Nhím ơi, Nhím à,
Thế là đã sang năm thứ hai Nhím sẽ đi đón Tết Việt Nam ở Pavillon Baltard và thoắt cái đã năm năm, ba mẹ chưa đón Tết ở quê hương.
Cái khí trời se lạnh, cộng với sự yên ả của Paris, những trang hoàng đèn lồng, câu đối, các sản phẩm Tết châu Á tại siêu thị, rồi nào ảnh, nào video trên mạng… làm mẹ thèm nhớ Tết thuở thơ bé quá ! Khi ấy, mẹ cũng được bà ngoại yêu chiều, cưng nựng như mẹ đang chăm sóc em bây giờ. Chỉ tiếc là dù mẹ có tỉ tê tâm sự với Nhím thì em cũng không thể hiểu và hình dung được hết những điều mà ba mẹ đã trải qua, và khắc ghi như một phần hồn tuổi thơ bé.
Nhắc đến Tết của khoảng 30 năm về trước của ba mẹ, mẹ nhớ đầu tiên là những bài hát xuân được phát trên loa phát thanh của huyện, nào là những bản tin, thông báo lịch họp chợ Tết, thông báo cấm đốt pháo hoa… Những buổi xế chiều, khi hoàng hôn rực đỏ chân trời, khói bếp quện mùi rơm rạ, mùi củi khô và mùi cơm mới, trời chạng vạng tối, ngồi bên thềm nhà nghe những bài hát ghi dấu lịch sử dân tộc như : Một mùa xuân nho nhỏ, làng lúa làng hoa, du xuân… sao thấy vui tươi và lắng đọng, thứ cảm giác thật khó diễn tả. Nhưng thời gian như trôi chậm lại, dù chẳng hiểu hết câu từ nhưng giai điệu nhạc lặp đi lặp lại mỗi dịp Tết đến xuân về tạo thành một thói quen mỗi độ cuối năm, đến độ nghĩ đến Tết là mẹ nghĩ đến đầu tiên là các giai điệu ấy, nếu thiếu vắng thì cảm thấy Tết vẫn chưa đến bên hiên nhà.
Giống như dịp Noel và cuối năm tại Pháp, thì ở quê mình đông vui, nhộn nhịp và đủ các sắc màu, sản phẩm, đó chính là phiên chợ cuối năm. Phiên chợ sáng thì đắt hàng nhất là các thứ quà sáng như xôi, như trứng vịt lộn, bánh bao, hoặc hàng thịt cá, hàng rau củ, trái cây. Phiên chợ chiều thì đắt khách nhất là những quầy hàng bán đồ trang trí Tết, bánh kẹo, quần áo… Các bà thường đi chợ từ tờ mờ sáng, các mẹ thường đi chợ chiều, tranh thủ sau giờ tan sở, để về còn lo bữa cơm chiều, rồi dọn dẹp nhà cửa. Các ông thì tập hợp nhau chặt tre, đi treo đèn lồng khắp đường phố. Đến cuối vụ, các ông tỉa tót hoa xuân, hãm cho hoa đào hoa mai không ra hoa quá sớm Trước Tết, bọc các cây quất để chuẩn bị mang đi đến các phiên chợ giáp Tết để bán. Lũ trẻ con thì chẳng có nhiều điều kiện để có các món đồ chơi đắt tiền, nhưng cũng chẳng thiếu thốn trò chơi. Cả xóm kéo nhau ra sân đình, nào ô ăn quan, nào ném lon, nào chơi chuyền, chơi bi… Nghĩ thấy sao mà vui thế. Thật tuyệt vời khi khoảng sân nhỏ bé thôi nhưng ghi dấu tuổi thơ vào tâm thức bao thế hệ sinh ra từ làng như ba, như mẹ, em ạ.
Cánh đồng lúa thì thẳng cánh cò bay, khi đó, nếu mà ruộng khô thì đám trẻ lại kéo nhau chạy rượt ngoài đồng, đồng mà đã vào nước chờ gieo mạ thì cả lũ nghịch bắt nòng nọc, cá con… Nếu không thì cây cỏ cũng thành trò chơi, búp tre non cũng thành vòng hay khuyên tai, hoa dại cũng được tết thành vương miện. Cải cúc đã già, nở hoa vàng tươi cũng thành bó hoa duyên dáng…
Cái Tết xưa thật xưa mất rồi, khi ấy tiền vẫn chưa mất giá, thì bao lì xì đơn sơ, dẫu bên trong chỉ có 2000 đồng, 5000 đồng hay chỉ 500 đồng, 200 đồng thì cũng là điều gì đó thật oai. Oai là vì đám trẻ con chỉ cần đếm phong bao lì xì thôi, chứ ruột bên trong các bà, các mẹ đã cất giúp rồi. Qùa biếu Tết thì bình dị rất đỗi, chỉ là tấm bánh chưng, bánh gấc, bánh gai nhà tự gói, hoặc gói đường, gói bột ngọt, tấm áo mới cả năm trời đám trẻ con mong ngóng…
Khi tiêu chuẩn của cuộc sống giản dị hơn, giá trị vật chất xếp sau giá trị tinh thần, thì sự an yên lắng sâu và ghi dấu thật đậm nét. Trong chộn rộn cảm xúc, ngoài tiếc nhớ, hoài niệm, mẹ cũng thấy chới với nữa em ạ. Ở nơi xa Việt Nam cả nửa vòng trái đất, không có ông bà, xóm làng xưa cũ ấy, khi Tết ta không trùng với Tết tây, thì việc xây dựng, giữ gìn và nuôi dưỡng trong con những ký ức, kỷ niệm về Tết thấy cũng gian nan.
Năm nay Tết không nhằm ngày cuối tuần, nên tranh thủ dịp cuối tuần trước Tết, ba mẹ và các cô chú người Việt cố gắng gặp gỡ nhau. Mọi người cùng chuẩn bị mâm cơm truyền thống, gói và canh nồi bánh chưng, cùng mặc áo dài, trang trí nhà bằng quất, bằng hoa đào, hoa mai vàng và giữ tục lì xì đầu năm để các con được vui chơi, nói tiếng Việt, hòa cùng không khí Việt…
Mẹ cũng hơi giật mình, khi thấy các bạn nhỏ giao tiếp với nhau lưu loát bằng tiếng Pháp, chẳng những thế, trong cuộc trò chuyện ngô nghê của mình, các anh chị lớn đã biết tranh luận về ngày Tết, rằng chúng ta đang đón Tết theo người Trung Quốc hay Tết Việt Nam…
Mẹ cũng nhiều nghĩ suy, khi thấy ảnh đại gia đình quây quần, nhưng thời khắc đó không có nhà ta. Rồi những lần con gặp bạn bè Việt Nam là quá ít, mà giữ gìn văn hóa, là tạo cộng đồng và xây dựng, nuôi dưỡng những thói quen cho con, từ ngôn ngữ đến nếp sinh hoạt ….
Nghĩ ngợi mông lung là vậy, nhưng nhìn con hào hứng chọn áo dài để mặc này, con xin ăn bánh chưng này, con thích thú nhìn các bao lì xì, rồi con hồ hởi ôm hôn khi gặp các bạn bè Việt, là mẹ lại thấy hạnh phúc, đáng yêu vô cùng. Sự hồn nhiên, ngây thơ ấy giúp ba mẹ nhìn thấy lại được hình ảnh xưa cũ của chính mình.
Dù chỉ gặp nhau vào các cuối tuần, nhưng con vẫn nhớ và mong gặp lại các bạn bè, rồi lại ríu rít kể về các bạn, như những anh em mến thân. Những khoảnh khắc ấy, mẹ bỗng thấy lòng dịu lại, bớt chông chênh hơn. Ít nhất là khi biết được về những điều bị thiếu hụt, chúng ta lại cố gắng để tự tạo nên, mô phỏng lại, cố gắng bù đắp và nuôi dưỡng cảm xúc để tạo dựng ký ức tuổi thơ đẹp về Việt Nam trong con.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn là vẫn và sẽ luôn có những khoảng thời gian như thế, khi chúng ta ở bên nhau, và làm những điều thú vị cùng nhau… Em nhỉ !
Yến Lê