên thế giới.

Ở châu Âu, chủ nghĩa tâm linh này vẫn còn là thiểu số.

Ở Pháp, cả nước chỉ có khoảng hai mươi trung tâm của tín ngưỡng mới này dù người sáng lập của Chủ nghĩa tâm linh là Allan Kardec đã chọn an nghỉ ở nghĩa trang nổi tiếng Père-Lachaise và mộ ông luôn phủ đầy hoa tươi. Ở nước Anh có hơn 60 nhà thờ theo chủ nghĩa tâm linh.

Nhưng tình hình ở Brasil thì lại khác, đúng như nhà sử học Peter Winn nói : « hầu hết người Brasil có thể tự nhận là theo đạo Chúa, nhưng tôn giáo thật sự của Brasil mới chính là chủ nghĩa tâm linh ».

2. Tôn giáo Wicca : với khoảng 1 triệu người theo. Đây là tôn giáo do Gerald Gardner và Margaret Murray tạo ra từ việc kết hợp, chỉnh sửa nhiều yếu tố được chọn;

Những tín đồ của tôn giáo Wicca theo thờ thiên nhiên, và thỉnh thoảng có dùng bùa phép.

Nước Mỹ là nơi phát triển mạnh mẽ của tôn giáo Wicca, chỉ trong 10 năm từ 1990 đến 2001, tỉ lệ phát triển mỗi năm của tôn giáo này là 143%. Hiện tượng này cũng tương tự ở các nước nói tiếng Anh (Canada, Úc và Anh). Có thể nói rằng hiện ở nước Mỹ, tôn giáo Wicca là tôn giáo có sự phát triển mạnh hơn cả Phật giáo.

3.Những tôn giáo mới ở Đông Á : với khoảng 10 triệu tín đồ. Những tín ngưỡng mới không chỉ có ở châu Âu và Mỹ. Như ở Nhật, những giáo phái mới từ gốc đạo Shinto hay đạo Phật đều có số lượng tín đồ ấn tượng. Trong số những tôn giáo mới ở vùng Đông Á phát triển mạnh, cũng phải nói đến đạo Cao Đài, được thành lập năm 1921 ở Việt Nam và tôn giáo Cheondoïsme ở Hàn Quốc, được sáng lập ra trong thế kỷ 20.

4.Đạo đa thần cổ xưa 

Sự tiến hóa của phong tục và mối quan tâm quay trở lại đối với những vị thần cổ xưa, điều này đã giúp hồi phục lại những đạo thờ mang tính chất dân tộc học-tôn giáo. Như đạo của người celtes cổ xưa đã được chính thức công nhân là tôn giáo ở Vương quốc Anh vào ngày 2/10/2010, và có khoảng 10 ngàn tín độ. Hoặc đạo thờ Ásatrú hiện đã có chính thức 5500 tín đồ trên toàn thế giới.

Báo Đoàn Kết số tháng 9 năm 2015